“Cây đại thụ” trên rừng quế
- Cập nhật: Thứ ba, 5/2/2013 | 2:03:36 PM
YBĐT - Đó là cách gọi của người dân đất quế cũng đồng thời biểu thị sự kính trọng đối với cụ Hoàng Văn An, 84 tuổi ở xã Đại Sơn, người được coi như một trong số những “công thần” khai sinh ra “vương quốc quế” Văn Yên.
Cụ Hoàng Văn An bên vườn quế được giữ lại để bảo tồn nguồn gen quế Văn Yên.
|
Lý do bởi cụ không chỉ là những người đầu tiên trồng quế, tham gia trồng “Đồi quế ơn Bác” mà còn trồng được nhiều quế nhất huyện. Những năm cuối thế kỷ trước, người ta còn truyền tai nhau chuyện “ông An có cây quế bán đi mua được mấy cây vàng”, rồi chuyện cụ dành 70 triệu đồng tiền bán vỏ quế để mua công trái, trở thành người mua công trái xây dựng Tổ quốc lớn nhất tỉnh.
Lập xuân rồi mà trời vẫn còn rét buốt, mưa bụi giăng mờ núi rừng Đại Sơn. Cụ An ngồi bên bếp lửa giọng vẫn oang oang, cử chỉ rất hoạt bát, đôi mắt tinh anh, cái vốn sức khỏe mà ở tuổi 84 nhiều người phải mơ ước. Cụ bảo, mình như cây quế, đất cho ăn, trời cho uống, thời tiết có nắng cháy hay mưa sa thân vẫn mọc thẳng, lá vẫn xanh quanh năm. Dù là thời nào, biến động gì đi nữa, cây quế vẫn gắn bó với người Dao, người Tày Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ. Cụ nói hay quá, cây quế đúng là thân mọc thẳng, lá xanh tốt quanh năm, lúc nào cũng ngát hương thơm; đặc biệt, giá trị của cây quế được nâng lên khi hàng loạt các xưởng chế biến gỗ quế và các nhà máy nấu tinh dầu quế ra đời làm giàu cho người dân bản địa.
Về phần mình, cụ An như bao người Tày, người Dao khác theo Đảng, theo cách mạng, sống gắn bó, ngay thẳng, thuỷ chung, luôn biết vươn lên như cây quế giữa rừng. Ngày còn rất trẻ, cậu thanh niên Hoàng Văn An đã giác ngộ cách mạng, tham gia du kích quân và làm liên lạc, dẫn đường cho bộ đội ta đánh Tây, đuổi Pháp. Trận chiến đấu của bộ đội ta ở Khe Giang, xã Đại Sơn khiến địch thua đau, bắt sống mấy quan Pháp có công chiến sỹ liên lạc Hoàng Văn An.
Học qua các lớp Bình dân học vụ, biết cái chữ, được cấp trên tuyên truyền giáo dục, chiến sỹ Hoàng Văn An ngày càng tiến bộ và có nhiều đóng góp cho cách mạng. Vinh dự được kết nạp vào Đảng năm 1960, ông được cấp trên giao nhiệm vụ làm Trưởng Công an xã Xuân Lợi, huyện Trấn Yên (ngày đó huyện Văn Yên chưa thành lập, phần lớn diện tích huyện bây giờ trong đó có xã Đại Sơn thuộc huyện Trấn Yên), rồi Bí thư chi bộ xã Đại Sơn, huyện Văn Yên.
Ở cương vị nào, cán bộ Hoàng Văn An cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong nhiệm vụ trừ gian tiễu phỉ và chiến đấu bắt biệt kích Mỹ. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc ấy mà năm 1963, đồng chí Hoàng Văn An vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương Đảng mời về dự lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh tại Ba Đình và nhất là được gặp Bác Hồ tại Phủ chủ tịch.
Ông Hoàng Văn An và các đại biểu chụp ảnh với Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ngày 1/9/1963.
Cụ An nhớ mãi, đó là ngày 1/9/1963, đảng viên Hoàng Văn An cùng một số đại biểu dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong kháng chiến được mời về Hà Nội dự lễ kỷ niệm Quốc khánh. Cụ kể: Sáng ngày 1/9, đoàn đại biểu vào Phủ chủ tịch: phòng khách khá rộng, nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước như các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã có mặt ở đó, rồi Bác Hồ từ phòng bên bất ngờ xuất hiện khiến chúng tôi xúc động đến nghẹn ngào. Bác Hồ bằng xương bằng thịt ngay trước mắt, giản dị trong bộ quần áo ka ki ân cần bắt tay, ôm hôn từng người, tôi thấy mình như đang nằm mơ được gặp ông tiên trong chuyện cổ tích.
Tôi nhớ Bác đã căn dặn: “Làm cán bộ phải biết lo cho dân. Đồng bào ta, nhất là đồng dân tộc thiểu số còn nghèo, phải chăm lo cho bà con, động viên bà con định canh định cư, tăng gia sản xuất, làm ra nhiều thóc gạo để có cơm no và dành một phần để đánh quân Mỹ xâm lược”. Tôi rất nhớ hình ảnh Bác hỏi han từng người xem làm nhiệm vụ gì, rồi Bác quay ra nói: “Đã làm cán bộ thì dù được phân công làm nhiệm vụ gì cũng phải cố gắng hoàn thành cho tốt”.
Bác còn nhắc nhở, động viên chúng tôi nhiều lắm, rồi sau đó Bác bảo: “Trời đang đẹp, ra ngoài chụp chung với Bác kiểu ảnh làm kỷ niệm”. Chúng tôi thấy tiếc vì không được ở bên Bác nhiều hơn, Bác còn bận trăm công nghìn việc, dù vậy ai trong chúng tôi cũng cảm thấy vui mừng và hạnh phúc vô cùng. Những lời Bác dặn còn vang mãi trong trái tim và khối óc để suốt quá trình công tác và cả khi tuổi cao sức yếu, tôi vẫn tâm nguyện rằng phải tích cực học tập và lao động để xứng đáng là con cháu Bác Hồ.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới đó mà đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ lần gặp Bác. Nhớ lời Bác dạy, cụ An đã tham gia trồng “Đồi quế ơn Bác” và trở thành người trồng quế nhiều nhất đất Văn Yên. Cây nối cây, đời nối đời, đại gia đình của cụ Hoàng Văn An giờ đây có đến trên 100 ha quế, giá trị nhiều tỷ đồng, có cả chục toà nhà xây với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền nhưng với cụ, tấm giấy mời của Trung ương Đảng và nhất là bức ảnh chụp cùng với Bác Hồ ở Phủ chủ tịch mãi là những kỷ vật thiêng liêng đi suốt cuộc đời không gì đánh đổi.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Chúng tôi gặp ông Đỗ Quang Đắc - người giáo dân tiêu biểu đồng thời là Tổ trưởng tổ nhân dân số 38, phố Hồng Tiến, phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) trong những ngày đầu năm mới 2013.
YBĐT - Sống ở nơi non cao, người Mông xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn (Yên Bái) vượt qua được đói nghèo đã khó, làm giàu được trên mảnh đất ấy lại càng khó hơn. Câu chuyện về đảng viên Giàng A Vư ở thôn Nà Nọi giúp bao người thoát khỏi cảnh nghèo đã đưa tôi đến với Sùng Đô...
YBĐT - “Không ai xứng đáng hơn chị” - đó là câu nói của rất nhiều đồng nghiệp khi chị Phạm Thị Bảo bước lên bục danh dự nhận Huân chương. Phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành cho chị hôm nay thật xứng đáng với những cống hiến và đóng góp của chị suốt cuộc đời công tác trong ngành ngân hàng.
YBĐT - Câu chuyện lập nghiệp của anh Trần Văn Bình ở xã Phúc An (Yên Bình) khiến nhiều hộ dân “an cư” lâu năm ở các xã vùng đông hồ phải khâm phục.