Có một gia đình viết văn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/7/2011 | 2:50:38 PM

YBĐT - Thật hiếm gia đình nào có tới 3 thế hệ viết văn, gắn bó sâu sắc với quê hương xứ sở và có nhiều đóng góp cho nền văn học nghệ thuật Yên Bái như gia đình Hoàng Hạc.

Hoàng Tương Lai - một cây bút đa tài trong gia đình nhà văn Hoàng Hạc. (Ảnh: Thanh Chi)
Hoàng Tương Lai - một cây bút đa tài trong gia đình nhà văn Hoàng Hạc. (Ảnh: Thanh Chi)

Đồng bào Tày Xuân Lai, Yên Bình rất tự hào trên quê hương mình có một gia đình viết văn, đó là gia đình nhà văn  Hoàng Hạc. Thật hiếm gia đình nào có tới 3 thế hệ viết văn, gắn bó sâu sắc với quê hương xứ sở và có nhiều đóng góp cho nền văn học nghệ thuật Yên Bái như gia đình Hoàng Hạc.

Trước hết nói về nhà văn Hoàng Hạc. Ngay từ khi chưa có tổ chức Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) ở Yên Bái, là một cán bộ ngành văn hoá, Hoàng Hạc đã đam mê sáng tạo và có  nhiều thành công đáng ghi nhận. Năm 1976, ông là Ủy viên Thường trực Ban Vận động thành lập Hội VHNT Hoàng Liên Sơn (tiền thân của Liên hiệp Các hội VHNT Yên Bái ngày nay). Khi Hội được thành  lập, ông giữ cương vị Phó chủ tịch, rồi làm Chủ  tịch từ 1984 đến 1986. Bằng tài năng, lòng đam mê và uy tín của mình Hoàng Hạc đã "xây" những viên gạch đầu tiên cho ngôi nhà văn nghệ Yên Bái.

Với tư cách người sáng tác, Hoàng Hạc là hội viên của nhiều hội: Hội Nhà văn Việt Nam (là hội viên Hội Nhà văn đầu tiên của Yên Bái), Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam…

Ông có một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ. Về tác phẩm sáng tác có thể kể đến: "Ké Nàm", tập truyện ngắn (1964), trong đó có truyện ngắn "Ké Nàm" được giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ; "Hạt giống mới", tập truyện ký (1983); "Sông gọi", tiểu thuyết (1986)…

Qua những sáng tác này, có thể nói, lần đầu tiên cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống con người dân tộc miền núi vùng thượng nguồn sông Chảy đi vào văn học Việt Nam hiện đại bằng những dấu ấn không lẫn lộn với các miền quê khác. Qua những trang viết ấy người đọc thấy được sự gắn bó máu thịt của Hoàng Hạc với quê hương mình, đó cũng là "miền quê" trong sáng tác của ông. Ở ông có sự đam mê sáng tạo không ngừng nghỉ.

Khi ông đã nghỉ hưu, khi tuổi cao, bệnh tật, ngay cả khi đôi mắt đã loà ông vẫn viết. Cái viết đã ngấm vào con người ông rồi. Văn của Hoàng Hạc bình dị mà trữ tình sâu lắng, hóm hỉnh và hồn nhiên chân chất như tâm hồn người Tày, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc và miền núi. Có người ví ông như  “Hạc vàng” của núi rừng Yên Bái.

Bên cạnh các sáng tác, Hoàng Hạc còn có một khối lượng khá lớn tác phẩm sưu tầm, biên dịch văn hoá, văn nghệ  dân gian Tày, đặc biệt là thể loại trường ca.  Các trường ca do ông sưu tầm, biên dịch như: "Khảm Hải", "Cái ống cọn", "Then Bách Điểu”, "Đường lên dâng lễ tổ"... là những tài sản quí giá cả về giá trị văn hoá, văn nghệ dân gian, nhiều tác phẩm đã được đưa vào nghiên cứu, giảng dạy trong hệ thống nhà trường.

Có thể nói, ông là một trong những người khởi xướng và đóng góp rất nhiều cho hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hoá, văn học dân gian Yên Bái. Song còn có một điều rất đáng quí nữa ở Hoàng Hạc, đó là ông đã truyền tư chất nghệ sỹ, đam mê sáng tạo, tình yêu, sự gắn bó máu thịt với quê hương, xứ sở, dân tộc mình cho các thế hệ con, cháu mình, tạo thành một gia đình viết văn Hoàng Hạc.

Con trai cả của Hoàng Hạc, anh Hoàng Tương Lai, mặc dù đã tham gia quân đội nhiều năm, được phục viên về làm công tác Đảng ở địa phương cũng nhiều năm nhưng cuối cùng vẫn trở về với sáng tạo nghệ thuật, đi tiếp con đường của người cha thân yêu.

Hoàng Tương Lai là cây bút của nhiều bài ký, truyện ngắn, thơ như: "Những ngày ở cánh đồng Chum", "Cây sẹt trổ hoa", "Lời Tằng cẩu", "Bảy vía"..., song có thể nói, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã này, lại thành công nhiều, để lại nhiều dấu ấn với việc sưu tầm, biên dịch, thể hiện các làn điệu dân ca Tày. Biên dịch từ tiếng Tày sang tiếng Việt, trực tiếp thể hiện bằng cả tiếng Tày và tiếng Việt rất hay là thế mạnh của Hoàng Tương Lai. Anh hát khảm hải, hát khắp, hát coọi, hát phong slư, hát quan làng… ở mọi lúc, mọi nơi, từ các lễ hội cho đến mừng nhà mới, cơm mới, đám cưới… và cả trong hội diễn văn nghệ, tất cả đều say sưa, nồng thắm.

Ông là người say mê truyền dạy vốn dân ca Tày quý báu cho các thế hệ trẻ ở Xuân Lai, Yên Bình.

Anh nhận nhiều giải thưởng: Huy chương Vàng hát khảm hải Hội diễn Văn nghệ quần chúng toàn quốc, giải B Liên hoan Tiếng hát dân ca toàn quốc, giải nhì Liên hoan Hát then, đàn tính toàn quốc. Nhưng anh cho rằng, không giải thưởng nào bằng được hát, được làm sống lại những làn điệu dân ca thấm đẫm tâm hồn, văn hoá dân tộc mình ngay trên chính mảnh đất mình gắn bó, yêu thương.

Anh say mê dân ca Tày như người Bắc Ninh say quan họ. Anh bảo dân ca Tày là "quan họ" của anh. Song ở anh không chỉ có sự nhiệt tình ca hát, mà anh còn say sưa truyền dạy vốn dân ca Tày quí báu ấy cho các thế hệ trẻ. Con gái anh, cháu Hoàng Thị Thiết cũng đam mê hát dân ca như bố. Các học trò do anh truyền dạy cũng đạt nhiều giải thưởng trong Liên hoan tiếng hát dân ca. Anh xứng đáng với danh hiệu mà bà con phong tặng: "Người giữ hồn dân tộc".

Thế hệ thứ 3 trong gia đình viết văn Hoàng Hạc phải kể đến Nông Quang Khiêm. Người cháu ngoại của nhà văn, đã là một tác giả trẻ chững chạc của văn học Yên Bái. Tiếp nối tư chất, truyền thống gia đình, Nông Quang Khiêm đam mê viết văn từ khi còn là cậu học sinh trường làng. 15 tuổi, Khiêm đã có thơ đăng Báo Yên Bái.

Hiện nay anh đã là chủ nhân của một tập truyện ngắn dày dặn ("Rừng Pha Mơ yêu dấu", NXB Kim Đồng, giải B Văn học Nghệ thuật Yên Bái 2008) và nhiều tác phẩm thơ, truyện in trên sách, báo, tạp chí trung ương, địa phương.

Nét đáng quí ở tác giả trẻ này là anh vẫn giữ được bản sắc dân tộc mình, tình yêu cội nguồn của mình trong từng trang viết. Nông Quang  Khiêm đang công tác tại cơ quan thường trực Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái, đầy điều kiện và triển vọng đi xa hơn ông và bác trên con đường văn học.

Có thể nói từ "Ké Nàm", "Xứ lạ mường trên" của Hoàng Hạc… đến "Cây sẹt trổ hoa" của Hoàng Tương Lai..., rồi đến "Rừng Pha Mơ yêu dấu" của Nông Quang Khiêm... là  một hành  trình văn học của gia đình viết  văn Hoàng Hạc. Mỗi thế hệ như một khúc sông trong dòng sông văn học thấm đượm cảnh sắc quê hương, tình người và điệu hồn dân tộc. Dòng sông ấy khởi nguồn từ "Xứ lạ mường trên" tin rằng sẽ đi rất xa để hoà vào biển  lớn.

Nguyễn Hiền Lương

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục