Bác Chỉnh "dân số"
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/4/2012 | 3:20:03 PM
YBĐT - Là một trong số rất ít cộng tác viên dân số là nam giới trên địa bàn thành phố, bác Chỉnh đã khiến nhiều người khâm phục bởi sự nhiệt tình, trách nhiệm với công việc.
Bác Chỉnh đang hướng dẫn chị Vũ Thị Lũy sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.
|
"Không chỉ là một Bí thư chi bộ thôn cởi mở, bác Chỉnh còn là một cộng tác viên dân số năng nổ, nhiệt tình, luôn biết cách để tuyên truyền, vận động chị em trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương" - đó là nhận xét của chị Đỗ Kim Quyên, cán bộ chuyên trách dân số xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái về bác Lê Xuân Chỉnh, cộng tác viên dân số thôn Xóm Dộc, xã Hợp Minh.
Với kinh nghiệm của người có thâm niên gần 20 năm làm nhân viên y tế thôn bản, bác Chỉnh đã tình nguyện tham gia làm cộng tác viên dân số với mong muốn giúp người dân nhận thức sâu sắc hơn về công tác KHHGĐ, từ đó thay đổi hành vi nhằm thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan.
Là một trong số rất ít cộng tác viên dân số là nam giới trên địa bàn thành phố, bác Chỉnh đã khiến nhiều người khâm phục bởi sự nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Địa bàn bác Chỉnh phụ trách có 120 hộ với 70 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Là nam giới nên việc tuyên truyền, vận động chị em ban đầu cũng gặp phải không ít khó khăn bởi tâm lý của chị em là e ngại, rụt rè không dám hỏi.
Song, bằng sự tận tụy, kiên trì, bác Chỉnh đã đưa công tác dân số - KHHGĐ đến từng gia đình một cách tự nhiên nhất, từ đó chị em trong thôn đã cởi mở hơn, có gì chưa biết hoặc chưa hiểu thì đều hỏi bác và nhận thức về lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản đã được chị em hiểu, nắm rõ và thực hiện tốt.
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, bác Chỉnh đã giúp rất nhiều chị em lựa chọn được các biện pháp tránh thai phù hợp để thực hiện KHHGĐ. Các chỉ tiêu như đình sản, đặt dụng cụ tử cung, viên uống tránh thai... ở trong thôn hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Cùng với việc phát tờ rơi tuyên truyền, bác Chỉnh còn tranh thủ thời gian đến từng gia đình vào buổi tối để tuyên truyền, động viên chị em sinh ít, đẻ thưa, tỉ tê trò chuyện với các ông chồng để làm thay đổi tư tưởng "có nếp, có tẻ", tập trung vào làm kinh tế cho cuộc sống đỡ vất vả, nuôi dạy con cái cho tốt. Bác đưa ra dẫn chứng những gia đình biết dừng lại ở 1 đến 2 con nay đã có của ăn, của để, nuôi con ăn học tới nơi tới chốn để các gia đình khác noi theo. Nhờ sự nỗ lực của bác mà các gia đình trong thôn đã nhận thức được sâu sắc vai trò của việc thực hiện KHHGĐ gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế.
Gia đình anh Nguyễn Việt Hải và chị Vũ Thị Lũy, dù đã sinh được hai cô con gái xinh xắn nhưng vì tâm lý muốn có con trai để nối dõi nên anh chị vẫn còn do dự chưa thực hiện KHHGĐ. Thấy được ý định đó, với phương châm "mưa dầm thấm lâu", bác Chỉnh đã thường xuyên đến gặp gỡ và vận động gia đình.
Chị Vũ Thị Lũy tâm sự: "Khi sinh cháu thứ 2 cũng là con gái, ông xã mình cũng có tư tưởng là cố sinh thêm bé trai nhưng được bác Chỉnh và cán bộ chuyên trách dân số vận động, đưa ra những cái lợi khi chỉ dừng lại ở 2 con thì chồng mình đã thay đổi tư tưởng và hai vợ chồng quyết định dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt". Từ một hộ nghèo của thôn đến nay, gia đình anh chị đã tập trung vào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, có thu nhập 70 triệu đồng/năm từ trồng chè Bát Tiên, trồng rừng, chăn nuôi gà, vịt. Kinh tế ổn định, gia đình anh chị có thêm điều kiện chăm sóc, nuôi dạy hai con khỏe mạnh, chăm ngoan.
Cùng với gia đình chị Vũ Thị Lũy, ở thôn Xóm Dộc còn có 13 hộ gia đình đều sinh con một bề khác (trong đó có 5 cặp vợ chồng sinh con một bề là con gái) nhưng được bác Chỉnh tích cực tuyên truyền, vận động ngay tại các gia đình hay trong những đợt cao điểm diễn ra chiến dịch truyền thông tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản, Ngày dân số thế giới, chiến dịch dân số mùa xuân hàng năm nên các hộ gia đình đều nhận thức sâu sắc vai trò của công tác dân số với việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Đến nay, thôn Xóm Dộc đã có thành tích 18 năm không có trường hợp nào sinh con thứ 3.
Chia sẻ về công việc của mình, bác Chỉnh cho biết: "Đây là công việc đòi hỏi sự nhiệt tình và tận tụy của người làm công tác dân số. Người làm công tác dân số muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì phải phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể để tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc SKSS - KHHGĐ, cùng với đó phải gần gũi, sẻ chia với khó khăn của các gia đình, từ đó sẽ tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về thực hiện các chính sách dân số - KHHGĐ".
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Năng động, sáng tạo và nhiệt tình, Sùng A Sử - Bí thư Đoàn xã Khao Mang (Mù Cang Chải) đã vinh dự được nhận hai bằng khen của Tỉnh đoàn Yên Bái trong năm 2011.
YBĐT - Tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với tấm bằng cử nhân Toán - Tin, năm 1992, chàng trai Đinh Bá Thanh quê ở Thái Bình đã lên Yên Bái công tác và gắn bó với cơ quan Kho bạc Nhà nước Yên Bái từ đó đến nay.
YBĐT - Những lời bộc bạch, tâm sự về nghề giáo và bài thơ tràn đầy cảm xúc của cô giáo Lò Thị Én Xuân trong buổi gặp mặt nữ cán bộ, giáo viên tiêu biểu công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đã thực sự để lại ấn tượng và xúc động. Cô giáo Lò Thị Én Xuân hiện đang công tác tại điểm trường bản Làng Cò, xã Nậm Mười (Văn Chấn).
YBĐT - Người thanh niên dân tộc Tày hoạt bát ấy là Hoàng Trọng Hợp, sinh năm 1980 – chủ nhân của mô hình kinh tế trang trại tổng hợp được đánh giá là tiêu biểu và hiệu quả nhất của tuổi trẻ xã Xuân Long, xã đặc biệt khó khăn và xa nhất của huyện Yên Bình, Yên Bái.