Người luôn biết đi trước
- Cập nhật: Thứ ba, 26/3/2013 | 2:44:29 PM
YBĐT - Từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên thoát nghèo và trở thành nhà nông sản xuất giỏi nhiều năm liền, kết quả đó là nhờ sự cần cù, chịu khó khai hoang làm ăn và luôn biết đi trước trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi.
Ông Cầu bên vườn chanh tứ thời.
|
Người nông dân ấy là Phạm Thế Cầu ở thôn Bình Sơn, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái, người đã từng được nêu gương nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng vì những cách làm ăn mới.
So với nhiều mô hình khác, diện tích mô hình của ông Cầu không lớn nhưng tấm gương vượt khó của ông thì ai cũng phải nể phục. Ngắm nhìn vườn chanh chín vàng, ao cá... sắp đến ngày thu hoạch và những trái thanh long đang lúc dậy thì mới hiểu đất đã không phụ người. Năm 1988, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương chỉ với 0,3ha đất do bố mẹ để lại, nhiều đêm, ông trăn trở không biết canh tác cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đúng vào thời điểm đó, năm 1990, Đảng và Nhà nước có chính sách khuyến khích người nông dân nhận đất trồng rừng. Được sự động viên của người thân, ông đã anh mạnh dạn xin nhận 10ha rừng. Đất đã có, vấn đề đặt ra bấy giờ là trồng cây gì, nuôi con gì.
Băn khoăn mãi rồi ông cũng quyết định, mạnh dạn vay vốn trồng thử các loại cây ăn quả như: vải Thanh Hà, xoài, nhãn, bưởi nhưng không hiệu quả. “Lúc đó gần như thất bại với những loại cây này, tôi đã nghĩ có lẽ thổ nhưỡng và khí hậu ở đây không phù hợp với trồng cây thu trái” - ông Cầu bảo vậy.
Một dịp vào thành phố Đà Lạt, tình cờ gặp loại cây chanh ra quả quanh năm, ông đã mang về trồng thử thì thấy quả chanh rất to, mọng nước, sai quả và đặc biệt cây cũng cho quả quanh năm. Cái duyên đưa ông đến với cây chanh cũng từ đó. Ông càng làm thì hiệu quả kinh tế từ cây chanh tứ thời càng cao. Ông đã quyết định sử dụng hơn 1ha trồng chanh. Năm nay vườn chanh nhà ông thu được 22 tấn với giá thành 15 nghìn đồng/kg, thu được cả trăm triệu đồng. Ngoài bán chanh thương phẩm, ông còn chiết hơn một nghìn cành để bán, mỗi cành giống có giá từ 20 - 25 nghìn đồng. Tính mỗi năm cây chanh cho gia đình gần 600 triệu đồng.
Có vốn, ông Cầu tìm tòi thử nghiệm những loại cây mới. Ông mạnh dạn đưa thanh long lõi đỏ vào vườn trồng. Sau 3 năm thử nghiệm, đến nay gia đình ông đã có hơn 70 gốc thanh long đã ra trái và cho thu hoạch. Hơn thế, với mong muốn phát triển kinh tế một cách toàn diện, ông còn đầu tư nuôi thuỷ sản trên diện tích ao rộng trên 2000m2 nuôi các loại cá: trắm cỏ, mè, chép lai, nheo… và 8ha rừng trồng keo, bạch đàn cũng đã được 8 tuổi, 1.000 cây đang thu hoạch.
Từ mô hình VACR, trừ chi phí, gia đình thu về gần 400 triệu đồng mỗi năm, đồng thời còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động thời vụ, bảo đảm thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn vận động, giúp bà con cây giống, phổ biến kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc… Đến thời điểm này, gia đình nông dân Phạm Thế Cầu là một trong những hộ khá giả trong thôn, có thu nhập ổn định.
Dự định sắp tới, ông cầu sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây chanh, đầu tư cho con cái ăn học... Tin tưởng rằng với sự siêng năng, kinh nghiệm và bản lĩnh của mình, ông sẽ tiếp tục làm thỏa mãn sự mong muốn tìm cái mới trong phát triển kinh tế của những ai kỳ vọng.
Minh Tuấn - Thu Hiền
Các tin khác
YBĐT - Xã Quy Mông (Trấn Yên) có ông Nguyễn Tiến Nho - Chủ tịch Hội Người cao tuổi (NCT) luôn mẫu mực, tận tâm với công tác Hội, tích cực phối hợp với các đoàn thể vận động nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
YBĐT - Không lương hưu chỉ có 180 ngàn đồng tiền trợ cấp người cao tuổi hàng tháng, song cụ Phú vẫn sống thanh bạch như cuộc đời cụ vậy.
YBĐT - Phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động và duy trì từ nhiều năm nay.
YBĐT - Với quyết tâm vượt lên hoàn cảnh khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống, anh Nguyễn Chí Hướng ở thôn Long Chu, xã Báo Đáp (Trấn Yên) đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế nông nghiệp.