Bài 1: Tổng quan ngành chè
- Cập nhật: Thứ năm, 3/10/2013 | 8:33:18 AM
YBĐT - Ông Đoàn Anh Tuân - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng: “Sản xuất chè ở Việt Nam đang bất cập ở cả ba công đoạn trong chuỗi giá trị: trồng, chế biến, tiêu thụ”.
Bên cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng.
(Ảnh: Thu Trang)
|
Cây chè đã và đang là nguồn thu nhập chính cho hàng triệu hộ nông dân và là một ngành chế biến hàng năm mang về hàng chục triệu đô-la Mỹ cho đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì sản xuất, kinh doanh chè trong những năm gần đây liên tục gặp khó khăn, người dân không còn “mặn mà” với chè. Đã có nhiều diện tích bị chặt bỏ; các nhà máy, cơ sở chế biến tiêu điều. Vậy đâu là nguyên nhân và đâu là hướng đi bền vững cho ngành chế biến chè?
Đã có rất nhiều tài liệu, công trình nghiên cứu từ cổ tới kim nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai biết chính xác cây chè đã định cư trên đất nước Việt Nam từ bao giờ…
Theo thư tịch cổ Việt Nam, cây chè đã có từ xa xưa với hai loại: cây chè vườn hộ gia đình vùng châu thổ sông Hồng và cây chè rừng ở miền núi phía Bắc. Lê Quý Đôn trong sách “Vân Đài loại ngữ” (năm 1773) có ghi trong mục IX, “Phẩm vật” như sau: “... Cây chè đã có ở mấy ngọn núi Am Thiên, Am Giới và Am Các, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa, mọc xanh um đầy rừng, thổ nhân hái lá chè đem về giã nát ra, phơi trong râm, khi khô đem nấu nước uống, tính hơi hàn, uống vào mát tim phổi, giải khát, ngủ ngon. Hoa và nhị chè càng tốt, có hương thơm tự nhiên...”.
Sau chuyến khảo sát rừng chè cổ Hà Giang năm 1923 và tây nam Trung Quốc năm 1926, các nhà khoa học Pháp và Hà Lan đã viết: “... những rừng chè bao giờ cũng được mọc bên những bờ con sông lớn như sông Dương Tử, sông Tsi Kiang ở Trung Quốc, sông Hồng ở Vân Nam và Việt Nam, sông Mê Kông ở Vân Nam, Thái Lan và Đông Dương...”.
Năm 1976, Viện sĩ K.M.Djemmukhtze - Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô sau khi nghiên cứu về tiến hóa của cây chè ở các vùng chè Tứ Xuyên, Vân Nam - Trung Quốc và các vùng chè cổ Việt Nam, đặc biệt sau khi đến nghiên cứu rừng chè cổ thụ Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã viết: “Tôi đã đi qua 120 nước trên thế giới để nghiên cứu về cây chè nhưng chưa thấy ở đâu có những rừng chè, cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái, phải chăng đây là tổ quốc của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới...”.
Tóm lại, cây chè được hình thành và phát triển như thế nào, chúng ta để dành cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tiếp tục những công việc của mình. Chỉ biết rằng, từ những năm 1882, người Việt đã trồng chè dưới hai loại hình: chè vườn hộ gia đình, ở đây người ta uống lá chè tươi như vùng chè đồng bằng sông Hồng và chè rừng vùng núi, người ta uống chè mạn như vùng Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai...
Ngoài hai loại chè này, đến năm 1945, đã xuất hiện hai loại chè công nghiệp chè đen và chè xanh sao chảo. Từ năm 1945 cho đến nay, Nhà nước xây dựng các nông trường quốc doanh và hợp tác xã nông nghiệp trồng, chế biến chè đen theo công nghệ OTD xuất khẩu. Suốt quá trình hình thành và phát triển đến nay, vị thế cây chè tiếp tục được khẳng định ở những địa phương có truyền thống trồng chè. Diện tích trồng chè được mở rộng, đến hết năm 2012, tổng diện tích chè cả nước đạt 124.000ha trong đó diện tích kiến thiết cơ bản 10.000ha, diện tích chè kinh doanh 114.000ha.
Bên cạnh giống cũ, đã có 40 loại giống mới cho chất lượng và năng suất cao, có hương vị đặc biệt, được người tiêu dùng ngoài nước ưa chuộng. Năng suất đã đạt 7,7 tấn/ha, sản lượng đạt 900.000 tấn búp tươi, sản lượng chè khô chế biến đạt khoảng 200.000 tấn/năm. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện nay đã xuất khẩu đến 103 thị trường trên thế giới, giá trị xuất khẩu chính ngạch năm 2012 đạt 218 triệu USD.
Song song với sự phát triển về diện tích, giá trị xuất khẩu thì các nhà máy, cơ sở chế biến cũng không ngừng tăng theo. Đã có 450 cơ sở chế biến chè có qui mô công suất trên 1.000 tấn búp tươi/ngày cùng hàng ngàn hợp tác, hộ gia đình và có trên 3 triệu người sống trong vùng chè (vùng cao, vùng sâu, vùng xa) có thu nhập từ trồng trọt, chế biến, kinh doanh chè.
Rừng chè cổ thụ Suối Giàng. (Ảnh: Hoàng Nhâm)
Trong hàng chục thập niên qua, Việt Nam luôn nằm trong tốp 5 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới. Cho đến nay, không ai có thể phủ nhận được những giá trị kinh tế của cây chè, của ngành chế biến chè đã góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo và mang một lượng ngoại tệ lớn về cho đất nước.
Thế nhưng nhìn tổng thể, sản xuất, kinh doanh chè đang gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế mang lại không tương xứng với tiềm năng vốn có. Đặc biệt, từ khi xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp chuyển sang nền cơ chế thị trường, sản xuất chè ngày càng bết bát. Mặc dù là một “cường quốc” về xuất khẩu chè nhưng thật đáng tiếc là giá chè của chúng ta lại quá thấp, bình quân 1,5 USD/kg và chỉ bằng 70% giá bán bình quân cùng sản phẩm chè so với các nước cùng xuất khẩu chè.
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, bình quân 7 tháng của năm 2013, giá chè xuất khẩu đạt 1.584 USD/tấn, tăng 4,9% - đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay song vẫn còn quá thấp so với mức 2.200 USD/tấn bình quân chung của thế giới. Bên cạnh đó, sản phẩm chè Việt Nam quá mờ nhạt trên thị trường thế giới, người tiêu dùng chưa nhận biết hay phân biệt được đâu là chè “made in Việt Nam”.
Nói về sự “lép vế” này, ông Đoàn Anh Tuân - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng: “Sản xuất chè ở Việt Nam đang bất cập ở cả ba công đoạn trong chuỗi giá trị: trồng, chế biến, tiêu thụ. Diện tích, sản lượng chè Việt Nam rất lớn nhưng sản xuất thì quá manh mún, nhỏ lẻ và sản xuất thủ công. Giống chè cũ, giống mới đưa vào chưa nhiều, chậm áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, thiết bị chế biến lạc hậu, sản phẩm chè chưa đa dạng và có khá nhiều lượng chè xuất thô”.
Bên cạnh đó còn có những hạn chế như: công tác quy hoạch yếu kém từ vùng nguyên liệu đến cơ sở chế biến; mối gắn kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, giữa sản xuất với thị trường còn lỏng lẻo; an toàn vệ sinh công nghiệp yếu, thậm chí có nhiều sản phẩm còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dẫn tới sản phẩm không đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đau xót thay khi chính các nhà làm công tác xuất khẩu phải chứng kiến cảnh người ta mua chè của Việt Nam về để đấu trộn và gắn thương hiệu của quốc gia họ để nâng giá bán cao gấp đôi. Lý do chính là chúng ta có tới 90% lượng chè xuất khẩu dưới dạng thô, chỉ chưa đầy 10% xuất khẩu dưới dạng thành phẩm.
Yên Bái không có nhiều doanh nghiệp, nhà máy chế biến chè lớn nhưng lại tự hào rằng, Yên Bái là “thủ phủ” của chè từ nguồn gốc đến diện tích và sản lượng. Tuy nhiên sản xuất, kinh doanh chè của Yên Bái cũng không vượt qua được chính mình và cũng rơi vào cảnh sản xuất, kinh doanh lẹt đẹt, khốn khó chung của ngành chè Việt Nam.
(Bài 2: Đau đầu nguyên liệu xấu)
Thanh Phong Anh
Các tin khác
YBĐT - “Tôi chỉ mong làm được giấy tờ, xác nhận được chế độ, có như vậy nhắm mắt xuôi tay cũng yên lòng” - cứ khắc khoải mãi một nỗi niềm mong mỏi của một người lính, một cựu tù Phú Quốc. Đồng đội, người thân hiểu sự day dứt hơn ai hết, khi nỗi niềm mong mỏi đau đáu ấy đã đi qua gần bốn chục năm trời...
YBĐT - Hiện cả xã Bạch Hà, huyện Yên Bình (Yên Bái) có 30% số hộ tham gia sản xuất lúa Chiêm Hương làm hàng hóa. Thế nhưng, để mua được yến gạo Chiêm Hương Bạch Hà chính gốc thì đích thân Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi xuống một hộ dân và phải "nói khéo" mới mua nổi.
YBĐT - Gần một năm trước đây, hàng chục hộ nông dân Tuy Lộc, thành phố Yên Bái rất hồ hởi với cây ớt; những ruộng ớt xanh mượt, sai lúc lỉu thay thế dần những bãi ngô, những ruộng rau. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau đó, chính những cây ớt, quả ớt đó lại chính tay những người nông dân mang ra mặt đường bê tông phơi khô rồi... châm mồi lửa, những bãi ớt chưa kịp phá để cỏ mọc um tùm. Và rồi, hết lứa ớt đầu không thấy người ta triển khai vụ kế tiếp!
YBĐT - Không còn lạ lẫm với người dân Mù Cang Chải (Yên Bái), hiện cây ngô đã được trồng ở tất các địa phương trong huyện. Từ chỗ mạnh ai nấy làm, kể từ khi có nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi diện tích lúa nương kém năng suất sang trồng ngô đã thực sự mở ra cơ hội thoát nghèo và làm giàu cho người dân nơi đây.