Ông Giàng làm kinh tế giỏi
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/10/2011 | 9:08:37 AM
YBĐT - Nhờ cách làm đúng hướng có nguồn thu nhập ổn định, những năm qua ông có thêm điều kiện nuôi các con ăn học đầy đủ, trong đó một cháu đã ra trường về tham gia công tác ở xã, hai cháu đang học tại Trường Cao đẳng Sư phạm thể dục thể thao Hà Nam và Trường Trung cấp Sư phạm Hà Nội.
Ông Sùng A Giàng chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.
|
Ông Sùng A Giàng ở bản Nả Dì Thàng, xã Khao Mang (Mù Cang Chải), được người dân trong xã biết đến không chỉ là một điển hình dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình kinh tế trang trại tổng hợp đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm mà còn là một hội viên Hội Người cao tuổi gương mẫu, nhiệt tình, năng động trong công tác Hội và tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa.
Trước đây, kinh tế gia đình ông Giàng cũng khó khăn như bao khác trong thôn. Làm gì để vươn lên thoát nghèo luôn là vấn đề mà ông trăn trở. Qua tìm hiểu các mô hình kinh tế mới trên báo, đài và bạn bè, với lợi thế đất đai rộng, ông đã chọn mô hình kinh tế trang trại tổng hợp để phát triển kinh tế gia đình.
Trong khuôn viên rộng hơn 2 ha xung quanh nhà, ông đã quy hoạch thành những lô để gieo trồng cho phù hợp, chỗ có độ dốc lớn và nhiều đá dành cho cây ăn quả như: lê, táo, nhãn, vải... còn lại những chỗ đất bằng, màu mỡ trồng ngô, rau, khoai để lấy phụ phẩm chăn nuôi; vùng trũng thấp thì đào ao thả cá cùng với xây chuồng nuôi lợn, gà, vịt, ngan.
Do còn thiếu kiến thức nên lúc đầu ông cũng gặp một số khó khăn như dịch bệnh ở vật nuôi, sâu hại trên cây trồng... nhưng với ý chí và nghị lực, ông không những lùi bước mà còn tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm từ bạn bè và tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được huyện, xã tổ chức trên địa bàn.
Qua nhiều năm lao động, đúc kết kinh nghiệm, nay trang trại tổng hợp của ông Giàng đã phát triển bền vững, mỗi năm bán trên 1,5 tấn lợn hơi theo hướng chất lượng cao, ít sử dụng cám công nghiệp, chủ yếu tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp; thu gần chục triệu đồng từ bán rau củ quả, gà, vịt, ngan.
Với khoảng 3 - 4 sào mặt nước ao nuôi cá chép đồng, trắm, rô phi đơn tính ngoài phục vụ cải thiện hàng ngày, nhà ông còn là nơi cung cấp giống cá chép đồng cho các hội viên ở thôn và ở xã có nhu cầu nuôi cá không lấy tiền. Đặc biệt, ông còn là một điển hình trong mô hình thả cá chép ruộng cho thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/vụ.
Ngoài trang trại tổng hợp hơn 2 ha, ông còn khai hoang được gần 1 ha ruộng bậc thang, đưa các loại giống lúa lai vào thâm canh và áp dụng khoa học kỹ thuật cho thu hoạch trên 2,5 tấn thóc/vụ. Bên cạnh đó, ông còn mua máy về làm dịch vụ xay sát giúp cho bà con trong vùng. Hiện nay, từ mọi nguồn thu, tổng mỗi năm gia đình ông Sùng A Giàng đạt gần 100 triệu đồng, gia đình có cuộc sống ổn định, làm được nhà cửa khang trang, mua sắm được đầy đủ các tiện nghi đắt tiền như: xe máy, giường tủ, ti vi...
Nhờ cách làm đúng hướng có nguồn thu nhập ổn định, những năm qua ông có thêm điều kiện nuôi các con ăn học đầy đủ, trong đó một cháu đã ra trường về tham gia công tác ở xã, hai cháu đang học tại Trường Cao đẳng Sư phạm thể dục thể thao Hà Nam và Trường Trung cấp Sư phạm Hà Nội.
Ông tâm sự: "Mô hình kinh tế của gia đình so với hiện tại thì cũng là điển hình nhưng so với miền xuôi thì còn quá nhỏ bé. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, mở rộng quy mô, chủ yếu là lĩnh vực chăn nuôi để ngày càng đem lại thu nhập cao hơn cho gia đình vừa là chỗ dựa cho các hội viên khác đến học hỏi và làm theo".
Bên cạnh phát triển kinh tế, ông Sùng A Giàng còn tích cực tuyên truyền vận động bà con nhân dân chấp hành thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tiên phong đi đầu trong cuộc vận động xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa với các tiêu chí thôn không ma túy, không tệ nạn xã hội, không tảo hôn, không sinh con thứ ba; vận động nhân dân không trông chờ, ỷ lại; tích cực đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi lai mới vào sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; chăm chỉ lao động làm giàu chính đáng; đưa con em đến trường học chữ, làm chuồng nuôi nhốt không thả rông gia súc, gia cầm, làm nhà tắm, nhà vệ sinh; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, trong đám cưới, đám tang.
Ông Sùng A Sử - Thường trực Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Mù Cang Chải nhận xét: "Ông Sùng A Giàng là một trong những hội viên tiêu biểu trong công việc cũng như trong đời sống. Ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, xây dựng nông thôn mới từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo. Với những đóng góp của mình, năm qua, ông đã được Hội Người cao tuổi các cấp ghi nhận và khen thưởng".
A Mua
Các tin khác
YBĐT - Sinh ra và lớn lên tại thôn Giàng La Pán, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, chị Sùng Thị Bầu hiểu được nỗi khổ của đồng bào Mông vùng cao hơn ai hết, cuộc sống khổ chỉ vì sinh đẻ nhiều con, khổ vì thường hay du canh du cư, khổ vì không biết chữ, trong đó có cả gia đình, họ hàng nhà chị.
“Sống cần có một tấm lòng” đó là điều mà cô cán bộ Đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh Yên Bái Nguyễn Thị Như Quỳnh tâm niệm. Đêm đêm, một mình Như Quỳnh vẫn nghe hoài câu hát ấy. Nghe rồi lặng lẽ gửi đi một tấm lòng…
YBĐT - Nhắc đến chị Đoàn Thị Hiên - cộng tác viên dân số thôn Đoàn Kết, xã Bảo Ái (huyện Yên Bình), nhiều người phải nể phục bởi sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của chị trong công việc.
YBĐT - Hội Người cao tuổi xã Minh Tiến (Lục Yên) hiện có 435 hội viên sinh hoạt tại 14 chi hội thôn, bản đã thật sự nêu gương sáng trong đời sống xã hội và góp phần xây dựng địa phương phát triển vững mạnh.