Anh Thắng làm giầu từ chăn nuôi lợn
- Cập nhật: Thứ hai, 14/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Được sự giới thiệu của anh Nguyễn Thạc Tác - Phó chủ tịch UBND xã Giới Phiên (huyện Trấn Yên), chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thắng thôn 1 xã Giới Phiên, là hộ phát triển kinh tế từ chăn nuôi và dịch vụ có hiệu quả.
Ở tuổi 50 nhưng trông anh còn rất trẻ, cả 2 vợ chồng đều làm nông nghiệp. Nhà có 5 khẩu, tất cả trông vào mấy sào ruộng nước nên cuộc sống không thể tránh khỏi những khó khăn, vất vả và những lo toan nhọc nhằn. Suy đi tính lại, anh chị quyết định chọn chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế. Năm 2002 với chút vốn tích cóp được từ nhiều năm trước, anh mạnh dạn vay từ ngân hàng, anh em bạn bè được thêm 20 triệu đồng, đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại gồm 10 ô chuồng hết 30 triệu đồng. Chuồng có hệ thống hầm biogas tránh ô nhiễm và đảm bảo vệ sinh môi trường. Gia đình anh tập trung cải tạo lại vườn tạp để trồng rau, màu phục vụ chăn nuôi.
Thời gian đầu, mỗi lứa anh chỉ nuôi từ 10-20 con lợn thịt, nhưng vì kinh nghiệm chưa có nên đàn lợn thường bị ốm đau, bệnh tật, còi cọc chậm lớn, vì vậy kết quả chưa được bao nhiêu. Những lứa sau, anh vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời tranh thủ học hỏi, tham khảo qua sách báo, bạn bè, tham dự các lớp tập huấn về chăn nuôi, theo dõi ghi chép tỷ mỷ diễn biến hàng ngày của đàn lợn để vận dụng cho sát với thực tiễn chăn nuôi của gia đình. Từ đó, quy mô đàn lợn của gia đình tăng dần qua mỗi năm và đạt hiệu quả cao hơn. Tính từ năm 2004 đến nay mỗi năm xuất chuồng 3- 4 lứa lợn thịt, mỗi lứa từ 20-30 con, khối lượng mỗi con từ 65-80kg, như vậy mỗi năm anh xuất chuồng được gần 10 tấn lợn hơi. Trừ các khoản chi phí, chăn nuôi lợn đã cho gia đình thu lãi được từ 30-50 triệu đồng/năm.
Năm 2007 anh Thắng tiếp tục đầu tư nuôi 6 lợn nái sinh sản với các giống: nái Móng cái, nái lai và nái ngoại thuần giống Đại Bạch để chủ động con giống, đảm bảo an toàn dịch bệnh, giảm bớt chi phí đầu vào, tăng thêm thu nhập gia đình. Với những kinh nghiệm tích luỹ được qua nhiều năm chăn nuôi, dần dần anh đã chủ động phòng trừ dịch bệnh cho đàn lợn. Anh Thắng cho biết: ‘’Để chăn nuôi lợn thành công và đạt hiệu quả kinh tế cao, cần quan tâm, thực hiện tốt từ khâu chọn giống, quản lý chăm sóc nuôi dưỡng đến khâu tiêm phòng ...”.
Với số vốn tích luỹ được, một phần anh đầu tư tái sản xuất cho chăn nuôi, một phần mở đại lý cám, mua máy nghiền, máy xay xát phục vụ cho bà con trong và ngoài vùng. Tính ra, mỗi năm gia đình anh thu thêm được từ dịch vụ này khoảng 20-30 triệu đồng.
Ước mơ làm giầu của anh Nguyễn Văn Thắng giờ đây đã trở thành hiện thực, không những giúp gia đình thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, xây được căn nhà 2 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Mọi người ai cũng mừng cho anh, bởi anh là người hiền lành, chịu khó, ham học hỏi, hay giúp đỡ mọi người. Các hộ chăn nuôi trong và ngoài xóm thường xuyên được anh quan tâm, sẵn lòng tư vấn, tạo điều kiện giúp đỡ cả về vốn lẫn kỹ thuật để giúp họ ổn định kinh tế gia đình và góp phần làm giàu cho xã hội .
Ngô Đăng Sỹ
Các tin khác
YBĐT - Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm - đó là nhận xét của mọi người dành cho cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thơm, chủ cơ sở sản xuất que kem từ gỗ rừng trồng và cơ sở chế biến sắn khô ở thôn Bảo Thịnh, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
YBĐT - Chị Nguyễn Thị Phương Thảo ở thôn Tân Thành, xã Đại Phác (Văn Yên) lập gia đình và ra ở riêng năm 1997. Làm gì, trồng cây con gì cho có hiệu quả kinh tế luôn là mối trăn trở của vợ chồng chị Thảo.
YBĐT - Nằm trong một hẻm đất trên đường Yên Ninh (thành phố Yên Bái) là khu tập thể tài chính cũ - nơi ấy có một ngôi nhà nhỏ nhưng đầy ắp tiếng cười và niềm vui, hạnh phúc - đó là tổ ấm của chị Phạm Thị Phương Thu, cán bộ kiểm ngân của KBNN Yên Bái.
YBĐT - Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm gặp được chị. Người phụ nữ mới 31 tuổi, nhỏ nhắn, luôn tươi cười, hiện là chủ của hai xưởng sản xuất gạch bê tông và xưởng chế biến các sản phẩm từ sắt. Chị là Nguyễn Thị Vân - Bí thư chi đoàn khu dân cư Yên Ninh, phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái).