Một tay nổi cơ đồ

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/7/2013 | 3:17:46 PM

YBĐT - Đến thăm mô hình làm kinh tế của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành - thương binh hạng 2/4 ở thôn 4, xã Minh Quán (Trấn Yên) chúng tôi mới thấy hết ý chí và nghị lực vươn lên của ông khi chỉ còn một bàn tay.

Ông Thành cùng gia đình thu hoạch chè.
Ông Thành cùng gia đình thu hoạch chè.

Nhập ngũ năm 1971, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, năm 1972 trong một trận đánh ở chốt Cửa Việt ông bị pháo biển bắn trọng thương, bàn tay phải bị dập nát và phải cắt bỏ. Năm 1976 phục viên trở về quê hương Nam Định với một phần cơ thể không còn lành lặn nên cuộc sống của ông không ít khó khăn. Nam Định lại đất chật, người đông, thiếu đất sản xuất khiến cuộc sống một gia đình 5 miệng ăn của ông càng thêm vất vả.

Nhưng người thương binh ấy luôn xác định: “Trong chiến tranh ác liệt, luôn phải đứng trước sự sống và cái chết mình còn không sợ, nay sống trong thời bình, cuộc sống có vất vả, khó khăn đến mấy đi nữa thì cũng sợ gì. Mình đã chiến đấu hết mình để giành độc lập thì nay mình cũng phải vươn lên “chiến đấu” hết mình trên trận tuyến mới để phát triển kinh tế gia đình góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh”.

 Tinh thần, nghị lực của người lính Cụ Hồ đã giúp ông có thêm sức mạnh. Năm 1981, Nhà nước có chủ trương giãn dân, đi xây dựng vùng kinh tế mới, ông bàn với vợ lên Yên Bái lập nghiệp. Thôn 4, Ngọn Ngòi, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên được ông chọn để dựng lều và bắt tay vào “cuộc chiến” làm kinh tế.

Những ngày đầu trên vùng quê mới, ông cũng gặp không ít khó khăn do không có đất sản xuất, rồi lần lượt 3 người con nữa ra đời. Được bà con nhượng cho ít đất đồi toàn chè vè, lau lách, cây tế…, ông cùng với vợ, hai người nhưng chỉ có 3 bàn tay hàng ngày cần mẫn phát đồi trồng các loại cây nông nghiệp như: sắn, ngô, khoai… Đất không phụ công người, ông trồng cây gì cũng cho thu năng suất cao. Có lương thực, ông mua lợn, gà, đào ao thả cá… Chăn nuôi có lãi, ông mua thêm trâu, bò về thả. Năm 1986, khi Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng, ông nhận 12ha đất trống đồi trọc để trồng quế, bồ đề và chè.

10 năm sau, đồi cây đã cho ông thu hoạch cả mấy chục triệu đồng. Chăm chỉ làm ăn, từ  phát triển kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình ông có nguồn thu trên 100 triệu đồng. Ông đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, nuôi 6 người con ăn học, dựng vợ gả chồng, làm nhà đàng hoàng cho hai anh con trai. Mấy năm gần đây, do tuổi đã cao, ông chia bớt diện tích rừng cho các con. “Chia cho mỗi đứa vài ha, tôi để lại trên 1ha quế, 0,6ha chè Bát Tiên, vài chục  gốc cam chanh, hai ao cá rộng 4.000m2 để hai ông bà già chăm sóc cho đỡ buồn, ngoài ra còn nuôi gần 100 con gà” - ông Thành hài lòng với tuổi già .

Hơn 30 năm vượt lên thương tật với ý chí quyết tâm làm kinh tế xóa đói giảm nghèo, ở cái tuổi 64, người thương binh ấy đã mãn nguyện với cuộc sống hiện tại. Phần thưởng xứng đáng cho ông là từ một bàn tay ông nổi cơ đồ, nuôi các con trưởng thành, ngoan ngoãn, chịu khó làm ăn, có của để dành lo cuộc sống khi về già không còn sức lao động.

Về người thương binh chỉ còn một bàn tay, ông An Viết Hòa - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Trấn Yên cho hay: “Ông Thành là một trong những điển hình của “thương binh tàn nhưng không phế” ở Trấn Yên. Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông là một mô hình tiêu biểu. Từ mô hình này, Hội Cựu chiến binh huyện đã tuyên truyền vận động  các cựu chiến binh trong huyện đến học tập và làm theo. Đến nay, toàn huyện có trên 30 mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của các hội viên”.

Hồng Duyên 

Các tin khác
Ông Hà Lát (trái) trao đổi cách xây dựng tổ nhân dân văn hóa.

YBĐT - Tham gia 46 trận chiến đấu, 5 lần bị thương, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng nhưng giờ ông lại làm Tổ trưởng tổ nhân dân số 13B, phố Yên Ninh, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) không chút do dự dù đã mất 61% sức khỏe cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Người dân trong khu phố quen gọi ông với tên thân mật: ông tổ trưởng 50 năm tuổi Đảng. Ông tên đầy đủ là Hà Lát, người dân tộc Tày xã Kiên Thành (Trấn Yên).

YBĐT - Dân tộc Việt Nam có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Chăm lo cho thân nhân liệt sỹ, quan tâm đến thương bệnh binh và người có công đã trở thành đạo lý của cả dân tộc.

Ông Nguyễn Ngọc Mai chuẩn bị nội dung cho cuộc sinh hoạt tháng tới.

YBĐT - Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mùng 5 Tết Mậu Thân năm 1968, khi ấy, ông Nguyễn Ngọc Mai, 19 tuổi lên đường nhập ngũ thuộc Tiểu đoàn Yên Ninh 2 vào miền Nam chiến đấu. Năm 1972, ông bị thương trong một trận đánh tại Thừa Thiên - Huế. Hồi phục sức khỏe, ông tiếp tục trở lại mặt trận tham gia chiến đấu và phục vụ trong quân đội. Đến năm 1989, ông nghỉ hưu tại thôn Hương Lý, xã Đại Đồng là thương binh hạng 4/4.

Ông Lù Rủ Sinh bên vườn sơn tra của gia đình.

YBĐT - Ông Lù Rủ Sinh ở bản Phình Ngài, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) quyết tâm vươn lên thoát nghèo bằng chính đôi tay của mình trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục