Trăn trở của “pho sử sống”
- Cập nhật: Thứ hai, 10/9/2012 | 2:35:24 PM
YBĐT - Tuổi ngoài 80 nhưng cái chất bộ đội Cụ Hồ nơi cựu chiến binh Nguyễn Văn Hứ ở thị trấn Mù Cang Chải (Mù Cang Chải) vẫn toát lên vẻ khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, minh mẫn.
Cụ Nguyễn Văn Hứ soạn những tư liệu kể chuyện lịch sử.
|
Người dân ở thị trấn này ai cũng phục ông cụ ngày ngày leo núi mấy bận để kiểm tra đồi vườn, công trình nước sinh hoạt cung cấp cho nhiều cơ quan cùng nhân dân thị trấn. Bên cạnh những công việc ấy, cụ Hứ còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh và nhiều hoạt động xã hội khác, đặc biệt là được mời kể chuyện lịch sử, truyền thống cho các cháu học sinh.
Quả thực, ai đã từng nghe cụ Hứ nói chuyện lịch sử quê hương Mù Cang Chải những năm tháng chống Pháp mà cụ có mặt từ năm 1949 trong vai trò của một bộ đội địa phương gây dựng phong trào cách mạng ở vùng đồng bào Mông thì đều phải thán phục trí nhớ của cụ.
Cách kể chuyện sống động của cụ giúp cho mọi người thấy và hiểu được về cuộc kháng chiến chống Pháp vô cùng gian nan nhưng anh dũng, kiên cường của một vùng quê có trên 90% dân số là đồng bào Mông. Tuyệt nhất là cụ nhớ từng chi tiết, từng nhân vật nên người nghe cảm thấy rất hứng thú và nhiều người đã ví cụ Hứ là “pho sử sống” ở Mù Cang Chải.
Bằng vốn hiểu biết ấy, cụ Hứ đã có đóng góp quan trọng giúp địa phương biên soạn cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Mù Cang Chải giai đoạn 1957 - 2007”. Đây là cuốn lịch sử Đảng bộ giai đoạn từ năm 1957 đến năm 2007 nên những diễn biến lịch sử trước đó, nhất là kháng chiến chống Pháp - từ khi Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng tám năm 1945 đến khi Giải phóng Nghĩa Lộ 1952 rồi nạn thổ phỉ nổi lên sau đó thì cuốn sách mới chỉ phản ánh những điều tổng quát nhất.
Những câu chuyện, những sự kiện lịch sử cụ thể gắn với từng địa phương trong huyện nếu được nói lại một cách sâu hơn thì sẽ mang ý nghĩa vô cùng thiết thực đối với mọi thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.
Cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương số lượng không có nhiều, việc phổ biến bằng cách đọc trong thư viện nhà trường cũng chưa thật sự tiện lợi cho học sinh vì phụ thuộc nhiều vào sở thích đọc từng loại sách của các em. Bởi thế, cách phổ biến lịch sử địa phương như vậy cũng phần nào bị hạn chế.
Kinh nghiệm từ những lần nói chuyện lịch sử cho học sinh các trường học nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn hoặc các sự kiện trọng đại, cụ Hứ thấy các cháu vô cùng hứng thú lắng nghe.
Đặc biệt, học sinh người Mông khi được nghe kể chuyện về truyền thống của xã mình, cha ông và dòng họ của mình thì rất tự hào. Chắc chắn, niềm tự hào ấy sẽ hun đúc cho các em lý tưởng phấn đấu và cùng nhau viết tiếp những trang sử vẻ vang.
Những năm gần đây, khi tuổi đã cao, cụ Hứ luôn trăn trở vì chẳng thể biết mình sẽ còn được kể chuyện truyền thống bao lâu nữa... Những người ở Mù Cang Chải cùng thế hệ với cụ Hứ nay không còn mấy người và cũng đều đã già yếu, trí nhớ về những sự kiện lịch sử địa phương đứt quãng hoặc hạn chế về năng lực truyền đạt…
Cụ Hứ mong muốn có một cơ quan chuyên môn hoặc những người tâm huyết, nhất là các cựu chiến binh nếu có thể kết hợp cùng cụ để ghi chép, biên soạn tài liệu để tiếp tục kể chuyện cho các cháu.
Trăn trở ấy của người lính già này mong sẽ nhận được sự đồng cảm từ nhiều phía để những câu chuyện lịch sử mãi thắp sáng trong tâm thức của mọi thế hệ người dân Mù Cang Chải.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Luôn được đồng nghiệp tôn trọng, học sinh yêu quý - đó là cô giáo Nguyễn Thị Gấm, giáo viên Trường THCS Nguyễn Thái Học, xã Minh Xuân (Lục Yên).
YBĐT - Từ một hộ nghèo phải lo ăn từng bữa, nhưng nhờ dám nghĩ, dám làm, anh Giàng A Gio, thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã trở thành một trong những người làm kinh tế giỏi ở xã.
YBĐT - Anh Hoàng Văn Hóa, dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ bản Xa, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) là một điển hình như thế.