Bí thư chi bộ kiêm nhà sáng chế

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/2/2013 | 8:47:53 AM

YBĐT - Vốn là một nông dân cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ông Đinh Công Khánh ở thôn Bảo Yên, xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái) không khỏi trăn trở khi thấy mỗi mùa vụ, gia đình phải bỏ ra hàng trăm nghìn đồng để thuê máy cày, bừa về cày ruộng. Chính từ trăn trở đó, ông Khánh đã tìm tòi và sáng tạo ra máy cày, bừa mini phù hợp với đồng đất địa phương.

Máy bừa mini có thể vừa cày bừa ruộng vừa cày bừa vườn đồi.
Máy bừa mini có thể vừa cày bừa ruộng vừa cày bừa vườn đồi.

Năm 1993, sau khi rời quân ngũ, ông Khánh trở về với gia đình. Xuất thân là nông dân, suốt năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên ông hiểu và thấm thía nỗi vất vả của nghề nông. Những năm gần đây, gia đình ông cũng như các hộ dân trong thôn chẳng còn mấy nhà có trâu, có bò nên mỗi lần đến mùa cày bừa phải thuê máy 500.000 đồng cày bừa 4 sào ruộng khoán.

Trong khi đó, ruộng đất của thôn chỗ cao, chỗ thấp, có chỗ máy có thể cày, có chỗ lại phải dựa vào sức người. Xem trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy ở nhiều nơi sáng chế máy cày, bừa hợp với điều kiện thực tế địa phương, ông nảy ra sáng kiến làm máy bừa mini. Sẵn có chiếc xe máy Trung Quốc cũ đã hỏng cùng với những kinh nghiệm từ ngày còn là tài xế trong chiến trường Đông Nam Bộ, ông Khánh nghĩ ra việc thiết kế máy cày kết hợp máy bừa với sự thay đổi là có 2 bộ trục xoáy to và nhỏ để có thể vừa cày, bừa đất ruộng cũng như đất vườn.

Khi bắt tay vào làm, ông Khánh cũng gặp nhiều trở ngại vì chủ yếu ông vẽ sơ bộ theo cảm nghĩ của mình rồi thuê người hàn, mang về lắp ghép. Vừa làm vừa khắc phục, cải tiến những yếu tố kỹ thuật chưa phù hợp, sau 2 tháng, ông hoàn thành công trình của mình và đưa máy vào sử dụng.

Theo ông Khánh, để cày 4 sào ruộng chỉ mất một buổi sáng, trong khi đó vốn đầu tư chế tạo một chiếc máy khoảng 8 triệu đồng, chỉ bằng 2/3 so với máy cày bán trên thị trường. Nhận thấy hiệu quả máy cày mini của gia đình ông, nhiều hộ dân thôn Bảo Yên cũng như xã Minh Bảo mong muốn có máy để áp dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Duyền cùng thôn ông Khánh nói: “Chúng tôi thấy ông Khánh làm ra máy bừa mini cải tiến kỹ thuật cho người nông dân rất tốt. Trời mưa, rét, trâu bò không thể ra đồng nhưng máy bừa mini vẫn đi làm được. Nông dân chúng tôi mong muốn, mỗi gia đình hoặc một, hai gia đình chung nhau một cái máy cày, bừa kết hợp như thế này để giảm bớt sức lao động”.

 

Máy nạo sắn giúp giảm sức lao động cho người nông dân.

Bên cạnh việc chế tạo máy cày, bừa mini, ông Khánh còn chế tạo máy nạo sắn. Chiếc máy nhỏ gọn, có kết cấu đơn giản gồm một máng, trục quay và mô tơ được ông tận dụng từ máy bơm nước hỏng. Khác với máy nạo sắn đang bán trên thị trường, mỗi lần nạo chỉ cho từng củ một thì máy nạo sắn của ông có thể cho từ 3 - 4 củ một lần quay. Khi nguyên liệu được đưa vào máng, máy sẽ thực hiện cùng một lúc hai công đoạn là bóc vỏ và nạo sợi. Vỏ sắn và đất được tách riêng, không lẫn với phần sợi đã được nạo trắng.

Ông Khánh nói: “Xuất phát từ công việc hàng ngày, nạo sắn bằng tay thì mất nhiều công lao động quá, tiện có cái máy bơm nước hỏng nên tôi sửa lại và chế tạo thành máy nạo sắn để giảm thời gian, 1 tạ sắn chỉ mất khoảng 30 phút. Còn máy bừa cũng bắt đầu từ điều kiện đồng đất ở thôn chúng tôi có nhiều vùng bậc thang. Qua quá trình đo đếm, sửa lại mất gần 3 tháng, nay máy bừa mini hoạt động rất tốt”.

Không chỉ là người nông dân giỏi sáng chế, ông Khánh còn là một Bí thư Chi bộ mẫn cán của thôn Bảo Yên. Chính sự nhiệt tình, tâm huyết, sáng tạo, nhất là đồng hành với cuộc mưu sinh vất vả của người nông dân của ông đã và đang được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ông Bùi Đức Trung - Bí thư Đảng ủy xã Minh Bảo cho biết: “Qua thực tế, máy bừa mini của ông Khánh đã góp phần giải phóng sức lao động cho người nông dân. Hiện nay, nông dân trong xã cũng không còn nhiều trâu, bò nên việc cải tiến kỹ thuật của ông Khánh góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, rất có ý nghĩa đối với quá trình xây dựng nông thôn mới”.

Những sáng chế của ông Đinh Công Khánh chưa có mẫu mã bắt mắt nhưng vô cùng hiệu quả và hữu ích. Với ông Khánh, chỉ cần đam mê, kiên trì, chịu khó học hỏi là thành công. Điều ông mong mỏi là trong thời gian tới được các cấp, các ngành tạo điều kiện để đăng ký thương hiệu và hạn chế đến mức thấp nhất kinh phí chế tạo cũng như độ phức tạp trên từng chi tiết máy để người dân ai cũng mua được và dễ dàng sử dụng.

 Bích Liên - Tiến Bình

Các tin khác
Ông Tiến chăm sóc đàn lợn rừng.

YBĐT - Vốn là một người lính biên phòng, năm 2010 nghỉ chế độ, ông Lê Đình Tiến về với gia đình ở tổ 46, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái). Niềm đam mê với cây cỏ, động vật, thiên nhiên đã khiến ông Tiến quyết định rời phố vào xã Tân Thịnh mua đất xây dựng mô hình trang trại tổng hợp.

Máy băm sắn Đức Hương được sử dụng rộng rãi trên địa bàn huyện Văn Yên.

YBĐT - Từ nhiều năm nay, người nông dân ở huyện Văn Yên đã biết đến anh Cấn Trọng Đức ở thị trấn Mậu A - cán bộ của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện là người đã sáng chế ra máy băm sắn, giúp nông dân tiết kiệm được thời gian, tăng năng suất lao động và góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây sắn.

Cụ Hoàng Văn An bên vườn quế được giữ lại để bảo tồn nguồn gen quế Văn Yên.

YBĐT - Đó là cách gọi của người dân đất quế cũng đồng thời biểu thị sự kính trọng đối với cụ Hoàng Văn An, 84 tuổi ở xã Đại Sơn, người được coi như một trong số những “công thần” khai sinh ra “vương quốc quế” Văn Yên.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Thành ủy Yên Bái thăm gia đình ông Đỗ Quang Đắc.

YBĐT - Chúng tôi gặp ông Đỗ Quang Đắc - người giáo dân tiêu biểu đồng thời là Tổ trưởng tổ nhân dân số 38, phố Hồng Tiến, phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) trong những ngày đầu năm mới 2013.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục