Đời chè
- Cập nhật: Thứ tư, 20/11/2013 | 8:54:59 AM
YBĐT - Cơ nghiệp hay cơ duyên đều đúng cả với những chiến sỹ công binh hay những phụ nữ đảm đang trong các gia đình ở Thác Hoa - những người gắn bó với đồi chè cả cuộc đời. Họ cũng là những công nhân có thâm niên lâu nhất ở Nông trường Chè Trần Phú, nay là Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ (Yên Bái).
Cụ Nguyễn Hữu Bính thăm lại đồi chè tự tay mình trồng.
|
Nằm ngay sát thị tứ Sơn Thịnh (Văn Chấn) nhưng ít người biết rằng, thôn Thác Hoa trước đây vốn là “cái nôi” của cây chè - một trong những vùng đất được khai phá đầu tiên ở Yên Bái và khu vực Tây Bắc để trồng chè. Cho đến bây giờ, nơi đây vẫn còn những người lính công binh trực tiếp khai phá và cả cuộc đời gắn bó với cây chè. Vùng đất Thác Hoa nay đã có nhiều đổi mới, những con đường bê tông trải dài quanh bản, quanh những nương chè xanh mướt mang đến cuộc sống ấm no, yên bình. H
ơn 50 năm làm nghề hái chè, cụ Nguyễn Hữu Bính, 84 tuổi ở thôn Thác Hoa, xã Sơn Thịnh còn nhớ như in những vùng chè đầu tiên do chính tay mình khai hoang, trồng cấy. Rồi sau đó, cụ được giao đi hái khắp các lô, nơi đâu cũng có dấu chân của cụ. Khó ai nghĩ rằng, cái nghề làm chè ấy gắn bó với cụ đến lúc tuổi đã ngoài 80. Hơn chục năm nay, dù không còn đi lại nhanh nhẹn nhưng cụ Bính vẫn còn minh mẫn, còn nhớ không quên những kỷ niệm của đời công nhân hái chè. Cũng là cái duyên, cái nghiệp và cả đời con, đời cháu rồi bây giờ tới đời chắt vẫn theo nghề của cụ...
Cụ Bính hào hứng dẫn chúng tôi lên thăm vùng chè - nơi bàn tay cụ ngày xưa đã khai phá. Lâu lắm rồi cũng vì lý do sức khỏe mà cụ không còn lên được nương chè nữa. Cụ nhớ lại cái thời hoàng kim của đời làm chè: "Chúng tôi chỉ dùng tay ngắt theo kỹ thuật 2 lá, 1 tôm (1 búp) chứ không như bây giờ, họ dùng liềm cắt ngọn, dùng máy đốn cả cành, cả lá đâu. Hồi đó mà làm sai kỹ thuật là lập tức bị đuổi việc ngay. Cứ ba năm một lần, vào tháng 12, họ đốn cây, chúng tôi phải mang theo hộp sơn để quét trên bề mặt làm dấu và để nước không thấm vào thân cây, chống sâu mọt, búp chè sau đó lên rất nhanh. Hái hết lô này lại được điều sang lô khác, cứ như vậy, chúng tôi hái quanh năm, không khi nào hết việc. Có người cai quản và tính toán cân chè rất cẩn thận. Khoán thu hoạch sản phẩm nên ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Những người vượt định mức cao được thưởng tiền”.
Cụ Nguyễn Hữu Bính quê ở Nam Định, đi bộ đội năm 18 tuổi, thuộc Trung đoàn 83. Đến năm 1959, cụ chuyển sang làm lính công binh và được điều động lên Nghĩa Lộ khai hoang trồng chè. Vùng chè Thác Hoa nổi tiếng sau này được khai sinh bởi chính những người lính công binh này. Phải nói công nhân làm chè có cuộc sống thật sự khó khăn dưới thời bao cấp, mỗi tháng chỉ được cấp 4kg gạo, 5kg bột mì, nhà cửa chưa có, công việc lại bấp bênh. Rồi đến thời kỳ giao khoán vườn cây, cuộc sống đỡ hơn nhưng chung quy đời làm công nhân chè thu nhập vẫn ít ỏi. Nhiều người không chịu nổi đành bỏ nghề đi làm việc khác, riêng cụ Bính vẫn bám trụ. Đời công nhân làm chè gắn bó với cụ như vậy cho nên gặp ai cụ cũng nhắc lại chuyện xưa...
Thời điểm cây chè rớt giá, cuộc sống của những công nhân rất bấp bênh. Song không một chút do dự, cụ Bính nhận khoán chăm sóc vườn chè khoảng 30 năm tuổi. Từng cây chè như những đứa con do cụ chăm sóc từ nhỏ đến lớn, gắn bó là vậy nên đôi khi nghĩ về kinh tế, muốn đổi vùng chè “trẻ” hơn để cho năng suất cao nhưng cuối cùng, cụ vẫn giữ lại một phần và coi đó như ký ức của cuộc đời mình. Cũng là cái duyên, cả bốn người con trai của ông đều vào làm công nhân của công ty chè, tiếp quản nghề của bố. Chẳng những thế, đến đời cháu, sau bao nhiêu dự định, từng nghĩ đến chuyện thay đổi cuộc đời bằng con đường khác có tương lai hơn song rốt cuộc, họ vẫn tiếp tục gắn bó với cây chè.
Thời bao cấp, đời công nhân làm chè vất vả, bù lại được quan tâm nhiều đến đời sống tinh thần. Các phong trào thi đua sản xuất được phát động thường xuyên, vui nhất là những cuộc thi hái chè được tổ chức hàng năm. Cụ Phạm Thị Lế khi xưa là một người con gái xinh đẹp, đảm đang nhất vùng chè Trần Phú.
Cụ nhớ lại cuộc thi hái chè năm 1985 - 1986, một kỷ niệm mà suốt đời cụ không quên: "Hội thi đó có cả lãnh đạo Trung ương tới thăm và động viên, tôi may mắn đoạt giải Nhất với 3 tạ chè hái được, phần thưởng là 10 chiếc bát sứ Hải Dương. Quý lắm!".
Đời làm chè, ai cũng chỉ mơ ước mưa thuận gió hòa. Có những thời điểm, chè rớt giá hoặc mất mùa nên năng suất thấp, thu nhập bấp bênh, nhiều gia đình không nhận khoán để tìm công việc khác. Dẫu vậy, trải qua nhiều thăng trầm, Thác Hoa vẫn còn tới 75% số hộ làm chè, trong đó cũng không hiếm người giàu có từ cây chè. Điều đó cho thấy, bao lâu nay, cây chè vẫn đem lại hiệu quả kinh tế, nuôi sống nhiều thế hệ con dân Thác Hoa.
Trong cơ chế thị trường, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của ngành chè, vùng chè Thác Hoa được chuyển giao sang Nông trường Chè Nghĩa Lộ, nay là Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ. Thác Hoa vốn là vùng chè nổi tiếng hình thành đầu tiên ở khu vực Tây Bắc, năng suất chè đỉnh điểm đạt tới 14 tấn búp tươi/ha, tức là gấp đôi so với năng suất chè cải tạo mới hiện nay.
Theo cụ Bính, khi đó, người ta chăm chút cho chè như chăm con, chăm cháu, bón phân cho chè bằng phân chuồng, hái đúng kỹ thuật, vì vậy năng suất, sản lượng chè đạt cao. Còn hiện nay, cây chè bị khai thác một cách triệt để, trong khi đầu tư chăm sóc lại không tốt nên chất lượng, sản lượng không thể bằng trước đây. Mặc dù trên danh nghĩa Thác Hoa là vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ nhưng thời điểm này vẫn có tới 4 điểm cân chè của các công ty khác nhau đặt ở đây. Khi thiếu nguyên liệu thì họ nâng giá thu mua, khi thừa thì họ lại sẵn sàng hạ giá xuống thấp nhất, còn người dân thì vô tư ai mua giá cao là bán.
Nói điều đó không phải chê trách Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ không quan tâm đầu tư cho vùng nguyên liệu. Niên vụ 2013, đơn vị đã đầu tư 2,1 tỷ đồng cho nông dân vay mua trên 500 tấn phân bón để thâm canh giai đoạn đầu vụ. Quá trình đầu tư này đã kéo dài nhiều năm nay và đầu tư không chỉ cho 328ha vùng nguyên liệu của nhà máy vốn đã giao trực tiếp cho nông dân canh tác mà toàn bộ diện tích 270ha chè của thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ cũng được nhà máy đầu tư. Thế nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thực sự làm chủ được vùng nguyên liệu của mình.
Ông Nguyễn Thành Vinh - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ cũng thừa nhận, trong những tháng đầu vụ hay cuối vụ vẫn có nhiều tư thương nhảy vào, đẩy giá lên cao để thu mua nguyên liệu và một bộ phận người dân vì cái lợi trước mắt phá vỡ hợp đồng với nhà máy để bán nguyên liệu ra ngoài. Vấn đề này nhà máy cũng rất khó can thiệp, chỉ có thể tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân.
Ông Vinh giãi bày: "Người làm nông nghiệp, đặc biệt là làm chè, nếu muốn tồn tại và phát triển thì trong quan hệ giữa nhà máy với nông dân phải có trách nhiệm với nhau. Qua việc đầu tư ứng trước, nông dân cũng thấy được doanh nghiệp có trách nhiệm với họ và ngược lại, nông dân cũng cần phải có trách nhiệm với nhà máy". Có một điều ai cũng biết là chất lượng, giá xuất khẩu của chè Việt Nam rất thấp.
Với một người làm kinh doanh như ông Vinh thì mọi hạch toán chí phí, lợi nhuận phải được tính chi li, đầy đủ và sau khi trừ hết chi phí, còn lại mới là giá mua chè cho nông dân. Còn nếu làm kinh tế theo con đường ngược lại là mua nguyên liệu giá cao, chất lượng tốt, sản phẩm xuất khẩu sẽ có chất lượng tốt hơn nhưng như thế không hẳn giá xuất khẩu sẽ được nâng lên. Bởi thực tế hiện nay, chúng ta không có sàn giao dịch - nơi mà người mua phải đấu giá thì mới mua được sản phẩm tốt.
Các nhà máy chè ở Yên Bái lại càng khó khăn khăn hơn khi không thực hiện xuất khẩu trực tiếp, việc bán chè hầu hết đều qua khâu trung gian là các công ty xuất nhập khẩu. Do vậy, chất lượng chè nếu tốt hơn thì giá cũng vẫn vậy, như thế thì đâu cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Xét đến cùng, người chịu thiệt sẽ vẫn là những công nhân làm chè. Kết cục của đời chè cũng rất dễ đoán được bởi những vùng chè bỏ hoang, không chăm hái ngày càng nhiều và chốc chốc lại nghe nơi này, nơi kia, nông dân phá chè trồng rừng.
Vùng chè xưa hơn 50 năm tuổi còn lại không nhiều nhưng chứng tích lịch sử, ghi dấu một thời hoàng kim của ngành chè vẫn còn đó. Dù rất mơ hồ nhưng tôi nghĩ đến việc bảo tồn những vườn chè cổ. Bởi ngoài kinh doanh, Thác Hoa còn là địa danh để du khách thăm quan một vùng chè mà đến nay ít nơi còn giữ được. Hơn thế, ở đó còn có cả bao hoài niệm về thời gian phát triển thịnh vượng nhất của ngành chè để cho thế hệ ngày nay soi vào và suy ngẫm.
Anh Dũng - Thác Hoa, tháng 10 năm 2013
Các tin khác
YBĐT - Chỉ còn ít tháng nữa là đến tết Nguyên đán 2014, trước đó là tết truyền thống của đồng bào Mông. Gặp gỡ tìm hiểu tâm tư đồng bào Mông ở huyện vùng cao Trạm Tấu, một điều dễ nhận thấy là bà con đã thấy rõ cái hay, cái lợi của việc ăn tết Nguyên đán chung cùng cả nước.
YBĐT - Hiện nay, tình trạng người dân lấn chiếm lòng đường làm nơi họp chợ vẫn diễn ra ở nhiều điểm trên địa bàn thành phố Yên Bái. Những điểm "giao dịch" đó được gọi là “chợ”. Đây là những bất cập mà chính quyền địa phương vẫn chưa tìm giải pháp thích hợp để loại bỏ hình thức họp chợ này.
YBĐT - Sáng 9/11/2013, Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Thủy điện Văn Chấn, đặt tại xã An Lương, huyện Văn Chấn. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên Công ty, các nhà thầu xây dựng, tư vấn và xây lắp. Với công suất thiết kế 57 MW,
YBĐT - Không trực tiếp tấn công truy bắt tội phạm, song cán bộ, chiến sỹ Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an tỉnh lại đảm đương một nhiệm vụ rất quan trọng là “giải mã” án từ công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, giám định KTHS… với trách nhiệm, sự thận trọng, tỷ mỷ để làm rõ những nghi vấn: Họ là ai? Chết vì nguyên nhân gì? Có phải án mạng hay nguyên nhân nào khác?...