Niềm vui bám bản bám đồng
- Cập nhật: Thứ năm, 21/2/2013 | 9:28:37 AM
YBĐT - Sự nhiệt tình, nhanh nhạy và đầy nhiệt huyết với dân bản của Hà Sông Thao xứng đáng là khuyến nông viên cơ sở được dân mến, dân yêu.
Anh Hà Sông Thao hướng dẫn nông dân cách làm đất.
|
Là địa phương dẫn đầu các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Trạm Tấu, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đồng bào trong xã Trạm Tấu đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Kết quả này ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, có sự đóng góp không nhỏ của anh Hà Sông Thao - cán bộ khuyến nông viên phụ trách địa bàn xã.
Điều cảm nhận được ở anh Hà Sông Thao là sự nhiệt tình, nhanh nhạy và đầy nhiệt huyết với dân bản.
Hôm ấy, tiết trời vùng cao rét cắt da cắt thịt, anh Thao vẫn không ngại quần xắn tận đầu gối phăm phăm lội xuống bùn. Anh đã hẹn mấy gia đình thôn Km17 đến hướng dẫn cách làm đất gieo mạ. Anh vớt từng gốc rạ, miệng vẫn đều đều nói cho bà con hiểu phải làm đất thật nhuyễn, luống mạ phải khô ráo thì hạt giống mới không bị thối và nhớ phải vơ hết rác, các gốc rạ dúi sâu xuống tạo lớp bùn mịn, bùn càng nhiều thì mạ càng tốt. Mấy chị phụ nữ chăm chú nhìn anh làm theo, tiếng nói cười vang cả một khu.
Trước đây, đồng bào vẫn gieo mạ theo cách của mình nhưng tỷ lệ nảy mầm chẳng được là bao, đặc biệt vào những lúc rét đậm rét hại, tỷ lệ nảy mầm thường rất kém, thậm chí nhiều diện tích còn bị chết rét, phải mất công gieo lại vừa lỡ khung thời vụ vừa tốn giống. Từ ngày có khuyến nông viên cơ sở tận tình hướng dẫn bà con theo kiểm cầm tay chỉ việc, từ những việc nhỏ nhất như gieo mạ đã được bà con áp dụng đúng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở đây luôn cao hơn các xã khác trong huyện.
Hà Sông Thao hướng dẫn bà còn ngâm mạ trước khi gieo mạ.
Chị Giàng Thị Dua, thôn Km17 nói về anh Thao như một người bạn thân thiết của gia đình: “Cán bộ khuyến nông Thao tốt lắm, dạy mình nào là cách gieo mạ, cấy lúa, bón phân rồi lại dạy mình làm cây rơm cho trâu, bò ăn trong mùa đông. Hôm mình gieo mạ, trời rét quá, cán bộ Thao đến tận nhà bảo mình mạ Nhị ưu 838 chỉ ngâm 24 tiếng là đủ, còn mạ ĐS1 phải ngâm 72 tiếng mới được vớt, không được chắt nước ngâm ban đầu của mạ ĐS1 vì có thuốc kích thích nảy mầm, loại mạ này khó nảy mầm hơn mạ 838 nên phải làm cẩn thận. May mà cán bộ hướng dẫn kịp thời chứ không mình đã làm hỏng cả mẻ mạ rồi”. Không phải riêng gia đình chị Dua được anh tận tình hướng dẫn mà còn nhiều rất nhiều người dân ở xã Trạm Tấu cũng được anh hướng dẫn kỹ thuật sản xuất sao cho hiệu quả nhất".
Anh Giàng Nủ Lâu, thôn Km14 cười rất hiền và bảo: “Nghe cán bộ Thao nói, chiếc máy bừa mini có thể ứng dụng vào làm đất cho ruộng bậc thang, đặc biệt rất hiệu quả trong những ngày rét đậm, rét hại, không ảnh hưởng đến sức lực của trâu, bò nên mình đã mua một cái về làm thử. Làm rồi mới thấy cán bộ Thao nói đúng, một chiếc máy bừa làm năng suất gấp ba lần bừa bằng trâu, những ngày rét đậm, rét hại, trâu không xuống ruộng được nhưng máy thì vẫn làm được. Thêm nữa là làm bằng máy thì cũng giảm được sức lao động cho người dân, hiện nay cả xã mình đã có 15 cái nên làm đất rất nhanh, chỉ cần cày xong, tháo nước vào là máy có thể bừa được rồi”.
Còn anh Cứ A Sử - Bí thư Chi bộ thôn Tấu Trên nói rằng: “Vụ đông năm nay, xã mình làm được gần 200 cây rơm. Lúc mới gặt xong, anh Thao thường xuyên hướng dẫn chúng tôi phải thu gom rơm rồi đem phơi khô, chất lại để dành cho trâu, bò ăn trong mùa đông. Bây giờ trời lạnh buốt kèm theo sương muối, cỏ không mọc được, gia súc có rơm ăn nên không chết đói”.
10 năm gắn bó với vùng cao Trạm Tấu, 8 năm anh Hà Sông Thao là người bạn thân của nông dân xã Trạm Tấu. Bước chân của anh đã đi đến khắp các thửa ruộng ở lưng đồi ven suối, những nương ngô, nương sắn của dân bản. Mỗi nơi anh qua là bà con học được kinh nghiệm sản xuất bằng sự hướng dẫn dễ làm, dễ hiểu.
Anh Thao chia sẻ: “Mình là cán bộ vùng xuôi lên đây công tác, mới đầu có nhiều khó khăn lắm vì bà con vẫn quen với kiểu canh tác lạc hậu, làm vất vả mà năng suất chẳng được bao nhiêu. Mình đã giúp bà con nhận ra cái nào là cái tốt cần áp dụng, cái nào là không nên áp dụng. Điều mà tôi vui nhất trong 10 năm làm khuyến nông của mình là bà con đã nhận thức được phải thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, đã biết đưa giống lúa, giống ngô mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như lúa lai Nhị ưu 838, ĐS1, giống ngô Bi-ô-xit, Việt Nam 10... Nhờ đó, đến nay, bình quân lương thực đầu người của xã Trạm Tấu đạt 970kg/người/năm”.
Nói về khuyến nông viên Hà Sông Thao, đồng chí Giàng A Hành - Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu tự hào như xã mình có một thứ tài sản quý: “Phong trào phát triển kinh tế của xã mấy năm trở lại đây luôn được cấp trên đánh giá là một điểm sáng của huyện, kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của đồng chí Hà Sông Thao. Đồng chí đã đi đến tất cả các thôn bản, luôn chủ động tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đã tham mưu cho chính quyền chuyển đổi từ 30 - 40ha lúa 1 vụ sang sản xuất 2 vụ, nâng tổng diện tích lúa của xã hiện nay lên 95ha, chuyển đổi các diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô.
Từ chỗ xã chỉ có 60 - 70ha ngô thì nay đã gieo trồng trên 300ha ngô”. Tháng 8 năm 2012, anh Hà Sông Thao được bổ nhiệm Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện Trạm Tấu và vẫn được giao phụ trách xã Trạm Tấu. Ở cương vị mới song anh vẫn luôn xác định, mình phải là một khuyến nông viên cơ sở.
Để khuyến nông viên cơ sở thực sự là người bạn đồng hành của nhà nông, anh cho rằng: “Phải giúp đội ngũ khuyến nông viên cơ sở tại các xã hiểu được đặc thù của công tác cũng như từng bước tạo điều kiện cho họ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”.
Trong tương lai, sản xuất nông nghiệp của huyện Trạm Tấu chắc chắn sẽ có những bước tiến xa hơn nữa vì có những khuyến nông viên bám bản bám đồng như anh Hà Sông Thao.
Thu Hằng
Các tin khác
YBĐT - Vốn là một nông dân cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ông Đinh Công Khánh ở thôn Bảo Yên, xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái) không khỏi trăn trở khi thấy mỗi mùa vụ, gia đình phải bỏ ra hàng trăm nghìn đồng để thuê máy cày, bừa về cày ruộng. Chính từ trăn trở đó, ông Khánh đã tìm tòi và sáng tạo ra máy cày, bừa mini phù hợp với đồng đất địa phương.
YBĐT - Vốn là một người lính biên phòng, năm 2010 nghỉ chế độ, ông Lê Đình Tiến về với gia đình ở tổ 46, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái). Niềm đam mê với cây cỏ, động vật, thiên nhiên đã khiến ông Tiến quyết định rời phố vào xã Tân Thịnh mua đất xây dựng mô hình trang trại tổng hợp.
YBĐT - Từ nhiều năm nay, người nông dân ở huyện Văn Yên đã biết đến anh Cấn Trọng Đức ở thị trấn Mậu A - cán bộ của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện là người đã sáng chế ra máy băm sắn, giúp nông dân tiết kiệm được thời gian, tăng năng suất lao động và góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây sắn.
YBĐT - Đó là cách gọi của người dân đất quế cũng đồng thời biểu thị sự kính trọng đối với cụ Hoàng Văn An, 84 tuổi ở xã Đại Sơn, người được coi như một trong số những “công thần” khai sinh ra “vương quốc quế” Văn Yên.