Ông Lương Văn Kiểm làm giàu từ nuôi lợn rừng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/3/2022 | 2:03:21 PM

YênBái - Cách đây 5 năm, đời sống gia đình ông Lương Văn Kiểm ở xã Mậu Đông, huyện Văn Yên vẫn rất khó khăn. Tuy nhiên, trong một lần đi chơi với bạn, ông tình cờ phát hiện mô hình nuôi lợn rừng khá hiệu quả nên đã nảy ý định phát triển kinh tế gia đình từ mô hình này.

Ông Lương Văn Kiểm đang chăm sóc đàn lợn rừng thương phẩm
Ông Lương Văn Kiểm đang chăm sóc đàn lợn rừng thương phẩm

 
Nghĩ là làm, sau khi tìm được nơi bán lợn rừng, ông Kiểm lặn lội từ Yên Bái sang huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đặt mua cặp lợn rừng giống thuần chủng đầu tiên. Riêng con đực giống nặng khoảng 100 kg, thân đen tuyền, răng nanh sắc nhọn, rất hung dữ và ông Kiểm đã bỏ 48 triệu đồng để "tậu" bằng được con đực này. 

Ngoài con giống đầu đàn này, ông Kiểm còn xuống Hòa Bình mua thêm 1 lợn rừng đực và 5 lợn rừng cái đều là giống lợn rừng Thái Lan (loại F1). Sau khi đã có lợn giống, điều khó khăn đầu tiên ông Kiểm gặp phải là không có đủ đất làm chuồng trại chăn thả cũng như đất để trồng cỏ nuôi lợn. 

Để giải quyết những khó khăn trên, ông bỏ tiền thuê một khu đất khoảng 1 ha làm trại nuôi lợn. Đồng thời, ông cũng mạnh dạn chuyển đổi ruộng lúa sang trồng cỏ voi, ngô, chuối để tận dụng nguồn thức ăn chăn nuôi. Cùng đó, ông cũng phải loay hoay vừa làm vừa mày mò học trên mạng xã hội và kinh nghiệm của những người làm trước.

Cùng đó, ông còn đầu tư xây hệ thống chuồng trại, ngăn nhiều chuồng nhỏ từ 25 - 30 m2/chuồng cho lợn nái và lợn con. Diện tích còn lại, ông quây lưới sắt thành các vườn nuôi tự nhiên để lợn có chỗ vận động, có lán để lợn tránh mưa, nắng và tổng chi phí xây dựng trang trại khoảng 200 triệu đồng.

Thời gian đầu, khi mới bắt tay vào nuôi lợn rừng, ông Kiểm gặp rất nhiều khó khăn khi lợn con cứ đẻ ra là chết. "Lợn mẹ đẻ 10 con thì phải chết tới 8 - 9 con và lúc mới đưa con giống về, tôi chưa có kỹ thuật chăm sóc nên đàn lợn gầy còm, không phát triển. Cứ nghĩ tới việc bỏ vốn ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư mà thất bại, tôi lo sợ lắm, không biết phải sống ra sao!" - ông Kiểm kể. 

Sau một thời gian vừa làm vừa học, ông Kiểm dần nắm được kỹ thuật, quy trình chăm sóc lợn rừng và ông cũng tự nghĩ hướng điều chỉnh, chăm sóc đàn lợn hiệu quả hơn. Ông Kiểm cho biết thêm: bản chất lợn rừng rất khỏe, nhưng khi mới sinh thì lợn con khá yếu vì môi trường sống của chúng đã bị thay đổi, cần phải tiêm chủng đầy đủ. Khi vượt qua được giai đoạn này, sức đề kháng của lợn rừng mạnh hơn lợn thường nhiều lần.

Ngoài ra, cách nuôi lợn rừng cũng khác với lợn thường khi ngoài các bữa ăn chính (sáng, chiều) thì còn phải được cho ăn các bữa phụ gồm: rau xanh, cỏ voi, lá chuối... và mỗi bữa phụ cách bữa chính khoảng 2 tiếng đồng hồ. Nơi nuôi lợn rừng cũng cần phải có một sân chơi rộng rãi để chúng có thể vận động thoải mái, không bị gò bó quá trong chuồng. 

Về thức ăn của lợn rừng, ông Kiểm cho ăn chủ yếu cám gạo, ngô và chuối. Đặc biệt, ông Kiểm không cho lợn ăn cám công nghiệp, vì như vậy thịt lợn không ngon như lợn tự nhiên. Ông cũng không sử dụng men để ủ thức ăn vì dễ làm vật nuôi bị đau bụng. Thay vào đó, ông dùng muối để ủ thức ăn vừa nhanh vừa tốt hơn cho đàn lợn. Ngoài việc tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, ông Kiểm còn nghiên cứu các cách chữa bệnh cho lợn bằng thảo dược. 

Ông Kiểm hào hứng kể: trung bình lợn rừng mẹ đẻ 2,5 lứa/năm, mỗi lứa từ 6 - 8 con. Các con non khi sinh ra rất dễ bị bệnh do môi trường sống thay đổi. Vì vậy, ông khuyến cáo người nuôi cần đặc biệt chú ý tới việc tiêm phòng và chăm sóc lợn con giai đoạn từ 1 - 2 tháng đầu đời. 

Sau gần 5 năm nuôi lợn rừng, từ 7 con lợn giống ban đầu, hiện ông Kiểm có trên 120 con; trong đó, có 21 lợn nái và 2 lợn đực giống. Sau 14 - 15 tháng nuôi, lợn có thể xuất chuồng bán với mức giá ổn định từ 180.000 - 200.000 đồng/kg lợn hơi; lợn giống thì tùy trọng lượng có thể xuất chuồng với giá từ 700.000 đồng đến 4 triệu đồng/con. Trung bình, trang trại đem lại thu nhập cho gia đình ông Kiểm gần 500 triệu đồng/năm. Nơi tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là các tỉnh: Lào Cai, Hà Nội và các quán ăn, nhà hàng trong huyện. 

Nhờ chất lượng thịt thơm ngon, chắc, mỡ ít, da giòn, sản phẩm từ trang trại lợn rừng của ông Kiểm là địa chỉ tin cậy, nổi tiếng cung cấp thịt lợn rừng ngon, bổ, sạch cho người tiêu dùng trong vùng. Tết Nhâm Dần 2022, ông Kiểm đã tiêu thụ hết đàn lợn thương phẩm mà nhu cầu của khách hàng còn khá cao. 

Ông Phạm Tiến Duy - Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Đông cho biết: cơ sở chăn nuôi của ông Kiểm là một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu và đang được chính quyền xã khuyến khích nhân rộng tại địa phương.

Với tinh thần dám nghĩ dám làm, ông Lương Văn Kiểm trở thành điển hình trong Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương. Thời gian tới, ông Kiểm  dự định phát triển thêm 10 con lợn nái nữa để mở rộng quy mô chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hồng Vân - Trần Thanh

Tags Lương Văn Kiểm mô hình nuôi lợn rừng Mậu Đông huyện Văn Yên đền Đông Cuông

Các tin khác
Bà Đào Thị Mến luôn tích cực trong các công việc chung của thôn.

Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Ban Công tác Mặt trận thôn 3, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ, bà Đào Thị Mến luôn tận tâm, tận lực, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong mọi công việc, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới.

Nữ bác sĩ Vũ Việt Dương.

Tận tâm, năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, sáng tạo trong công việc chuyên môn, gần gũi hòa đồng, sẻ chia với đồng chí, đồng nghiệp. Đó là cảm nhận của rất nhiều người khi tiếp xúc và làm việc với nữ bác sĩ Vũ Việt Dương, Trưởng khoa Khoa Kiểm soát Bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái.

Đội trưởng Kiều Anh Tuấn triển khai nhiệm vụ cho các thành viên trong Đội.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề, anh Kiều Anh Tuấn - Đội trưởng Đội Quản lý tổng hợp Cổ Phúc, Điện lực Trấn Yên không nhớ mình đã khắc phục bao nhiêu sự cố về điện, bởi anh và Đội thường xuyên đi kiểm tra bảo dưỡng lưới điện, trạm biến áp (TBA) trên hầu khắp các tuyến đường vào các xã dọc sông Hồng thuộc huyện Trấn Yên.

Y sĩ Nguyễn Thị Mai, Trạm Y tế xã Đại Sơn, huyện Văn Yên tiêm chủng định kỳ cho trẻ em tại địa phương.

Suốt hơn 2 năm qua, cán bộ nhân viên y tế của tỉnh Yên Bái đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh, chủ lực của lực lượng tuyến đầu chống dịch, làm tốt công tác y tế dự phòng, kiểm soát và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục