3 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới

Bài 2: Nông thôn mới nâng cao thu nhập cho nông dân

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/10/2013 | 9:02:23 AM

YBĐT - Những kết quả sau ba năm thực hiện là rất đáng phấn khởi, tuy nhiên, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng đang có những khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người nông dân trên một đơn vị diện tích canh tác là một trong những đích đến của việc xây dựng nông thôn mới.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người nông dân trên một đơn vị diện tích canh tác là một trong những đích đến của việc xây dựng nông thôn mới.

Ông Nhâm Xuân Trường - Phó chi cục trưởng Chi cục Hợp tác xã Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá: "Do xuất phát điểm của tỉnh Yên Bái khi tiếp cận triển khai Chương trình rất thấp, vì vậy, sau ba năm thực hiện Chương trình chủ yếu các xã mới đạt được các tiêu chí về hệ thống chính trị, an ninh trật tự, y tế, giáo dục, văn hóa, còn cơ sở hạ tầng, kinh tế là những tiêu chí cần nguồn lực đầu tư lớn thì phần lớn chưa đạt".

Như đánh giá của ông Trường, bước vào thực hiện chương trình với xuất phát điểm là địa phương miền núi, có địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, đời sống khó khăn… việc đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư sản xuất theo tiêu chí xây dựng NTM là một thách thức không nhỏ.

Theo tính toán, trung bình mỗi xã cần nguồn vốn khoảng 160 - 200 tỷ đồng. Tuy nhiên nguồn vốn đầu tư trong 3 năm qua để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Yên Bái mới đạt khoảng 2.142,221 tỷ đồng, đây là nguồn lực huy động chủ yếu thông qua việc lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Từ hạn chế dẫn đến việc thực hiện tiêu chí ở một số xã so với yêu cầu còn rất chậm, chủ yếu là những tiêu chí dễ thực hiện và có dự án, trong đó nhiều xã vùng cao gần như không thay đổi so với thời điểm rà soát.

 Đầu tư hạn chế, một khó khăn trên thực tế mà các địa phương đang gặp phải đó là vấn đề phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Được xác định là những tiêu chí trọng tâm, mang tính cốt lõi của chương trình, tuy nhiên quá trình triển khai còn chậm, chưa thực sự nổi bật và thiếu tính bền vững. Chỉ lấy xã được chọn làm mô hình điểm - Tuy Lộc làm ví dụ. Để phát triển kinh tế, xã đã được lựa chọn triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế như: dự án chăn nuôi lợn, gà, thỏ, trồng nấm, trồng hoa, rau an toàn…

Tuy nhiên, tổng kết cũng chưa thật sự có mô hình nào thực sự hiệu quả lớn và tính bền vững cao. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng đó chính là đất đai manh mún. Một người dân thôn Xuân Lan trao đổi: "Người làm nông nghiệp, đất đai là tư liệu quan trọng nhất, song đất đai rất "xôi đỗ", mỗi nhà một vài mảnh nằm cách xa nhau, đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, không thể làm ăn lớn được".

Tình trạng của Tuy Lộc cũng là thực trạng đang diễn ra ở các khu vực khác trên địa bàn mà cụ thể là khu vực cánh đồng Mường Lò của Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Dù nhiều dự án được triển khai và các cấp chính quyền cũng thực hiện nhiều biện pháp nhưng những cánh đồng mẫu lớn vẫn chưa hình thành. Có thể nói đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc chưa hình thành được những mô hình kinh tế làm ăn lớn, có tính bền vững cao và có hiệu quả để nhân rộng, từ đó dẫn đến thu nhập người nông dân chưa được nâng lên.

Trên cơ sở thực tế triển khai ở cơ sở ba năm cho thấy, do là chương trình mới, đội ngũ tư vấn quy hoạch nông thôn mới ở tỉnh chưa có kinh nghiệm, đặc biệt là quy hoạch về sản xuất. Cùng với đó, năng lực cán bộ xã tham gia với vai trò là chủ thể còn hạn chế, việc lấy ý kiến tham gia của người dân và cộng đồng dân cư còn chưa nhiều và chưa rộng rãi nên chất lượng quy hoạch tại một số xã chưa cao. Trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương chỉ quan tâm đến bố trí xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng… mà chưa quan tâm đến quy hoạch sản xuất, chưa chỉ rõ cánh đồng này, khu vực này bố trí phát triển kinh tế như thế nào, mà nếu có cũng chỉ chung chung, hình thức, tính khả thi thấp.

Cùng với quy hoạch, nội dung đề án xây dựng nông thôn mới nặng về phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, các thiết chế văn hóa... mà chưa chỉ rõ và làm rõ được nội dung phát triển sản xuất, bố trí khu sản xuất, nuôi trồng cây, con gì, như thế nào. Việc tổ chức thực hiện gắn với nội dung đề án hàng năm còn chậm, lúng túng và bị động do thiếu nguồn lực.

Đặc biệt, tình trạng chung ở cơ sở là vẫn ỷ lại, trông chờ vào vốn ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục, chưa toàn diện, nặng về xây dựng cơ sở hạ tầng… đã dẫn đến nhận thức của cán bộ, nhân dân chưa đầy đủ, chưa nắm vững được nội dung, phương pháp xây dựng NTM, thiếu tin tưởng và chưa nỗ lực phấn đấu. Cùng với cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, ở các xã xây dựng NTM nhiều vấn đề môi trường như: xử lý rác thải, xây dựng nghĩa trang, nước sinh hoạt… cũng chưa được giải quyết triệt để.

Để đạt được mục tiêu đến hết năm 2015 có 20 - 29 xã đạt chuẩn NTM; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của nhóm phấn đấu đạt chuẩn 2015 là 10 -15 tiêu chí/xã..., các giải pháp đưa ra cần đồng bộ, có giải pháp mang tính trước mắt, có giải pháp mang tính lâu dài.

Theo ý kiến chủ quan, về quy hoạch, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, trao đổi, tập huấn nghiệp vụ về công tác lập quy hoạch xây dựng và quản lý theo quy hoạch cho các chủ đầu tư cấp xã, đặc biệt là cán bộ chuyên môn trực tiếp của ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các xã trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cần khẩn trương rà soát và bổ sung những nội dung còn thiếu vào trong quy hoạch trong năm 2013, công bố quy hoạch rộng rãi để mọi người dân có thể giám sát.

Bên cạnh đó phải tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện chương trình, chỉ đạo quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn lực được hỗ trợ của ban chỉ đạo, ban quản lý chương trình; ưu tiên nguồn lực cho các xã điểm; tăng cường công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn; tổ chức đánh giá công nhận xã đạt chuẩn, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân làm tốt để có tác dụng kích thích.

Cùng những giải pháp trên cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân tham gia thực hiện chương trình, trong đó người nông dân giữ vai trò "chủ thể" tự giác thực hiện. Cần tập trung tuyên truyền phổ biến những mô hình thành công, những cách làm hay ở địa phương để nhân rộng.  

Trong huy động và bố trí nguồn lực, cùng ngân sách của tỉnh, các huyện, thành phố cần bố trí nguồn kinh phí để thực hiện chương trình; tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án, trước mắt ưu tiên hỗ trợ các xã điểm, xã đăng ký đạt chuẩn vào năm 2015; tập trung nguồn lực đầu tư, cải tạo làm chuyển biến một bước hạ tầng cơ bản cấp xã, nhất là giao thông  nông thôn.

Ông Khổng Giang Lam - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Văn Yên:
Vấn đề cốt lõi là làm sao để các mô hình phát triển kinh tế nông lâm nghiệp triển khai hiệu quả, thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho nông dân.


Ông Nguyễn Đức Luận - Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái:
Chúng tôi đang tích cực vận động nhân dân "dồn điền đổi thửa"  vì có giải quyết vấn đề này mới nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống nông dân.  

Tiếp tục vận động các nhà tài trợ, doanh nghiệp, nhân dân đóng góp sức người, tài sản, kinh phí thực hiện. Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn để xây dựng NTM. Có chính sách để thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp (chợ, điện, nước sạch, xử lý rác thải…) và các nguồn đóng góp đảm bảo theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân cho từng dự án cụ thể. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng và đào tạo, tập huấn cán bộ, phục vụ xây dựng NTM, nhất là cán bộ cấp xã.

Để giải quyết vấn đề phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các hình thức sản xuất tập thể, đẩy mạnh liên kết sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu, điều kiện từng địa phương.

Cần rà soát lại công tác quy hoạch và lập đề án để đảm bảo quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, kể cả nơi đã phê duyệt quy hoạch đề án để đảm bảo chất lượng. Cần làm rõ nội dung phát triển kinh tế, xây dựng các chương trình, cách làm, giải pháp thực hiện... tại địa phương mình như thế nào cho phù hợp với thực tế và tầm nhìn dài hạn.

Để làm được việc đó, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các xã cần xây dựng các chương trình phát triển kinh tế như vùng chuyên canh sản xuất lương thực, vùng cây ăn quả, vùng cây nguyên liệu, vùng chăn nuôi... phù hợp với tiềm năng, thế mạnh cũng như đặc điểm đất đai, khí hậu và dân cư. 

Từ đó để có thể hình thành vùng sản xuất lớn theo hướng hàng hóa, thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và có thể liên kết sản xuất để đem lại hiệu quả cao. Cùng phát triển điểm, cần triển khai diện rộng, trong đó tập trung vào các nội dung không cần kinh phí đầu tư của Nhà nước như: phát triển kinh tế hộ qua cải tạo vườn tạp, chăn nuôi, cải tạo nhà ở, vệ sinh gia đình cũng như nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng tình nghĩa xóm làng...

Xây dựng thành công Chương trình xây dựng NTM là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, do khối lượng công việc lớn, lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, một số tiêu chí có thể rút ngắn tiến độ nhưng có tiêu chí cần phải có thời gian, không thể chủ quan, nóng vội. Tuy nhiên từ những kết quả đã đạt được sau ba năm thực hiện, cùng sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân cũng trong tỉnh, chắc chắn Yên Bái sẽ đạt được mục tiêu đề ra, để chương trình NTM góp phần xây dựng địa phương thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại xã Xuân Tầm (Văn Yên).

YBĐT - Sau 3 năm triển khai thực hiện ( 2011 - 2013), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn từ vùng thấp đến vùng cao của Yên Bái. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại và hạn chế cần những giải pháp căn bản để tháo gỡ.

YBĐT - Cho đến nay, toàn bộ diện tích thí nghiệm trên cây chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái) chưa thấy mối trở lại, cây chè sinh trưởng và phát triển khá hơn. Theo đánh giá bước đầu, đối với diện tích xử lý thuốc Metavina 90 DP và Metavina 10 DP có tác dụng rõ rệt.

Bằng hình thức cầm tay chỉ việc, Trung tâm đã mang nghề tới cho nông dân vùng cao Mù Cang Chải.

YBĐT - Việc tổ chức học nghề ngắn hạn ở Mù Cang Chải đã bám vào các chủ trương và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Việc dạy nghề trồng ngô, nuôi ong, trồng trọt - chế biến nông sản, bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y… không chỉ mang đến cho đồng bào một nghề, một cách làm mới mà còn làm thay đổi trong nhận thức của không ít cán bộ cơ sở.

Được hỗ trợ con bò đực và một con lợn nái đã giúp gia đình anh Lò Văn Nhất thoát nghèo.

YBĐT - 34 tỷ đồng, trong đó tiền mặt trên 20 tỷ đồng, công lao động và giúp đỡ khác quy ra tiền trị giá gần 14 tỷ đồng là con số không hề nhỏ mà Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh Yên Bái nhận được trong 3 năm qua (2010 - 2012).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục