“Cô giáo” đặc biệt

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/11/2021 | 10:55:25 AM

YênBái - Tháng 11 - tháng tôn vinh nghề giáo, chúng tôi có dịp trò chuyện với một “cô giáo” đang giảng dạy những “học sinh” đặc biệt, trong môi trường cũng rất đặc biệt. Đó là Trung tá Dương Thị Thu Hà - Phó phân trại trưởng Phân trại Quản lý phạm nhân, Trại Tạm giam Công an tỉnh Yên Bái.

Trung tá Dương Thị Thu Hà trò chuyện với các nữ phạm nhân đang trong quá trình cải tạo.
Trung tá Dương Thị Thu Hà trò chuyện với các nữ phạm nhân đang trong quá trình cải tạo.

Chúng tôi ấn tượng với câu nói của chị Thu Hà: "Phạm nhân cũng là con người. Họ chỉ khác đã lầm đường, lạc lối, bị pháp luật trừng trị. Ngoài kỷ luật nghiêm minh, quy định khắt khe, chúng ta phải có tình thương và tinh thần trách nhiệm mới giúp họ sớm nhận ra lỗi lầm, cải tạo thật tốt để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm được về với gia đình, trở thành người lương thiện”.

Trung tá Hà công tác tại Trại Tạm giam, nơi mà số phạm nhân đang chấp hành án phạt tù không nhiều nhưng gần 100 phạm nhân cả nam và nữ trực thuộc Phân trại Quản lý phạm nhân đều là những tên tội phạm hình sự với các tội danh khác nhau với những thủ đoạn hết sức tinh vi nhằm trốn tránh pháp luật thì việc quản lý, giáo dục, hướng thiện cho họ thật không dễ. 

Nữ Trung tá quan niệm, nếu đã là chiến sĩ công an dù công tác ở đơn vị nghiệp vụ nào cũng khó khăn, vất vả và cả nguy hiểm nữa thì phải biết hy sinh, phải biết khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Từ những suy nghĩ ấy, với chức trách được giao trực tiếp thực hiện công tác giáo dục, chị Thu Hà đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chỉ huy đơn vị trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác, đặc biệt là chương trình, kế hoạch của đơn vị mình.

Tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ trong phân trại thực hiện nhiệm vụ quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân theo đúng quy định của pháp luật, nguyên tắc nghiệp vụ của ngành, quy trình công tác và sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám thị; đặc biệt là nắm bắt diễn biến tư tưởng của phạm nhân, giúp họ nhận thức rõ tội lỗi, yên tâm phấn đấu cải tạo và chấp hành đầy đủ nội quy, quy định. 

Theo Trung tá Hà, việc nắm bắt diễn biến tư tưởng của phạm nhân là yêu cầu bắt buộc và là nhiệm vụ quan trọng đối với cán bộ quản giáo, những hành vi vi phạm kỷ luật của phạm nhân, đặc biệt là những hành động tự sát, tự tử, bỏ trốn, phạm tội trong quá trình giam giữ… đều xuất phát từ tâm lý buồn chán, ân hận với những tội lỗi mà mình gây ra và cả những bức xúc giữa các phạm nhân trong quá trình cải tạo. Đôi khi chỉ là những lời động viên an ủi, những tâm sự, sẻ chia… sẽ giúp họ ổn định tâm lý để cải tạo tốt. 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo Phân trại đã tổ chức chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát công khai con người, phương tiện giam giữ, kiểm tra khu giam ban đêm…, phát hiện kịp thời những vi phạm như: cất giấu hoặc chế tạo các đồ vật có thể gây nguy hại cho sức khỏe và tính mạng của phạm nhân; thực hiện đầy đủ các chế độ đối với phạm nhân như ăn, ở, khám chữa bệnh, thi đua, khen thưởng, đặc xá. 

