Người có duyên với rừng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/12/2011 | 9:05:31 AM

YBĐT - Người ta vẫn quen gọi anh là “Cường ngỗng” bởi những năm qua anh mở nhà hàng Cường Lanh với các món đặc trưng từ thịt ngỗng. Thế nhưng ít ai biết rằng “Cường ngỗng” lại đang sở hữu hơn 40 ha rừng trồng.

Ông chủ rừng Nguyễn Mạnh Cường bên vườn keo của gia đình.
Ông chủ rừng Nguyễn Mạnh Cường bên vườn keo của gia đình.

Đã nhiều lần được thưởng thức những món ẩm thực và tận hưởng không gian thoáng đãng bên hồ Thác Bà, ngắm ngôi nhà 4 tầng hình con thuyền neo bến, song giờ tôi mới có dịp lướt sóng cùng anh ra đảo, để được ngắm rừng và hiểu vì sao con người tuổi Kỷ Hợi này lại đam mê về rừng đến thế.

 Anh Cường cho hay: “Có duyên với rừng cũng bởi từ khi vào bộ đội”. Năm 1976, đang làm ở mỏ A pa tít (Lào Cai), Nguyễn Mạnh Cường nhập ngũ phiên chế thuộc Tỉnh đội Hoàng Liên Sơn. Ngoài những năm huấn luyện chiến đấu, anh tham gia cùng anh em phát triển kinh tế trồng cây gây rừng. Nghề rừng đã khiến bộ đội Cường đam mê từ lúc nào.

Năm 1991, xuất ngũ trở về gia đình tại khu 3 thị trấn Thác Bà cũng là lúc anh trăn trở làm gì để ổn định cuộc sống. Cũng may, dịp đó Chính phủ có Nghị quyết 84 về giao đất giao rừng, anh bàn với gia đình nhận 20 ha đồi trọc trên đảo hồ để trồng rừng. Nhận rồi nhưng bắt tay vào khôi phục những quả đồi trọc với toàn dây rừng, lau lách là cả quá trình bỏ công, bỏ sức không nhỏ. Nhìn những đoạn dây rừng leo chằng chịt, có dây to như cái phích mà có lúc thấy ngán ngẩm.

Với sự từng trải, bản lĩnh và kỷ luật của người lính, anh đã quyết tâm gắn bó với rừng. Việc gì đã định là làm bằng được, anh động viên bố mẹ, anh em trong gia đình, có lúc nhờ thêm bạn bè ra đảo phát dọn, rồi đào hố trồng cây...

Công việc lúc đó chỉ là vạn sự khởi đầu nan đối với anh. Để có điều kiện gắn bó với nghề rừng, có đồng lương ổn định cuộc sống, anh Cường đã xin vào làm tại Lâm trường Thác Bà. Ở Lâm trường, anh có dịp học hỏi thêm kiến thức trồng rừng, cộng với làm quen với thị trường kinh doanh gỗ rừng trồng, được trải nghiệm thực tiễn hết sức bổ ích.

Những năm đầu đổi mới, việc phát triển rừng kinh tế theo mô hình hộ gia đình là rất ít, chủ yếu là do các lâm trường đảm nhiệm. Trong khi đó, một số người dân không mặn mà với trồng rừng mà chuyển dần sang trồng sắn vì những khó khăn trong cuộc sống. Còn anh thì vẫn kiên trì bám đảo trồng cây gây rừng. Năm 1997, lứa bồ đề đầu tiên được gia đình khai thác trên số diện tích trồng từ khi mới nhận đất.

 

Vườn keo 4 năm tuổi của anh Cường.

Anh Cường vẫn nhớ niềm vui từ thành quả lao động khi khai thác lứa đầu được 200 ha, bán trên 110 triệu đồng đã là số tiền lớn rồi. Để chủ động lựa chọn thị trường, giá cả, anh nghiên cứu cơ chế chính sách, mạnh dạn xin được cấp giấy xuất bán ra ngoài tỉnh. Hiểu thị trường, anh chuyển đổi cây trồng có giá trị, thích ứng với nhu cầu. Anh phân tích và hiểu cây keo đang được phát triển nhiều bởi loại cây này không bị mọt nên ngoài làm nguyên liệu giấy có thể làm đồ gia dụng nếu cây có đường kính lớn, trồng từ 10 năm trở lên. Các loại cây khác như: bạch đàn, bồ đề chỉ làm nguyên liệu giấy, vật liệu xây dựng, cây chống…

Cũng từng ấy công chăm sóc, vận chuyển nhưng cây keo đem lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Chu kỳ khai thác nhiều nhất từ kinh tế rừng của anh Cường là 15 ha, toàn cây trên 10 năm. Chỉ 3 cây như thế đã được 1m3, hơn nữa loại cây càng to càng có giá, mỗi mét khối có thể dao động từ 1,2 đến 2 triệu đồng tùy đường kính cây. Tôi nhẩm tính, mỗi ha trồng cây keo lâu năm cho 300 m3, mỗi khối 1 triệu đồng, vị chi đợt xuất bán 15 ha keo đó, anh Cường thu về không dưới 4 tỷ đồng.

Đã trở thành tỷ phú rừng nhưng là người thích nghề rừng và luôn nghiên cứu đổi mới, anh Cường nghĩ cách làm mới từ liên doanh, liên kết. Người có đất, anh bỏ vốn ra, thuê người trồng, chăm sóc. Hiện số diện tích liên doanh tới gần chục ha thuộc xã Đại Đồng, thị trấn Yên Bình. Anh kể, có chủ đất sau vài năm liên doanh với anh, họ đã thu về gấp cả chục lần số tiền định bán diện tích đồi rừng trước đó. Hiện nay, “ông chủ” nhà hàng với đặc sản thịt ngỗng 9 món đang sở hữu tới 40 ha rừng trồng trên các đảo hồ.

Tính đến nay, rừng trồng của anh đã cho khai thác được 20 chu kỳ. Anh cho biết, mỗi khi thời vụ khai thác phải thuê hàng chục lao động, cộng với chục người chuyên chăm sóc, bảo vệ thường xuyên. Tuy nhiên, nghề rừng cũng phải có sự đam mê. Bận với công việc hàng quán mở được vài năm nay nhưng cứ hễ rảnh là anh lại tự lái thuyền phóng ra đảo hồ kiểm tra việc chăm sóc cây, ngắm nghía thành quả từ bàn tay, khối óc qua bao năm vất vả.

Đam mê với rừng, anh Cường còn tham gia Hội làm vườn của thị trấn. Ở đây, anh có điều kiện trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm trồng và phát triển rừng, duy trì sinh hoạt thường xuyên, đóng góp quĩ hội giúp nhau phát triển kinh tế vườn rừng. Anh cho rằng, cơ chế của nền kinh tế thị trường hiện nay là hết sức, thuận lợi. Kinh nghiệm của tỷ phú rừng đó là, phát triển rừng kinh tế cần biết tính đúng thời điểm khi khai thác, nhanh nhạy trước thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, phải biết chú trọng giữ rừng bền vững. Anh bật mí: “Tới đây tổ chức Hội phát triển rừng bền vững sắp triển khai thành lập tại địa phương, mình sẽ xin gia nhập”.

Huy Văn

Các tin khác
Hoàng Văn Chiếm đánh bắt cá trên vùng hồ của mình.

YBĐT - Nhờ đức tính cần cù chịu khó, ham học hỏi, đến nay, Hoàng Văn Chiếm đã xây dựng thành công mô hình trang trại VACR với 10 ha rừng đang sinh trưởng rất tốt, mỗi năm thu về từ chặt tỉa được cả chục triệu đồng, đặc biệt hiện tại anh có khoảng trên dưới 100 tấn cá thịt đã đến thời kỳ xuất bán trị giá hàng tỷ đồng...

YBĐT - Từ một hộ khó khăn, song gia đình anh Chiến đã mạnh dạn đầu tư đào ao nuôi cá kết hợp với chăn nuôi lợn, nhờ vậy cuộc sống gia đình ngày một khấm khá, xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi dạy con cái học hành đầy đủ

Ông Mòi đang chăm sóc vườn rau của gia đình.

YBĐT - Người ta gọi vườn rau nhà ông Cầm Ngọc Mòi, thôn Bản Lè 2, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái là vườn rau xanh 4 mùa bởi quanh năm hơn 700m2 đất ruộng nhà ông đều xanh ngắt một mầu của những cây bắp cải, su hào, bí và dưa bở...

Chị Hoàng Thị Bình nhận giải thưởng chất lượng quốc gia, giải thưởng chất lượng quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương năm 2010 cho Ypharco Yên Bái.

YBĐT - Nhanh nhạy, sắc sảo nhưng cũng thật giản dị, chân tình…, đó là những ấn tượng đầu tiên về doanh nhân Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Yên Bái - Ypharco.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục