Nợ duyên với nghề

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/9/2011 | 3:13:38 PM

YBĐT - Lòng nhân ái của họa sỹ Tố Thanh đã thấm vào các học trò qua mỗi câu chuyện, qua cách sống, cách nhìn nhận nghệ thuật, sự cảm nhận cái đẹp...

Họa sĩ Tố Thanh hướng dẫn học trò tại lớp kiến trúc.
Họa sĩ Tố Thanh hướng dẫn học trò tại lớp kiến trúc.

Tôi ấn tượng với chị bởi cách nói chuyện hóm hỉnh và bởi tấm lòng nhân ái bao dung ngập tràn trong đôi mắt đẹp của người đàn bà đa đoan ấy khi nói về những cảnh ngộ, những mảnh đời mỗi học trò nghèo mà chị đã gặp, đã thương yêu nâng đỡ qua mỗi lớp học vẽ do chị tự mở, tự dạy tại ngôi nhà nhỏ bé của mình. Lớp học có cái tên dễ nhớ dễ thương trên facebook - Lớp học vẽ bên sông.

Tiếp chuyện tôi trong ngôi nhà sàn mát rượi gió sông và thấm đẫm màu sắc nghệ thuật của hội họa của kiến trúc - đó cũng là lớp học thêm mà hơn chục năm nay đôi vợ chồng nghệ sỹ tài hoa này đã tâm huyết gắn bó. Họa sỹ Tố Thanh cười bảo: “Cháu biết không, ngôi nhà này có duyên lắm đấy! Các bậc “cây đa cây đề” trong làng hội họa, mỹ thuật, văn chương đều được cô chú tiếp đón tại ngôi nhà sàn ấm cúng này. Họ đến với cô cả bằng tấm chân tình và niềm cảm mến và cô cũng đã dạy cho các học trò của mình bằng chính cuộc đời nghệ thuật với tất cả tấm lòng nhân ái, bao dung.

Lớp học của cô nhiều trò có hoàn cảnh đáng thương lắm! Cô nghèo nên chưa giúp được các trò của mình nhiều về vật chất nhưng thứ mà cô cho chúng ấy là nghị lực, là nghệ thuật và niềm tin cuộc sống. Cũng tại lớp học bên sông này, không ít học trò đã nghị lực vượt lên mặc cảm bản thân, vượt lên hoàn cảnh gia đình để thi đỗ vào các trường đại học sáng giá như: Đại học Kiến trúc hay Mỹ thuật Việt Nam. Đó là điều cô rất tự hào”.

Rót mời tôi cốc nước trà xanh thơm vị gừng tươi và đậm hương của đất đồi nắng gió, họa sỹ Trần Thị Tố Thanh mang ra mấy quyển sổ cũ nát, chị bảo: “Số Nam tào đấy! Cuộc đời các trò đều nằm ở đây cả. Mình vẫn dõi theo từng bước các em đi, đứa nào đỗ đạt làm việc ở đâu, đứa nào chán đời nghiện ngập, đứa nào mất - còn đều có tên ở đây cả”. Tôi trộm nghĩ, đây chỉ là lớp học thêm về hội họa. Hơn nữa, chị lại chỉ là một họa sỹ mưu sinh bằng tài năng nghệ thuật và tấm lòng nhiệt huyết với nghề, sao chị phải tận tâm, tận lực đến thế? Chị thì lại nghĩ khác. Trước mỗi sự thành đạt của các học trò, trước tấm lòng biết ơn của mỗi phụ huynh, chị chỉ nhận mình là người đặt những viên gạch đầu tiên định hướng nghề nghiệp và cuộc đời cho các trò.

Bởi thế nên chị muốn những viên gạch mình đặt phải chắc chắn, phải đúng với tài năng thiên hướng nghệ thuật của các em để chúng  không phải uổng phí thời gian, công sức cũng như tiền bạc của gia đình khi lựa chọn nghề nghiệp. Hơn ai hết, chị là người hiểu học trò và chính chúng cũng đặt niềm tin tưởng rất lớn nơi chị.

    Nhiều học sinh đã phát triển được tài năng từ lớp học thêm này.

Trong cả cuộc nói chuyện dài gần 3 tiếng đồng hồ, nước mắt  họa sỹ  Tố Thanh đã mấy lần ướt rồi khô khi nhắc đến tên các học trò như: Đoàn Anh Phúc, Đàm Quang Kiên, Nguyễn Ngọc Diệp, Nguyễn Văn Trường, Trinh Văn Dũng... Chị bảo đó là những học trò nghèo, có hoàn cảnh rất đáng thương. Xót xa nhất là những trường hợp bố mẹ bỏ nhau, các cháu chán đời, có đứa vượt lên học hành thành người nhưng không ít đứa đã sa ngã vào con đường nghiện ngập. Chị ngậm ngùi: “Các cháu rất có tài năng nhưng ngày đó mình nghèo quá mà học trò của mình thì còn nghèo và đáng thương hơn.

Thương chúng, vợ chồng mình tìm việc cho các cháu làm thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình, rồi vận động người thân trong Sài Gòn xin được 2 suất học bổng cho Kiên và Diệp, đây là hai học trò có hoàn cảnh khó khăn nhất, những mong các cháu được phát triển tài năng. Giờ thì cả hai cháu đều đang học năm thứ 5 đại học mở. Chúng nhớ tới mình nên dịp nghỉ hè nào cũng đến thăm thầy cô”.

