Người phụ nữ nghèo hiến 2.000m2 đất
- Cập nhật: Thứ năm, 18/7/2013 | 9:02:23 AM
YBĐT - Ở thời “tấc đất tấc vàng” như hiện nay mà vẫn xuất hiện rất nhiều người nông dân nghèo hiến đất làm đường, xây tượng đài, nhà văn hóa... quả là điều thật đáng trân trọng!
Bà Phượng chỉ phần lòng đường trước kia là nền nhà của gia đình bà.
|
Những mảnh vườn, nương rau, hàng nghìn cây hoa màu được hiến tặng xây dựng những công trình an sinh xã hội thì nhiều lắm nhưng hiến cả 200m2 đất thổ cư còn nguyên cả một ngôi nhà của người phụ nữ nghèo để hơn 10 năm sau đó, gia đình phải sống trên mảnh đất không có “sổ đỏ” thì nghe như là câu chuyện khó tin. Vậy mà đó là sự thật “một trăm phần trăm”: bà Nguyễn Thị Phượng hiến 2.000m2 đất, trong đó có 200m2 đất thổ cư ở thôn Cầu Đền, xã Nam Cường (thành phố Yên Bái).
Tôi theo chị Nguyễn Thị Hảo - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nam Cường đi dọc con đường bê tông liên thôn vẫn còn khá mới. Vừa đi chị vừa giới thiệu về con đường bám theo hồ Nam Cường nằm trong quy hoạch môi trường sinh thái của Sở Tài nguyên - Môi trường. Cũng là một người dân Nam Cường, chị Hảo rất tự hào về điều này: “Những con đường và hệ thống hồ ao như thế này làm nên một Nam Cường đẹp, xanh và sạch”.
Dừng lại trước cây sấu già đang nghiêng mình soi bóng trên mặt hồ, chị Hảo chỉ vào ngôi nhà tranh mái cọ đối diện: “Nhà bà Phượng đây rồi!”. Đón chúng tôi là người phụ nữ mới gần 60 tuổi nhưng vẻ lam lũ đã hiện cả ra ngoại hình.
Trong ngôi nhà tuềnh toàng không có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi đã quá cũ, tay run run rót nước mời khách, bà Phượng nói với chị Hảo: “Năm nay, cô yếu hơn nhiều rồi, Hảo ạ”. “Thế cô còn đi phụ xây nữa không?”. “Vẫn phải đi chứ cháu. Chú yếu lắm, cả nhà trông vào mỗi cô thôi. Giờ lại thêm đứa cháu ngoại bố mẹ nó gửi đi làm ăn xa nữa”.
Vậy là tôi phần nào hiểu được về cuộc sống hiện giờ của người phụ nữ nghèo hiến 2.000m2 đất làm đường. Không còn đất canh tác như xưa, bà Phượng tìm kế sinh nhai bằng nghề phụ xây nhưng lúc có việc, lúc không nên thu nhập cũng bấp bênh. Còn chồng bà thì bệnh tật đau yếu luôn nên không thể lao động nặng nhưng vẫn cố gắng hàng ngày chăm 50 con gà và vài con lợn để phụ cho bà.
Trong nhà bà chỉ chiếc ti vi cũ là có giá trị
Khi tôi hỏi về chuyện hiến đất làm đường thì người phụ nữ chân chất ấy nói rất đơn giản: “Để làm con đường cho cả mình và người dân trong thôn được đi lại thuận tiện thì mình chẳng tiếc gì”. Cả một vườn cây ăn quả lâu năm bị chặt bỏ, giờ chỉ còn lại hàng sấu già và vài cây mít nằm trong khuôn viên của hồ.
Dẫn khách đi giới thiệu về khu vườn sum suê hoa trái năm nào, bà Phượng nói: “Vườn cũ giờ còn vài cây sấu và cây mít này thôi”. Dậm chân lên nền đường bê tông đang đứng, bà tiếp câu chuyện: “Còn đây là nền nhà cũ. Hồi đó là năm 1998, cán bộ xã đến và nói với tôi là xã sẽ làm con đường đi qua đây, ngôi nhà tôi đang ở sẽ mất toàn bộ vì đó là lòng đường. Tôi nghĩ, đất rộng và làm đường thì mình cùng bà con được đi lại còn đẹp hơn cho thôn nữa nên tôi đồng ý hiến cả 200m2 đất thổ cư cùng hơn 1.800m2 đất vườn nữa”.
Đến đây, chị Hảo tiếp vào câu chuyện của bà Phượng: “Bà Phượng không hề đòi hỏi một đồng nào tiền bồi thường. Vậy mà đến khi làm đường bê tông, cũng như tất cả những người dân trong thôn, nhà bà Phượng vẫn nộp đủ 150.000 đồng cho mỗi mét đường dài đi qua nhà”.
Câu chuyện hiến đất làm đường của bà Phượng đã không chỉ dừng lại ở đó bởi tiếp sau là hành trình xin cấp lại “sổ đỏ” đầy gian nan của vợ chồng bà Phượng. Bà nghĩ, đất rộng thì làm nhà vào sâu trong vườn để nhường đất nhà cho lòng đường nhưng trớ trêu là toàn bộ vùng hồ Nam Cường lại nằm trong khu vực quy hoạch môi trường sinh thái của tỉnh nên việc chuyển đổi từ đất vườn sang đất thổ cư theo quy định là hoàn toàn không được. Bà đã gõ nhiều “cửa” nhưng việc vẫn không được giải quyết bởi quy định là quy định. Mãi đến năm 2010, nhờ sự vào cuộc tích cực của Đảng ủy và chính quyền xã Nam Cường, bà Phượng được cấp “sổ đỏ” cho chỗ đất chuyển đổi.
Bà Phượng phấn khởi chia sẻ: “Nhờ bác Bí thư Đảng ủy xã nên gia đình giờ đã có sổ đỏ. Nhà tôi cũng không phải đóng tiền gì nhiều, chỉ có tiền phí đo đất là 6,5 triệu đồng”. Tôi hỏi trong hơn 10 năm đó, có lúc nào bà cảm thấy tiếc vì đã hiến đất không thì bà cười: “Cũng có lúc mệt mỏi trong chờ đợi cấp lại sổ đỏ, tôi cũng nghĩ nhưng nhìn con đường đi lại trong thôn dễ dàng thì tôi không tiếc nữa. Nhất là giờ đã được đổ bê tông đẹp như thế này thì tôi còn tiếc gì nữa chứ…”.
Sự khảng khái của người phụ nữ nghèo này khiến nhiều người khác phải ngẫm lại khi chỉ với vài chục xen-ti-mét đất cũng đòi hỏi Nhà nước phải đền bù cả bạc triệu.
Câu chuyện tiếp của chị Hảo - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã về người phụ nữ nghèo này cũng làm nhiều người phải giật mình khi mà cái danh “hộ nghèo” lâu nay đã trở thành hướng “phấn đấu” của nhiều nhà. “Trước thôn có bình bầu gia đình bà Phượng là hộ nghèo nhưng bà Phượng đã nhất định không nhận và bảo nhường cho những hộ khác khó khăn hơn. Nhưng năm nay, bà yếu hơn nhiều, không đi phụ xây được nhiều như trước nữa cũng chẳng còn nhiều đất để canh tác. Thôn bình bầu lại và cả vận động nữa bà mới nhận” - chị Hảo cho biết.
Trở về, trong lòng tôi đầy sự ngưỡng mộ với người phụ nữ giản dị ấy. Trong cuộc sống bộn bề, bon chen vẫn xuất hiện những con người gạt đi những cái tôi cá nhân, gạt đi sự ích kỉ nhỏ nhoi, loại bỏ tham - sân - si trong chính bản thân mình, hướng tới một cuộc sống thực sự hạnh phúc từ ngay những hành động của mình.
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Xã Việt Cường (Trấn Yên) có chàng trai trẻ Bồ Xuân Tân vượt lên gian khó, biến đồi hoang thành trang trại, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
YBĐT - Mới 28 tuổi nhưng anh Vũ Ngọc Tuyến ở thôn Cá Nội, xã Hoàng Thắng (Văn Yên) đã là chủ của một cơ sở sản xuất nấm sò và mộc nhĩ. Vụ đông xuân năm 2012 - 2013, gia đình anh đã thu lãi trên 60 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.
YBĐT - Năng động, trách nhiệm trong công tác của địa phương và đóng góp nhiều thành tích quan trọng vào sự phát triển của phong trào phụ nữ xã, chị Lò Thị Pình đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen trong công tác dân số/kế hoạch hóa gia đình, công tác hội và phong trào phụ nữ.
YBĐT - Đã bước qua cái tuổi xưa nay hiếm, vẫn còn ấp ủ bao dự định và tâm huyết làm giàu thêm, đẹp thêm gian phòng truyền thống quê hương bằng nhiều hiện vật, kỷ vật quý, ông Hà Văn Tích ở thôn 4, Thanh Bồng, xã Đại Lịch, Văn Chấn luôn tự coi những việc mình làm là bổn phận trách nhiệm của những người đi trước...