Bí thư Chi bộ được dân tin yêu
- Cập nhật: Thứ năm, 23/8/2012 | 10:45:20 AM
YBĐT - Anh Hoàng Văn Hóa, dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ bản Xa, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) là một điển hình như thế.
Anh Hoàng Văn Hóa đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi dúi.
|
Con đường bê tông chạy giữa cánh đồng lúa đang bước vào thì con gái đưa chúng tôi về với bản Xa. Ông Hoàng Tiến Văn cùng đứa cháu nhỏ đang mải miết đan những tấm lưới chài để bắt cá.
Khi được hỏi về Bí thư Chi bộ bản Xa, ông hồ hởi: “Anh Hóa là Bí thư Chi bộ trẻ có năng lực, nhiệt tình công tác, được dân bản tin yêu, quý mến. Người như thế, chúng tôi rất tôn trọng và cảm phục”.
Được dân tin, dân phục, dân yêu
Chi bộ bản Xa có 19 đảng viên với hơn 50% là đảng viên lớn tuổi. Trong khi đó, anh Hóa từ lúc là Trưởng thôn được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ mới ngoài 30 tuổi. Anh Hóa chia sẻ: “Mình phải nhiệt tình, năng nổ, chịu khó học hỏi, gương mẫu đi đầu thực hiện mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thì mới lãnh đạo được Chi bộ và dân mới tin, mới phục, mới yêu”.
Bản Xa có 114 hộ, 450 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái, Tày. Đời sống của người dân trông vào sản xuất lúa nước và chăn nuôi; trình độ văn hóa, dân trí còn thấp. Tốt nghiệp cấp III, học trung cấp nông - lâm, là đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng từ năm 2002 cộng với sự nhiệt tình, ham học hỏi, anh Hóa đã được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn bản Xa.
Năm 2007, anh được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ. Điều đầu tiên anh làm là triển khai nghị quyết của Chi bộ đi vào cuộc sống. Anh cùng Chi ủy lãnh đạo nhân dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với 20,6ha lúa nước, người dân trong thôn đã đưa 90% - 95% giống lúa cao sản vào sản xuất; áp dụng phân viên nén dúi sâu đạt 60% - 65% diện tích, riêng vụ mùa năm 2012 đạt 99%; năng suất bình quân đạt 65 - 70 tạ/ha/vụ.
Bên cạnh đó là vận động bà con thực hiện mô hình cá xen lúa, bình quân diện tích thả cá xen lúa từ 1,2ha/vụ trở lên. Sản xuất cây vụ đông đạt 75% - 80% diện tích, nhân dân đã có hướng chuyển sang trồng các loại cây rau màu cho giá trị kinh cao và trồng ngô nếp bán. Trong thôn đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi lợn bán công nghiệp, chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn. Chi bộ cùng các đoàn thể còn vận động người dân phát triển các ngành nghề phụ, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Đường về Bản Xa.
Hiện Bản Xa có một đội thợ xây gồm 40 - 50 người, có một tổ dệt thổ cẩm. Tỷ lệ hộ khá, giàu của thôn chiếm trên 30%. Phong trào văn hóa - văn nghệ phát triển, đặc biệt Bản Xa là bản đầu tiên của xã Nghĩa Lợi xây dựng được nhà văn hóa và được công nhận “Bản văn hóa” từ năm 2008. Đây cũng là thôn điển hình 6 năm liền không có trường hợp nào sinh con thứ 3, không có tệ nạn xã hội.
Ông Hoàng Văn Siếng - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lợi đánh giá: “Đồng chí Hoàng Văn Hóa có tinh thần trách nhiệm cao, năng động, thể hiện tốt năng lực và tính sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được các cấp biểu dương, khen thưởng và nhất là được Đảng tin, dân mến như đồng chí Hóa thì không có nhiều”.
Năm 2011, anh Hoàng Văn Hóa vinh dự là 1 trong số 660 bí thư chi bộ tiêu biểu được tuyên dương nhân kỷ niệm 66 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái; được UBND tỉnh tặng bằng khen với thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng năm 2011.
Gương mẫu đi đầu
Anh Hóa luôn ý thức rằng, ngoài sự nhiệt tình, trách nhiệm với công việc phải gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào. Gia đình anh luôn đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa tiêu biểu. Nhắc đến gia đình anh Hóa là nhắc đến niềm tự hào của bản Xa về truyền thống hiếu học. Một con của anh đang học Trường Đại học Lâm nghiệp Thái Nguyên, một con đang học lớp 12, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Miền Tây và 11 năm học qua đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi.
Tích cực phát triển kinh tế gia đình, anh mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mạnh dạn thử nghiệm những mô hình kinh tế mới. Hiện nay, gia đình đang thử nghiệm mô hình nuôi dúi với vốn đầu tư xây dựng chuồng trại gần 20 triệu đồng, giống nuôi do Phòng Kinh tế thị xã cấp theo chương trình hỗ trợ của dự án. Nuôi từ tháng 9 năm 2011, ban đầu có 5 cặp bố mẹ, đến thời điểm này đã có 28 cặp dúi. Thời gian tới, anh Hóa dự định cung cấp dúi giống ra thị trường và tuyên truyền, vận động các hộ trong bản cùng thực hiện.
Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Hóa còn nhiều trăn trở bởi số hộ nghèo của bản theo tiêu chí mới còn cao; tỷ lệ người đến tuổi lao động chưa qua đào tạo cũng nhiều; một bộ phận nhân dân chưa quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho con đi học. Anh bày tỏ: “Tôi xác định phải tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước cùng với vận động các đoàn thể của bản giúp đỡ những hộ nghèo thoát nghèo bằng cách tạo việc làm, ngành nghề phụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi... Nâng cao nhận thức của các hộ đầu tư cho con cái học tập, phải tuyên truyền, vận động các gia đình đảng viên gương mẫu thực hiện trước để người dân noi theo".
Rời Bản Xa, Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Hóa làm chúng tôi thêm thấm thía tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Thu Hằng
Các tin khác
YBĐT - Đó là cụ Phạm Văn Bính (89 tuổi) ở bản Quán, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên - một thành viên trong Đội du kích năm xưa trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp, góp phần giải phóng chiến khu, giải phóng quê hương Yên Bái cùng cả nước làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
YBĐT - 15 tuổi, khăn gói xuống thành phố trọ học, cậu học trò với dáng người gầy nhỏ lại thường xuyên đau ốm đã phải tự mình chăm sóc bản thân, tự giác học tập phấn đấu cho ước mơ đại học. Em là Phạm Đức Tuấn - học sinh lớp 12 Toán, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành.
YBĐT - Học giỏi, là cán bộ Đoàn gương mẫu, người bạn hoà đồng với tập thể, sẵn sàng giúp đỡ mọi người và là một người con hiếu thảo, Nguyễn Thị Thu Hương xứng đáng với nhiều phần thưởng. Đặc biệt là giải thưởng Lý Tự Trọng mà Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa trao tặng trong năm học 2011 - 2012 vừa qua.
YBĐT - Sinh ra lành lặn làm kinh tế giỏi đã khó, vậy mà ở huyện Văn Yên (Yên Bái) có những người lính đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường vẫn nỗ lực vượt lên thương tật để làm giàu cho gia đình và xã hội…