“Cái nhỏ” làm nên nghiệp lớn
- Cập nhật: Thứ ba, 21/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hỏi về những chiến công trong chiến đấu, ông Tình lắc đầu. Hỏi đã khai hoang bao nhiêu đất hoang ở những vũng bom mìn chằng chịt để lấy đất sản xuất cho chính gia đình và hợp tác xã những năm chiến tranh vừa dứt, ông không nói. Hỏi ông đã bị thương và nghị lực sống? ông cũng chẳng trả lời. Chỉ biết rằng, những gì ông đã sống và lao động đến ngày hôm nay thì người dân trong cái thôn 11 xã Minh Quán (Trấn Yên) đều phải thừa nhận: "Ông Trần Xuân Tình không chỉ ngoan cường, mạnh mẽ trong bom đạn mà trong lao động ông cũng thật anh hùng".
Men theo con đường đất đỏ, chừng 20 phút đi xe máy từ trung tâm xã, chúng tôi đã có mặt tại nhà ông Tình. Cái gặp gỡ ban đầu ông dành cho tôi là sự im lặng và đôi mắt tò mò. Theo như lời chị Hằng- cán bộ văn hoá xã Minh Quán thì cũng đã có nhiều phóng viên báo, đài vào đây đặt vấn đề tuyên truyền về ông, nhưng ông đều chối: “Có gì đâu mà viết, mình làm thì ít mà kể ra thì nhiều, bà con lối xóm họ nói cho ngại lắm. Các anh vào chơi thì tôi mời nước chứ tuyệt đối không phỏng vấn, chụp ảnh gì cả!”. Dáng người nhỏ nhắn, da ngăm đen, chân đi hơi khập khiễng, nhưng vầng trán cao và đôi mắt sáng đã tự nói lên “con người tôi là vậy, đừng làm những gì mà tôi không thích...!”. Tôi trân trọng những nghĩ suy, đức tính khiêm tốn đến mức cổ hủ của ông. Thỉnh thoảng nhấp ngụm nước chè, ông Tình xuề xoà nói chuyện vui nhưng không hề đả động đến mục đích chuyến công tác của tôi. Thật may, khi tôi ngỏ lời muốn đi thăm quan mô hình kinh tế thì ông đồng ý đưa tôi đi để tận mắt trông thấy ao thả cá, hàng mấy trăm con gà, hơn chục con lợn, một hệ thống máy xay xát được đầu tư từ năm 2002 và 8 ha keo có trồng xen cả sắn... đã được khoanh theo từng quả đồi, giữa những cái rãnh ngăn cách từng đồi với nhau không phải là chè vè, lau lách vướng víu mà là một con đường rộng rãi, bằng phẳng ô tô có thể vào được. Như hiểu được sự tò mò của tôi, ông cho biết: đây là công sức một nắng, hai sương ông đã bỏ ra để vừa tiện việc đi thăm đồi keo, nhưng thực tình là con đường nghĩa tình của anh em trong gia đình, sự gắn kết tình cảm anh em cũng bởi con đường này. Nhưng từ con đường đất và những câu chuyện cuộc sống anh em trong gia đình, cứ thế vô tình, ông đã "khai" cả quá khứ của mình cho tôi lúc nào không hay.
Đã ngót 30 năm. Còn nhớ như in cái đêm đó, thật hãi hùng, nhưng cũng thật cao đẹp. Gió gào thét bên tai, tiếng bom, mìn chát chúa “và tôi dần nằm im bất động”. Ông cũng không nhớ rõ lúc đó còn những ai, "Hình như có anh Toàn, Hùng và Hưng đã đưa tôi về, nhưng chỉ biết rằng lúc tỉnh dậy thì mình không thể tham gia chiến trận được nữa". 9 tháng trời nằm qua nhiều bệnh viện có lẽ là quãng thời gian mệt mỏi, đau đớn nhất đối với một trai tráng như ông. Những đêm dài mệt mỏi, những đêm vết thương tái phát kéo theo đó là hàng loạt trận sốt rét kéo dài, nhưng ông nghiến răng chịu mọi nỗi đau. Nhưng giữa lúc cô đơn nhất thì cũng là lúc ông nhận được nguồn động viên lớn, tiếp thêm sức mạnh và nghị lực sống từ những lá thư chất chứa đầy nhớ mong, chờ đợi của cô bạn gái cùng quê Lê Thị Chiến (giờ là vợ hiền của ông).
Ngày ra viện, ông Tình trở lại quê hương với thương tật hạng 2/4 và cũng trong năm 1979 đó, ông đã quyết định lấy vợ. Sau một năm dưỡng thương thì ông bắt tay vào xây dựng kinh tế. Cũng như bao người dân thời bấy giờ, gia đình ông phải chạy ăn từng bữa và củ sắn đã trở thành nguồn thực phẩm chính trong gia đình. Khi Nhà nước đẩy mạnh khai hoang lấy đất sản xuất, không quản khó khăn, bệnh tật, ông lao vào khai khẩn từ những hố bom, ruộng hoang hoá và tham gia vào hợp tác xã. Nhưng chỉ được một thời gian, ông lại xin ra khỏi hợp tác xã để về phát triển kinh tế gia đinh vì sức khoẻ không đảm bảo. Những vùng đất khai phá, ông đã trồng sắn. Trồng sắn, đem đi bán mới vô cùng khó khăn. Ban ngày thì quần quật, nhổ sắn về băm nhỏ lúc nắng nhất là lúc phải phơi sắn nhiều nhất, đêm xuống việc vận chuyển bằng xe bò, gánh bộ về ga Yên Bái để bán. Cũng từ những hố bom, ông làm lồng sắt để nuôi cá, đến lúc thu hoạch cá, cá cứ chết nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Cá chết là vì họ ghét ông, ghét ông vì ông giỏi, ông dám nghĩ và dám làm. Lén lút ném thuốc sâu 1 lần thì đã đành, bọn họ còn thả thuốc sâu xuống ao cá thêm 2 đến 3 lần nữa. “Họ càng đối xử tệ bạc với mình, thì mình càng phải chứng minh sự mạnh mẽ và sự ngay thẳng” - ông Tình nói như vậy.
Từ bỏ nuôi cá, ông đi vào xã Kiên Thành (Trấn Yên) để làm mộc. Từ làm mộc tích cóp, cộng với thu nhập từ sắn, năm 1981 ông mua con bò nái với giá 1.400 đồng. Lại một hành trình vất vả, cứ nghe bắn tin, bên xã này, hay xã kia có giống bò đực cho sinh sản tốt, ông lại dắt bò của mình qua các xã đó. Những lúc đi đường thấy dân mình cứ thu hoạch lúa lại phải đóng bao tải mang ra tận thị trấn huyện hay các xã có máy xay xát để làm ra hạt gạo, vừa vất vả, vừa xa xôi, mất nhiều tiền đi lại nên năm 2002, ông bán hết cả đàn bò rồi mua máy xay xát trị giá hơn 12 triệu đồng. Mặc dù, máy xay xát cho thu nhập không cao nhưng thành phẩm dùng cho chăn nuôi thì rất hiệu quả. Năm 2003 ông mở rộng mô hình nuôi gà thả vườn. Thời gian đó, thị trường tiêu thụ rất ít, nhưng không vì vậy mà ông bỏ cuộc, lại còn mở rộng quy mô chăn thả. Nuôi thêm lợn, rồi toàn bộ 8 ha đồi rừng, ông chuyển sang trồng keo và khôi phục nghề cá... Từ năm 2005, việc tiêu thụ gà thả vườn của ông bắt đầu mang lại hiệu quả. Ngoài số trứng thì mấy trăm con gà của ông đã đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp cho các nhà hàng khách sạn trên địa bàn. Một rừng keo xanh tốt, đã có đồi cho thu hoạch và đang trồng mới thêm keo và trồng xen sắn. Bên cạnh đó, 2 đến 3 đồi keo cũng đã được 6 đến 7 năm tuổi và sắp sửa cho thu hoạch, chưa kể mấy sào ruộng, ao thả cá và một đàn lợn hơn chục con...
Đi cùng ông trên con đường xi măng láng bóng, hai bên đường là hàng thanh long chạy dài từ cổng lên đến ngôi nhà gỗ 4 gian với đầy đủ tiện nghi sang trọng, đắt tiền và chỉ tay về phía ruộng, ông nói: “Cây tre đang ngâm kia kìa bây giờ cũng có giá trên 100.000 đồng/ cây đấy. Mình phải biết bắt đầu từ cái nhỏ thì mới thành được nghiệp lớn”. Cái tuổi 53, với một gia đình hoà thuận, người vợ tảo tần hết mực yêu thương chồng con, 2 cô con gái ngoan hiền, học tập chăm chỉ đã động viên người thương binh bền chí tiếp tục vươn lên xây dựng cuộc sống.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Người con của dân tộc Mông được sinh ra trên cao nguyên Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) không chỉ nổi danh vượt khó thời niên thiếu mà nay đã trở thành một Anh hùng, một thầy thuốc giỏi, đó là bác sĩ Vàng A Sàng - Phó giám đốc, kiêm Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông Trương Thị Bắc, dân tộc Tày ở thôn 7, xã Yên Hưng, huyện Văn Yên luôn trăn trở một điều: "Thanh niên nông thôn phải làm thế nào? Làm gì để phát triển kinh tế trong công cuộc đổi mới của đất nước hiện nay?".
YBĐT - “Thật không thể tin được là sau bao nhiêu khó khăn vất vả, thiếu thốn đủ thứ, giờ đây chúng tôi lại có thể có được một cơ ngơi như hiện nay. Tất cả là nhờ sức lao động, nhờ tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm của chính mình”. Chị Bùi Thị Dự, vợ anh Nguyễn Xuân Đán ở thôn Đồng Bưởi, thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên) tâm sự như vậy, khi dẫn chúng tôi đi tham quan khu trại nuôi cá giống rộng hơn 1ha của gia đình.
YBĐT - Từ những ngày đầu nhận công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thị xã Nghĩa Lộ, cô giáo Nguyễn Phương Lan đã cuốn ngay theo dòng xoáy của phong trào thi đua dạy tốt học tốt sôi nổi của nhà trường. Vì thế, ngay sau khi kết thúc thời gian tập sự, cô giáo Lan đã không ngần ngại đăng kí tham gia thi giáo viên dạy giỏi.