Ánh mắt chị rạng ngời hạnh phúc khi nhắc đến Đào Thanh Hải - một học trò “ruột” có tài năng vượt trội đã luyện thi tại Lớp học bên sông, hiện đang là sinh viên năm thứ 5 Đại học Kiến trúc với rất nhiều giải thưởng sáng giá trong nước, trong khu vực và quốc tế; hay Nguyễn Anh Tuấn - một học trò rất thành đạt, hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại và Phát triển Hoàng Gia; hoặc như  Vũ Ngọc Sinh – Giám đốc Công ty Thiết kế đồ họa Sinh Vũ (Hà Nội)...

Lòng nhân ái của họa sỹ Tố Thanh đã thấm vào các học trò qua mỗi câu chuyện, qua cách sống, cách nhìn nhận nghệ thuật, sự cảm nhận cái đẹp.... Kết quả là các học trò của chị đã tự nguyện cùng chị tham gia hoạt động từ thiện, đơn giản chỉ là bớt ăn một bữa sáng, bớt ít tiền tiêu vặt, quyên góp quần áo, sách vở cũ tặng trẻ em nghèo các xã vùng khó khăn trong tỉnh; quyên góp 5 nghìn, 10 nghìn mua lạc, mì tôm, mắm muối giúp trẻ em mồ côi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Dịp Tết Trung thu mới đây, vợ chồng họa sỹ Tố Thanh đã tặng 7 suất học bổng cho các em học sinh giỏi tại Trung tâm này.

Tốt nghiệp khóa 10 , Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, từ chối lời mời ở lại giảng dạy tại trường, Tố Thanh thích được sống với niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật. Sau 19 năm lăn lộn với nghề, năm 1991, chị cùng chồng rời đất Hà Thành trở về Yên Bái, định cư tại xã Hợp Minh. Bươn bả qua nhiều nghề, cuối cùng chị quyết định mở lớp dạy vẽ để được sống bằng chính nghề của mình. Ngoài 2 lớp năng khiếu hè cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, đa phần các lớp học thêm của chị chủ yếu tập trung luyện thi cho các em học sinh từ lớp 10 đến lớp 12.

Không chỉ phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và luyện thi cho học sinh trong tỉnh, “lò” của chị còn đón nhật rất nhiều học sinh ngoại tỉnh gồm: Lào Cai, Sơn La, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Cạn, Hòa Bình, thậm chí có không ít học sinh ở Hà Nội cũng đăng ký luyện thi tại đây. Chị tự hào: “Có những khóa như 2 năm trước, mình có 19 học sinh thi Đại học Kiến trúc thì 18 cháu đỗ, chỉ có 1 cháu học nguyện vọng 2. Có những năm “lò” của mình có tới 36 học sinh thi đỗ các trường. Năm nay đặc biệt có Đỗ Thị Huệ, ở Văn Yên luyện thi tại gia đình đã đỗ thủ khoa Trường Đại học Kiến trúc...”.

Chia tay họa sỹ Tố Thanh khi ánh chiều muộn đã nhuộm tím dòng sông Hồng, nhớ câu chị nói “Lớp học vẽ bên sông luôn rộng cửa đón nhận những học sinh nghèo có thiên hướng về hội họa. Chúng tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ các cháu ...”, tôi chợt nghĩ đến đôi câu đối mà cậu học trò tên Khuê kính tặng vợ chồng chị và dường như chỉ có thế mới nói hết được những gì mà đôi vợ chồng nghệ sỹ tài hoa này vẫn lặng lẽ dâng hiến, lặng lẽ kiếm tìm: “Tạ ơn thầy dẫn con vào rừng tri thức/Cảm nghĩa cô dắt trò đến biển yêu thương”.

Minh Thúy

Các tin khác
Anh Nguyễn Văn Bình bên lồng nuôi các nheo của gia đình.
(Ảnh: Thanh Phúc)

YBĐT - “Năng động và dám nghĩ dám làm” là nhận định của những ai đã từng đến thăm cơ sở nuôi cá của gia đình anh Nguyễn Văn Bình - ở xã Vũ Linh huyện Yên Bình. Là một trong những hộ mạnh dạn đi đầu trong việc phát triển giống cá nheo với số lượng lên tới vài nghìn con.

YBĐT - Ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, không ai không biết tới bác sĩ Đào Thanh Quyết - Bí thư Chi bộ, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu. Anh là tấm gương sáng trong học tập, lao động và sáng tạo theo gương Bác.

Tư thương đến giao dịch mua bán gỗ rừng trồng của nông dân xã Văn Lãng (Yên Bình).
(Ảnh: Linh Chi)

YBĐT - Sau những tháng ngày mày mò học cách làm giàu, giờ đây cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắng, thôn Do Ngòi, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình đã là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương với tổng thu nhập từ 120 đến 125 triệu đồng/năm.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày ông tiến vẫn lên rừng lao động.

YBĐT - Đón chúng tôi trong ngôi nhà hai tầng khá khang trang là một cụ ông năm nay đã 82 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ông là Đoàn Xuân Tiến, thôn Hồng Bàng, xã Đại Đồng (Yên Bình) - một điển hình trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục