Cô giáo của bản Làng Cò

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/4/2012 | 9:06:57 AM

YBĐT - Những lời bộc bạch, tâm sự về nghề giáo và bài thơ tràn đầy cảm xúc của cô giáo Lò Thị Én Xuân trong buổi gặp mặt nữ cán bộ, giáo viên tiêu biểu công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đã thực sự để lại ấn tượng và xúc động. Cô giáo Lò Thị Én Xuân hiện đang công tác tại điểm trường bản Làng Cò, xã Nậm Mười (Văn Chấn).

Cô giáo Lò Thị Én Xuân được tặng danh hiệu “Giáo viên được học sinh yêu quý nhất”.
Cô giáo Lò Thị Én Xuân được tặng danh hiệu “Giáo viên được học sinh yêu quý nhất”.

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Nghĩa Lộ năm 1996, cô đã viết đơn tình nguyện lên xã Nậm Mười công tác và được phân công về dạy tại phân hiệu điểm trường lẻ bản Làng Cò rồi gắn bó suốt từ đó đến nay.

Những ngày đầu mới lên đây, Nậm Mười còn nghèo và khó khăn lắm, giao thông đi lại vất vả, chưa có đường liên thôn, bản như bây giờ và để đến được trường, lớp phải đi bộ theo con đường mòn nhỏ hẹp trong rừng sâu hay vòng qua khe suối, đỉnh đồi. Dân cư thưa thớt, đời sống nghèo đói, địa bàn có 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, tập quán lạc hậu, trình độ dân trí hạn chế nên tình trạng học sinh bỏ học thường xuyên cũng như công tác vận động học sinh ra lớp, đến trường gặp không ít khó khăn.

Cô Xuân kể: “Nhớ lại những ngày đầu dạy lớp 1, học sinh thì không sõi tiếng phổ thông, trò nói cô không hiểu, cô giảng trò không hay, ngày nào lên lớp cả cô lẫn trò cũng đều đánh vật với từng con chữ. Quả thật rất vất vả và gian nan lắm!”.

Khó khăn là vậy nhưng cô Xuân vẫn không nản chí, Ngoài giờ lên lớp, cô vào trong bản, tìm đến những già làng, trưởng bản để học nói tiếng Dao. Giờ đây, cô đã thông thạo tiếng Dao để áp dụng trong từng bài giảng của mình, tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với từng lứa tuổi, gần gũi với học trò nhiều hơn để giúp các em có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức.

Hơn 15 năm gắn bó với nghề dạy học thì có đến 10 năm là giáo viên chủ nhiệm lớp 1, cô Xuân coi đó như cái duyên của mình. Dạy học sinh lớp 1, lớp đầu tiên của bậc tiểu học nên điều quan trọng nhất cần phải có lòng nhiệt tình, yêu nghề, mến trẻ. Có coi học trò như con của mình thì mới thực sự yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ cho các em từ nề nếp sinh hoạt, tập đọc, tập viết đến cách trình bày vở, cũng như vận động các em đến lớp, đến trường, đi học chuyên cần.

“Mặc dù dạy lớp 1 rất vất vả, khó khăn nhưng sau mỗi năm học, thấy học sinh của mình đọc thông, viết thạo là đã đem đến cho mình thật nhiều niềm vui, phấn khởi và tự hào” - cô Xuân tâm sự.

Trong những năm học vừa qua, năm nào tỷ lệ học sinh chuyên cần lớp cô giáo Xuân chủ nhiệm cũng đạt cao và tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 100%. Dân bản Làng Cò luôn kính trọng và quý mến, coi cô Xuân như người dân của bản. Phần thưởng lớn nhất dành cho cô giáo Xuân chính là danh hiệu “Giáo viên được học sinh yêu quí nhất” do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn trao tặng.

 Với cô Xuân, vùng cao Nậm Mười là quê hương thứ hai của mình vì cô thương những học trò nơi vùng cao nghèo khó và ở nơi đây còn có mái ấm gia đình hạnh phúc của cô với hai cậu con trai chăm ngoan, học giỏi. Chồng cô vừa là đồng nghiệp vừa là chỗ dựa tinh thần, luôn cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, tìm niềm vui qua những trang giáo án.

Năm học 2011 - 2012 này, điểm trường Làng Cò được chuyển đổi thành điểm trường bán trú của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Mười và sẽ đón các em từ trường lẻ khác về học tập, ăn nghỉ tại trường. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, cô giáo Xuân còn kiêm cả việc chăm sóc, dạy cho học sinh từ việc nhỏ nhất như vệ sinh cá nhân, chải đầu, rửa mặt... và chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho những trò nhỏ để có sức khỏe tốt. Với nhiệt huyết và tình yêu nghề, cô giáo Lò Thị Én Xuân tiếp tục hành trình mang cái chữ đến với những học trò nghèo nơi vùng cao Làng Cò.

 Đức Toàn

Các tin khác

YBĐT - Người thanh niên dân tộc Tày hoạt bát ấy là Hoàng Trọng Hợp, sinh năm 1980 – chủ nhân của mô hình kinh tế trang trại tổng hợp được đánh giá là tiêu biểu và hiệu quả nhất của tuổi trẻ xã Xuân Long, xã đặc biệt khó khăn và xa nhất của huyện Yên Bình, Yên Bái.

Nguyễn Thị Trang đang chăm sóc đàn lợn giống của gia đình.

YBĐT - Mới 25 tuổi, Nguyễn Thị Trang ở thôn Quảng Mạc, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã là chủ nhân của mô hình chăn nuôi lợn có tổng mức thu nhập 80 triệu đồng/năm.

YBĐT- Đó là em Ngô Thị Bắc, học sinh lớp 12 A4, Trường THPT Trần Nhật Duật huyện Yên Bình (Yên Bái) - người vừa đoạt giải ba môn Địa lý tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2012.

Ông Lý Văn Thụ (trái) cùng lãnh đạo xã thăm con đường vừa mới hoàn thành.

YBĐT - Ông Lý Văn Thụ là một trong những bí thư chi bộ tiêu biểu của xã, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào tập thể và trong phát triển kinh tế gia đình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục