Chàng trai nuôi gà giỏi

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/4/2012 | 2:40:40 PM

YBĐT - Khi tình hình bệnh dịch phức tạp như hiện nay mà mở trang trại để nuôi hàng nghìn con gà thì chẳng có mấy ai bạo gan làm điều đó vì có thể chỉ trong chốc lát sẽ tiêu tan cơ nghiệp. Vậy mà, có một chàng trai đã dám từ bỏ công việc thu nhập cao, lên núi đổi lấy bao nhọc nhằn và hàng trăm triệu đồng để hôm nay mới có được trại gà trên 3 nghìn con.

Trang trại nuôi gà của anh Bùi Quang Thái cho thu nhập kinh tế cao.
Trang trại nuôi gà của anh Bùi Quang Thái cho thu nhập kinh tế cao.

Bùi Quang Thái

Chàng trai ấy tên Bùi Quang Thái, quê ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2000, Thái vào quân ngũ đóng quân ở xã Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình, Yên Bái), đến năm 2003 Thái ra quân và cưới cô gái ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên làm vợ. Sau đó, hai vợ chồng Thái rủ nhau về Hà Nội làm thuê với nhiều công việc nhưng thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Được một người quen giúp đỡ đi lao động xuất khẩu sang Nhật để vẽ bản thiết kế cho một công ty. Anh cho biết, lương tháng khi ấy nếu trừ mọi chi tiêu vẫn mua được hơn một cây vàng.

Sau hơn hai năm hoàn thành hợp đồng lao động, Thái trở về nước và làm việc cho một Công ty của Nhật tại Hà Nội với lương tháng cũng ở mức khá nhưng Thái nhận thấy nó cũng không có cơ sở để phát triển kinh tế lâu dài nên anh quyết định về quê cùng vợ làm kinh tế. Quyết định của Thái gần như không nhận được sự ủng hộ của bất kì ai trong gia đình.

Ở quê vợ, thấy phong trào nuôi gà ri đặc sản thả vườn đang phát triển nhưng con giống rất thiếu, Thái nhớ lại hồi làm thuê ở Hà Nội trong một cơ sở chuyên mổ gà đặc sản để cung cấp cho các nhà hàng nhưng không đáp ứng được nhu cầu do lượng hàng thu gom mỗi ngày chỉ được vài tạ. Vì thế, anh đã quay trở lại cơ sở này để tìm hiểu thực tế và được biết cơ sở hiện làm ăn rất tốt nhưng cũng giống như nhiều cơ sở khác đều ở trong tình trạng thiếu nguyên liệu.

Vậy là, Thái đã quyết định đầu tư vốn để nuôi gà ri cung ứng con giống. Được anh em tạo điều kiện về đất đai và tư vấn nên ra đảo hồ Thác Bà làm trang trại nuôi gà vì ngoài đó xa khu dân cư sẽ tránh được dịch bệnh. Những tưởng như thế là ổn nên Thái chỉ quan tâm đến phòng một số bệnh thông thường cho gà nhưng thật bất ngờ dịch bệnh gia cầm đã tràn lên đảo hồ và cướp đi gần như toàn bộ số vốn mà anh tích cóp được.

Không nản chí, Thái quyết định khăn gói về Hà Nội tìm đến những cơ sở chăn nuôi gà đã có kinh nghiệm lâu năm, các cơ sở có uy tín chuyên nghiên cứu kĩ thuật chăn nuôi, cung ứng thuốc phòng trị bệnh gia cầm để tìm tài liệu, mua thuốc. Khi đã nắm được cơ bản kĩ thuật chăn nuôi, Thái quay về mở trại ngay khu vườn của gia đình nhưng vẫn thường xuyên về Hà Nội tìm hiểu kĩ thuật chăn nuôi.

Trong thời gian ấy, có một vị giáo sư chuyên về nghiên cứu chăn nuôi gia cầm và làm chủ một công ty thuốc thú y đã cảm kích trước một anh thanh niên nhà quê ham học hỏi, say mê với nuôi gà nên ông đã nhận đỡ đầu cho Thái vê chuyên môn. Trại gà của Thái nhanh chóng phát triển lên đến hơn 1.000 gà mái đẻ và đến nay là hơn 3.000 con.

Để mở rộng quy mô, Thái mua thêm khu đất gần 1ha ở xã Hán Đà làm tường bao kín để xây hai khu chuồng nuôi rộng khoảng 600m2 và đang tiếp tục mở rộng chuồng hiện có để nâng số lượng gà đẻ. Nhờ chăm sóc tốt theo đúng yêu cầu kĩ thuật nên mấy năm nay trại gà của anh không bị mắc bệnh, dịch. Theo tiêu chuẩn kĩ thật thì một gà trống kèm khoảng 8 con mái nhưng Thái áp dụng tỷ lệ 1/7 nên trứng bảo đảm tiêu chuẩn ấp nở rất cao. Gà mái được theo dõi kĩ khi đẻ trứng để loại ra những mái đẻ không tốt, trứng không đều và mái được thay đúng lúc chứ không để quá già.

Hiện nay, mỗi ngày Thái chi tới 3 triệu đồng tiền thức ăn cho gà và thu về 600-800 quả trứng đảm bảo số lượng trứng cho 3 lò ấp của trại. Với giá thị trường hiện tại một con gà giống khoảng 10.000 đồng nhưng anh chỉ bán 8.000 đồng nên tiêu thụ rất nhanh. Anh còn cung ứng con giống và hỗ trợ kĩ thuật chăn nuôi gà ri cho rất nhiều hộ dân ở huyện Yên Bình và huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ).

Đồng thời, đang cố gắng tìm hiểu lượng gà thịt sau khi anh cung ứng con giống để hướng tới xin phép mở cơ sở giết mổ gà ri và hợp tác tiêu thụ tại thị trường lớn Hà Nội. Làm được như vậy thì các hộ chăn nuôi gà mới đông lên, sản phẩm không gặp khó khăn về tiêu thụ và người cung ứng con giống cũng mới có cơ hội phát triển kinh tế.

Theo tâm sự của Bùi Quang Thái thì đây mới là những thành công bước đầu của anh. Anh cho biết: "Để có được thành công, bên cạnh yếu tố nắm vững và áp dụng triệt để yêu cầu về khoa học kĩ thuật thì người chăn nuôi gà rất cần có sự say mê nghề nghiệp. Không được nản chí khi gặp phải rủi ro và phải bám sát được nhu cầu của thị trường mang tính lâu dài".

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Anh Nguyễn Thanh Sơn (trái) trao đổi với cán bộ Phòng Nông nghiệp Lục Yên về giống quýt sen trong trang trại của gia đình.

Ở xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên (Yên Bái) ai cũng biết đến mô hình kinh tế của anh Nguyễn Thanh Sơn ở thôn 5 với diện tích cam, quýt rộng trên 4 ha.

YBĐT - Tình yêu thiên nhiên, sự gần gũi với môi trường không dừng lại ở ngôi nhà sàn này, năm 2009, Nguyễn Văn Tuấn đã mua được hơn chục héc-ta đất ở thôn Bảo Thịnh xã Minh Bảo. Một trang trại được đầu tư khép kín với mục tiêu đặt ra rõ ràng.

Bác Chỉnh đang hướng dẫn chị Vũ Thị Lũy sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.

YBĐT - Là một trong số rất ít cộng tác viên dân số là nam giới trên địa bàn thành phố, bác Chỉnh đã khiến nhiều người khâm phục bởi sự nhiệt tình, trách nhiệm với công việc.

YBĐT - Năng động, sáng tạo và nhiệt tình, Sùng A Sử - Bí thư Đoàn xã Khao Mang (Mù Cang Chải) đã vinh dự được nhận hai bằng khen của Tỉnh đoàn Yên Bái trong năm 2011.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục