Không chỉ để thoát đời lam lũ

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/12/2011 | 9:25:19 AM

YBĐT - Đáng trân trọng và cảm phục thay nghị lực của những cô cậu học trò sinh ra trong khổ cực, tuổi thơ trải qua nhiều biến cố, lớn lên trong cảnh éo le và bao bất hạnh gia đình những vẫn vươn lên học chữ, rèn mình. Học không chỉ để thoát đời lam lũ!

Phùng Thị Vĩ (ngồi bên phải) cùng các bạn trao đổi bài.
Phùng Thị Vĩ (ngồi bên phải) cùng các bạn trao đổi bài.

Trong trí nhớ của mình, Phùng Thị Vĩ, dân tộc Tày ở thôn 2, xã Tích Cốc (Yên Bình) không rõ lắm ảnh hình về cha. Một tuổi thì mẹ mất. Lên sáu, cha mất. Vĩ về ở với dì ruột. Trong cái khổ tận cùng của trẻ mồ côi cha mẹ, cô bé người Tày vẫn miệt mài đèn sách. Hết tiểu học, gia đình xin cho em vào học ở Trường S.O.S.

Từ đây, em có mái nhà thứ hai với bao bạn bè chung cảnh ngộ. Mấy năm học ở trường, được sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, Vĩ từ một học sinh khá đã vươn lên thành học sinh giỏi. Khi thi hết cấp, em phân vân lắm. Đi học nữa hay thôi? Rồi em quyết tâm thi vào Trường phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông (DTNT THPT) tỉnh Yên Bái. Bây giờ, Vĩ đã là học sinh lớp 11 của trường, hòa đồng cùng bè bạn là con em đồng bào các dân tộc, chuyên tâm học và rèn với ước mơ trở thành một giáo viên tiểu học dạy chữ cho chính con em đồng bào mình.

Phần lớn ước mong của học trò là học để làm doanh nhân giàu có, để thoát xa nghèo khó nhưng với những học sinh sinh ra trong khổ cực, tuổi thơ trải qua nhiều biến cố, lớn lên trong cảnh éo le, bất hạnh như Vĩ, Hồng, Cho mà chúng tôi gặp vẫn kiên trì đèn sách với tâm niệm học không chỉ đời mình hết lam lũ mà để cống hiến cho đời, cho làng bản, quê hương, cho đồng bào mình...

Cùng trường với Vĩ có Hoàng Thị Hồng (cũng người dân tộc Tày) ở bản Nả, xã Việt Hồng (Trấn Yên). Hồng cũng có mẹ, có cha. Nhưng éo le, khi em chào đời, cha cùng mấy người con riêng ở lại ngôi nhà cũ, mẹ đưa Hồng ra ở riêng, mấy thân gỗ rừng dựng tạm làm nơi ăn nơi ở. Trăm sự đời gian khó chồng lên vai mẹ. Nhà chỉ có sào ruộng, tay mẹ cấy ngập bùn quanh năm chẳng đủ ăn. Khi còn sức thì vậy, từ ngày mẹ biến chứng thần kinh ngoại vi, rồi bệnh thận, bệnh gan thì không còn sức làm, ruộng cấy trông cả vào họ hàng, cô bác giúp. Nói chuyện với chúng tôi, Hồng rớt nước mắt. Em xót xa cho mẹ, cho mình. Nỗi mặc cảm, sự tự ti như đám mây u ám bất chợt đi rồi bất chợt ùa về khi bè bạn cùng lớp có cha mẹ tới thăm, tới đón.

Phấn đấu vươn lên, học xong tiểu học rồi trung học cơ sở, giờ Hồng đã là học sinh lớp 12. Trong mái trường dân tộc nội trú, các em có những cha mẹ là những thầy cô chăm sóc, dạy bảo, yêu thương, nhưng sao bằng tình mẹ. Hồng nói, em phân tâm lắm khi những lúc mẹ bệnh, học nữa hay thôi.

500.000 đồng Nhà nước bao cấp sinh hoạt, thường chỉ ăn hết 400.000 đồng, còn 100.000 thì phụ về giúp mẹ. 18 tuổi, trong khi bạn gái cùng trang lứa ở bản, ở làng, ở thành thị sành điệu hết mốt này tới mốt khác thì Hồng vẫn chiếc áo mỏng manh đã cũ, dép lê mộc mạc, chưa biết dùng son phấn. Hồng bảo, em sẽ cố gắng học tiến bộ hơn để có thể thi vào ngành y làm bác sỹ. Em nói thế vì làm bác sỹ em có điều kiện khám chữa bệnh cho những người nghèo khó, như một cách góp sức vun trồng cây đức ở đời.

 

Với Giàng Seo Cho, học là để về giúp quê hương, bà con dân tộc mình ngày càng tiến bộ.

Trong số những học sinh dân tộc Mông ở Trường phổ thông DTNT THPT tỉnh Yên Bái, Giàng Seo Cho, học sinh lớp 12B gia cảnh nhiều khó khăn hơn cả. Nhà em ở thôn Làng Khoang, xã Lang Thíp (Văn Yên). Nhà có 6 anh em, 4 trai, 2 gái. Seo và mấy anh em trai thì được đi học, em gái thì không. Cái lý của mẹ cha là nhà đông con, đường đến trường xa quá: gần 6 cây số đi bộ, qua nhiều suối khe mà mùa mưa thì ngày đi ngày nghỉ vì lũ lớn. Lý là thế nhưng Cho nghĩ, cái chính là còn tư tưởng coi nhẹ phụ nữ thôi.

 12 tuổi, Giàng Thị Lan - em của Cho không biết chữ. Cô em Giàng Thị Hà năm nay mới lên 3 có lẽ sau này cũng vậy. Nhà Cho không có ruộng, chỉ trồng vào mấy mảnh nương trồng lúa và chăn nuôi vài ba con lợn, con gà. Thành ra, mấy em thấu đủ cái đói từ khi còn nhỏ. Bây giờ, Cho còn chưa đứng vững khi nỗi bất hạnh cùng lúc đổ xuống gia đình em. Cha mất chưa tròn năm thì em ruột mất. Em mất được ba ngày thì mẹ phải vào viện chữa bệnh. Mọi việc nhà em đều quyết cả.

 Khi vào viện, em ký tên bảo đảm với bác sỹ phẫu thuật cho mẹ mình. Vừa học vừa tranh thủ chăm sóc mẹ ở viện vì anh em họ hàng ở tất Bắc Hà (Lào Cai), hàng xóm giúp đỡ cũng không thể mãi được. Hay là nghỉ học? Cho đã nghĩ tới nghỉ học để về nhà. Tấm chân tình của thầy cô, bè bạn, nhà trường đã vực Cho đứng lên. Lực học có sa sút nhưng em quyết tâm cao lắm. Cho nghĩ: “Không thể phụ lòng cha mẹ, thầy cô, phải vươn lên, phải vượt lên để tới ngày trở thành thầy giáo đem ánh sáng văn hóa về bản, góp sức làm cho bà con hiểu cái tốt, cái hay, không còn coi nhẹ phụ nữ, không sinh đẻ nhiều con, biết giữ vệ sinh bản làng, biết tính toán làm ăn để hết nghèo”.

Đáng trân trọng và cảm phục thay nghị lực của những cô cậu học trò sinh ra trong khổ cực, tuổi thơ trải qua nhiều biến cố, lớn lên trong cảnh éo le và bao bất hạnh gia đình những vẫn vươn lên học chữ, rèn mình. Học không chỉ để thoát đời lam lũ!

 Tuấn Anh

Các tin khác
Vợ chồng ông Giàng A Dê thu hoạch thảo quả.

YBĐT - Năng động, tích cực học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc và sớm đi tìm giống thảo quả về trồng trên mảnh đất quê mình nên gia đình ông Giàng A Dê ở bản Tà Ghênh, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) từ một hộ nghèo nhất ở bản nay đã vươn lên thoát nghèo.

Ông chủ rừng Nguyễn Mạnh Cường bên vườn keo của gia đình.

YBĐT - Người ta vẫn quen gọi anh là “Cường ngỗng” bởi những năm qua anh mở nhà hàng Cường Lanh với các món đặc trưng từ thịt ngỗng. Thế nhưng ít ai biết rằng “Cường ngỗng” lại đang sở hữu hơn 40 ha rừng trồng.

Hoàng Văn Chiếm đánh bắt cá trên vùng hồ của mình.

YBĐT - Nhờ đức tính cần cù chịu khó, ham học hỏi, đến nay, Hoàng Văn Chiếm đã xây dựng thành công mô hình trang trại VACR với 10 ha rừng đang sinh trưởng rất tốt, mỗi năm thu về từ chặt tỉa được cả chục triệu đồng, đặc biệt hiện tại anh có khoảng trên dưới 100 tấn cá thịt đã đến thời kỳ xuất bán trị giá hàng tỷ đồng...

YBĐT - Từ một hộ khó khăn, song gia đình anh Chiến đã mạnh dạn đầu tư đào ao nuôi cá kết hợp với chăn nuôi lợn, nhờ vậy cuộc sống gia đình ngày một khấm khá, xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi dạy con cái học hành đầy đủ

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục