Xây dựng nhà văn hóa khu dân cư ở Nghĩa Lộ - bao giờ mới xong?

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/3/2010 | 10:35:42 AM

YBĐT - Một vòng luẩn quẩn: xã phường thì đợi thị xã, thị xã thì đợi tỉnh, còn người dân vẫn không có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng.

Tiết mục văn nghệ của đội văn nghệ tổ 7, phường Tân An chào mừng lễ ra mắt nhà văn hóa.
Tiết mục văn nghệ của đội văn nghệ tổ 7, phường Tân An chào mừng lễ ra mắt nhà văn hóa.

Kinh phí ít - số lượng nhiều!

Là đơn vị được chọn làm điểm xây dựng thị xã văn hóa giai đoạn 2003 - 2010 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) và tỉnh Yên Bái, trong những năm qua, nhiều hạng mục thiết chế văn hóa của thị xã Nghĩa Lộ đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp như: sân vận động, khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu Di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ...

Tuy nhiên, các thiết chế văn hóa cơ sở đặc biệt là nhà văn hóa khu dân cư chưa được đầu tư xây dựng. Theo đánh giá cuả Phòng Văn hóa, năm 2005, thị xã mới chỉ có 4 nhà văn hóa khu dân cư phục vụ cho 9/121 tổ dân phố thôn bản.

Trước thực trạng này, tại kỳ họp thứ 5 HĐND thị xã, khóa XII đã đề ra Nghị quyết số 30/NQ-HĐND phê duyệt trong 5 năm thực hiện Đề án Xây dựng nhà văn hóa khu dân cư, đảm bảo 100% tổ, thôn bản có điểm sinh hoạt văn hóa tập trung của dân cư.

Thực hiện Đề án, UBND thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo; tăng cường phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn, MTTQ và các đoàn thể. Sau một năm thực hiện toàn thị xã đã hoàn thành 21 nhà với tổng kinh phí 978 triệu đồng, trong đó, đầu tư ngân sách thị xã 100 triệu đồng, ngân sách xã, phường 32 triệu đồng, đóng góp của nhân dân 643 triệu đồng. Nhà đầu tư thấp nhất 15 triệu đồng, nhà cao nhất 150 triệu đồng.

Qua một năm triển khai thực hiện Đề án cho thấy quy mô giá trị nhà văn hóa của Đề án đề ra tối thiểu 15 triệu đồng trở lên/nhà là thấp so với thực tế thực hiện (bình quân giá trị nhà thực hiện 40,6 triệu đồng).

Một số điểm nhà văn hóa khu dân cư không còn diện tích đất nông nghiệp 5% để thực hiện chuyển đổi sang quỹ đất xây dựng nhà văn hóa, một số điểm nhà văn hóa ở khu phố chưa có đất, trong khi đó Đề án chưa có giải pháp xử lý việc đền bù, giải phóng mặt bằng khi chuyển từ quỹ đất khác sang làm nhà văn hóa. Mặt khác số lượng nhà văn hóa của Đề án xây dựng là 66 nhà với thời gian thực hiện 2 năm (2006 - 2007) chưa phù hợp với điều kiện thực tế.

Cần có sự tham gia của các cấp, các ngành

Ngày 11/10/2006, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết 11-2006/NQ-HĐND, trong đó có hạng mục đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, do vậy UBND thị xã đã xây dựng Đề án điều chỉnh bổ sung Đề án xây dựng nhà văn hóa khu dân cư.

Thực tế trong hai năm 2008 và 2009, công tác xây dựng nhà văn hóa khu dân cư cũng không thể thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Cụ thể, trong năm 2008, thị xã đã đăng ký xây dựng 12 nhà văn hóa nhưng chỉ thực hiện được 2.

Nguyên nhân được UBND thị xã Nghĩa Lộ đưa ra là do lạm phát của giá cả thị trường, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên không có ngân sách hỗ trợ và cũng không nhận được sự đóng góp của nhân dân. Đến năm 2009, thị xã tiếp tục triển khai Đề án xây dựng nhà văn hóa khu dân cư với mục tiêu xây dựng thêm 10 nhà văn hóa, nhưng hết năm chỉ xây dựng được 7 nhà, nâng tổng số nhà văn hóa được xây dựng trên địa bàn lên 30 nhà.

Ở Nghĩa Phúc, theo kế hoạch năm 2009, xã xây dựng 2 nhà văn hóa ở bản Pưn và bản Bay. Đến nay, nhà văn hóa bản Pưn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Theo ông Đặng Ngọc Anh - Phó chủ tịch UBND xã, trong giai đoạn từ 2006 - 2010 xã Nghĩa Phúc có kế hoạch xây dựng 5 nhà văn hóa khu dân cư nhưng đến nay mới chỉ xây dựng được 3 nhà văn hóa. Nhân dân của xã rất cần có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng. Tại phường Trung Tâm, công tác xây dựng nhà văn hóa cũng đang là vấn đề nóng được cán bộ và nhân dân bàn luận nhiều.

Theo ông Lường Văn Duyên - Chủ tịch UBND phường, trong quy hoạch, phường phải xây dựng 9 nhà văn hóa mới đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân, nhưng xét trên điều kiện thực tế, phường Trung tâm đưa ra mục tiêu “tối thiểu” là 6 nhà văn hóa cũng khó có thể thực hiện được.

Năm 2009 rất quyết tâm nhưng đến những ngày cuối cùng của năm 2009, phường mới hoàn thành nhà văn hóa liên tổ 21 + bản Pá Kết.

Ông Duyên cho biết thêm: phường đã ghép nhiều tổ dân phố để xây dựng một nhà văn hóa chung nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu quỹ đất xây dựng. Nhà văn hóa liên tổ 1 + 2 + 3 + 4 + 10 đã được thị xã phê duyệt xây dựng với tổng kinh phí 271 triệu đồng, trong đó, tỉnh hỗ trợ 110 triệu đồng, thị xã hỗ trợ 100 triệu đồng, còn lại là do nhân dân đóng góp. Kinh phí xây dựng đã có nhưng lại thiếu quỹ đất phường cũng chỉ biết cùng với thị xã Nghĩa Lộ đề nghị tỉnh cấp đất xây dựng.

Năm 2010, Nghĩa Lộ sẽ phải xây dựng 10 nhà văn hóa khu dân cư nhưng những tồn tại, khó khăn trong công tác xây dựng các nhà văn hóa của các năm trước vẫn chưa được giải quyết. Một vòng luẩn quẩn: xã phường thì đợi thị xã, thị xã thì đợi tỉnh, còn người dân vẫn không có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng. Có lẽ thị xã cần điều chỉnh, bổ sung kịp thời trong kế hoạch thực hiện, không để một nguyên nhân nào làm người dân không có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng.

Nguyễn Nhật Thanh

Các tin khác

YBĐT - Ngày 30.1.2008, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 02/2009/QĐ-UBND quy định một số nội dung quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn.

YBĐT - Từ đầu mùa đông đến nay chưa xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến cây trồng và vật nuôi. Nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, ngay giữa mùa đông có những ngày còn nắng nóng...

Công nhân ngành điện bảo dưỡng đường điện tại xã Giới Phiên (TP Yên Bái). (Ảnh: Lê Bác Đạt)

YBĐT - Theo báo cáo của Điện lực Yên Bái, tổng sản lượng điện năm 2009 khoảng 341 triệu kwh, tăng hơn 30% so với năm 2008 (năm 2008 là 265 triệu kwh).

YBĐT - Xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) nổi tiếng cả nước có một giống lúa nếp thơm, hạt gạo to đẫy đà trắng trong, cơm có độ dẻo đặc biệt không nơi nào có được. Một giống lúa có hương thơm từ cây lúa, hạt thóc đến hạt gạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục