Người nhiệt tình với công tác hội

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/5/2011 | 10:04:24 AM

YBĐT - Nhanh nhẹn, năng động và nhiệt tình với công tác hội là điểm đầu tiên mà mọi người dễ dàng nhận thấy ở con người của chị Mùa Thị Sầu - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hồ Bốn huyện Mù Cang Chải.

Sinh ra và lớn lên ở xã vùng cao Hồ Bốn, cũng như bao bé gái người Mông khác, Mùa Thị Sầu không được đến trường bởi một phần là do gia đình nghèo và đông anh chị em, phần nữa là do bố mẹ Sầu còn mang nặng tư tưởng lạc hậu trọng nam, khinh nữ, con gái lớn sẽ đi lấy chồng nên bố mẹ không tạo điều kiện cho chị đi học.

Đến khi đã lập gia đình, chị mới đi học xoá mù chữ và được tham gia công tác xã hội. Thời gian đầu, chị Sầu vừa đi học, vừa chăm lo cuộc sống gia đình và tham gia công tác Hội, tuy gặp không ít khó khăn nhưng đã cố gắng vượt lên. Sau khi kinh tế gia đình ổn định hơn, chị giành nhiều thời gian cho công tác phụ nữ ở địa phương.

Những ngày đầu tiên chị mới tham gia công tác, Hội Phụ nữ xã Hồ Bốn mới chỉ có hơn chục hội viên, do trình độ thấp nên hầu hết chị em chưa hiểu mình vào hội để làm gì và có quyền lợi như thế nào.

Do đó, chị gặp không ít khó khăn trong công tác vận động chị em tham gia các phong trào của Hội. Nhưng không phải vì thế mà chị nản lòng, với những kiến thức được trang bị qua những lớp học, lớp tập huấn về chuyên môn, chị kiên trì đến từng nhà giải thích cho chị em hiểu, đồng thời vận động chị em vào Hội, không chỉ bằng lời nói, việc làm cụ thể mà chị còn quan tâm giúp đỡ các chị em có cuộc sống gặp khó khăn như khi bị ốm đau, gia đình gặp hoạn nạn...

Dần dần chị em đã thấy được lợi ích của người hội viên và từ đó nhiều chị em đã tự nguyện xin vào hội để có điều kiện sinh hoạt, giao lưu, tiếp cận với những tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Nhờ đó, đến nay số lượng hội viên của Hội Phụ nữ xã Hồ Bốn đã phát triển tới 432 hội viên, 100% các thôn, bản đều có tổ chức tổ hội phụ nữ cơ sở.

Để từng bước nâng cao nhận thức cho chị em, ngoài những buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, hàng quý, chị Sầu thường xuyên vận động chị em tích cực tham gia học tập, từng bước nâng cao trình độ văn hoá và nhận thức cho bản thân. Chị phối hợp với Ban Tư pháp, Ban Dân số xã phổ biến về Luật Dân số đến với các chị em để cùng thực hiện tốt việc sinh đẻ có kế hoạch.

Bằng những lý lẽ hợp lý, hợp tình và giải thích cặn kẽ vì sao không nên sinh nhiều con, nếu sinh nhiều con là sẽ bị đói, bị nghèo khổ; chị em cũng nên đi học và cho con đi học chữ dù đó là con trai hay con gái, khi biết chữ sẽ giúp chị em vượt qua được những khó khăn như xóa bỏ tập tục, định kiến lạc hậu lâu đời và có hướng phát triển mới văn minh trong cuộc sống. Ngoài ra, chị Sầu còn hướng dẫn hội viên cách làm kinh tế bằng việc phát triển các loại cây trồng, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, sử dụng vốn vay, chọn cây con giống hiệu quả và áp dụng khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực gieo trồng...

Tâm sự với chúng tôi, chị Sầu cho biết:“Mình là người đi tuyên truyền vận động chị em, nếu như mình không gương mẫu thì nói chị em sẽ không nghe, nên mình chỉ đẻ hai con. Như vậy mình vừa có thời gian làm kinh tế, vừa có thời gian chăm sóc các con và tham gia công tác xã hội được tốt hơn”. Bám sát cơ sở, chị đã nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của chị em, tận tình giúp đỡ, tập hợp chị em tham dự các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Luật Bình đẳng giới, kế hoạch hoá gia đình...

Là Chủ tịch Hội, chị đã đứng ra nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giúp hội viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi góp phần ổn định kinh tế gia đình. Nhờ có nguồn vốn này nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống gia đình được nâng lên rõ rệt, như các hội viên: Lý Thị Vang, Giàng Thị Mỷ ở bản Trống Là,  Cứ Thị Dê ở bản Háng Đề Chù có thu nhập bình quân từ 25 - 30 triệu đồng/năm.

Đồng thời, chị vận động các chị em hội viên gia đình có điều kiện quyên góp tiền của, công sức và nguyên vật liệu làm nhà ở cho bà Sùng Thị Cha ở bản Trống Là và Cứ Thị Mài ở bản Háng Ía là những trường hợp hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Ngoài tham gia công tác xã hội, chị Sầu là một người vợ, người mẹ giỏi việc nhà. Chị vận động chồng, con tích cực thâm canh, tăng vụ nên thu hoạch mỗi vụ đạt 2 tấn thóc, 2 tấn ngô, mỗi năm trồng gần 3 ha sắn, 1 ha đậu tương, 2 ha lạc.

Bên cạnh đó, chị còn tích cực phát triển chăn nuôi, hiện nay, gia đình chị đã có 4 con bò, 2 con trâu, 10 con lợn thịt, 3 con lợn nái và gần 50 con gà. Với tinh thần lá lành đùm lá rách, gia đình chị đã giúp gà giống cho nhiều gia đình chị em hoàn cảnh khó khăn như gia đình chị Cứ Thị Dế ở bản Háng Ía, Cứ Thị Mào ở bản Pó Lầu, Chang Thị Mỷ ở bản Trống Là... có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Những đóng góp của chị Sầu trong công tác Hội đã được các cấp, các ngành đánh giá cao. Nhiều năm liền, tập thể Hội Phụ nữ xã Hồ Bốn đạt danh hiệu Đơn vị trong sạch vững mạnh”. Ghi nhận sự đóng góp của chị, thời gian qua Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tặng bằng khen cho Hội Phụ nữ xã. Riêng bản thân chị Mùa Thị Sầu cũng được Hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải trao tặng nhiều bằng khen và giấy khen cho thành tích đóng góp của chị trong công tác Hội.

Sùng Đức Hồng

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục