Những mắt xích phá án

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/11/2013 | 8:37:11 AM

YBĐT - Không trực tiếp tấn công truy bắt tội phạm, song cán bộ, chiến sỹ Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an tỉnh lại đảm đương một nhiệm vụ rất quan trọng là “giải mã” án từ công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, giám định KTHS… với trách nhiệm, sự thận trọng, tỷ mỷ để làm rõ những nghi vấn: Họ là ai? Chết vì nguyên nhân gì? Có phải án mạng hay nguyên nhân nào khác?...

Cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Yên Bái) giám định đường vân.
Cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Yên Bái) giám định đường vân.

Tại nơi bảo quản hồ sơ của Phòng KTHS Công an tỉnh còn lưu giữ hàng ngàn bộ hồ sơ cách đây hàng chục năm. Mỗi bộ hồ sơ là một chiến công của cán bộ, chiến sỹ đơn vị. Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng KTHS - người đã có 25 năm làm công tác này tâm sự: “Trước đây trang thiết bị phục vụ cho công tác khám nghiệm rất thiếu thốn, nhiều vụ nhận được tin báo, nếu về đêm chỉ có đèn pin làm nguồn chiếu sáng, hoặc khu vực không có điện thì dùng lốp xe để đốt lấy ánh sáng phục vụ công việc. Có những vụ khám nghiệm tử thi đang trong quá trình phân huỷ nhưng với bản lĩnh nghề nghiệp và xác định rõ đặc thù của nhiệm vụ, anh em vẫn tỷ mỷ thu thập các dấu vết có giá trị giúp việc nhận định và giám định làm rõ nguyên nhân cái chết của nạn nhân. Trong những năm qua, hàng ngàn vụ án và nghi án đã được Phòng làm rõ, không có vụ việc nào nhận định sai từ kết quả KTHS. Qua công tác khám nghiệm hiện trường, góp phần cùng các lực lượng chức năng tiến hành bắt giữ, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, củng cố lòng tin trong nhân dân”.

Là lực lượng thường có mặt sớm tại hiện trường các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, họ không thể thiếu cho thành công của mỗi chuyên án lớn trong nhiều năm qua. Sau những chuyên án thành công, họ lại đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu để làm “chìa khoá” giải mã cho những vụ án phức tạp khác.

 Điển hình như vụ việc xảy ra vào tháng 1/2008. Theo nguồn tin báo của nhân dân và Công an huyện Trấn Yên, tại gia đình bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1935, trú tại thôn 12, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên phát hiện thấy một số bộ phận xương người, đơn vị đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường tiến hành khám nghiệm và xác định đó là bộ xương của nạn nhân đã chết lâu ngày, phần thịt đã bị phân huỷ. Khám nghiệm quần áo của nạn nhân xác định, đây chính là quần áo của bà Nga đã bị mất tích cách đây gần 1 tháng. Tại nơi có xương người, phát hiện thấy 1 con dao và 1 dây chuyền vàng.

 Qua công tác khám nghiệm tử thi và khám nghiệm hiện trường, các lực lượng chức năng đủ điều kiện kết luận, bà Nga sau khi chặt cây vầu đã bị trượt chân ngã xuống hố, do tuổi cao sức yếu, bà đã chết tại hiện trường. Kết quả khám nghiệm, đã giải toả thắc mắc cho nhân dân quanh vùng cho rằng bà Nga bị giết do cướp của.

Mới đây, một vụ án gây xôn xao dư luận về hành vi giết người bằng súng tự chế xảy ra vào đêm ngày 10/2/2013 tại bản Lìm Thái, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải. Nhận được tin báo, 6 giờ sáng ngày hôm sau, tổ công tác của Phòng KTHS Công an tỉnh lên đường đến nơi xảy ra vụ án. Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi phát hiện có 1 lỗ đạn vào phần giường của bà Chềm. Tổ kỹ thuật pháp y tiến hành mổ tử thi và xác định được đối tượng đã dùng súng kíp bắn vào phần đầu bà Chềm khi bà đang ngồi trên giường xem ti vi.

Với tinh thần khẩn trương, khách quan, tỉ mỉ, chính xác, lực lượng chức năng đã thu được những dấu vết quan trọng, loại trừ được khả năng nạn nhân bị chồng bắn theo dư luận. Kết quả khám nghiệm, đã giúp cơ quan điều tra xác định được đối tượng gây án. Sau 2 ngày, thủ phạm vụ án là Hà Văn Phương sinh năm 1982, trú cùng bản Lìm Thái đã bị bắt cùng tang vật.

Công việc thầm lặng, vất vả, bất chấp thời gian, nhiều vụ việc xảy ra tại các thôn, bản của các xã vùng sâu, vùng xa như: Tà Xi Láng, Túc Đán (huyện Trạm Tấu), Nậm Có (huyện Mù Cang Chải)… phải đi bộ đường rừng cả ngày nhưng cán bộ, chiến sỹ Phòng KTHS Công an tỉnh luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chứng kiến nơi làm việc của các anh với các phương tiện, vật tư được trang bị phục vụ cho công tác giám định pháp y, giám định ma tuý, dấu vết, tài liệu, khám nghiệm hiện trường như máy soi, máy quét, máy chiếu và các ống nghiệm hoá chất… khiến chúng tôi càng cảm phục công việc của các anh đã và đang làm.

Trung tá Vũ Ngọc Châu, Đội trưởng Đội Khám nghiệm hiện trường tâm sự: “Trong quá trình thực thi nhiệm vụ trong hàng ngàn vụ án những năm gần đây cho thấy, các loại hình tội phạm luôn tìm mọi cách xoá dấu vết để đánh lạc hướng cơ quan giám định và điều tra.

Nhưng cán bộ, chiến sỹ đơn vị luôn được cơ quan cấp trên quan tâm cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác giám định nên đã ứng dụng tốt công nghệ KTHS, tổ chức thực nghiệm và giám định tình huống nhiều vụ ngay tại hiện trường, nhanh chóng đưa ra những kết quả chính xác nhất về tính chất, diễn biến phức tạp của vụ án”.

Cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh giám định tang vật bị thu giữ của một vụ án ma túy.

Ngoài công tác giám định pháp y tử thi theo yêu cầu của từng vụ án, công tác giám định đường vân trong các vụ trộm cắp tài sản, giám định ma tuý, chữ ký, thương tích… đã giúp cơ quan tố tụng hình sự có cơ sở phân tích, đánh giá, nhận định về vụ án trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

 Ngày 27/3/2012, tại gia định chị Mai Thị L. (tên của chủ nhà đã được thay đổi theo yêu cầu của gia đình), trú tại tổ 42, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái bị mất trộm 3 cây vàng và 1 ti vi hiệu Sony 42 inch, tổng trị giá trên 120 triệu đồng. Các giám định viên đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đưa sang giám định và gửi mẫu về bộ phận chức năng Bộ Công an tra cứu dấu vân tay.

Qua kết quả tra cứu, phát hiện vân tay đó là của đối tượng Phạm Minh Dương, trú tại thôn Hồ Sen, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đối tượng đã từng có 3 tiền án, tiền sự về tội trộm cắp tài sản. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Yên Bái nhanh chóng tiến hành bắt giữ và khám xét khẩn cấp nơi ở của Dương. Trước cơ quan điều tra, Dương đã khai nhận toàn bộ hành vi gây án. Toàn bộ tài sản đã được thu hồi trả lại cho gia đình bị hại.

 Hiện nay, cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia công tác KTHS đang đảm đương một khối lượng công việc rất lớn. Riêng năm 2012, toàn tỉnh khám nghiệm tới 359 vụ việc, giám định KTHS 384 vụ việc với 1.763 yêu cầu. Trong đó: giám định về tiền 71 vụ, ma tuý 208 vụ, tử thi 16 vụ, thương tích 77 vụ…

Trong 10 tháng năm 2013, tổng số vụ khám nghiệm lên 394 vụ, giám định 302 vụ KTHS với 1.353 yêu cầu; trong đó: giám định các chất ma tuý 200 vụ, tiền 69 vụ, tử thi 22 vụ, chữ ký, chữ viết 5 vụ… Trên lĩnh vực phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng KTHS Công an tỉnh đã giúp một số cơ quan, đơn vị lắp đặt các thiết bị phòng chống đột nhập và camera quan sát cho các cây rút tiền ATM, thiết bị báo động tại các hệ thống ngân hàng và các cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên địa bàn toàn tỉnh, giúp cơ quan chức năng phát hiện và kịp thời và nhanh chóng bắt giữ tội phạm.

Với sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ chiến sỹ, tập thể Phòng Kỹ thuật hình sự nhiều năm liên tục được công nhận “Đơn vị quyết thắng”, hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; năm 2012, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba… Những phần thưởng ấy là động lực làm dày thêm quyết tâm của lính KTHS xây dựng đơn vị vững mạnh, vì bình yên cuộc sống.

Thạch Phong

Các tin khác
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người nông dân trên một đơn vị diện tích canh tác là một trong những đích đến của việc xây dựng nông thôn mới.

YBĐT - Những kết quả sau ba năm thực hiện là rất đáng phấn khởi, tuy nhiên, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng đang có những khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ.

Bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại xã Xuân Tầm (Văn Yên).

YBĐT - Sau 3 năm triển khai thực hiện ( 2011 - 2013), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn từ vùng thấp đến vùng cao của Yên Bái. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại và hạn chế cần những giải pháp căn bản để tháo gỡ.

YBĐT - Cho đến nay, toàn bộ diện tích thí nghiệm trên cây chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái) chưa thấy mối trở lại, cây chè sinh trưởng và phát triển khá hơn. Theo đánh giá bước đầu, đối với diện tích xử lý thuốc Metavina 90 DP và Metavina 10 DP có tác dụng rõ rệt.

Bằng hình thức cầm tay chỉ việc, Trung tâm đã mang nghề tới cho nông dân vùng cao Mù Cang Chải.

YBĐT - Việc tổ chức học nghề ngắn hạn ở Mù Cang Chải đã bám vào các chủ trương và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Việc dạy nghề trồng ngô, nuôi ong, trồng trọt - chế biến nông sản, bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y… không chỉ mang đến cho đồng bào một nghề, một cách làm mới mà còn làm thay đổi trong nhận thức của không ít cán bộ cơ sở.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục