Người không cho đất nghỉ
- Cập nhật: Thứ tư, 23/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong năm 2007, với 1.200m2 ông trồng được 3 vụ màu gồm: trồng dưa hấu, dưa chuột và cà chua. Trong đợt đầu ông trồng 1.200m2 dưa hấu với năng suất đạt 2 tấn quả, trừ các khoản chi phí ông thu về gần 10 triệu đồng/vụ. Sau vụ dưa hấu, ông tiếp tục trồng cà chua với 2 trà, là trà sớm và trà muộn. Trà sớm với diện tích 600m2, ông trồng từ ngày đầu tháng 9. Sau thời gian hơn 3 tháng ông đã có cà chua bán với giá trị thời điểm cao nhất bán tại vườn là 6.000 đồng/kg và giá rẻ nhất là 3.000đ/kg. Năng suất cà chua trà sớm rất cao và hình thức quả đẹp, sản lượng đạt được 6 tấn và số tiền thu về đạt trên 18 triệu đồng...
Ông Lường Văn Lếch (bên phải) đang giới thiệu mô hình trồng cà chua cho các hội viên Hội Người cao tuổi thị xã Nghĩa Lộ đến học tập.
|
Sau khi nghe ông Lương Văn Đức - Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị xã Nghĩa Lộ giới thiệu về một số mô hình làm kinh tế giỏi của hội viên Hội Người cao tuổi ở các cơ sở, tôi đến thăm mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi rất hiệu quả của ông Lường Văn Lếch ở Bản Vệ xã Nghĩa An. Ông Lếch hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã. Ông đã gần 70 tuổi mà dáng vẻ vẫn khỏe khoắn, đậm chắc và nhanh nhẹn, tiếp chúng tôi rất niềm nở. Được biết, trong những năm trước đây, cũng như nhiều gia đình làm nông nghiệp trong bản, gia đình ông cũng rất khó khăn, có những năm thiếu đói từ 2-4 tháng, thường xuyên phải vay mượn để có thóc ăn trong giai đoạn giáp hạt.
Đến mùa vụ, thóc lại mang đi trả nợ gần hết một nửa, nên số thóc còn lại trong nhà không còn là bao... Trong hoàn cảnh ấy, đã nhiều đêm ông trằn trọc không ngủ vì cả gia đình đều chăm chỉ làm ăn từ sáng sớm tới tối mịt trên cánh đồng mà cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Rồi ông nhớ ra, trong những năm bảy mươi của thế kỷ trước, khi còn làm Chủ nhiệm Hợp tác xã thôn Bản Vệ, huyện Văn Chấn đã tập trung trồng 4 ha màu tại khu vực Bản Vệ như: ngô, đậu xanh, đậu đen, đỗ tương và khoai lang rất tốt, năng suất cao, hơn nữa ngày ấy giá trị 1 tấn đậu xanh được tính bằng 3 tấn thóc.
Sau một thời gian suy nghĩ, tính toán với những kiến thức và kinh nghiệm đã có, ông đã bàn bạc với vợ con và quyết tâm cắt 1.200m2 đất trên tổng số 4.500m2 đất lúa 2 vụ sang trồng màu. Lúc đầu, vợ con cũng rất phân vân vì trồng màu rất vất vả, hơn nữa đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, rủi ro cũng cao. Nhưng ông đã thuyết phục gia đình chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, học hỏi các kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại rau màu và nghiên cứu thị trường để chuyển đổi sao cho hiệu quả cao nhất.
Nghĩ là làm, ngay từ vụ chuyển đổi đầu tiên, thu nhập trên diện tích trồng màu đã cao hơn so với trồng lúa. Song, giá trị các loại cây màu gia đình ông trồng chưa được cao lắm, vì cùng thời điểm đó, ngoài thị trường cũng có nhiều rau quả như gia đình ông đang trồng nên khó bán. Vậy là ông tiếp tục suy nghĩ, tìm hiểu một số mô hình làm ăn kinh tế giỏi trong vùng, nghiên cứu thị trường và giá trị cây trồng ở các thời điểm khác nhau xem cây trồng nào có giá trị cao nhất và dễ bán nhất ở thời điểm nào. Dần dần ông đã tìm được phương thức và cách thức sản xuất các cây rau màu có giá trị vào đúng thời điểm trái vụ. Do vậy, các loại cây rau, màu ông trồng đều cho thu nhập cao hơn bình thường từ 2 đến 3 lần.
Trong năm 2007, với 1.200m2 ông trồng được 3 vụ màu gồm: trồng dưa hấu, dưa chuột và cà chua. Trong đợt đầu ông trồng 1.200m2 dưa hấu với năng suất đạt 2 tấn quả, trừ các khoản chi phí ông thu về gần 10 triệu đồng/vụ. Sau vụ dưa hấu, ông tiếp tục trồng cà chua với 2 trà, là trà sớm và trà muộn. Trà sớm với diện tích 600m2, ông trồng từ ngày đầu tháng 9. Sau thời gian hơn 3 tháng ông đã có cà chua bán với giá trị thời điểm cao nhất bán tại vườn là 6.000 đồng/kg và giá rẻ nhất là 3.000đ/kg. Năng suất cà chua trà sớm rất cao và hình thức quả đẹp, sản lượng đạt được 6 tấn và số tiền thu về đạt trên 18 triệu đồng. Cà chua trà 2 là 600m2 với sản lượng là 5 tấn, giá trị rẻ hơn song ông cũng thu về được trên 7 triệu đồng. Trên diện tích 3.300m2 lúa 2 vụ, ông Lếch tập trung trồng lúa chất lượng cao, giá trị lúa cao hơn so với các giống lúa thường.
Trong vụ chiêm, diện tích này đã đạt được 3 tấn/vụ, vụ mùa là 2,5 tấn/vụ. Như vậy, trong 2 vụ lúa đạt được 5,5 tấn thóc, giá trị tại thời điểm hiện nay đạt 16,5 triệu/năm. Ngoài trồng lúa, ông còn sử dụng trên 1.000m2 ruộng thả cá xen lúa. Trong cả 2 vụ thả cá xen lúa, ông đã thu về được gần tạ cá chép thu về gần 2 triệu đồng.
Đối với vụ đông, ông tiếp tục trồng ngô, khoai, rau màu trên diện tích ruộng lúa 2 vụ và trồng màu để phục vụ cho chăn nuôi với tổng giá trị ngô, khoai đạt được trên 4 triệu đồng. Trong năm 2007, ông còn nuôi trên 80 con vịt chạy đồng, trừ các chi phí, ông thu về được gần 3 triệu, 2 lứa lợn giống trị giá 6,4 triệu đồng, 2 lứa lợn thịt đạt trên 9 triệu đồng/năm và 1 con trâu phục vụ cày cấy. Ngoài ra, tại nhà ông có 100m2 ao cá và hơn 50 con gà mái đẻ, gà thịt để cải thiện trong cuộc sống.
Thu nhập bình quân trong năm của ông trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu về trên 55 triệu đồng. Từ việc mạnh dạn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ một gia đình nghèo giờ đây gia đình ông đã thoát nghèo và dần có của ăn, của để và làm giàu trên chính bàn tay và mảnh đất của mình.
Nguyễn Đức Phương
Các tin khác
YBĐT - Nuôi nhím là một nghề rất mới. Nhím được xếp vào số các loài thú quý hiếm, thịt nhím được ưa chuộng và bán với giá rất cao. Thịt nhím nạc, ngọt thịt và được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, nhiều loại thuốc quý.
YBĐT - Đó là những điều tâm huyết mà sau gần chục năm lăn lộn làm kinh tế trang trại ông Lương Bá Thảo, cựu chiến binh ở tổ 7, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã nghiệm ra cho mình.
YBĐT - Được nghe anh Sùng A Sào - Chủ tịch xã Lao Chải kể về ông Sùng A Lu - dân tộc Mông ở thị tứ Khao Mang, xã Khao Mang (Mù Cang Chải - Yên Bái), nhờ phát triển chăn nuôi đã thoát khỏi đói nghèo; tôi cùng anh Sào đến thăm ông Lu. Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây hai tầng, với đầy đủ tiện nghi hiện đại đắt tiền và toàn bộ gia sản này đều nhờ phát triển chăn nuôi mà có.
YBĐT - Được sự giới thiệu của anh Nguyễn Thạc Tác - Phó chủ tịch UBND xã Giới Phiên (huyện Trấn Yên), chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thắng thôn 1 xã Giới Phiên, là hộ phát triển kinh tế từ chăn nuôi và dịch vụ có hiệu quả.