Không đầu hàng hoàn cảnh

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/7/2013 | 9:03:00 AM

YBĐT - “Gia cầm cho mình rất nhiều nhưng cũng lấy đi của mình không ít. Nhưng nghề nuôi gia cầm đã ngấm vào máu thịt, mình không thể bỏ mà mãi gắn bó với nó”. Ngần ấy tâm sự của anh Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Doanh nghiệp Phương Việt Vân chuyên chăn nuôi và cung cấp giống gia cầm, thức ăn chăn nuôi ở tổ 17, thị trấn Yên Bình (Yên Bình) mà chứa chất biết bao thăng trầm trong cuộc sống.

Anh Tuấn bên lứa gà mới nở.
Anh Tuấn bên lứa gà mới nở.

Nghề chăn nuôi gia cầm đến với anh như một sự tình cờ. Khi còn làm  thợ xây ở Hà Nội, có người nhà ở Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương thuộc Viện Chăn nuôi quốc gia, anh tranh thủ học hỏi kỹ thuật chăn nuôi cũng như phòng trừ dịch bệnh cho gia cầm. Vào một dịp, anh lên xây nhà ở Yên Bái và thấy Yên Bình là nơi có thể dừng chân lập nghiệp, phát triển chăn nuôi. Hì hục san gạt trên 1.000m2 đất, trước là vực sâu trở nên bằng phẳng, anh mở trại nuôi gà. Do nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi, phòng dịch bệnh, đàn gà của anh mau lớn, cho chất lượng thịt thương phẩm cao đã giúp anh ăn nên làm ra, có bát ăn, bát để. Đồng thời, anh còn làm dịch vụ cung cấp giống và phòng chống dịch bệnh gia cầm cho các hộ dân phát triển chăn nuôi.

Nhưng tai họa đã giáng xuống gia đình anh. Năm 2005, lần đầu tiên, dịch cúm gia cầm xuất hiện trong cả nước, dù đàn gia cầm không mắc bệnh nhưng buộc phải tiêu hủy 500 con ngan loại 4 đến 5kg/con, 1.000 con gà Ai Cập và 300 con gà thịt. Vậy là dịch cúm gà đã lấy đi của anh tất cả. Nghị lực và sự kiên nhẫn đã giúp anh vực lại chăn nuôi gia cầm, đưa kinh tế gia đình phục hồi trở lại.

Năm 2007, vợ anh bị u não phải mổ mất gần 200 triệu đồng. Năm 2008, lũ cục bộ tiếp tục cướp đi của anh trên 1 tỷ đồng. Tất cả 7.000 con gà mái đẻ, mỗi con trên 1kg cùng 500 con gà sao, mỗi con khoảng 7 lạng và 3.000 con gà ác loại 3 lạng/con bị cuốn trôi tất cả. Khi ấy, nợ nần ngân hàng, nợ dân của anh lên đến 700 triệu đồng.

Không vì thế mà nản chí, để giải quyết nợ nần, anh xót xa phải bán đi khu trại cũ để lấy 200 triệu đồng trang trải. Đồng thời, anh tiếp tục đầu tư lập trại mới gần trại cũ, ngay cạnh đường vào cảng Hương Lý. Nhờ giữ được chữ tín trong cung cấp con giống cũng như dịch vụ phòng dịch bệnh gia cầm tới từng hộ chăn nuôi và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm gia cầm, anh được nhiều trại chăn nuôi trong và ngoài tỉnh tin cậy liên kết chăn nuôi cũng như mua con giống. Riêng trên địa bàn tỉnh Yên Bái, mỗi tháng, anh nhập và cung cấp 6.000 đến 7.000 con gà, ngan, vịt các loại.

Tại trại của gia đình, anh đang nuôi các con giống bố mẹ, cung cấp thêm 3.000 con giống các loại như gà ta, gà ta lai mía, gà ác, gà Mông thịt đen, xương đen và trĩ đỏ.

Gia cầm cũng đã không phụ công anh, nợ nần anh cũng đã trang trải hết nhờ chúng. Giờ đây, anh là địa chỉ tin cậy cung cấp con giống gia cầm các loại cho 19 trại nuôi gà với qui mô từ 300 đến 500 con tại các xã Tân Nguyên, Phú Thịnh (Yên Bình); Cường Thịnh, Minh Quân (Trấn Yên). Ngoài ra, anh còn cung cấp gà giống cho nhiều hộ ở huyện Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Than Uyên (Lai Châu). Nhiều trại gia cầm ở các địa phương như trại của ông Sạch Văn Tràn ở Tân Nguyên (Yên Bình), Nguyễn Văn Đông ở Cường Thịnh (Trấn Yên), Nguyễn Văn Đắc ở Than Uyên (Lai Châu) nuôi gia cầm thành công, mỗi năm xuất chuồng 5 tấn gia cầm/hộ, cho tổng thu nhập trên 350 triệu đồng.

Không dừng lại ở cung cấp giống gia cầm, anh Tuấn đang làm thủ tục xin phép ngành kiểm lâm liên kết với hộ ông Giản Tư Qui ở tổ 33, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) nuôi trĩ đỏ, một loại động vật quí hiếm có tên trong Sách đỏ để phát triển con giống, phục vụ chăn nuôi ở địa phương. Con giống sau sản xuất có giá từ vài chục đến 100.000 đồng/con tùy theo ngày tuổi. Khi chim trĩ đỏ trở thành thịt thương phẩm đặc sản có giá khoảng 400.000 đồng/kg. Dự kiến, trại nuôi trĩ đỏ bố mẹ này sẽ phát triển với qui mô 500 con. Hiện tại, trại đang có 40 con bố, mẹ. Anh Tuấn và chủ trại dự kiến khoảng hơn 1 tháng nữa lứa trĩ đỏ giống đầu tiên sẽ ra đời và cung cấp ra thị trường. 

Không đầu hàng hoàn cảnh, anh Tuấn say mê và gắn bó với nghiệp chăn nuôi với mong muốn cung cấp cho người chăn nuôi những con giống gia cầm có chất lượng tốt nhất. Mong muốn lớn hơn của anh là làm sao ngành chức năng ngăn chặn hiệu quả gia cầm nhập lậu để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người chăn nuôi.

Minh Đức

Các tin khác

YBĐT - Tôi sẽ cố phấn đấu hơn nữa để góp sức của mình vào sự nghiệp trồng người” đó là tâm sự của cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến, Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái).

Đảng viên hưu trí khu phố Hồng Thái, phường Hồng Hà luôn nhiệt tình với hoạt động tại khu dân cư.

YBĐT - Từ chức vụ Giám đốc Công ty Than Tây Bắc, năm 2009 ông Nguyễn Văn Thái về nghỉ hưu tại khu dân cư Hồng Thái, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái.

Mô hình nuôi ong lấy mật cho hiệu quả kinh tế cao của ông Vũ Văn Hương.

YBĐT - Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó bí thư Thường trực Đảng bộ xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái, chúng tôi tới thăm gia đình ông Vũ Văn Hương ở thôn 6. Ông là một người nông dân được mọi người khen ngợi vì biết vượt khó, bền chí làm giàu.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Quang Thịnh.

YBĐT - Thành lập từ năm 1984, Công ty cổ phần Xây dựng Quang Thịnh có trụ sở đóng tại xã Cát Thịnh sớm vươn lên thành doanh nghiệp ngoài quốc doanh lớn cỡ hàng đầu của huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục