Khơi nguồn “than trắng”
- Cập nhật: Thứ năm, 7/11/2013 | 9:06:36 AM
YBĐT - Sáng 9/11/2013, Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Thủy điện Văn Chấn, đặt tại xã An Lương, huyện Văn Chấn. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên Công ty, các nhà thầu xây dựng, tư vấn và xây lắp. Với công suất thiết kế 57 MW,
Đập bê tông cốt thép dẫn dòng Thia vào các tổ máy.
|
Nhà máy Thủy điện Văn Chấn đi vào hoạt động sẽ góp sức đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh và đóng một khoản ngân sách lớn cho huyện Văn Chấn.
Con đường trơn nhẵn, phẳng lỳ từ thị trấn Nông trường Liên Sơn vào xã An Lương do Công ty Thủy điện Văn Chấn đầu tư xây dựng những ngày đầu tháng 11 rực cờ hoa, biểu ngữ, hàng trăm cán bộ, công nhân viên đơn vị, các nhà thầu, bà con nhân dân các dân tộc trong vùng đã hòa cùng niềm vui chung mừng cho sự hiện diện một công trình ý nghĩa từ nay sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của địa phương. Không vui sao được khi mồ hôi, công sức, tiền bạc đã đổ xuống để có một công trình thế kỷ. Đáng mừng lắm chứ, công trình hoàn thành sẽ tạo ra nguồn năng lượng cho quê hương, đất nước, góp sức đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh nhà, đặc biệt là nguồn ngân sách địa phương.
Trong suốt quá trình xây dựng Nhà máy, tình cảm của cán bộ, công nhân Công ty, các nhà thầu với nhân dân đã ngày càng gắn bó nặng nghĩa tình, thể hiện qua những việc làm hiếu nghĩa khi đơn vị đã đóng góp nhiều tỷ đồng dành tặng các em học sinh sách vở, giúp hàng chục hộ nghèo có ngôi nhà mới, có máy thu hình…
Sau khi hoàn thành các phần việc như: khảo sát, thiết kế, đầu tư cả trăm tỷ đồng cho các công trình phụ trợ như: làm đường giao thông, đường điện, nhà làm việc, nhà ở công nhân..., đầu tháng 9 năm 2009, Dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Văn Chấn đã chính thức khởi công các hạng mục chính như: đập dâng, đập tràn, cửa nhận nước, hầm dẫn nước, tháp điều áp, nhà máy và kênh xả…
Hơn 4 năm qua, các nhà thầu gồm: Công ty Xây dựng và Lắp đặt thuỷ điện Triết Giang (Trung Quốc), Công ty cổ phần Cơ điện và Xây dựng Việt Nam đã chống chọi với nắng lửa mưa rừng để chạy đua với thời gian cho kịp tiến độ công trình.
Chỉ một lần đến An Lương, được ngắm nhìn đập nước khổng lồ cao hàng chục mét cùng đường hầm xuyên núi mới thấy được ý chí quyết tâm, táo bạo của nhà đầu tư! Gần 1.800 tỷ đồng đầu tư vào nơi rừng thiêng nước độc, những địa danh nghe tên đã sởn da gà vốn chỉ dành cho người thích phiêu lưu mạo hiểm như: Cổng Trời, Coóng Kéng, Vàng Ngần,... để xây một đập nước ngăn dòng Thia hung dữ; đào hầm dẫn dòng xuyên núi hơn 4km, tạo cột nước cho Nhà máy Thủy điện với công suất 57 MW.
Yên Bái có tiềm năng lớn để xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ, tiềm năng ấy đã được tỉnh xác định rõ và có những chính sách cụ thể trong việc quảng bá, mời gọi các nhà đầu tư. Cùng với Nậm Tục, Nậm Đông, Hồ Bốn…, Thủy điện Văn Chấn trên dòng Nậm Thia đã được các nhà đầu tư lựa chọn.
Có mặt từ những ngày phôi thai ý tưởng xây dựng Dự án rồi trực tiếp chỉ huy công việc từ ngày khởi công đến nay, kỹ sư Bùi Khắc Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn cho biết: “Trong suốt thời gian triển khai Dự án, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Yên Bái, huyện Văn Chấn và các cơ quan, ban ngành. Những khó khăn vướng mắc, những đề xuất, kiến nghị đều được tỉnh, huyện xem xét, giải quyết và có hướng chỉ đạo tháo gỡ”.
Những người quan tâm đến lĩnh vực tài chính, tiền tệ đều hiểu, thời điểm xây dựng Nhà máy Thủy điện Văn Chấn, nhà đầu tư đã phải chống chọi với “cơn bão” khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Lãi suất, giá cả vật tư, tỷ giá ngoại tệ, nhân công… tăng chóng mặt.
Ông Nguyễn Ngọc Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty có lần đã phải thốt lên: “Anh em đang cưỡi trên lưng hổ, không còn đường lui, phải quyết tâm làm cho kỳ được”. Đồng hành với với Dự án không thể không nhắc tới sự sẻ chia của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Yên Bái. Là ngân hàng đầu mối xếp vốn cho Dự án Thủy điện Văn Chấn, BIDV Yên Bái đã rất nỗ lực để giải ngân đầy đủ nguồn vốn lên đến 1.200 tỷ đồng.
Ông Hà Hữu Tứ, nguyên Giám đốc BIDV Yên Bái kể: “Những năm 2010, 2011, nguồn vốn và hạn mức tín dụng có hạn, trong khi phải đáp ứng cho vay nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế tỉnh nhà, việc đáp ứng đủ và kịp thời nguồn vốn cho Thủy điện Văn Chấn không dễ, nhưng với tinh thần tôn trọng hợp đồng tín dụng đã ký kết, nhất là thấy được ý nghĩa, giá trị một dự án lớn của tỉnh, BIDV đã áp dụng nhiều giải pháp quan trọng để tăng trưởng nguồn vốn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng”.
Các kỹ sư và công nhân kỹ thuật đã được đào tạo để vận hành nhà máy an toàn và hiệu quả.
Hơn 4 năm thi công không ngừng nghỉ, đến nay Dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Văn Chấn đã hoàn thành. Những con số khổng lồ cho một công trình thế kỷ như: 7.000 tấn thép xây dựng, gần 300 nghìn m3 bê tông, hàng triệu mét khối đất đá đã đào đắp; toàn bộ thiết bị nhà máy và các kết cấu thép nặng hàng nghìn tấn đã vận chuyển an toàn, chính xác vào các vị trí lắp đặt; đập đầu mối cao 46,2 m; hầm dẫn dòng xuyên núi đường kính 7m, dài 3.590m; đường dây tải điện 110 KV từ nhà máy đến Trạm biến áp Nghĩa Lộ dài trên 20 km; nâng cấp đường dây tải điện từ Nghĩa Lộ ra thành phố Yên Bái với mức đầu tư 80 tỷ đồng.
Ông Diêu Nham Lương - đại diện nhà thầu Công ty Xây dựng và Lắp đặt thuỷ điện Triết Giang cảm tưởng về những ngày đã qua: “Công ty chúng tôi đã có kinh nghiệm thi công các công trình thủy điện lớn, nhỏ tại Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới. Với Thủy điện Văn Chấn, chúng tôi luôn phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, mùa hè thì nắng nóng gay gắt, mùa đông thì lạnh thấu xương. Thời tiết Yên Bái sợ nhất là mưa dầm dề cả tháng trời không biết tạnh”.
Vâng, những khó khăn, gian khó nhất rồi cũng sẽ qua đi, thành quả lao động đã đến với những con người dám nghĩ, dám làm. Nhà máy thủy điện 57 MW đã hoàn thành mà theo tính toán mỗi năm sẽ đóng góp 246 triệu KWh điện, giá trị khoảng 250 tỷ đồng, nộp cho ngân sách địa phương khoảng trên 30 tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ ngày Nhà máy chính thức phát điện thương mại (5/8/2013) đến nay, Thủy điện Văn Chấn đã sản xuất được 65 triệu KWh điện, giá trị 72,4 tỷ đồng và nộp ngân sách 2,5 tỷ đồng.
Từ đỉnh Coóng Kéng nhìn xuống, dòng Thia hung dữ đang thu mình vào cửa dẫn dòng. Trên đỉnh đập đầu mối sừng sững khối bê tông cốt thép cao 236m, lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trước gió. Niềm tin, ý chí và sự quyết tâm của cả tập thể những con người vững vàng không sợ khó đã khơi dòng “than trắng” góp sức vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên quê hương Yên Bái.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Không trực tiếp tấn công truy bắt tội phạm, song cán bộ, chiến sỹ Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an tỉnh lại đảm đương một nhiệm vụ rất quan trọng là “giải mã” án từ công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, giám định KTHS… với trách nhiệm, sự thận trọng, tỷ mỷ để làm rõ những nghi vấn: Họ là ai? Chết vì nguyên nhân gì? Có phải án mạng hay nguyên nhân nào khác?...
YBĐT - Những kết quả sau ba năm thực hiện là rất đáng phấn khởi, tuy nhiên, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng đang có những khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ.
YBĐT - Sau 3 năm triển khai thực hiện ( 2011 - 2013), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn từ vùng thấp đến vùng cao của Yên Bái. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại và hạn chế cần những giải pháp căn bản để tháo gỡ.
YBĐT - Cho đến nay, toàn bộ diện tích thí nghiệm trên cây chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái) chưa thấy mối trở lại, cây chè sinh trưởng và phát triển khá hơn. Theo đánh giá bước đầu, đối với diện tích xử lý thuốc Metavina 90 DP và Metavina 10 DP có tác dụng rõ rệt.