Xuất phát từ thực tiễn nhiều phạm nhân đang chấp hành án phạt tù có trình độ văn hóa thấp, có người còn không biết chữ, nói tiếng phổ thông rất kém…, chị Dương Thị Thu Hà đã tích cực trau dồi kiến thức, tìm tòi tài liệu để tư vấn, trợ giúp pháp lý, tâm lý, giáo dục công dân, kỹ năng sống, giá trị sống và chăm sóc sức khỏe cho các phạm nhân đang thi hành án, đặc biệt là những phạm nhân sắp mãn hạn tù và chuẩn bị được tha tù. 

Bên cạnh đó, Trung tá Dương Thị Thu Hà còn triển khai nhiều biện pháp nhằm động viên, khuyến khích phạm nhân hưởng ứng các phong trào thi đua cải tạo tốt, bởi theo chị, công tác thi đua được thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch, đúng quy định, được phạm nhân hăng hái tham gia sẽ là điều kiện cho phạm nhân sớm hoàn lương, là cơ hội rất lớn để được xét đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, sớm trở về với gia đình, người thân và cộng đồng xã hội để làm lại cuộc đời. 

Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng trong năm 2021, đã có 30 phạm nhân của Phân trại Quản lý phạm nhân được đặc xá, giảm án, tha tù về trước thời hạn. Các phạm nhân đều chấp hành nội quy, quy định nghiêm, cải tạo tốt, không có trường hợp chết, tự sát, bỏ trốn…

Có lẽ, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đồng chí Dương Thị Thu Hà và những cán bộ quản giáo đang công tác tại các trại giam sẽ không nhận được những bó hoa tươi thắm do những học sinh chúc mừng bởi họ là những "cô giáo” đặc biệt, giáo dục những "học sinh” đặc biệt, trong những "ngôi trường” đặc biệt. Phía sau bức tường xây cao, phía trên là dây thép gai sắc nhọn kia là cuộc sống tự do, những người như Trung tá Thu Hà phải hướng cho những con người lầm đường lạc lối trở về con đường thiện lành.

Lê Phiên

Tags Ngày nhà giáo Việt Nam Trung tá Dương Thị Thu Hà Trại Tạm giam Công an tỉnh khám chữa bệnh thi đua khen thưởng đặc xá

Các tin khác
Đại tá Đặng Hồng Đức - Giám đốc Công an tỉnh tặng hoa, chúc mừng thí sinh Hoàng Hải Dương.

Vượt qua 26 thí sinh, đoạt giải Nhất Hội thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2021 do Đảng bộ Công an tỉnh Yên Bái tổ chức, Trung tá Hoàng Hải Dương - Phó Giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh đang tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng cho Hội thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi tỉnh.

Giờ dạy đặc biệt với minh họa múa rối nước của cô giáo Trần Thị Bích Lệ.

Với sự tận tâm, yêu nghề, mến trẻ cô giáo Trần Thị Bích Lệ - Trường Mầm non Hoa Hồng, huyện Trấn Yên luôn được đồng nghiệp cũng như phụ huynh và học sinh yêu mến, quý trọng. Trong suốt quá trình công tác, cô giáo Lệ đã vượt khó vươn lên, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, chung sức cùng các đồng nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nhạc sĩ Dương Nhâm nổi tiếng nhờ sáng tác nhiều ca khúc về đề tài miền núi, biên cương.

Mỗi khi nói về đội ngũ những người sáng tác âm nhạc ở Yên Bái, nhiều người nhắc đến cái tên Dương Nhâm với một sự yêu mến và trân trọng. Bởi đã từ lâu, nhạc sĩ Dương Nhâm đã nổi tiếng qua các ca khúc về đề tài miền núi, biên cương, đặc biệt là những ca khúc viết về quê hương và những vùng đất mà ông đã trải nghiệm và gắn bó.

Xòe đã trở thành hoạt động thường xuyên trong các trường học trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ.

Gần 15 năm hoạt động, Nhóm bảo tồn tri thức bản địa thị xã Nghĩa Lộ đã tập hợp được đông đảo các nghệ nhân văn hóa dân gian, nghệ nhân ưu tú, những người nghiên cứu, am hiểu, yêu thích văn hóa dân tộc. Họ không những đóng góp công sức, tri thức, trí tuệ cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian mà còn là những người truyền dạy các giá trị văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục