Rời phố vào làng lập trang trại

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/2/2013 | 8:56:46 AM

YBĐT - Vốn là một người lính biên phòng, năm 2010 nghỉ chế độ, ông Lê Đình Tiến về với gia đình ở tổ 46, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái). Niềm đam mê với cây cỏ, động vật, thiên nhiên đã khiến ông Tiến quyết định rời phố vào xã Tân Thịnh mua đất xây dựng mô hình trang trại tổng hợp.

Ông Tiến chăm sóc đàn lợn rừng.
Ông Tiến chăm sóc đàn lợn rừng.

Khi biết ông quyết định xây dựng trang trại, vợ con rồi bạn bè đều ngăn cản vì muốn ông có thời gian nghỉ ngơi. Ông Tiến vừa thuyết phục vợ con vừa tự mình tìm tòi những cây, con giống có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đồng đất địa phương.

Nhận thấy lượng vốn của mình ít, kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt còn hạn chế nên muốn phát triển trang trại, ông thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài. Ông đã lên Lào Cai tìm mua 3.000 cây gỗ tếch giống và xoan trắng về trồng rồi vào tận Đắc Lắc tìm mua lợn rừng giống. T

rên khu đất rộng hơn 3ha, ông đã xây dựng một khu nuôi lợn rừng gồm hơn 10 chuồng theo hình thức liên hoàn với đầy đủ hệ thống bơm nước, hầm phân biogas và quây rào nuôi thả lợn rừng sinh sản, cùng gà thả đồi. Ông cũng đầu tư thêm máy nông cụ, xay xát, chế biến để chủ động được nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm. Diện tích đất còn lại trên cao, ông trồng hơn 1ha cây tếch và cây xoan trắng, phía dưới trồng mít Thái Lan, ổi Đài Loan có năng suất và chất lượng cao. Ông Tiến còn thuê người đào ao, đăng ký tham gia dự án nuôi thả 100 con ba ba và 50 con cá lăng.

Khi mới chăn nuôi, ông xây dựng mô hình chuồng trại như trong Tây Nguyên nhưng do không tính đến yếu tố thời tiết nên thời gian đầu, đàn lợn giống mắc bệnh, chết vì lạnh. Không nản chí, ông thiết kế lại chuồng trại, tiếp tục học kinh nghiệm trên sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng để có hướng chăm sóc, điều trị bệnh lý phù hợp cho lợn rừng sinh sản, lợn rừng thương phẩm.

Ông Lê Đình Tiến cho biết: Ban đầu, khi vào Tây Nguyên tham quan các trại nuôi lợn rừng, tôi rất thích vì lợn rừng hệ số sinh sản cao, giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với nuôi những giống lợn khác, chuồng trại không cần đầu tư quá nhiều, thức ăn lại đơn giản, có thể tận dụng rau cỏ, thân chuối... Tôi tập trung phát triển nuôi lợn rừng và đến bây giờ, đàn lợn phát triển tốt. Tôi nghĩ, đối với các gia đình nông dân có thể nuôi lợn rừng mô hình nhỏ cũng khá phù hợp.

Còn phát triển trang trại, tôi thực hiện mô hình trang trại xanh và sạch, hạn chế dùng phân hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ. Sản phẩm làm ra phải bảo đảm vì trước hết là để phục vụ gia đình mình. Về cây, tôi chủ trương đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng. Chỉ riêng cây tếch, với giá như thời điểm hiện tại, sau khi trừ chi phí, sau khoảng 8 đến 10 năm, 1ha tếch có thể cho thu 8 đến 10 tỷ đồng. Cây ăn quả, giống mít Thái Lan, ổi Đài Loan cho quả quanh năm, chỉ cần bán 3.000 - 5.000 đồng/kg cũng đã cho hiệu quả hơn các loại cây khác - ông Tiến thông tin thêm.

Cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm và sáng tạo, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Tiến tới nay bắt đầu cho hiệu quả. Hiện 10 con lợn rừng đã sinh sản trên 15 lợn con, 20 lợn rừng thương phẩm chuẩn bị xuất chuồng. Chỉ tính  bán lợn giống, lợn rừng thương phẩm, ông Tiến đã thu hàng chục triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Không chỉ chú tâm mở rộng mô hình trang trại, ông còn tích cực giúp đỡ, hỗ trợ những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bằng cách giúp đỡ vốn, con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Ông đã giúp đỡ bà con thôn xóm thuê xe ủi mở rộng 400m đường giao thông và giúp giải quyết việc làm cho 4 - 5 lao động thời vụ, 1 lao động thường xuyên.

Hiệu quả mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Lê Đình Tiến mở ra một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây, con giống và phát triển mô hình trang trại, gia trại theo hướng khép kín ở thành phố Yên Bái. Trạm Khuyến nông thành phố có kế hoạch nhân rộng mô hình này cho nông dân trên địa bàn.

Ông Đào Văn Tuân - kỹ sư chăn nuôi Trạm Khuyến nông thành phố cho hay: “Qua tham quan mô hình trang trại của ông Tiến, chúng tôi nhận thấy, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là chăn nuôi lợn rừng. Trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông tăng cường thông tin tuyên truyền và đưa các hộ nông dân đến tham quan mô hình để phát triển thêm các mô hình trang trại tổng hợp có giá trị kinh tế cao”.

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và có niềm đam mê chính là phẩm chất tốt đẹp của ông Lê Đình Tiến. Phẩm chất ấy đã đem lại cho ông những thành công trong quá trình phát triển mô hình trang trại tổng hợp.

Bích Liên

Các tin khác
Máy băm sắn Đức Hương được sử dụng rộng rãi trên địa bàn huyện Văn Yên.

YBĐT - Từ nhiều năm nay, người nông dân ở huyện Văn Yên đã biết đến anh Cấn Trọng Đức ở thị trấn Mậu A - cán bộ của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện là người đã sáng chế ra máy băm sắn, giúp nông dân tiết kiệm được thời gian, tăng năng suất lao động và góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây sắn.

Cụ Hoàng Văn An bên vườn quế được giữ lại để bảo tồn nguồn gen quế Văn Yên.

YBĐT - Đó là cách gọi của người dân đất quế cũng đồng thời biểu thị sự kính trọng đối với cụ Hoàng Văn An, 84 tuổi ở xã Đại Sơn, người được coi như một trong số những “công thần” khai sinh ra “vương quốc quế” Văn Yên.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Thành ủy Yên Bái thăm gia đình ông Đỗ Quang Đắc.

YBĐT - Chúng tôi gặp ông Đỗ Quang Đắc - người giáo dân tiêu biểu đồng thời là Tổ trưởng tổ nhân dân số 38, phố Hồng Tiến, phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) trong những ngày đầu năm mới 2013.

Ông Giàng A Vư chăm sóc đàn trâu.

YBĐT - Sống ở nơi non cao, người Mông xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn (Yên Bái) vượt qua được đói nghèo đã khó, làm giàu được trên mảnh đất ấy lại càng khó hơn. Câu chuyện về đảng viên Giàng A Vư ở thôn Nà Nọi giúp bao người thoát khỏi cảnh nghèo đã đưa tôi đến với Sùng Đô...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục