Bức xúc giải phóng mặt bằng ở Âu Lâu: “Cơn nóng” đã giảm nhiệt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai trên địa bàn xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái) trong thời gian qua đã được Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BTHT&TĐC), các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo. Nhiều hộ dân thuộc diện đền bù, giải toả để xây dựng đường cao tốc, khu tái định cư (TĐC) đã nghiêm túc chấp hành quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, một số hộ dân chưa đồng tình với phương án đền bù của cơ quan chức năng, đã có nhiều đơn kiến nghị gửi tới chính quyền các cấp mong được giải quyết thoả đáng.

Các hộ dân thôn Nước Mát đã đến nhận tiền bồi thường thu hồi đất tái định cư.
Các hộ dân thôn Nước Mát đã đến nhận tiền bồi thường thu hồi đất tái định cư.

“Nóng” ở Nước Mát

Sau khi chính quyền thành phố về đối thoại trực tiếp với dân và phải lần thứ 3 của UBND xã Âu Lâu, số hộ dân còn lại ở thôn Nước Mát mới đến nhận tiền BTHT & TĐC (ngày 19/6/2009). Mọi việc cơ bản được giải quyết ổn thoả, bức xúc của người dân cũng đã giảm nhiệt. Trong số 56 hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất nông nghiệp để làm khu TĐC ở thôn Nước Mát đã có 12 hộ không chịu nhận tiền đền bù và làm đơn kiến nghị với các cấp chính quyền.

Các hộ này cho rằng Hội đồng BTHT&TĐC áp dụng sai chính sách mà UBND tỉnh qui định. Theo đó, các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi khu vực ven quốc lộ 37, đoạn từ UBND xã Âu Lâu đến ngã ba đường đi Minh Tiến (Trấn Yên) không được hỗ trợ do bị thu hồi trên 10% diện tích đất nông nghiệp được giao; không được hỗ trợ để tạo lập quĩ đất sản xuất mới; áp giá sai vị trí đất thu hồi làm khu tái định cư...

Ông Hồ Đình Ngọc - thôn Nước Mát có diện tích đất nông nghiệp phải thu hồi là 1057,6 m2, cuối cùng đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn tỏ ra bức xúc sau khi xem xét lại tờ áp giá đền bù và hỗ trợ khu TĐC của gia đình. Diện tích đất thu hồi của ông gồm 6 thửa nằm ở vị trí 1 và 3 nhưng khi áp giá đền bù phần hỗ trợ đất nông nghiệp xen kẽ khu dân cư lại được tính chung ở vị trí 3.

Hiện ông Ngọc được bồi thường, hỗ trợ về đất đai, cây lúa nước với tổng số tiền trên 57 triệu đồng, nhưng theo qui định còn thiếu phần hỗ trợ do bị thu hồi từ trên 10% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng được giao (theo Quyết định 703 ngày 21/5/2009 của UBND tỉnh mức hỗ trợ thấp nhất là 9 triệu đồng/ha) và hỗ trợ để tạo lập quĩ đất sản xuất mới 5 triệu đồng/ha.

Xã Âu Lâu có 253 hộ ở 4 thôn Nước Mát, Đắng Con, Đồng Đình, Châu Giang thuộc diện phải thu hồi đất GPMB xây dựng đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai và khu TĐC. Trong quá trình triển khai công tác thẩm định, bồi thường hỗ trợ, không chỉ một số hộ dân ở thôn Nước Mát phải thu hồi đất TĐC có kiến nghị mà có tới 122 đơn kiến nghị của các hộ dân gửi UBND xã Âu Lâu, nhiều nhất so với các xã khác, thậm chí có nhiều đơn vượt cấp về vấn đề bồi thường, hỗ trợ TĐC xây dựng đường cao tốc. Rất nhiều hộ kiến nghị với nội dung chủ yếu là việc áp giá đền bù thấp; tỷ lệ phần trăm hỗ trợ, vị trí đất không đúng; thống kê chưa chính xác, còn nhiều sai sót...

Hộ ông Nguyễn Văn Thịnh - thôn Nước Mát có 5 mảnh ruộng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ngày 10/11/1998 do UBND tỉnh cấp, diện tích là 770m2 nhưng khi đo lại thực tế để bồi thường thì chỉ có 659 m2, thiếu so với sổ đỏ 111 m2. Vì vậy, gia đình không chấp nhận nên có đơn kiến nghị với xã. Trường hợp ông Tạ Duy Quế ở thôn Đồng Đình có 400 m2 đồi trồng chè, sử dụng từ năm 1982 chưa làm sổ đỏ đất ở nhưng hàng năm ông vẫn đóng thuế đất ở cho Nhà nước, nay thu hồi áp dụng đền bù lại tính đất trồng cây lâu năm mà không phải là đất ở.

Ông Hồ Đình Ngọc - thôn Nước Mát có mảnh đồi khoảng 4.000 m2, đã khai phá và trồng cọ từ năm 1993 đến năm 2002, đã đóng thuế đất trồng cây lâu năm nhưng năm 2000 thôn đã kê khai, lập hồ sơ và được UBND huyện Trấn Yên cấp sổ đỏ lại ghi mục đích sử dụng là rừng tái sinh. Tháng 9/2008, UBND huyện ra quyết định thu hồi 759 m2 đất để làm đường cao tốc, trong đó có trên 469 m2 đất trồng cọ, nhưng khi kiểm đếm, áp giá đền bù thì số diện tích trồng cọ không được tính theo giá đất cây lâu năm.

Việc xác định nguồn gốc sử dụng đất phải căn cứ trên thực tế và giấy tờ liên quan có tính pháp lý cao nhất, bởi trong biên lai thu thuế, diện tích đất trên của ông Ngọc đều ghi “thuế cây lâu năm”. Vấn đề khiến người dân băn khoăn thắc mắc gây kiến nghị phần nhiều do công tác rà soát, thẩm định như: thiếu vật kiến trúc, con số trong tờ áp giá xác định sai thực tế, nhiều thiếu sót...

Biện pháp để “giảm nhiệt”

Ông Vũ Đình Chiến - Phó chủ tịch UBND xã, Ủy viên Hội đồng GPMB đường cao tốc cho biết: sau khi triển khai áp giá đền bù, xã đã nhận được rất nhiều đơn kiến nghị của các hộ liên quan, trong đó đã xem xét giải quyết 78 đơn, hiện còn 44 đơn chưa giải quyết. Chính quyền xã cùng Hội đồng BTHT&TĐC thống nhất về danh sách đơn đề nghị, tổ chức họp dân, chia tổ xuống các thôn giải quyết thoả đáng từng trường hợp cụ thể.

Ông Chiến khẳng định: trong số các đơn trên có khoảng 20 đơn không giải quyết do các hộ đòi hỏi không đúng với qui định, còn lại các đơn đều được kiểm tra lại việc áp giá, bổ sung đưa vào phương án điều chỉnh theo Quyết định 06/2008/QĐ của UBND tỉnh Yên Bái về thực hiện chính sách BTHT & TĐC khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai. UBND thành phố đã báo cáo UBND tỉnh cho điều chỉnh cục bộ giá đất ở vị trí 1 đoạn đường từ UBND xã đến cây xăng Âu Lâu từ 700.000 đồng/m2 lên 1.300.000 đồng/m2. Khi được UBND tỉnh phê duyệt, chính quyền thành phố sẽ chỉ đạo Hội đồng BTHT&TĐC lập bổ sung phương án đền bù cho các hộ dân.

Huy Văn - Thanh Tân

Các tin khác

YBĐT - Vụ chè năm nay, các cơ sở chế biến chè gần như nằm yên, một cảnh đìu hiu quen mà lạ. Kịch bản: rớt giá - nông dân bỏ chăm sóc chè – nhà máy thiếu nguyên liệu; được giá - không đủ nguyên liệu chế biến lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua với ngành chè Yên Bái.

Trang phục của phụ nữ các nhánh dân tộc Dao ở huyện Văn Yên.

YBĐT - Dân tộc Dao ở Yên Bái có số dân thuộc hàng đông nhất trong số 13 dân tộc có số dân từ 5 nghìn người trở lên. Đồng thời, cùng với người Mông, người Dao cũng được đánh giá là hai dân tộc đang bảo lưu tốt trang phục truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, nét đẹp trong trang phục của người Mông là sự phức hợp của nét đẹp thiên nhiên được mô hình hóa trên trang phục thì người Dao vừa có các yếu tố nêu trên, nhưng lại được kết hợp cả yếu tố lịch sử và tín ngưỡng dân gian trong trang phục.

YBĐT - Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề được nhắc đến thường xuyên, vì đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng liên quan đến sức khoẻ của mọi người, nhưng chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Vấn đề VSATTP không thể do một hoặc vài cá nhân có thể đứng ra giải quyết. Nó đang trở thành bài toán nan giải đòi hỏi sự phối hợp thực hiện đồng bộ của toàn xã hội, từ các cấp, các ngành chức năng đến từng người dân.

Các thành viên của Hội văn nghệ làng văn hóa Nà Ké tập bài hát mới tại nhà Chủ tịch Hội đồng làng Dương Văn Canh.

YBĐT - Nằm cách xa khu trung tâm của xã vùng sâu Ngọc Chấn (Yên Bình - Yên Bái), nhưng Nà Ké lại là ngôi làng đầu tiên của 5 thôn, bản: Thái Y, Nà Đình, Suối Hốc, Làng Ven và Nà Ké xây dựng làng văn hoá. Năm 2001, làng được công nhận tiêu chuẩn làng văn hoá cấp huyện. Bằng nỗ lực của cả Hội đồng làng và những thành tích toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội đã đạt được nhiều năm qua, các thành viên trong làng đang phấn đấu đưa Nà Ké vào danh sách làng văn hoá cấp tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục