Khá giả nhờ nuôi cá

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/12/2011 | 9:47:05 AM

YBĐT - Từ một hộ khó khăn, song gia đình anh Chiến đã mạnh dạn đầu tư đào ao nuôi cá kết hợp với chăn nuôi lợn, nhờ vậy cuộc sống gia đình ngày một khấm khá, xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi dạy con cái học hành đầy đủ

“Dù ở nông thôn hay thành thị, ai cũng khát khao làm giàu nhưng làm như thế nào, làm ra sao, quả là điều không dễ bởi thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học và quan trọng hơn cả là ý chí và nghị lực. Gia đình tôi cũng đã một thời như vậy, đất đai nhiều nhưng cái đói, cái nghèo cứ níu lấy, không làm sao thoát ra được” - Anh Hoàng Xuân Chiến ở thôn Đăng Thọ, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình mở đầu câu chuyện làm giàu của mình như vậy.

- Thế giờ anh đã giàu chưa? tôi hỏi.
- Nói là giàu thì chưa dám nhưng nói chung là gia đình cũng đủ ăn, đủ mặc, lo cho con cái học hành đầy đủ, ngoài ra mỗi năm cũng có một chút vốn để tích lũy.

Rồi anh Chiến tâm sự, trước đây gia đình cũng khó khăn lắm, nhà có 4 nhân khẩu vậy mà chỉ trông vào 5 sào ruộng, đã vậy ruộng “chân chua cớm bóng” đầu tư, chăm sóc mấy năng suất cũng không thể cao được. Không cam chịu đói nghèo, ngoài việc đầu tư thâm canh ruộng lúa, gia đình đầu tư vào chăn nuôi lợn.

Lúc đầu do thiếu vốn vay mượn anh em, bạn bè cũng chỉ mua nổi vài cặp lợn giống. Ơn trời, lợn lớn nhanh như thổi, không bệnh tật gì, bán trả được gốc còn lãi hơn 3 triệu đồng. Có vốn, gia đình mua lợn nái về nuôi để lấy giống, từ đó đến nay trong chuồng lúc nào cũng nuôi 15-20 con lợn thịt. Có chút vốn, đầu năm 2008, tôi bàn với vợ con đào ao ở trước nhà để thả cá.

Lúc đầu cũng không ai đồng tình, bà con lối xóm còn cho là “khùng”, cả xã Phú Thịnh này đã ai làm giàu từ nuôi cá đâu, nhiều nhà còn có sẵn mặt nước mà còn không nuôi nổi nữa là đầu tư đào ao! Nhiều người còn nói: “Nuôi cá, gá bạc”... Bỏ qua tất cả những lời đàm tiếu, anh Chiến đi thuê máy xúc về đào ao rộng gần 2.000m2, hết 14 triệu đồng.

Trong quá trình đào ao, anh tranh thủ đi học tập các hộ nuôi cá và theo học lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá do Chi cục Thủy sản mở. Kết thúc khóa tập huấn cũng là khi ao cá hoàn thành, về nhà áp dụng những kiến thức được học để bắt tay vào nuôi cá.

Ban đầu anh vét bùn dưới ao và mua vôi bột về quãi khắp mặt ao rồi cho nước vào ngâm sau đó xả hết nước vôi đi. Để vài ngày, sau đó lại đưa nước vào và thả cá, với diện tích ao của nhà, bình quân mỗi lứa anh thả 1 tạ cá giống chủ yếu là cá trắm cỏ. Nếu như nhiều gia đình nuôi theo phương thức thâm canh công nghiệp thì anh Chiến lại chọn phương pháp nuôi bán thâm canh bằng cách tận dụng nguồn thức ăn quanh nhà cho cá ăn. Tận dụng những khu đất trống ven nhà, ven đồi để trồng cỏ với định mức ngày cho ăn 2 lần.

Cùng với cho ăn cỏ và lá sắn thì cứ sau 5-7 ngày anh lại cho cá ăn bã sắn một lần. Anh Chiến lý giải và cho rằng không nuôi bằng thức ăn công nghiệp vì phải đầu tư tiền cám nhiều, một mặt là thiếu vốn, mặt khác là chất lượng thịt không ngon, bán không được giá.

Nuôi bán thâm canh, cá lớn chậm nhưng vốn đầu tư ít, thịt chắc, bán cũng cao hơn. Với phương thức nuôi như vậy, mỗi năm anh Chiến đánh bắt được 1 tấn cá, con to cũng 4 kg còn bình quân 2,5-3 kg bán với giá thị trường thu trên dưới 60 triệu đồng.

Nói về nghề nuôi cá, anh Chiến tâm sự: “Nuôi cá không khó, chỉ cần có ao và nguồn nước là có thể nuôi được, vốn đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, cái khó nhất của nghề nuôi cá là công tác phòng chống dịch, bệnh cho cá. Người nuôi phải quan tâm và thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của cá, khi phát hiện cá kém ăn, có dấu hiệu của bệnh phải xử lý ngay, nếu không chỉ chậm một hai ngày là trắng tay”.

Rõ ràng, chăn nuôi thủy sản không hề khó, nhưng phòng chống dịch bệnh lại là một trở ngại lớn với hầu hết các hộ chăn nuôi. Ngay như gia đình anh Chiến, dù đã qua lớp tập huấn nhưng năm 2009, gia đình anh cũng bị thiệt hại khá lớn do cá mắc bệnh và chết hàng loạt. Rút kinh nghiệm, mỗi khi thả lứa cá mới, anh làm tốt công tác chuẩn bị và vệ sinh ao nuôi, kết hợp khử trùng tiêu độc theo đúng kỹ thuật, hàng ngày theo dõi quá trình sinh trưởng của cá khi phát hiện có bệnh xử lý ngay, tránh lây ra đàn.

Dẫu chưa giàu có nhưng sự thành công bước đầu của gia đình anh Chiến là hướng đi cho nông dân trên con đường xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Thanh Phúc

Các tin khác
Ông Mòi đang chăm sóc vườn rau của gia đình.

YBĐT - Người ta gọi vườn rau nhà ông Cầm Ngọc Mòi, thôn Bản Lè 2, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái là vườn rau xanh 4 mùa bởi quanh năm hơn 700m2 đất ruộng nhà ông đều xanh ngắt một mầu của những cây bắp cải, su hào, bí và dưa bở...

Chị Hoàng Thị Bình nhận giải thưởng chất lượng quốc gia, giải thưởng chất lượng quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương năm 2010 cho Ypharco Yên Bái.

YBĐT - Nhanh nhạy, sắc sảo nhưng cũng thật giản dị, chân tình…, đó là những ấn tượng đầu tiên về doanh nhân Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Yên Bái - Ypharco.

Bí thư chi bộ Phạm Hữu Huyền triển khai công việc tại buổi sinh hoạt chi bộ.

YBĐT - Ông là Phạm Hữu Huyền - Bí thư Chi bộ 9, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ. Người dân nơi đây vẫn thường nhắc đến ông với cái tên trìu mến, gần gũi: “ông Huyền bí thư”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục