Đinh Xuân Chinh - người giỏi ở Đá Khánh

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/9/2021 | 11:11:56 AM

YênBái - Đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Đinh Xuân Chinh, 48 tuổi ở thôn Đá Khánh, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên chúng tôi không khỏi bất ngờ trước ngôi nhà sàn rộng rãi, khang trang, sạch đẹp với diện tích gần 200 m2.

Anh Đinh Xuân Chinh (người ngồi bên phải) giới thiệu cách sơ chế quế ống điếu.
Anh Đinh Xuân Chinh (người ngồi bên phải) giới thiệu cách sơ chế quế ống điếu.

Bên cạnh là vườn cây ăn quả, ao cá và chuồng trại chăn nuôi lợn được quy hoạch gọn gàng, tất cả được bao bọc bởi màu xanh trùng điệp của rừng kinh tế với quế, keo. 

Anh Chinh chia sẻ: "Xuất thân từ gia đình nông dân, năm 21 tuổi sau khi xây dựng gia đình, bố mẹ cho vợ chồng tôi ra ở riêng tại thôn Đá Khánh và cuộc sống khi ấy là những ngày dài hết sức khó khăn. Đến năm 2001, khi Nhà nước tiếp tục thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho nông dân, nhận thấy cơ hội hiếm có, vợ chồng tôi đăng ký và xin nhận được hơn 7 ha để trồng rừng kết hợp chăn nuôi lấy ngắn nuôi dài. Từ đó, cuộc sống gia đình dần được cải thiện, có đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống”. 

Được tổ chức Hội Nông dân tạo điều kiện cho vay vốn phát triển kinh tế, anh Chinh quy hoạch phân vùng trồng cây chủ yếu là cây quế, cây keo, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, gia đình anh tạo được mô hình kinh tế tổng hợp với 5 ha quế, 2 ha keo và hệ thống vườn rau, ao cá, chuồng trại chăn nuôi lợn, gà được quy hoạch khoa học, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đàn lợn của gia đình anh luôn đảm bảo 50 đầu lợn thịt và duy trì từ 5 - 7 con lợn nái để giữ nguồn giống tốt tự cung. 

Trung bình mỗi năm anh Chinh xuất bán 2 lứa lợn thịt đạt từ 9 - 10 tấn; tổng nguồn thu từ mô hình nuôi, trồng tổng hợp, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh Chinh thu về trên 200 triệu đồng/năm. 

Trong chăn nuôi, để chủ động và có được nguồn giống quế tốt, anh Chinh giữ lại một số cây quế cổ thụ hơn 20 năm tuổi, hàng năm thu hạt, làm vườn ươm, bán cây giống cho bà con trong vùng; trung bình mỗi năm anh xuất bán khoảng 10 vạn bầu quế giống. 

Năng động nắm bắt thị trường, từ năm 2010, anh Chinh còn tạo thêm điểm thu mua quế tươi của người dân trong xã rồi sơ chế bán cho thương lái, tạo thêm việc làm theo mùa vụ cho 5 lao động phổ thông. 

Anh Chinh chia sẻ thêm: "Những năm đầu trồng quế, chưa có kinh nghiệm nên mình trồng thưa, sau khi được học qua các lớp tập huấn kỹ thuật và tìm hiểu kinh nghiệm ở một số địa phương, sau này mình đã trồng mau hơn và từ sau 4 - 5 năm quế đã cho thu hoạch tỉa. Như thế, vừa tận dụng được diện tích lại cho nguồn thu cao hơn”.

Từ kinh nghiệm thực tiễn và thành công của mình, anh Chinh còn luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ về vốn cho một số hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, trong xã để cùng nhau phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên vận động người dân trong thôn Đá Khánh chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do các cấp hội phát động, đặc biệt là Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. 

Từ một hộ khó khăn, đến nay, gia đình anh Đinh Xuân Chinh đã trở thành hộ khá giàu ở địa phương và nhiều năm đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Với sự năng động, cần cù và tinh thần tự lực vươn lên, anh Đinh Xuân Chinh trở thành điển hình tiêu biểu trong Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, xứng đáng để mọi người học tập, noi theo.
Vũ Đồng

Các tin khác
Chị Hà Thị Mai - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ và Chăn nuôi xã Quy Mông kiểm tra chất lượng mô hình chăn nuôi gà Hải Đồi.

Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, luôn gần gũi hội viên, bám sát cơ sở, chị Hà Thị Mai nhận thấy, việc được tiếp cận với những kiến thức mới trong sản xuất, kinh doanh, tìm hướng đi cho đầu ra của sản phẩm và liên kết chặt chẽ là chìa khóa để giúp chị em vươn lên làm chủ kinh tế.

Ông Hà Văn Vĩnh phát tỉa, chăm sóc đồi quế.

Từ một hộ nghèo, ông Hà Văn Vĩnh, dân tộc Thái, thôn Bản Lằm, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn đã vươn lên trở thành hộ khá giả trong thôn với mô hình kinh tế đồi rừng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Hoàng Văn Nhất (đứng giữa) giới thiệu với lãnh đạo xã về chất lượng sản phẩm gạch ba vanh của gia đình.

Sau khi xuất ngũ, cựu chiến binh Hoàng Văn Nhất ở bản Có Thái, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trở thành tấm gương sáng cho mọi người dân học tập, noi theo.

Chị Trần Thị Hoàn Liên (bên phải) xuống cơ sở hướng dẫn bà con trồng dâu, nuôi tằm phát triển kinh tế.

Một cán bộ luôn nêu gương trong các hoạt động của Chi bộ và tập thể đơn vị, thực hiện tốt quyền hạn, nhiệm vụ được giao, luôn sâu sát, gắn bó với cơ sở, gần gũi với bà con nông dân, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ bà con nông dân đưa cây, con giống mới vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Người cán bộ mà chúng tôi muốn nói đến, đó là kỹ sư Trần Thị Hoàn Liên - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục