Khuôn Bổ 15 mùa hoa đào nở
- Cập nhật: Thứ năm, 19/12/2013 | 2:14:26 PM
YBĐT - Thời gian thấm thoắt thoi đưa, xuân Giáp Ngọ này sẽ là mùa xuân thứ 15 người Mông ở bản Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện huyện Trấn Yên (Yên Bái) bỏ hẳn cuộc sống du canh, du cư trên các triền núi cao về hạ sơn chung một bản, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới no ấm hơn, đàng hoàng hơn.
Học trò người Mông ở Khuôn Bổ hôm nay.
|
Nhà ông Sổng A Sông ở ngay đầu bản có nghề rèn gia truyền, đặc biệt trình độ rèn dao của ông Sông đã đạt đến tầm nghệ nhân. Miếng thép qua bàn tay của ông trong thoáng chốc đã biến thành những con dao sắc lẹm. Thứ dao mà không chỉ người Mông mà cả người Kinh, người Tày đều muốn dùng để chặt cây, giết lợn, thái rau...
Ông Sông bảo, nghề rèn dao mình làm đã 27 năm rồi. Trước đây du canh, du cư trên núi chỉ làm dao để nhà dùng và đổi ngô, thóc cho bà con trong bản. Nay, nhờ ổn định cuộc sống ở thôn Khuôn Bổ này mình đã phát huy được nghề, không những làm dao cho cả xã Hồng Ca, các xã bạn của huyện Trấn Yên mà du khách nhiều nơi cũng đã tìm đến đặt mua về dùng và làm kỷ niệm. Một phần do uy tín, phần nữa là do tính cẩn thận mà hầu như ngày nào lò rèn của ông Sông cũng đỏ lửa. Chẳng thế mà cả hai bố con ông Sông và hai lao động khác trong bản đến làm thuê không bao giờ hết việc.
Thu nhập từ nghề rèn dao và lao động sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình, ông Sông đã có nhà khang trang, mua được xe máy, ti vi, máy xát thóc, máy gặt lúa, máy làm đất… Cuộc sống sung túc, khá giả ấy, bản thân ông Sông rõ hơn ai hết chính là nhờ ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm giúp đỡ gia đình ông và người Mông quê ông hạ sơn định canh, định cư ở bản Khuôn Bổ này.
Ngược dòng thời gian, cuối năm 1999, nhờ có những cán bộ dân vận tích cực và nhiệt tình bám dân, bám bản mà 27 hộ người Mông sống du canh du cư lâu đời trên các triền núi của các xã Kiên Thành (Trấn Yên), Mỏ Vàng (Văn Yên) đã về lập bản mới ở Khuôn Bổ. Khuôn Bổ vốn là vùng đất do Trại cải tạo Hồng Ca quản lý có địa hình khá thuận tiện, có núi, có rừng, có đồi, có bãi, có dòng suối trong vắt ngày đêm tuôn chảy… nhưng cái tết Kỷ Mão năm ấy, bà con vẫn chưa yên cái bụng bởi đã quá quen với cuộc sống nương rẫy, chưa lội ruộng, cấy lúa bao giờ, nhất là chưa hiểu thế nào là khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hóa… vì thế tư tưởng tái du canh, du cư lại xuất hiện.
Trước thực trạng ấy, những cán bộ dân vận của huyện lại về bản “ba cùng” với đồng bào để tâm sự, thuyết phục và vận động những già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong các dòng họ người Mông cùng chung sức khuyên bảo con, cháu. Theo đó, lực lượng quân đội, dân quân đã hành quân lên bản ra sức cải tạo tuyến đường hơn 6 km từ xã lên tới Khuôn Bổ; tổ chức Đoàn thanh niên đồng lòng với các hộ gia đình san đất làm nhà, khai hoang ruộng nước; cán bộ khuyến nông Trấn Yên cùng bà con xắn quần, lội ruộng làm đất, gieo mạ, cấy lúa giống mới.
Được Nhà nước hỗ trợ vật liệu làm nhà, thóc giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đường điện cao thế vượt núi, mang ánh sáng quốc gia về tận thôn, đồng bào rất phấn khởi và tin vào ngày mai tươi sáng khi cùng chung sống bên nhau ở bản mới Khuôn Bổ.
Tráng Sáo Hờ là người Mông ở bản Hồng Lâu có uy tín đã được giao trọng trách Trưởng bản Khuôn Bổ để gây dựng các phong trào. Thế rồi, chẳng rõ tự bao giờ những đôi chân chai sạn chỉ quen leo núi, những đôi tay thô ráp chỉ quen chặt cây, đốt nương, chọc lỗ, bỏ hạt đã biết cấy lúa, trồng ngô, biết chăn thả con gà, con lợn và dệt may bằng máy khâu công nghiệp. Đáng quý nhất là những đứa trẻ Mông đến tuổi đã được cắp sách đến trường, người ốm, đau không để ở nhà cúng ma mà bà con đã tự giác đưa đến cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.
Ông Sổng A Sông bên lò rèn của gia đình.
Trưởng bản Tráng Sáo Hờ nhẩm tính: “Giờ bản này đã có đến 67 hộ rồi, số hộ tăng nhanh vì nhiều nhà tách hộ, nhiều nhà khác còn du cư, thấy Khuôn Bổ tốt nên về sống cùng. Cả bản đã có gần 100 cái xe máy, nhà nào cũng có ti vi xem; rất nhiều nhà đã đầu tư mua máy nông nghiệp, mua cả ô tô làm dịch vụ vận tải. Ruộng ở Khuôn Bổ đã cấy lúa 2 vụ, năng suất 160kg/sào. Thành tựu lớn nhất về kinh tế mà Khuôn Bổ đạt được là bà con người Mông đã trồng được gần 300 ha rừng, trong đó có 30 ha măng tre Bát độ”.
Hôm đó ở Khuôn Bổ, thật tình cờ tôi được gặp lại anh Hà Thanh Chương. Nói là gặp lại là vì cách đây đúng 15 năm anh là Bí thư chi đoàn thôn Cọ, dẫn đầu 18 đoàn viên thanh niên lên bản Khuôn Bổ giúp dân đánh đất làm nhà. Giờ Hà Thanh Chương đã là Bí thư Đoàn xã, được Đảng ủy phân công lên Khuôn Bổ tham gia Ban chi ủy thôn. Chương rất tự hào vì các bạn trẻ ở xã Hồng Ca và huyện Trấn Yên đã góp sức để có một Khuôn Bổ đổi mới và đi lên như ngày hôm nay.
Song, cũng giống như những đảng viên tâm huyết ở Chi bộ Khuôn Bổ, anh vẫn còn băn khoăn vì bà con trong bản chưa tận dụng hết điều kiện về đất đai để tăng gia như trồng thật nhiều ngô, trồng thật nhiều cỏ để phát triển đàn trâu; trồng nhiều tre Bát độ để lấy măng bán. Đặc biệt, trong bản có gần 20 ha chè Shan, thứ đặc sản quý hiếm mà bà con vẫn chưa bỏ công đầu tư, chăm bón để đạt năng suất, chất lượng cao hơn…
Chia tay Khuôn Bổ trong cái rét ngọt chiều cuối đông, trong tiếng trống trường ngân vang báo hiệu kết thúc buổi học, cảnh giống như thành phố, tôi gặp rất nhiều phụ huynh đi xe máy đến trường đón con với khuôn mặt rạng ngời phấn khởi.
Trưởng bản Tráng Sao Hờ xiết tay tôi thật chặt và khảng khái: “Bản này đã có mấy cháu được đi học đại học, rồi các cháu sẽ trở về lãnh đạo quê hương Hồng Ca, Khuôn Bổ khá hơn đời ông bà cha mẹ chúng”.
Cây đào già bên đường đã chúm chím những chiếc nụ hồng xinh xinh sẵn sàng nở bung sau tiết đông chí giống như người Mông ở Khuôn Bổ theo Đảng hạ sơn đã làm bật dậy một sức sống tiềm tàng sau 15 năm cùng chung tay xây dựng đời sống văn hóa mới. 15 năm – một cái mốc không nhỏ nhưng cũng vừa đủ để đánh dấu sự đổi mới, đi lên của một bản người Mông ở lưng chừng núi.
Khuôn bổ, tháng 12/2013
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Ở các địa phương vùng quê nơi đất rộng thì người dân đã có thể tự xử lý rác thải bằng cách đào hố chôn hoặc đốt. Nhưng những nơi công cộng, các chợ quê, một lượng lớn các loại rác, chất thải mỗi ngày sinh ra chưa có biện pháp thu gom xử lý.
YBĐT - Cơ nghiệp hay cơ duyên đều đúng cả với những chiến sỹ công binh hay những phụ nữ đảm đang trong các gia đình ở Thác Hoa - những người gắn bó với đồi chè cả cuộc đời. Họ cũng là những công nhân có thâm niên lâu nhất ở Nông trường Chè Trần Phú, nay là Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ (Yên Bái).
YBĐT - Chỉ còn ít tháng nữa là đến tết Nguyên đán 2014, trước đó là tết truyền thống của đồng bào Mông. Gặp gỡ tìm hiểu tâm tư đồng bào Mông ở huyện vùng cao Trạm Tấu, một điều dễ nhận thấy là bà con đã thấy rõ cái hay, cái lợi của việc ăn tết Nguyên đán chung cùng cả nước.
YBĐT - Hiện nay, tình trạng người dân lấn chiếm lòng đường làm nơi họp chợ vẫn diễn ra ở nhiều điểm trên địa bàn thành phố Yên Bái. Những điểm "giao dịch" đó được gọi là “chợ”. Đây là những bất cập mà chính quyền địa phương vẫn chưa tìm giải pháp thích hợp để loại bỏ hình thức họp chợ này.