Lù A Dờ - "Người dẫn đường" ở Khe Táu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/10/2021 | 1:47:39 PM

YênBái - “Nhìn về phía sau, bản Mông đã bước qua vùng tối, con đường trước mắt là một khoảng sáng thênh thang. Sáng lên rồi, bản Mông mình hôm nay!” - Câu nói chứa đựng biết bao nhiêu niềm vui, phấn khởi của đồng bào Mông thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên trước sự đổi thay toàn diện của cuộc sống khi có Bí thư Chi bộ Lù A Dờ - người dẫn đường đổi mới, đưa nếp sống văn minh, sự phát triển về với bản.

Bí thư Lù A Dờ (áo đen) và lãnh đạo xã trao đổi ,hướng dân đồng bào Mông canh tác lúa nước.
Bí thư Lù A Dờ (áo đen) và lãnh đạo xã trao đổi ,hướng dân đồng bào Mông canh tác lúa nước.


Mạnh dạn chuyển đổi canh tác

Năm 2012, khi mới 27 tuổi, Lù A Dờ được Đảng ủy xã tín nhiệm, chỉ định làm Bí thư Chi bộ thôn, rồi kiêm nhiệm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã. Bí thư Chi bộ trẻ tuổi đã luôn cố gắng và làm được những điều mà lâu nay người Mông chưa làm được. Đó là vận động đồng bào tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, không du canh du cư. Bí thư Chi bộ Lù A Dờ chưa bao giờ quên thời điểm năm 1997, từ bản Làng Giàng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, có một nhóm gồm 17 hộ đồng bào người Mông di cư sang khu vực thôn Khe Táu. Không tài sản, không ruộng nước, không đồi rừng, đồng nghĩa có quá nhiều khó khăn với những hộ này. 

Suy nghĩ tìm cách ổn định cuộc sống cho đồng bào, không muốn họ cứ tiếp tục phải du canh du cư, việc đầu tiên Bí thư Dờ kiến nghị với cấp ủy, chính quyền xã là cho phép các hộ dân được khai hoang ruộng nước, mở đường để thuận lợi đi lại. 

Khai hoang ruộng nước cũng là cả một câu chuyện dài và khó. Khó là bởi người Mông vẫn chỉ quen với việc phát rừng làm nương rẫy chứ đã biết cấy lúa nước là thế nào. Mấy tháng trời vận động rồi nhờ cán bộ xã giúp đỡ, đem lúa giống đến dạy cách ngâm ủ, gieo mạ, cấy lúa song đồng bào cũng chỉ "nghe cho vui" mà không làm nên Bí thư Dờ cùng cán bộ huyện, xã phải tự làm lấy. 

Ấy thế mà đâu đã êm xuôi! Lúa cấy hôm trước, hôm sau bà con tháo nước, nhổ lúa. Cái lý của đồng bào là: "Cây lúa trồng xuống nước thế kia thì không thể có thóc mà ăn được đâu”. Việc của bà con cứ kệ, việc mình, mình cứ làm: "Bỏ qua mọi lời bàn tán, một mặt xác định phải tích cực tuyên truyền, vận động để bà con thấy hiệu quả cây lúa nước mang lại, mặt khác tôi cần mẫn canh tác theo đúng hướng dẫn và quyết tâm làm bằng được” là quan điểm của Bí thư Dờ.

Sau hơn ba tháng, cây lúa nước cho thu hoạch. Bà con tận mắt thấy cây lúa trồng xuống nước mà có bông có hạt thật, lại còn cho năng suất cao hơn cả lúa nương. Thế là từ mấy trăm mét ruộng lúa nước đầu tiên của Bí thư Dờ, đồng bào đã nghe anh bắt đầu khai hoang, dẫn nước về cấy lúa. 

Từ vài trăm mét vuông ruộng nước ngày đó, nay cả thôn đã có 26 ha lúa nước, trong đó có hơn 20 ha lúa nước 2 vụ. Ngoài cây lúa, thôn hiện có 36 ha ngô. 

Chuyện thiếu ăn đã qua rồi, người Mông Khe Táu đã no đủ. Chưa giàu đâu nhưng so với cuộc sống khi xưa thì có thể nói là một "cuộc cách mạng lớn” về nhận thức, tư duy để đổi thay cuộc sống của đồng bào Mông nơi này. 

Đúng như niềm vui của anh Tráng Là Thào: "Trước chúng tôi làm lúa nương mà chỉ làm 1 vụ nên không đủ ăn. Từ ngày được Bí thư Dờ hướng dẫn, chúng tôi làm lúa nước 2 vụ, trồng giống lúa mới năng suất cao nên không lo cái ăn nữa, lại còn có thóc bán lấy tiền mua ti vi, xe máy”.

Xóa bỏ tập quán lạc hậu

Nhiều hủ tục làm cho chính cuộc sống của đồng bào trở nên khó khăn hơn. Thách cưới là một hủ tục lâu đời, là thách thức lớn khiến Bí thư Dờ phải nhiều đêm trăn trở. Tiền thách cưới 20 - 30 triệu đồng, rồi còn phải có trâu, lợn, gà, rượu, bạc trắng, tính ra một lễ cưới đi tong cả 60 - 70 triệu đồng, trong khi có nhà phải lo ăn từng bữa, lấy đâu để lo việc cả đời cho con đến tuổi dựng vợ gả chồng. 

Tại các buổi sinh hoạt chi bộ, Bí thư Lù A Dờ đưa ra yêu cầu các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu, đến tận từng nhà tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nhận thức. Chi bộ thôn xây dựng nghị quyết về việc xóa bỏ hủ tục này. Nghị quyết có rồi đấy nhưng để thành hiện thực cũng gian nan chả kém gì việc vận động cấy lúa nước ở trên. Bí thư Dờ kể: "Quyết phải làm bằng được và làm thành công nghị quyết của Chi bộ thôn, tôi kê ra danh sách, đến từng nhà xem cụ thể nhà nào có con đến tuổi lấy vợ lấy chồng, nhà nào có người già yếu để có kế hoạch vận động bỏ hủ tục thách cưới, bỏ hủ tục tang ma”. 

"Mưa dầm thấm đất", nhờ nỗ lực của Bí thư Dờ, đến nay ở Khe Táu, đồng bào Mông không còn thách cưới, không còn hủ tục trong tang ma, không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

Ông Tráng Là Dao cho hay: "Bây giờ, chúng tôi đã thay đổi suy nghĩ và bỏ hủ tục thách cưới rồi, không như trước nữa đâu. Lấy con dâu, gả con gái không lấy tiền bạc trắng, không thách cưới nhiều tiền, thay đổi để mọi nhà cũng đỡ phải lo lắng. Đám cưới ở bản giờ vui lắm! Làm theo Bí thư Dờ, làm theo Đảng, Nhà nước là bà con có cuộc sống tốt hơn!”.

Bí thư Dờ cũng đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, nhất là Công an xã tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật ngay tại các buổi họp chi bộ, họp thôn, họp "Nhóm người Mông tự quản”, trong các lễ hội của đồng bào. 

Qua mỗi lần như thế, đồng bào có thêm hiểu biết, nhận thức để cảnh giác, phòng ngừa đấu tranh tố giác tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, xây dựng mối quan hệ gắn bó trong cộng đồng. Đồng bào cũng có ý thức hơn đối với việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy ước, hương ước của xã, của thôn. 

"Nhóm người Mông tự quản” cũng là đề xuất của Bí thư Chi bộ Lù A Dờ với cấp ủy, chính quyền xã Phong Dụ Thượng để thành lập và ra mắt nhằm xây dựng mối đoàn kết, sự tham gia tích cực của cộng đồng người Mông trong việc tuyên truyền, vận động các gia đình xây dựng đời sống văn hóa mới. 

Có nội quy, quy chế của dân tộc Mông đồng thời thôn tổ chức cho các nhóm, các họ ký giao ước thi đua thực hiện tốt quy chế, quy ước của địa phương, của thôn, của dân tộc Mông. 

"Từ khi có "Nhóm người Mông tự quản”, chúng tôi đoàn kết hơn, cùng nhau thi đua lao động sản xuất, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và mê tín dị đoan, cam kết không vi phạm pháp luật” - ông Lù A Chờ phấn khởi khẳng định.

Phát triển du lịch sinh thái

Ngắm nhìn những ngọn núi "cõng” trên mình những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ nhờ bàn tay lao động của người Mông Khe Táu tạo nên, mong muốn phát huy tiềm năng, thế mạnh ấy để phát triển du lịch cộng đồng, Bí thư Dờ tích cực phối hợp cùng chính quyền khảo sát nhiều mô hình du lịch cộng đồng tại thôn, trong đó có quần thể ruộng bậc thang để thu hút du khách. 

Phải làm tốt, phải nêu gương trong suy nghĩ, trong hành động để đảng viên, nhân dân tin tưởng, gia đình Bí thư Dờ đã nêu cao tinh thần gương mẫu. 

Quý từng tấc đất cho mình hạt gạo, hạt ngô nên việc vận động đồng bào hiến đất, đồng ý giải phóng mặt bằng để mở đường, xây dựng thêm các công trình phụ trợ cho quần thể ruộng bậc thang không phải dễ dàng. 

Có được sự chấp thuận và đồng thuận của người dân là nỗ lực lớn của cả tập thể Chi bộ Khe Táu, trong đó có Bí thư Dờ: "Tôi đã cùng Chi ủy, Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận thôn tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân về chủ trương, đề án xây dựng điểm du lịch sinh thái cộng đồng ruộng bậc thang Khe Táu gắn với các điểm du lịch sinh thái cộng đồng của xã. Chi bộ, thôn cũng thường xuyên thông tin từng hạng mục một cách công khai, minh bạch, cụ thể để người dân hiểu rõ”. 

Đến nay, bà con Khe Táu đã tích cực tham gia bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Hiểu rõ cái lợi của việc phát triển du lịch cộng đồng, của quá trình xây dựng nông thôn mới, đồng bào đã tự nguyện đóng góp công sức, tài sản. 

Bí thư Dờ cũng khéo léo kết hợp và lan tỏa hiệu quả của phong trào "Ngày thứ Bảy cùng dân” để huy động sức dân tu sửa, mở rộng hệ thống đường giao thông, khai hoang thêm diện tích ruộng bậc thang. 


Công trình ruộng bậc thang thôn Khe Táu hôm nay mang vẻ đẹp kỳ vĩ, đem ẫm no cho đồng bào là kết quả tâm sức của Bí thư Lù A Dờ . Ảnh: Thanh Miền

Anh Tráng Nủ Chay tin tưởng: "Làm theo Bí thư Dờ, thấy được nhiều cái tốt khi phát triển du lịch, tôi đã hiến 400m2 đất ruộng để mở rộng đường dẫn lên quần thể ruộng bậc thang, tham gia nhiều ngày công lao động mở đường”. 

Hay như anh Lù A Sành - người tiên phong khai hoang, chăm sóc lúa trong quần thể ruộng bậc thang chia sẻ: "Tôi luôn ủng hộ các hoạt động, phong trào của thôn vì Bí thư Dờ nói được là làm được. Tôi tin Khe Táu sẽ có nhiều du khách tìm đến. Gia đình tôi và các hộ khác rất phấn khởi khi tham gia khai hoang để tạo nên những thửa ruộng bậc thang mâm xôi đẹp!”. 

Bí thư Dờ cũng tích cực cùng địa phương vận động nhân dân trong thôn chỉnh trang nhà ở, trồng thêm các loại cây ăn quả phù hợp với khí hậu, chủ lực là cây mận, để phát triển kinh tế, tạo sản phẩm đặc trưng, xây dựng cảnh quan thiên nhiên và cuộc sống xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc. Niềm vui lớn khi tỷ lệ hộ nghèo của Khe Táu ngày càng giảm mạnh, đến nay chỉ còn 11 hộ nghèo, chiếm 14%.

Cuộc sống mới ở bản Mông Khe Táu tiếp nối những mùa vàng no ấm của quần thể ruộng bậc thang được tạo nên bởi tinh thần đoàn kết, nỗ lực không ngừng của chính đồng bào Khe Táu và có người luôn tiên phong dẫn đường, chỉ lối: Bí thư Chi bộ Lù A Dờ. 

Mỹ Vân - Thu Nhài (Tác phẩm dự thi Giải Búa liềm vàng năm 2021)

Tags Văn Yên Bí thư Chi bộ Lù A Dờ Phong Dụ Thượng bản Mông

Các tin khác
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thuận chăm sóc dê.

Từ hai tay trắng, ông Nguyễn Văn Thuận ở thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên đã biến rừng hoang thành rừng quế xanh vút tầm mắt có trị giá hiện tại khoảng 15 tỷ đồng. Ngoài ra, ông nuôi lợn đen, gà đen, dê dưới tán quế theo hướng thực phẩm sạch, an toàn, hữu cơ…; mỗi năm trừ chi phí còn lãi từ 200 - 250 triệu đồng.

Đại úy Vương Xuân Cảnh (ngoài cùng bên trái) đồng hành cùng Chi đoàn Cảnh sát nhân dân I - Đoàn thanh niên Công an tỉnh trong hoạt động xung kích, tình nguyện.

Giải thưởng Lý Tự Trọng là giải thưởng cao quý nhất của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhằm vinh danh những cán bộ Đoàn tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động và công tác, có nhiều cống hiến trong công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi. Năm nay, 1 trong 3 gương mặt thanh niên tiêu biểu của tỉnh Yên Bái được nhận giải thưởng cao quý này là Đại úy Vương Xuân Cảnh - Bí thư Chi đoàn Cảnh sát nhân dân I, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Yên Bái - .

Anh Đinh Xuân Chinh (người ngồi bên phải) giới thiệu cách sơ chế quế ống điếu.

Đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Đinh Xuân Chinh, 48 tuổi ở thôn Đá Khánh, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên chúng tôi không khỏi bất ngờ trước ngôi nhà sàn rộng rãi, khang trang, sạch đẹp với diện tích gần 200 m2.

Chị Hà Thị Mai - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ và Chăn nuôi xã Quy Mông kiểm tra chất lượng mô hình chăn nuôi gà Hải Đồi.

Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, luôn gần gũi hội viên, bám sát cơ sở, chị Hà Thị Mai nhận thấy, việc được tiếp cận với những kiến thức mới trong sản xuất, kinh doanh, tìm hướng đi cho đầu ra của sản phẩm và liên kết chặt chẽ là chìa khóa để giúp chị em vươn lên làm chủ kinh tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục