Tâm nguyện lời Bác

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/5/2011 | 10:12:58 AM

YBĐT - Với nhà giáo ưu tú Phạm Văn Bình thì mùa hè 2011 này sẽ là kỳ nghỉ hè cuối cùng sau 40 năm theo nghề dạy học. Bao ký ức mến thương của cuộc đời dạy học bỗng ùa về trong tâm trí người thầy giáo già.

Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Bình cùng các em học sinh Trường Hoàng Quốc Việt.
Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Bình cùng các em học sinh Trường Hoàng Quốc Việt.

Cuộc đời dạy học nhiều lúc cũng gian truân lắm! Mỗi lúc như thế anh em chúng tôi lại nghĩ đến lời dạy của Bác: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt” nhờ thế mà vươn lên - Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Bình đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi trong một môi trường sư phạm khang trang, sạch đẹp.

Sinh ra trên mảnh đất Giới Phiên,Trấn Yên (nay là thành phố Yên Bái), học hết phổ thông, chàng trai trẻ Phạm Văn Bình theo học ngành Sư phạm; năm 1972 sau khi tốt nghiệp, anh  được tổ chức phân công về dạy học tại trường cấp III Lục Yên. Ước muốn được làm việc ở thị xã hay ở huyện nhà đều không thành hiện thực. Nơi anh được điều động đến cách nhà cả trăm cây số, thời điểm ấy giao thông đi lại khó khăn, Lục Yên là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí khá thấp...

“Thú thật lúc ấy tôi cũng buồn, nhưng nghĩ lại mới thấy nhiều người cùng trang lứa còn ra chiến trường; nhiều giáo viên ở Hà Nội theo lời kêu gọi của Bác Hồ còn tình nguyện lên miền núi công tác, mình xa nhà trăm cây số đã thấm vào đâu”.

Nghĩ vậy nên tôi không chỉ vui vẻ lên đường mà còn tích cực công tác. Kham khổ có lẽ là từ ngữ để nói về cuộc sống của anh giáo viên thời ấy nhưng khó khăn, thiếu thốn lại là liều thuốc cho ý chí, nghị lực của mỗi con người. Anh em cán bộ, giáo viên cuộc sống kham khổ, ăn cơm độn sắn nhưng vẫn biết động viên nhau đem hết nhiệt huyết của mình dạy bảo học sinh thân yêu; riêng thầy giáo trẻ Phạm Văn Bình còn là đoàn viên thanh niên nhiệt tình, sôi nổi trong mọi phong trào công tác.

Từ bầu nhiệt huyết ấy anh đã được tổ chức tín nhiệm phân công làm tổ trưởng tổ chuyên môn, được bầu làm Bí thư Đoàn trường và đặc biệt là năm 1976 anh đã vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.

5 năm công tác vùng cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thầy giáo Phạm Văn Bình được điều động về giảng dạy tại trường cấp III Lý Thường Kiệt (thành phố Yên Bái). Vẫn tính cách chân tình, vẫn nếp sống thanh bạch, vẫn một lòng yêu nghề, mến trẻ, dạy tốt, công tác tốt... nên thầy giáo Phạm Văn Bình luôn được tổ chức tin tưởng, đồng nghiệp tín nhiệm, học trò quý mến.

Anh đã được phân công giữ các vị trí quan trọng như: Tổ trưởng chuyên môn, Phó Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Công đoàn, Phó hiệu trưởng, Phó bí thư chi bộ trường THPT Lý Thường Kiệt. Năm 1999, anh Bình được đề bạt làm Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt khi ngôi trường này được thành lập trên chính mảnh đất mà anh sinh ra và lớn lên.

Anh Bình tâm sự: “Nhận quyết định về làm Hiệu trưởng ngay trên quê hương mình sau gần 30 năm thoát ly công tác tôi bồi hồi và xúc động lắm nhưng đi liền với nó là tâm trạng lo lắng khi những khó khăn đang chờ đợi. Trường mới cái gì cũng thiếu từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đến học sinh...

Một lần nữa lời dạy của Hồ Chủ Tịch “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi  đua dạy thật tốt, học thật tốt” lại nhắc nhở tôi và cán bộ giáo viên trong trường”. Được chính quyền ủng hộ, nhân dân nhiệt tình giúp đỡ, mấy phòng học tranh tre, nứa lá được dựng lên để Lễ khai giảng năm học đầu tiên, một lễ khai giảng đơn sơ và đáng nhớ đã được tổ chức cho 225 học sinh theo học.

Cũng vào dịp ấy ở Trấn Yên có chuyện lạ đời, Hiệu trưởng Trường Hoàng Quốc Việt đi vay lãi ngân hàng lấy tiền trả lương cho giáo viên. Nguyên do là Trường Hoàng Quốc Việt được thành lập vào tháng 7 nên tài chính không bố trí được ngân sách vì thế mà 32 giáo viên chưa biết nhận lương từ đâu. “Không để anh em túng thiếu đi dạy nên tôi mới liều như thế”, thầy Bình kể lại câu chuyện với vẻ hóm hỉnh.

Cũng may khó khăn nhanh chóng qua đi khi tập thể cán bộ, giáo viên cùng đồng lòng nhất trí, có được sự quan tâm của địa phương, của ngành, nhất là sự ủng hộ của nhân dân trong vùng để hôm nay người dân cả một vùng đất hạ huyện Trấn Yên (thành phố Yên Bái hôm nay) và chiến khu Cách mạng Vần Dọc, nhất là cán bộ giáo viên cùng các thế hệ học sinh của nhà trường có quyền tự hào bởi Trường THPT Hoàng Quốc Việt.

Ngày đầu thành lập, Trường mới chỉ có 05 lớp, 225 học sinh, 13 cán bộ, giáo viên; chi bộ Đảng chỉ có 03 đảng viên, sau 10 năm thành lập trường đã có 79 cán bộ, giáo viên, gần 1.000 học sinh, Đảng bộ có 32 đảng viên. Đặc biệt là đội ngũ giáo viên 100% đạt chuẩn,  7 thầy cô có trình độ thạc sỹ, 06 thầy cô đang học cao học, 1 người đang đi nghiên cứu sinh.

Trong 9 năm trực thuộc Đảng bộ Trấn Yên, Chi bộ nhà trường liên tục được công nhận là chi bộ “Trong sạch vững mạnh” và “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu” của Đảng bộ huyện. Sau thành tích chung ấy có sự phấn đấu nỗ lực và đóng góp đáng kể của thầy giáo Hiệu trưởng Phạm Văn Bình.

Ghi nhận những thành tích ấy, thầy đã được trao tặng những phần thưởng cao quý: 8 Bằng khen của UBND tỉnh, 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2006. Năm 2007 thầy giáo đảng viên Phạm Văn Bình được trao tặng huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Năm 2008 thầy Bình đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.

Cây phượng vỹ sân trường đã thắp lửa, mùa hè, mùa thi đã cận kề, Trường THPT Hoàng Quốc Việt lại chuẩn bị chia tay, tiễn bước các học trò cũ và đón nhận một lớp học trò nữa vào năm học mới. Với nhà giáo ưu tú Phạm Văn Bình thì mùa hè 2011 này sẽ là kỳ nghỉ hè cuối cùng sau 40 năm theo nghề dạy học. Bao ký ức mến thương của cuộc đời dạy học bỗng ùa về trong tâm trí người thầy giáo già. Thầy tâm sự: “Thế hệ giáo viên trẻ đã đủ sức đảm đương mọi công việc; thế hệ học sinh mới sẽ tiếp nối truyền thống tốt đẹp của mái trường này! Chắc chắn là như thế khi mình và mọi người cùng cố gắng phấn đấu, cùng học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”.

 Lê Phiên 

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục