Viếng mộ người nữ Anh hùng

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/1/2014 | 9:17:25 AM

YBĐT - Ở Côn Đảo, nhiều câu chuyện về người nữ anh hùng Võ Thị Sáu được lưu truyền. Có chuyện như chị tâm tư mách bảo, gửi gắm vào cây cỏ quanh nấm mồ chị…

Đoàn công tác Báo Yên Bái viếng mộ chị Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương. (Ảnh: Thanh Miền)
Đoàn công tác Báo Yên Bái viếng mộ chị Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương. (Ảnh: Thanh Miền)

Chiều Côn Đảo, hoàng hôn xuống rất nhanh, mặt trời vừa mới đỏ rực như hòn đảo lửa nơi phía biển xa xa mà một chốc đã vụt tắt, đèn cao áp trên các con đường của thị trấn huyện lỵ đảo đã bật sáng. Từ sảnh của Khách sạn Sài Gòn - Côn Đảo bước ra, chúng tôi đi dạo dọc bờ biển.

Một bên là biển cả mênh mông, ào ào sóng xô vào chân đảo, phát ra những âm thanh vui tai, nghe quen thuộc như bao bờ biển chúng tôi đã đặt chân tới. Còn bên kia là con đường mang tên cụ Tôn Đức Thắng, con đường dài nhất, đẹp nhất đảo được xây dựng những năm sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Con đường này để ghi nhớ công ơn của người cựu tù Côn Đảo với 17 năm bị giam cầm cấm cố trong nhà tù và sau này trở thành vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Con đường viền đi từ bắc xuống nam đảo nối liền Cảng biển Côn Đảo với Cảng hàng không sân bay Cỏ Ống và giữa trung tâm là thị trấn Côn Đảo.

Con đường ấy hai bên là những hàng cây, nhiều đoạn cây anh đào mùa này đã chúm chím hoa nở. Còn ở nơi chúng tôi đi dạo là đoạn đường đôi với hàng cây bàng cổ thụ làm dải phân cách. Hàng bàng cổ thụ nổi tiếng của đảo gốc to cả hai, ba người ôm, xù xì góc cạnh. Chúng đứng đó với tuổi đời gắn với tuổi của các nhà tù, chứng kiến khúc bi tráng của lịch sử tồn tại 113 năm nhà tù Pháp - Mỹ, hai cường quốc của thế giới và khúc khải hoàn ca khi cả miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước Việt Nam thống nhất và sống trong Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Côn Đảo hôm nay thay đổi diệu kỳ! Côn Đảo thanh bình rực rỡ ánh đèn, trang điểm và soi rõ những đường phố cư dân, dịch vụ buôn bán sầm uất, công sở khang trang và không ít nhà hàng, khách sạn sang trọng, những khu resort nghỉ dưỡng của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế trong nước. Sự thay da đổi thịt nhanh chóng hàng ngày để Côn Đảo xưa kia là “địa ngục trần gian” nay đã và đang trở thành đảo di tích lịch sử quan trọng của đất nước và đảo của du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng trong vùng.

Ẩn sau những con đường rực sáng là mờ mờ những tường đá cao vút rêu phong xám xịt những cửa sắt nặng nề, hàng dây kẽm gai chăng đầy hoen rỉ - dấu ấn còn lại của 8 nhà tù và hàng chục trại giam phụ, 20 hầm đá, 14 xà lim, 31 nhà giam biệt lập, 120 chuồng cọp kiểu thực dân Pháp, 384 chuồng cọp kiểu đế quốc Mỹ - nơi giam cầm, tra tấn hàng chục vạn người yêu nước, các chiến sỹ cộng sản Việt Nam không may rơi vào tay giặc.

Du khách đến Côn Đảo được hưởng thụ một hệ thống phát thanh và truyền hình thật hiện đại! Các kênh truyền hình riêng của đảo phát liên tục video về Côn Đảo xưa và nay. Lịch sử Côn Đảo được lần lượt giới thiệu thật sinh động cùng với những hình ảnh mới nhất của Côn Đảo sau gần 40 năm giải phóng và đang xây dựng mới; về những chuyện huyền thoại người nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Thị Sáu.

Loa truyền thanh của thị trấn huyện lỵ bố trí khoa học trên các tụ điểm của thị trấn lúc này đang truyền đi giọng hát trong trẻo, nuột nà, điêu luyện của ca sỹ Phương Thanh với bài “Nhớ ơn chị Võ Thị Sáu”: “Mùa hoa lê ki ma nở ở quê ta miền Đất Đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người Anh hùng đã chết cho mùa hoa lê ki ma nở…”.

Tôi cứ nghĩ mãi hình ảnh của người nhạc sĩ già Nguyễn Đức Toàn trả lời phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khi ông sáng tác bài hát này năm 1958. Ông chỉ nghe lịch sử chiến công của người con gái trẻ tuổi vùng Đất Đỏ. Ông cũng chưa được biết về cây lê ki ma nhưng vì ngưỡng mộ người con gái anh hùng và để động viên đồng bào, chiến sỹ miền Nam lúc đó đang phải chiến đấu với kẻ thù Mỹ - Diệm đàn áp nên ông đã viết bài ca ấy. Đã hơn một nửa thế kỷ trôi qua, bài hát ấy vẫn luôn còn vang vọng khắp mọi miền của Tổ quốc nhưng khi nghe bài hát ấy giữa nơi mà người anh hùng ngã xuống, nó lại sâu lắng, rung động trái tim con người đến lạ thường…

Đoàn chúng tôi có nhiều lứa tuổi, đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau nên mỗi nguời đều nhớ về kỷ niệm khi được nghe hoặc hát bài hát ấy. Có người được nghe hát vào những năm đầu của miền Bắc lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội, trên các công trường xây dựng đường giao thông, đào đắp mương thủy lợi nông trường trồng chè ở Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Than Uyên. Người lại nghe hát và cùng hát với các cô giáo trẻ dạy học ở vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải trên trận địa phòng không bắn máy bay của giặc Mỹ ra bắn phá miền Bắc. Cũng có người hát bài ca ấy lúc còn là đội viên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh quàng khăn đỏ ở trường học, nay cũng đã nghỉ hưu cùng đoàn lãnh đạo lão thành của tỉnh Yên Bái ra thăm đảo.

Ra Côn Đảo, ai ở trong đoàn cũng đều có tâm niệm được đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu. Người hướng dẫn viên du lịch của đảo đi ô tô từ sân bay về khách sạn như đọc được tâm tư của chúng tôi, cô nói luôn: “Ở Côn Đảo, có hai điều khi viếng mộ chị Võ Thị Sáu mà các đoàn đều quan tâm. Đó là ở Côn Đảo, người dân thường gọi chị Sáu bằng Cô Sáu vì Cô Sáu hi sinh khi còn quá trẻ. Cô Sáu thật xứng đáng ở vị trí được sùng kính và tôn thờ của dân đảo! Điều nữa là đi lễ viếng Cô Sáu, người Côn Đảo thường đi vào quá nửa đêm về sáng bởi vì về đêm, không gian tĩnh lặng, con người tĩnh tâm, âm dương dễ hòa hợp. Lúc đó, người ta mới có sự thanh thản để trải nỗi lòng, nói được những điều mong ước trước linh hồn người đã khuất”.

Hướng theo những điều đó, đêm nay, đêm đầu tiên đặt chân lên đảo, chúng tôi với ý nguyện và lòng mong muốn được đến Nghĩa trang Hàng Dương để viếng mộ cô Võ Thị Sáu. Hơn mười giờ đêm, chúng tôi lên ô tô và ít phút sau đã đến Nghĩa trang Hàng Dương. Vào giờ này, Nghĩa trang Hàng Dương đã có nhiều người đến thăm viếng, điện sáng lung linh trong cả trên 19ha trải dài trong thung lũng của thị trấn huyện lỵ. Những hàng dương cao vút, thẳng tắp, hun hút theo những con đường dọc suốt nghĩa trang. Gió lay động và khe khẽ reo lên như ru ngủ những linh hồn đã yên nghỉ nơi đây.

Ấn tượng khó quên nhất ở nghĩa trang này là hệ thống 1.921 bóng đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng cho tất cả các phần mộ đã quy tập về nghĩa trang, tạo nên lớp lớp ánh sáng lan tỏa và thắp lên niềm tin cho các linh hồn siêu thoát vào lòng dân tộc. Biết được đoàn chúng tôi toàn người cao tuổi lại từ Yên Bái - vùng Tây Bắc của Tổ quốc đến viếng mộ của Cô Sáu, Ban Quản trang đã thu xếp để đoàn sớm vào làm lễ viếng.

Mộ Cô Sáu nằm ở khu B, giữa nhấp nhô những phần mộ có danh và khuyết danh. Mộ Cô Sáu nổi lên trông thật thanh cao mà giản dị như người con gái vùng quê miền Đất Đỏ. Mộ được ốp đá hoa cương trang nhã, bia phía trước mộ ghi rõ: “Liệt sỹ Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Thị Sáu (1933 - 1952), quê quán huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”. Sau bia mộ là tấm phù điêu chân dung Cô Sáu bằng đá trắng cẩm thạch gắn trên nền đá hình elip, cây lê ki ma và những cây dừa đất đang mùa hoa nở, tỏa ra mùi hương lẫn trong khói nhang thơm ngát.

Chúng tôi xếp hàng ngay thẳng, hướng lên bia mộ và thắp nén tâm nhang tưởng nhớ người nữ anh hùng trẻ tuổi mà chúng tôi hằng ngưỡng mộ, cầu mong cho hương hồn chị mãi mãi đồng hành cùng dân tộc, chiến đấu với bao niềm tin để xây dựng và bảo vệ đất nước, để vùng Tây Bắc xa xôi tiến kịp với các vùng phát triển của Tổ quốc, cho mọi gia đình, đồng bào, đồng chí sống khỏe mạnh, an khang và hạnh phúc!

Chân dung chị Sáu với khuôn mặt và mái tóc trông còn non trẻ nhưng toát lên một ý chí cương quyết, rắn rỏi, ngoan cường trước kẻ thù. Người con gái đó chỉ có vẻn vẹn một ngày lưu tù trên đảo và sống những giờ phút oanh liệt trước phút hy sinh nhưng đã để lại nhiều dấu ấn ghi sâu vào lịch sử, sống mãi trong lòng dân đảo và cả dân tộc. Người dân đảo quý mến chị vì chị sống anh hùng, bất khuất, chết anh dũng, hiên ngang.

Ở tuổi 15 còn rất trẻ, chị đã vào Đội Công an xung phong của huyện Đất Đỏ và đã lập công đầu trong cuộc tấn công phá tan cuộc mít tinh mà sỹ quan Pháp và Tỉnh trưởng Bà Rịa tổ chức nhân Ngày Quốc khánh Pháp. Năm 17 tuổi, chị đã trở thành người nữ trinh sát giỏi, chiến đấu rất mưu trí, gan dạ, tiêu diệt liền một lúc hai tên Việt gian ác ôn: Cả Suốt, Cả Đay khi chúng đang đi càn và cướp bóc của dân, chỉ tiếc trái lựu đạn dành cho tên chỉ huy bị lép, không nổ khiến chị rơi vào tay kẻ thù.

Lòng gan dạ, sự trung thành tuyệt đối vào lý tưởng của Đảng đã giúp chị vượt qua mọi cực hình, tra tấn dã man, tàn bạo của kẻ thù, không một lời khai báo. Toà án binh đã kết tội chị và chị đã hiên ngang chỉ thẳng vào mặt quan tòa: “Tôi không có tội. Yêu nước mình, chống thực dân xâm lược không phải là một tội”. Không một luật sư bào chữa, chỉ một mình người em gái còn đang ở tuổi vị thành niên, chưa một lần được cắp sách đến trường, sống ở vùng thôn quê Đất Đỏ ấy tự bào chữa cho mình và chỉ ra cho cả bọn quan tòa lớn tuổi, học nhiều lắm chữ những điều cơ bản về lòng yêu nước. Điều đó thật đáng tự hào về ý chí chiến đấu của con người Việt Nam!

Ở Côn Đảo, nhiều câu chuyện về người nữ anh hùng được lưu truyền. Có chuyện như chị tâm tư mách bảo, gửi gắm vào cây cỏ quanh nấm mồ chị… Cây dương cụt ngọn còn lại hai cành, một cành vươn ra phía bắc, một cành vươn về phía nam, xanh tốt nhiều năm. Đến năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cành vươn về phía nam héo dần.

Đến năm 1993, khi Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho chị Võ Thị Sáu thì cành hướng về phía bắc cũng héo nốt và cả cây dương hóa vào đất trời. Ở đó, những người quản trang đã nhiều lần trồng cây lê ki ma nhưng cây không sống. Chỉ khi Bí thư Huyện đảo vào đất liền nhận cây lê ki ma từ quê hương chị ra trồng, cây lên xanh tốt, sớm ra hoa, cho rất nhiều quả nhưng quả xanh rồi rụng hết và nhiều năm nay, cây chưa cho một trái chín nào.

Còn nhiều câu chuyện diễn ra trong thời Pháp - Mỹ như chuyện Cô Sáu hiện hình, Cô Sáu hành tội, Cô Sáu bắt tội, Cô Sáu vật tội chết… đối với các tên tỉnh trưởng, giám thị, cai ngục và những tên Việt gian tay sai tàn ác với người tù khiến có nhiều kẻ phát điên, phát dại, ốm đau cho đến chết hoặc chết bất đắc kỳ tử, chết mất xác…

Những câu chuyện ấy đều xuất phát từ những chuyện có địa chỉ, có tên tuổi người, có sự việc mà người đời chứng giám nên có tính hiện thực cao, tính dân tộc vì phù hợp với truyền thống của dân tộc Việt về ân oán, nhân quả, tôn sùng cái thiện và căm thù cái ác. Chuyện do nhân dân lan truyền nên dân gian thường pha chút tâm linh. Vì thế, chuyện về Cô Sáu trở thành huyền thoại, được lưu truyền và sống mãi trong lòng dân tộc.

Chúng tôi rời Nghĩa trang Hàng Dương trở về khách sạn, người hướng dẫn viên chào và chúc chúng tôi ngủ ngon sau một chiều và một đêm trên đảo. Đêm khuya, đảo thật yên tĩnh, thanh bình! Nhiều người đã chìm sâu vào giấc ngủ nhưng chúng tôi, những lữ khách từ Yên Bái vượt qua mấy ngàn cây số đến đảo sau những giờ phút linh thiêng ở Nghĩa trang Hàng Dương về làm sao mà ngủ được… Mỗi con người đang suy tư, nghĩ về số phận của chị Võ Thị Sáu, của trên hai vạn người đã nằm xuống trong thung lũng nhỏ hẹp này của Côn Đảo, về đồng bào, đồng chí đã hy sinh vì nền Độc lập - Tự do cho Tổ quốc. Cái giá mà dân tộc ta phải trả cho điều đó thật vô cùng to lớn, không có gì có thể tính toán được, không có gì có thể so sánh nổi!

Thế hệ hôm nay và mai sau được thừa hưởng niềm hạnh phúc đó cần hiểu và quý trọng và bảo vệ nó vững bền. Mỗi người bằng những hành động thiết thực và cụ thể đem hết sức mình góp phần xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa để muôn đời phát triển bền vững! Hãy sống sao cho xứng đáng với linh hồn người nữ Anh hùng Võ Thị Sáu và những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh để chúng ta được sống trong hòa bình, hạnh phúc ngày hôm nay…

Yên Bái - Côn Đảo, ngày 30/11/2013

Nguyễn Văn Ý

Các tin khác
Những triền đồi khi xưa trồng cây thuốc phiện thì nay đồng bào Mông Trạm Tấu đã thay bằng rừng kinh tế.

YBĐT - Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, "cuộc chiến" phá bỏ cây thuốc phiện ở huyện Trạm Tấu đã đạt được những thành công ngoài mong đợi.

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân trong giờ lên lớp.

YBĐT - Sau nhiều lần hẹn cuối cùng tôi cũng gặp được cô - người con gái giản dị, bình thường như bao người khác. Có điều khác biệt, cô đã vượt lên số phận nghiệt ngã của mình ngày đêm gieo chữ, ươm mầm tương lai cho những trò nhỏ. Cô là Nguyễn Thị Hải Vân, công tác tại Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Yên Bình.

Con ba ba gai đực

YBĐT - Chỉ trong bảy, tám năm, làng chè đặc sệt với 120 hộ này đã có gần một phần ba số hộ khá, giàu, thu nhập từ 150 - 300 triệu đồng/năm nhờ nuôi ba ba gai đặc sản. Văn Hưng, xã Cát Thịnh (Văn Chấn) hiện giờ đã là nơi cung cấp ba ba gai giống có tiếng ở phía Bắc, nhiều nông dân đã thành "đại ca" ba ba, tiền nong rủng rẻng nhưng cấm có chuyện sạt nghiệp, vỡ nợ, mang họa như đâu đó vì tư duy và cung cách làm ăn rất @...

Một ngày lao động trên bản Trống Tầu của các đội viên tình nguyện.

YBĐT - Đã nghe nhiều về những ngày hè tình nguyện vất vả ở vùng cao nhưng quả thực tôi vẫn chưa sao hình dung nổi những cô, cậu sinh viên “trói gà không chặt” ấy, vốn chỉ quen với cuộc sống nơi phố xá lại có thể bám trụ và thành thục những công việc đồng áng ở vùng cao như một người dân bản địa thực thụ...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục