Hoa thơm đất ngọc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/12/2011 | 9:00:21 AM

YBĐT - Nhờ đức tính cần cù chịu khó, ham học hỏi, đến nay, Hoàng Văn Chiếm đã xây dựng thành công mô hình trang trại VACR với 10 ha rừng đang sinh trưởng rất tốt, mỗi năm thu về từ chặt tỉa được cả chục triệu đồng, đặc biệt hiện tại anh có khoảng trên dưới 100 tấn cá thịt đã đến thời kỳ xuất bán trị giá hàng tỷ đồng...

Hoàng Văn Chiếm đánh bắt cá trên vùng hồ của mình.
Hoàng Văn Chiếm đánh bắt cá trên vùng hồ của mình.

Tôi ấn tượng mãi với lời nói của Chiếm “cá” khi đến thăm trang trại của anh vào một ngày cuối năm: “Tớ rất thích câu nói của Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte: Chiều cao của đàn ông được tính từ trán lên đến trời”. Quả thực, nếu gặp Chiếm lần đầu, chắc sẽ rất ít người có thể nghĩ đó lại là một ông chủ thực sự của một mô hình VACR nổi tiếng khắp vùng, biệt danh Chiếm “cá” của anh cũng từ đó mà có.

Hoàng Văn Chiếm - Bí thư chi đoàn thôn Thâm Nim, xã Mường Lai, huyện Lục Yên có dáng người nhỏ bé, nước da ngăm đen nhưng bù lại, đôi mắt tinh anh toát lên vẻ thông minh, lanh lợi đến kỳ lạ. Anh hiện đang sở hữu một tổ hợp trang trại gồm vườn, hồ, chuồng và rừng trị giá lên đến gần 2 tỷ đồng và là một trong 4 gương mặt điển hình đại diện cho tuổi trẻ Yên Bái tham dự Đại hội “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” lần thứ II năm 2011 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 6 vừa qua.

Ngồi trên chiếc thuyền đánh cá quen thuộc của người dân vùng hồ, nhấp chén trà, Chiếm khá đăm chiêu khi nhớ lại cái thời còn khó khăn, những bước khởi đầu gian nan và con đường lập nghiệp của mình... Tốt nghiệp THPT năm 2001, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông anh em nên Chiếm đã không có điều kiện học lên chuyên nghiệp như bao người bạn cùng trang lứa, bao nhiêu hoài bão của tuổi trẻ, Chiếm phải gác lại để lặn lội xuống thành phố Yên Bái học nghề sửa xe máy.

Sau hơn hai năm, Chiếm đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm trong cái nghề “dầu mỡ” ấy và ôm hoài bão trở về quê hương, định bụng sẽ mở hiệu sửa xe, lấy kiến thức học tập được làm “cần câu cơm”. Nhưng, với một “chú nhóc” như Chiếm, nhà nghèo vốn ít, đời sống của người dân ở quê còn quá khó khăn, ai ai cũng mày mò tự sửa lấy những hỏng hóc nhỏ của xe mình, hỏng lớn quá thì lại không có đủ phương tiện kỹ thuật để làm... Vậy là ước mơ có một công việc ổn định từ tay nghề học được đã nhanh chóng bị phá sản. Cụt vốn, nghĩ nản, đầu năm 2006, Chiếm quyết định “tay nải”  hành trang vào Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê.

Gần hai năm xa nhà, bôn ba xứ người với đủ nghề như: cơ khí, thợ sắt, hàn điện… chỉ đem lại cho Chiếm khoản thu nhập vừa đủ để trang trải cuộc sống đắt đỏ nơi thành phố chứ chưa nói tới chuyện làm giàu. “Làm gì để thoát nghèo, vươn lên làm giàu” luôn là câu hỏi thường trực trong đầu và thôi thúc Chiếm trong những đêm dài mất ngủ.

Và rồi tia sáng đã lóe lên khi Chiếm nghĩ: “Quê mình điều kiện khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, ao hồ rộng, tại sao lại không về mà làm ăn?”. Thế là giữa năm 2007, Chiếm quyết định rời Thành phố Hồ Chí Minh, mang theo niềm ấp ủ đó trở về Lục Yên - nơi anh sinh ra và lớn lên. Chiếm đã bàn với gia đình và mạnh dạn vay mượn của bà con họ hàng, làng xóm nhận đấu thầu hơn 10 ha rừng và 7 ha diện tích mặt hồ của xã để xây dựng mô hình phát triển kinh tế theo mô hình VACR.

 

Hoàng Văn Chiến nhận giải thưởng thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cái buổi sơ khai lập nghiệp của chàng thanh niên ấy còn gặp vô vàn khó khăn về nguồn vốn, về kỹ thuật, thiếu nhân lực... Đúng lúc đó, Chương trình hỗ trợ vốn cho đoàn viên thanh niên được các cấp bộ Đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội và chính quyền xã triển khai, Chiếm được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Có vốn, anh đầu tư 13 triệu đồng tiền cá giống các loại như: mè, chép, trắm, trôi... quây lưới thả trên 7 ha diện tích mặt hồ. Số vốn còn lại, chiếm đầu tư mua cây giống như: keo, bồ đề... trồng trên 10 ha rừng và bắt đầu bắt tay vào nuôi lợn, gia cầm...

Không dừng lại ở đó, với suy nghĩ “Đã làm là ra làm chứ không hời hợt được”, Chiếm sử dụng nguồn thu ban đầu từ bán cá để xây dựng 35m2 làm khu nuôi giun quế công nghiệp nhằm mục đích chủ động nguồn thức ăn cho cá, gia súc, gia cầm. 

Thời gian rảnh rỗi, Chiếm thường xuyên mua sách nông nghiệp để tham khảo, tự mày mò tìm hiểu về kỹ thuật nuôi, thả cá trên hồ, đồng thời anh rất chăm chỉ tham gia các lớp tập huấn về nuôi trồng thuỷ sản do huyện, xã tổ chức... “Đất không phụ công người”, sau hơn một năm hăng say lao động và không ngừng học hỏi, Chiếm đã có được những thành quả ban đầu rất khả quan, hứa hẹn một tương lai sáng trên trang trại của mình.

Năm 2008, số cá thả ban đầu cho thu hoạch trên 15 tấn, nguồn thu ước đạt gần 400 triệu đồng, trừ các chi phí Chiếm đã thu về trên 100 triệu đồng tiền lãi. Có vốn, đầu năm 2009, Chiếm tiếp tục thả hàng tạ các giống cá và tiếp tục chăm sóc 10 ha rừng và để từng bước nâng cao kiến thức cho mình trong việc chăm sóc cá, Chiếm đã về Bắc Ninh, thậm chí lặn lội vào tận Kiên Giang để học kỹ thuật nuôi cá...

Nhờ đức tính cần cù chịu khó, ham học hỏi, đến nay, Hoàng Văn Chiếm đã xây dựng thành công mô hình trang trại VACR với 10 ha rừng đang sinh trưởng rất tốt, mỗi năm thu về từ chặt tỉa được cả chục triệu đồng, đặc biệt hiện tại anh có khoảng trên dưới 100 tấn cá thịt đã đến thời kỳ xuất bán trị giá hàng tỷ đồng... Với mô hình làm kinh tế của mình, Chiếm đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 1,2 -1,5 triệu đồng/tháng, riêng anh, trừ mọi chi phí sản xuất, công nhật... mỗi năm thu về ngót nghét 150 triệu đồng tiền lãi...

Nói về hướng phát triển trong thời gian tới, Chiếm cho biết: “Mình sẽ mở rộng mô hình nuôi trồng với những con, cây giống mới cho năng suất và hiệu quả cao hơn, hướng tới sẽ đầu tư xây dựng mô hình du lịch sinh thái”. Con đường để thực hiện hoài bão của Hoàng Văn Chiếm vẫn còn nhiều gian nan thử thách phía trước nhưng những gì anh làm được thời gian qua sẽ là động lực giúp anh hướng tới những thành công tiếp theo.

Với những nỗ lực của mình trong công tác Đoàn, Hội cùng sự phát triển không ngừng của mô hình kinh tế VACR, Hoàng Văn Chiếm nhiều năm liền được Huyện đoàn, UBND huyện, Tỉnh đoàn, UBND tỉnh tặng giấy và bằng khen. Năm 2009 anh được nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng, là gương mặt trẻ tiêu biểu được tuyên dương tại Lễ tuyên dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cụm các tỉnh Tây Bắc và toàn quốc năm 2011. Hoàng Văn Chiếm xứng đáng là “hoa thơm vùng đất Ngọc”.

Thiên Cầm

Các tin khác

YBĐT - Từ một hộ khó khăn, song gia đình anh Chiến đã mạnh dạn đầu tư đào ao nuôi cá kết hợp với chăn nuôi lợn, nhờ vậy cuộc sống gia đình ngày một khấm khá, xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi dạy con cái học hành đầy đủ

Ông Mòi đang chăm sóc vườn rau của gia đình.

YBĐT - Người ta gọi vườn rau nhà ông Cầm Ngọc Mòi, thôn Bản Lè 2, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái là vườn rau xanh 4 mùa bởi quanh năm hơn 700m2 đất ruộng nhà ông đều xanh ngắt một mầu của những cây bắp cải, su hào, bí và dưa bở...

Chị Hoàng Thị Bình nhận giải thưởng chất lượng quốc gia, giải thưởng chất lượng quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương năm 2010 cho Ypharco Yên Bái.

YBĐT - Nhanh nhạy, sắc sảo nhưng cũng thật giản dị, chân tình…, đó là những ấn tượng đầu tiên về doanh nhân Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Yên Bái - Ypharco.

Bí thư chi bộ Phạm Hữu Huyền triển khai công việc tại buổi sinh hoạt chi bộ.

YBĐT - Ông là Phạm Hữu Huyền - Bí thư Chi bộ 9, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ. Người dân nơi đây vẫn thường nhắc đến ông với cái tên trìu mến, gần gũi: “ông Huyền bí thư”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục