"Đảng còn cần, ta còn cống hiến"
- Cập nhật: Thứ năm, 25/7/2013 | 9:50:41 AM
YBĐT - Tham gia 46 trận chiến đấu, 5 lần bị thương, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng nhưng giờ ông lại làm Tổ trưởng tổ nhân dân số 13B, phố Yên Ninh, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) không chút do dự dù đã mất 61% sức khỏe cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Người dân trong khu phố quen gọi ông với tên thân mật: ông tổ trưởng 50 năm tuổi Đảng. Ông tên đầy đủ là Hà Lát, người dân tộc Tày xã Kiên Thành (Trấn Yên).
Ông Hà Lát (trái) trao đổi cách xây dựng tổ nhân dân văn hóa.
|
Ở tuổi 74 - cái tuổi "xưa nay hiếm", tay chân đã yếu một phần do tuổi cao, một phần do những vết thương trong chiến tranh ảnh hưởng nhưng giọng nói của ông vẫn còn sang sảng, dứt khoát, tư duy nhanh nhạy mà nhiều người trẻ không chắc đã theo kịp. Tới thăm ông vào những ngày giữa tháng 7, được nghe ông kể lại câu chuyện chàng trai Lát 19 tuổi của hơn 50 năm về trước tràn trề nhiệt huyết lên đường nhập ngũ tham gia tiễu phỉ ở Lào Cai năm 1959, 1960 sau đó được theo học tại Trường Lục quân ở Sơn Tây.
Đến năm 1964, ông về Sư đoàn 316 tham gia chiến đấu ở Lào và làm cố vấn quân sự cho nước bạn Lào đến tận năm 1974. 10 năm chiến đấu, làm cách mạng trên đất Lào, ông cùng ăn cùng ở, cùng chiến đấu với nhân dân Lào như một người Lào thực thụ. Cũng chính những ngày tháng tham gia chiến đấu và làm việc tại Lào, ông đã 5 lần bị thương.
Sau đó, ông trở về Việt Nam, tham gia công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái. Rồi đến năm 1979, chiến tranh biên giới xảy ra, một lần nữa, ông nhận nhiệm vụ ra chiến trường, ông làm Trung đoàn phó, chỉ huy Trung đoàn 192 chiến đấu vì chỉ sau mấy ngày đầu tiên của cuộc chiến, đồng chí Trung đoàn trưởng đã hy sinh. Cuộc chiến tranh biên giới kết thúc, ông trở về, kinh qua nhiều vị trí công tác, làm Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lào Cai rồi nghỉ hưu và trở về Yên Bái.
Những lúc trái gió, ông cũng đau nhức, nhất là vết thương ở đầu nhưng ông không coi đó là sự thiệt thòi bởi ông vẫn nói: "Mình còn may mắn hơn rất nhiều những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường. Mình sống cả phần của những người đồng đội đó nữa nên Đảng còn cần, ta còn cống hiến".
Cái khí thế hừng hực của tuổi đôi mươi ấy vẫn như còn nguyên vẹn trong người thương binh hạng 2/4 đã 74 tuổi này. Tổ nhân dân số 13B, phường Nguyễn Thái Học là địa bàn tương đối phức tạp bởi có chợ Nam Cường, các gia đình hầu hết đều kinh doanh buôn bán nên cần người tổ trưởng có uy tín trong cộng đồng.
Khi cán bộ phường, rồi bí thư chi bộ phố xuống gặp ông để đặt vấn đề đề nghị ông làm Tổ trưởng tổ nhân dân số 13B, ông đã nói: "Không phải vận động tôi đâu, dù sức khỏe tôi có yếu nhưng tôi vẫn luôn giữ vững lời hứa khi được kết nạp vào Đảng và dù đã 50 năm hay nhiều hơn nữa thì lời hứa đó vẫn còn nguyên giá trị".
Đúng vậy, lời hứa, lời thề trước cờ Đảng sẽ mãi mãi trong tim của người đảng viên, luôn luôn tâm niệm để sống, lao động, cống hiến cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân.
Việc đầu tiên ông làm sau khi nhận chức trách Tổ trưởng tổ nhân dân số 13B là "hóa giải" tụ điểm đánh bài ăn tiền đã tồn tại rất lâu trên địa bàn tổ dân cư, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển, trưởng thành của thanh thiếu niên, tạo ra môi trường sống thiếu lành mạnh. Không ồn ào cán bộ an ninh trật tự, ông tới từng nhà, gặp từng người trò chuyện như một người cha, người chú trong gia đình. Ông nói: "Cương - nhu có cả. Quan trọng là mình phải phân tích cho họ hiểu. Rồi tự động họ tự giác thôi, không phải nhờ tới cán bộ an ninh. Như thế không ai bị mất mặt mà lại triệt tận gốc".
Có lẽ, cái cách ông trò chuyện để hóa giải tụ điểm đánh bài này chỉ ông mới có, chỉ có những người đảng viên, những người cách mạng tâm huyết mới có. Nó được đúc rút từ chính những năm tháng ông cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho hòa bình dân tộc, cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Ông luôn được nhân dân trong tổ ủng hộ bởi những điều ông nói và ông làm luôn song hành, tạo được sự tín nhiệm và cũng chính bởi những cống hiến xương máu của ông cho quê hương, đất nước khiến những người xung quanh phải nể phục và kính trọng. Cuộc họp tổ nhân dân do ông chủ trì đều diễn ra hết sức nghiêm túc; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều được nhân dân trong tổ tiếp thu nghiêm túc, đúng đắn và đầy đủ, mọi công việc triển khai ở tổ nhân dân đều được thuận lợi.
Chia tay ông Hà Lát, nhìn con phố thuộc tổ nhân dân số 13B bình yên, sạch đẹp, tôi thầm nghĩ, những suy nghĩ và việc làm của người đảng viên già này là tấm gương sáng cho những đảng viên trẻ đang đứng trước rất nhiều sự cám dỗ thêm vững tin, nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình với Đảng với nhân dân.
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Dân tộc Việt Nam có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Chăm lo cho thân nhân liệt sỹ, quan tâm đến thương bệnh binh và người có công đã trở thành đạo lý của cả dân tộc.
YBĐT - Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mùng 5 Tết Mậu Thân năm 1968, khi ấy, ông Nguyễn Ngọc Mai, 19 tuổi lên đường nhập ngũ thuộc Tiểu đoàn Yên Ninh 2 vào miền Nam chiến đấu. Năm 1972, ông bị thương trong một trận đánh tại Thừa Thiên - Huế. Hồi phục sức khỏe, ông tiếp tục trở lại mặt trận tham gia chiến đấu và phục vụ trong quân đội. Đến năm 1989, ông nghỉ hưu tại thôn Hương Lý, xã Đại Đồng là thương binh hạng 4/4.
YBĐT - Ông Lù Rủ Sinh ở bản Phình Ngài, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) quyết tâm vươn lên thoát nghèo bằng chính đôi tay của mình trên mảnh đất quê hương.
YBĐT - Được Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Yên giới thiệu, chúng tôi đến xã Yên Hưng thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị Lê Thị Loan là hội viên nông dân xã. Không ngừng tìm tòi, học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, mô hình trang trại tổng hợp vườn - ao - chuồng đã giúp cho gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định.