Rác thải ngoại ô về đâu?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/12/2013 | 2:52:22 PM

YBĐT - Ở các địa phương vùng quê nơi đất rộng thì người dân đã có thể tự xử lý rác thải bằng cách đào hố chôn hoặc đốt. Nhưng những nơi công cộng, các chợ quê, một lượng lớn các loại rác, chất thải mỗi ngày sinh ra chưa có biện pháp thu gom xử lý.

Bãi rác tự nhiên gần ngã ba giữa Quốc lộ 37 đoạn đi Bảo Hưng (Trấn Yên).
Bãi rác tự nhiên gần ngã ba giữa Quốc lộ 37 đoạn đi Bảo Hưng (Trấn Yên).

Những vấn nạn về ô nhiễm môi trường đang là mối quan tâm của toàn xã hội trong những năm gần đây. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các vùng dân cư ven đô do chất thải của các khu công nghiệp, nhà máy, rác thải từ sinh hoạt, chăn nuôi, sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp... chưa được chính quyền cơ sở, đơn vị chức năng quan tâm xử lý đúng mức. Đã đến lúc chúng ta phải đề cao việc bảo vệ môi trường nông thôn vùng ven đô đang trong giai đoạn phát triển hiện nay.

“Sạch riêng, bẩn chung”

Biết chúng tôi quan tâm tìm hiểu về vấn đề chất thải môi trường nông thôn, chị K. công tác tại một trường mầm non cách trung tâm thành phố Yên Bái gần chục cây số không ngại ngần kể: “Nơi tôi dạy học không có chỗ để làm hố rác, ngoài đường xã cũng chẳng có nơi đổ rác qui định bởi chưa có bộ phận thu gom rác thải. Thế nên, sau mỗi ngày làm việc tôi lại gom hết rác của lớp vào túi nilon mang về gần nội đô để vứt xuống nơi qui định”.

Kể ra kiểu đổ rác đó của chị K. cũng hơi phiền phức, lằng ngoằng một chút nhưng đằng nào mỗi ngày cũng tiện đường về nhà ở trung tâm thành phố. Chuyện hơi trái khoáy bởi rác ngược về phố,  nhưng vứt như thế còn có ý thức, đúng chỗ qui định để xe ô tô chở rác về bãi thải ở Ngòi Sen (xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái).

Tuy nhiên, những người ý thức giữ vệ sinh môi trường kiểu ấy kể cũng hơi hiếm. Bây giờ, nhiều nơi ở các xã nông thôn ngoại ô thành phố, các hộ dân gần đường thường ngang nhiên vứt rác ra rãnh đường, những nơi không đúng qui định. Bà Chính ở thôn Văn Quì (Văn Tiến) từng bức xúc, cạnh nhà bà có bãi đất trống của một hộ dân đã mua nhưng chưa dựng nhà ở, thế là bãi đất trống nghiễn nhiên để nhiều hộ đối diện cứ việc  chất rác thành đống tại nơi này.

 Nhà bà Chính ở ngay sát đống rác nên không chịu nổi tới nhắc nhở thì các hộ đó hồn nhiên: “Có phải đất của bà đâu mà bà không cho vứt rác vào…” Thế là đống rác cứ tiếp tục đầy thêm theo thời gian, mỗi khi nắng nóng lại tỏa mùi thật khó chịu.

Dạo quanh các một số tuyến đường xã vùng nông thôn ven đô mới thấy lượng rác thải sinh hoạt gia tăng đáng kể. Rác thải do người dân không có ý thức vứt ra khắp nơi, nào là túi nilon, xác động vật chết, đường xã, đường làng, đến mương máng, ao hồ, sông suối chỗ nào tiện, gần cũng có thể vứt rác, đổ chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt. Chất thải đủ loại tràn trên lề đường, mương máng, sông, hồ, lập lờ chìm, nổi trên mặt nước, những trận mưa lớn nước ngập đồng ruộng trắng xoá, sau khi nước rút để lại toàn túi ni lon đủ các sắc mầu, xanh, đỏ, tím vàng … không thể phân hủy. 

Trong khi đó, dịch vụ vệ sinh môi trường ở vùng nông thôn, nhất là các xã ven đô chưa được triển khai để thu gom, xử lý. Đối với các xã ngoại ô thành phố, mới chỉ có trung tâm xã Hợp Minh có đội thu gom rác. Tuy nhiên, bãi rác tự nhiên vẫn mọc trên những khu vực giáp ranh với xã từ nhiều năm qua. Nguyên nhân của tình trạng trên phần lớn do ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Qua tìm hiểu, nhiều hộ dân vùng ven đô diện tích đất ở không lớn, không có hố rác gia đình, trong khi dịch vụ vệ sinh môi trường chưa có nên họ cứ thản nhiên vứt rác bừa bãi ở bất cứ chỗ nào cảm thấy tiện. Rất đáng báo động cho những ai coi việc giữ gìn bảo vệ môi trường không phải là việc của cá nhân mình mà là việc của xã hội. Nhiều người còn có tư tưởng rất thiển cận “sạch riêng, bẩn chung” khiến môi trường ở những vùng ven đang phát triển ngày thêm ô nhiễm.

 

Bãi rác tự nhiên ngay chân cầu Ngòi Lâu ở Hợp Minh (thành phố Yên Bái).

Ở các địa phương vùng quê nơi đất rộng thì người dân đã có thể tự xử lý rác thải bằng cách đào hố chôn hoặc đốt. Nhưng những nơi công cộng, các chợ quê, một lượng lớn các loại rác, chất thải mỗi ngày sinh ra chưa có biện pháp thu gom xử lý.

Theo một số hộ dân cho biết thì họ chủ yếu quét dọn rác rưởi lại một chỗ rồi để khô đốt hoặc cho phân huỷ tự nhiên, do đó gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường xung quanh và công tác bảo vệ môi trường chung của địa phương. Đó là chưa kể lượng rác, chất thải trong chăn nuôi, nhu cầu phát triển kinh tế của người dân đang mở rộng quy mô chuồng trại nhưng lại ít thay đổi phương thức chăn nuôi, đa phần vẫn làm theo kiểu cũ, phân và nước cùng thức ăn dư thừa của gia súc, gia cầm thải ra không qua xử lý vô tư thải ra rãnh nước đường làng, mương máng, ao hồ, sông suối, gặp trời mưa chỗ nào thuận thì trôi đi, nếu đường mà không có rãnh, nước thải tràn lênh láng trên mặt đường nom rất mất vệ sinh, khi trời nắng thì bốc mùi hôi nồng nặc. Đó còn là môi trường thuận lợi để ruồi, muỗi, các ký sinh trùng gây bệnh phát sinh, phát tán vào không khí và nguồn nước. Nước thải ngấm vào nguồn nước ngầm, nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh vì thế cũng rất cao trong cộng đồng.

Môi trường nông thôn còn bị đe dọa bởi tình trạng lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và việc sử dụng phân bắc tươi, nhất là trong sản xuất các loại rau xanh. Điều này rất có hại cho sức khoẻ con người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của chúng ta trong hiện tại cũng như lâu dài.

Vì môi trường chung

Cần nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường nói chung và môi trường nông thôn nói riêng, chính quyền địa phương, nhất là các xã vùng nông thôn, vùng ven đô nên đưa ra các giải pháp như: tuyên truyền giáo dục bằng các biện pháp là các khẩu hiệu hoặc các tờ rơi… để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi người dân trong cộng đồng, giữ gìn vệ sinh môi trường chung nơi mình ở.

Các khu, xóm làng nên chọn một ngày nhất định trong tuần, trong tháng làm ngày tổng vệ sinh chung trong đường làng ngõ xóm, khu dân cư. Trong khi chưa có đội vệ sinh công cộng đảm nhiệm, các hộ gia đình nên có thùng chứa rác và tự phân loại rác, tự xử lý chôn lấp, hoặc xử lý tập trung làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Nước thải và phân trong chăn nuôi cần được xử lý bằng cách xây hầm biogas, phân phải được ủ trước khi sử dụng, không thải trực tiếp nước và phân, chất thừa thẳng ra môi trường.

Trong sản xuất nông nghiệp, cần hướng dẫn và tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hãy thu vỏ chai, lọ, vỏ bao đựng vào một nơi quy định để xử lý. Nên tăng cường sử dụng phân xanh, phân hữu cơ tại chỗ kết hợp với phân hoá học, không nên dùng phân tươi bón trực tiếp cho rau xanh, hoa màu để phát tán gây hại môi trường.

Chính quyền địa phương cần đề xuất kế hoạch, quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng để giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn như làm rãnh thoát nước trong khu dân cư; xây dựng nơi xử lý và chứa rác, chất thải thuận tiện cho người dân, xây dựng các khu chăn nuôi tập trung đúng tiêu chuẩn; phù hợp với quy hoạch để dần đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Đặc biệt, chính quyền các xã cần chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thành lập và hỗ trợ hoạt động dịch vụ vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư nông thôn. Qua đó, vấn đề xử lý rác thải, vệ sinh môi trường nông thôn, vùng ven mới được triệt để, giữ môi trường vùng quê sạch, đẹp.

 Cao Nội

Các tin khác
Cụ Nguyễn Hữu Bính thăm lại đồi chè tự tay mình trồng.

YBĐT - Cơ nghiệp hay cơ duyên đều đúng cả với những chiến sỹ công binh hay những phụ nữ đảm đang trong các gia đình ở Thác Hoa - những người gắn bó với đồi chè cả cuộc đời. Họ cũng là những công nhân có thâm niên lâu nhất ở Nông trường Chè Trần Phú, nay là Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ (Yên Bái).

YBĐT - Chỉ còn ít tháng nữa là đến tết Nguyên đán 2014, trước đó là tết truyền thống của đồng bào Mông. Gặp gỡ tìm hiểu tâm tư đồng bào Mông ở huyện vùng cao Trạm Tấu, một điều dễ nhận thấy là bà con đã thấy rõ cái hay, cái lợi của việc ăn tết Nguyên đán chung cùng cả nước.

YBĐT - Hiện nay, tình trạng người dân lấn chiếm lòng đường làm nơi họp chợ vẫn diễn ra ở nhiều điểm trên địa bàn thành phố Yên Bái. Những điểm "giao dịch" đó được gọi là “chợ”. Đây là những bất cập mà chính quyền địa phương vẫn chưa tìm giải pháp thích hợp để loại bỏ hình thức họp chợ này.

Đập bê tông cốt thép dẫn dòng Thia vào các tổ máy.

YBĐT - Sáng 9/11/2013, Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Thủy điện Văn Chấn, đặt tại xã An Lương, huyện Văn Chấn. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên Công ty, các nhà thầu xây dựng, tư vấn và xây lắp. Với công suất thiết kế 57 MW,

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục