Chuyện về nữ nhà giáo viết văn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/1/2022 | 7:43:46 AM

YênBái - Trong căn nhà nhỏ ở khu phố 3, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tôi đã gặp một người như thế: bà Bùi Kim Cúc - một giáo viên dạy Ngữ văn nhưng luôn coi sáng tác văn chương là cái “nghiệp” không thể tách rời với nghề dạy học.

Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng nhà giáo Bùi Kim Cúc vẫn miệt mài sáng tác văn chương.
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng nhà giáo Bùi Kim Cúc vẫn miệt mài sáng tác văn chương.

Sinh ra ở vùng quê lúa Thái Bình nhưng Bùi Kim Cúc lại gắn bó với Yên Bái từ những ngày còn thơ bé. Năm 1980, bà tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và trở thành cô giáo, công tác tại Văn Chấn. 

Năm 1984, bà chuyển công tác về Trường THPT Trần Nhật Duật, huyện Yên Bình. Vài năm sau, bà được kết nạp vào Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Từ đây, bên cạnh dạy học, bà dành nhiều thời gian hơn cho sáng tác và đã đạt được những thành công nhất định với một số tác phẩm có dấu ấn trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Sự ghi nhận của đồng nghiệp, sự yêu mến của độc giả, đặc biệt là các thế hệ học trò đã trở thành động lực để bà ngày càng chuyên tâm hơn cho sáng tác. 

Năm 1999, bà xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên: "Cái bát vỡ”, gồm 12 truyện ngắn mà chính tác giả cho rằng còn "non nớt” về văn phong và nghệ thuật nhưng lại chứa đựng những cảm xúc chân thật, mộc mạc và gần gũi với đời thường. 

Những nhân vật trong những tác phẩm: "Nàng là ai”, "Cái bát vỡ”, "Giấc mơ của bé”, "Khoảng cách”… có thể là hư cấu, cũng có khi là những con người cụ thể và quen thuộc, khiến người đọc thấy thấp thoáng bóng dáng của mình trong đó. 

"Nàng là ai” là một truyện ngắn mini, là những trải lòng của tác giả khi gặp biến cố trong cuộc sống, bà tự nhủ phải cố gắng vươn lên, phải luôn đi về phía có ánh nắng mặt trời. "Nàng là ai” cũng được chọn để mở đầu tập truyện như một thông điệp gửi đến độc giả, cuộc sống có những lúc tưởng chừng không lối thoát nhưng không thể bỏ cuộc, hạnh phúc nhất định sẽ đến ở phía cuối con đường. 

Sau "Cái bát vỡ”, năm 2012, bà xuất bản tập truyện ngắn: "Người đi tìm hạnh phúc”. Đây được coi là tập truyện thành công nhất trong quá trình cầm bút của bà và giành được nhiều giải thưởng: giải Khuyến khích "Giải thưởng Văn học nghệ thuật Yên Bái 5 năm lần thứ nhất”, "Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng. 

Trong đó, các truyện ngắn "Người đi tìm hạnh phúc” đạt giải C "Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái” năm 2014, "Vùng trời ẩn” đạt giải B Cuộc thi viết về Giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái trong sự nghiệp đổi mới. Lúc này, Bùi Kim Cúc đã vào độ chín cả về văn phong và giá trị nghệ thuật. "Người đi tìm hạnh phúc” không chỉ là nơi gửi gắm những cảm xúc cá nhân mà mở rộng đối tượng độc giả, hướng đến cộng đồng, xã hội. 



Nhà văn Hoàng Việt Quân nhận xét: "Bùi Kim Cúc đã khai thác chiều sâu nội tâm nhân vật với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, phản ánh những góc khuất của cuộc đời. Đó có thể là những con người lầm lỡ nhưng đã biết vượt lên số phận. Bà đã nhìn thấy vẻ đẹp trong tâm hồn họ khi họ bước ra từ bóng tối để đến vầng sáng với nghị lực phi thường mà không phải ai cũng làm được. Họ như những vệt sáng giữa cuộc sống đời thường, bởi họ biết sống vì người khác, vì những ngày mới tốt đẹp đang chờ đợi họ ở phía trước”. 

Trong cuộc sống, không ít người từng băn khoăn với câu hỏi: "Hạnh phúc là gì” và cứ loay hoay đi tìm câu trả lời. Với nhân vật chính trong câu truyện "Người đi tìm hạnh phúc”, hạnh phúc là kiếm được thật nhiều tiền nên đã bất chấp tất cả để có được điều mình mong muốn, nhưng cái giá phải trả cho những việc mình đã làm là những ngày tháng tù tội. Tác giả nhắn gửi đến người đọc, hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc cũng không phải là cái gì cao siêu mà con người không thể với tới được, hạnh phúc chính là những điều vô cùng nhỏ bé, bình dị của cuộc sống, chỉ khi chúng ta biết yêu thương chân thành, chúng ta mới nhận ra điều ấy. 

Tập "Người đi tìm hạnh phúc” gồm 14 truyện ngắn viết về nhiều đề tài khác nhau, đề cập đến nhiều khía cạnh của cuộc sống xã hội. Bên cạnh một số truyện ngắn viết về đề tài gia đình như "Người đi tìm hạnh phúc”, "Vợ dại”, "Cam chịu”, còn có một số tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, tiêu biểu như "Vầng trăng chia nửa”. Tác phẩm kể về sự mất mát của những con người sống trong thời chiến, vì hoàn cảnh mà lỡ dở cả tuổi thanh xuân và tình yêu không trọn vẹn. Các truyện ngắn: "Hoàng Sao Sa”, "Thung xanh”, "Thắng huyệt” lại là những bài học sâu sắc, bài học cảnh tỉnh cho những ai lỡ sa vào tệ nạn ma túy và buôn người. 

Nối tiếp thành công của "Người đi tìm hạnh phúc”, năm 2017, Bùi Kim Cúc xuất bản tập truyện ngắn thứ ba: "Ngọn lửa” dưới bút danh An Hoàng. Tập truyện đạt giải Khuyến khích "Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh Yên Bái”  năm 2018. Vẫn là những đề tài quen thuộc: tình yêu, gia đình, chiến tranh, giáo dục… nhưng qua mỗi lần xuất bản, người đọc lại thấy một Bùi Kim Cúc sâu sắc, đa dạng, phong phú hơn trong cách tiếp cận. Các truyện ngắn của bà đậm chất nhân văn, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. 

Cả cuộc đời gắn bó với nghề dạy học nhưng lại coi viết văn là cái "nghiệp” không thể tách rời, nên khi nghỉ hưu, Bùi Kim Cúc càng có nhiều thời gian hơn cho niềm say mê từ thời trẻ. Ngoài truyện ngắn là thế mạnh, Bùi Kim Cúc còn làm thơ, viết tản văn và dự định sắp tới sẽ xuất bản tập tản văn gồm những điều "tản mạn về cuộc sống”. 

Với bà, được đi, được viết là hạnh phúc nên những lúc rảnh rỗi, bà lại một mình tìm cảm hứng sáng tác. Dưới con mắt của cây bút tinh tế Bùi Kim Cúc, mỗi nhành cây, ngọn cỏ, bông hoa đều da diết yêu thương, gợi mở trong tâm hồn những cảm xúc tươi mới, giúp bà thấy lạc quan, yêu đời và dạt dào hơn trong những trang viết của mình. 

Quang Thiều (Yên Bình 18/1/2022)

Tags Yên Bình Ngữ văn dạy học Văn Chấn Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Tạp chí Văn nghệ Yên Bái

Các tin khác
Ông Phạm Quốc Hiệp chăm sóc vườn bưởi của gia đình.

Những năm gần đây, thôn 2, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ có nhiều đổi thay. 50% tuyến đường trục chính liên thôn được bê tông hóa; nhà văn hóa được sửa chữa; khu vui chơi dành cho thiếu nhi rộng rãi, khang trang; đời sống nhân dân vào diện trung bình khá. Kết quả đó có phần đóng góp của ông Phạm Quốc Hiệp - người đến nay đã 8 năm làm Trưởng thôn và 3 năm làm Bí thư Chi bộ thôn.

Mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm của đoàn viên Nguyễn Thanh Tùng ở thôn Yên Ninh, xã Hưng Thịnh.

Thời gian qua, Phong trào “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” luôn được Đoàn xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên quan tâm, chú trọng, giúp nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) có việc làm, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Từ đó, xuất hiện nhiều ĐVTN làm kinh tế giỏi, liên kết, giúp đỡ nhau, phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Đàn trâu nái của gia đình anh Doãn Văn Hải luôn được chăm sóc tốt.

Gia đình anh Doãn Văn Hải và chị Trương Thị Chiến ở thôn Quyết Tiến, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên cách đây khoảng 4 năm vẫn còn là hộ đặc biệt khó khăn của thôn.

Đến Bưu điện tỉnh Yên Bái, khi được hỏi về động lực giúp cán bộ công nhân viên, người lao động ở đây luôn hăng say sản xuất dù trong điều kiện khó khăn hay trong bất cứ hoàn cảnh nào, câu trả lời chúng tôi nhận được đều là nữ Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hương, người vừa được vinh dự được trao giải thưởng “Nữ Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bồng Hồng vàng” năm 2021. Đối với họ, chị Hương không chỉ là người truyền lửa nhiệt huyết mà còn là người luôn giữ và duy trì cho họ niềm đam mê với nghề.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục