Từ hộ nghèo thành ông bà chủ
- Cập nhật: Thứ năm, 11/4/2013 | 9:00:34 AM
YBĐT - Mô hình chăn nuôi lợn của nhà anh Cược là một trong những mô hình điển hình trong thôn Đồng Đầm, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình (Yên Bái), được nhiều hộ gia đình đến học hỏi kinh nghiệm. Họ là tấm gương cho những người trẻ trong thôn học tập
Mô hình nuôi lợn khép kín của gia đình anh Lê Văn Cược.
|
Chỉ hơn 100m2 dành để chăn nuôi nhưng mỗi năm gia đình anh Lê Văn Cược và chị Lê Thị Thu Hường, thôn Đồng Đầm, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình thu lãi hằng trăm triệu đồng từ mô hình chăn nuôi lợn khép kín. Thuộc diện hộ nghèo của xã trước đây, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, được vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Yên Bình, đến nay, vợ chồng anh Cược đã trở thành ông bà chủ nhỏ có trong tay hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhà anh, nhà chị ở cùng thôn, chị thương anh vì anh chăm chỉ, chịu khó; anh thương chị vì chị hiền lành, nết na. Phải duyên phận, năm 2005, sau nhiều năm tìm hiểu, anh chị cùng nhau xây tổ ấm. Hai vợ chồng trẻ mới cưới tài sản chẳng có gì đáng giá ngoài căn nhà tạm trên mảnh đất bố mẹ cho để ra ở riêng. Khó khăn chồng chất khó khăn, cái nghèo cái đói quẩn quanh, do hai vợ chồng đều không có công việc ổn định, không có nguồn thu, hai bên gia đình bố mẹ cũng nghèo khó chẳng thể giúp gì được cho các con. Có những hôm mâm cơm của hai vợ chồng chẳng có gì ngoài mấy cọng rau xanh. Thương vợ, có những đêm anh thức trắng suy nghĩ làm thế nào để thoát nghèo, lo cho vợ, cho con một cuộc sống tốt hơn. Nhưng muốn làm ăn thì phải có vốn trong khi anh chị lại chẳng có gì, lực bất tòng tâm.
Nhà nông nên anh chị cũng nuôi lợn nhưng chỉ với mục đích tăng gia sản xuất bên cạnh việc cấy lúa trồng khoai, vốn đầu tư ít, số lãi thu về sau mỗi đợt bán lợn chẳng đáng bao so với công sức bỏ ra. Đúng lúc bế tắc thì năm 2010 Ngân hàng Chính sách Xã hội có chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn làm ăn với lãi suất thấp. Thấy rõ được cơ hội thoát nghèo đã đến, anh Cược về bàn với vợ làm đơn xin vay vốn. Với số vốn vay được là 30 triệu đồng, anh cũng loay hoay không biết nuôi con gì, trồng cây gì để có hiệu quả kinh tế cao.
Cuối cùng anh chọn đầu tư vào nuôi lợn, đơn giản bởi anh nghĩ mình đã có kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi và thấy nhu cầu thị trường đối với lợn thương phẩm rất cao. Anh bắt tay vào đầu tư mua con giống, thức ăn và phần lớn số tiền vay được đầu tư xây chuồng trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn trên diện tích gần 100m2.
Từ đó mô hình chăn nuôi lợn khép kín mọc lên ngay giữa khu dân cư. Hàng năm anh thả 50 đến 60 con lợn, thức khuya dậy sớm chẳng quản mưa gió, chăn nuôi 4 tháng là được một lứa xuất chuồng, mỗi năm anh thả 3 lứa, thu nhập hằng năm của gia đình nhờ vào bán lợn đạt 70 triệu đồng. Với tiền thu được nhờ bán lợn năm đầu tiên, anh chị mạnh dạn đầu tư hầm biogas với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, lâu dài, bảo vệ môi trường và điều quan trọng hơn cả là cung cấp khí đốt cho gia đình tận dụng tối đa từ chăn nuôi.
Con giống tốt cũng góp phần làm nên một năm chăn nuôi thắng lợi, chính vì thế ngoài nuôi lợn thương phẩm lấy thịt, anh Cược cũng nuôi thêm cả lợn nái lấy giống tốt cho chính gia đình và cung cấp cho hộ dân xung quanh thôn. Ngoài việc nuôi lợn, gia đình anh chị còn nuôi thêm gà để tăng thêm thu nhập. Sức trẻ và hăng say làm giầu không ngại khó ngại khổ, anh chị còn nấu rượu, làm đậu bán, tận dụng bỗng rượu, bã đậu làm nguồn thức ăn dinh dưỡng cho lợn.
Tham công tiếc việc, quý trọng từng phút từng giây, có thời gian anh Cược còn đi làm thợ xây, phụ hồ. Anh chị còn chung vốn với em trai mua xe tải 5 tấn về chở nông lâm sản cho người dân quanh vùng. Năm 2008 gia đình anh chị đã thoát khỏi diện đói nghèo của thôn. Vậy là với nỗ lực bao năm, từ đôi bàn tay, anh Cược, chị Hường đã thoát nghèo và vươn lên làm giầu.
Một năm trở lại đây, do biến động thị trường, thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí chuồng trại cao nhưng giá lợn hơi thấp, nhiều gia đình chăn nuôi thua lỗ nhưng với cách làm mới và xác định hướng đi đúng đắn ngay từ đầu nên gia đình anh Cược vẫn trụ vững, phát triển tốt. Về bí quyết nuôi lợn, anh Cược chia sẻ: "Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đảm bảo chất lượng con giống cũng như tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc, chuồng trại đảm bảo an toàn nên lợn phát triển tốt, vì vậy đứng trước biến động thị trường, gia đình vẫn đứng vững, lợn vẫn bán được".
Mô hình chăn nuôi lợn của nhà anh Cược là một trong những mô hình điển hình trong thôn, được nhiều hộ gia đình đến học hỏi kinh nghiệm. Ông Trần Đình Đạm - Trưởng thôn Đồng Đầm cũng khen ngợi gia đình: "Tuy còn trẻ và trước kia cũng gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ chăm chỉ chịu khó, vợ chồng biết bảo ban nhau nên những năm gần đây anh chị Cược - Hường đã vươn lên thoát nghèo và bây giờ là tấm gương cho những người trẻ trong thôn học tập".
Thu Hiền
Các tin khác
YBĐT - Sinh ra và lớn lên trong gia đình dân tộc Tày có truyền thống hiếu học tại thị xã Nghĩa Lộ, năm 2009, Lò Thị Hồng Vân thi đỗ Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Với kết quả xuất sắc, sau khi kết thúc năm học thứ nhất, Vân vinh dự được nhận học bổng toàn phần du học tại Liên bang Nga.
YBĐT - Ông Nguyễn Văn Chỉnh ở tổ 12, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên là hộ nông sản xuất kinh doanh giỏi đã được UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen năm 2012.
YBĐT - Giữa dòng đời ồn ã, náo nhiệt có một người thương binh, người lính trong chiến tranh biên giới phía Bắc đã gửi lại đôi chân nơi chiến trường ở Vị Xuyên (Hà Giang) khi cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Anh là Nguyễn Trọng Hùng thương binh hạng 1/4 ở phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái; dù thương tật hành hạ vẫn đang sống, vươn lên thật mãnh liệt!
YBĐT - Từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên thoát nghèo và trở thành nhà nông sản xuất giỏi nhiều năm liền, kết quả đó là nhờ sự cần cù, chịu khó khai hoang làm ăn và luôn biết đi trước trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi.