"Bỏ rơi" môn Lịch sử vì đâu?

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/5/2014 | 9:43:35 AM

YBĐT - Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố Lịch sử không có trong danh sách các môn thi bắt buộc của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm nay thì nhiều người đã chua xót nói rằng lịch sử chính thức bị bỏ rơi. Thực tế, con số đăng kí thi môn này của học sinh rất thấp đã cho thấy phần nào nhận định ấy.

Cần có thêm nhiều triển lãm như thế này để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc. Trong ảnh: Các chiến sĩ Điện Biên cùng các cháu thiếu nhi xem Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến thắng Điện Biên Phủ” tại thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Thanh Chi)
Cần có thêm nhiều triển lãm như thế này để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc. Trong ảnh: Các chiến sĩ Điện Biên cùng các cháu thiếu nhi xem Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến thắng Điện Biên Phủ” tại thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Thanh Chi)

Môn Lịch sử và những câu chuyện dở khóc dở cười

Vốn là môn học hấp dẫn của nhiều thế hệ nhưng hiện nay môn Lịch sử gần như đang bị bỏ rơi khi rất nhiều người học và người dạy đều không mấy mặn mà.

Nói về môn học này, cô Nguyễn Thị San - một giáo viên nhiều kinh nghiệm giảng dạy bộ môn này đã về hưu chia sẻ: "Đa số các em chưa ý thức được việc học Lịch sử quan trọng như thế nào nhưng vẫn phải trả bài nên không còn cách nào khác, hầu hết đều dùng phương pháp học vẹt. Trường hợp sử dụng tài liệu, nộp giấy trắng hay viết vào bài thi những nội dung không liên quan thường xuyên xảy ra trong các tiết kiểm tra...".

Một trường hợp dở khóc dở cười trong quá trình đi làm việc, tôi phải giật mình khi một học sinh THPT nói rằng rất thích học môn học Lịch sử và được điểm trung bình môn trên bảy phẩy ở môn học này nhưng khi hỏi đến Chiến thắng Điện Biên Phủ là ngày, tháng, năm nào thì học sinh đó chỉ biết… cười, hay đơn giản khởi nghĩa Yên Bái diễn ra vào ngày nào cũng rất nhiều em không trả lời được.

Hãy cùng nhìn về quá khứ, con số hàng nghìn học sinh bị điểm 0 trong kỳ thi đại học cách đây 3 năm vẫn được dư luận ví là "thảm họa" của ngành giáo dục. "Bà Triệu là chị Hai Bà Trưng", "anh hùng  Ngô Đình Diệm lấy thân mình lấp lỗ châu mai"… là những chuyện hài hước "kinh điển" mà chúng ta đã đọc được trên rất nhiều mặt báo.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hòa - giáo viên giảng dạy môn Lịch sử tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS tỉnh cho biết: "Nhiều lần đi chấm thi, tôi cũng gặp rất nhiều trường hợp "dở khóc dở cười" mà các em học sinh tự sáng tạo trong các bài thi của mình. Nhiều trường hợp "râu ông nọ cắm cằm bà kia" khiến tôi không khỏi bàng hoàng, ngỡ ngàng.. và "cười ra nước mắt".

Lịch sử có phải là môn học quan trọng?

Đã từ lâu lắm rồi, môn Sử được mệnh danh là "môn phụ". Giáo viên dạy Sử cũng từ lâu lắm đã ngậm ngùi với vai trò "thầy, cô môn phụ". Học sinh học để đối phó, thi đủ điểm để qua. Giống như nhiều môn phụ khác, Lịch sử chỉ nhận được từ phía học sinh, thầy cô, và các bậc phụ huynh sự thờ ơ và thiếu coi trọng. Thậm chí còn bị "lép vế" hơn so với các thầy cô dạy môn chính. Và rồi, mùa thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều em đã cảm thấy thật “nhẹ lòng” khi môn Lịch sử đã chính thức không nằm trong danh sách các môn thi bắt buộc.

Em Lê Quang Duy Khánh - học sinh lớp 12 (Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái) chia sẻ: "Em học khối A để thi đại học nên cũng không mấy quan tâm đến môn Lịch sử. Ở trên lớp học để cho đủ điểm. Khi biết môn Sử không còn là môn bắt buộc để thi tốt nghiệp thì em thấy rất vui. Đương nhiên em cũng sẽ không đăng ký Lịch sử là môn thi tốt nghiệp của mình".

Cùng với ý kiến đó, em Sa Hương Ly hiện cũng đang là học sinh lớp 12A của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh bày tỏ: "Lịch sử tuy là một môn học em thích nhưng để học được nó không phải chuyện dễ dàng. Năm nay, nó cũng không phải là một môn thi bắt buộc nên em cũng không dành thời gian để học mấy".

Trên Báo điện tử VOV.VN, trong bài "Giáo sư Phan Huy Lê: Học sinh chán môn Lịch sử là tất yếu", đăng ngày 27/4/2014, Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, với cách dạy và học hiện nay, học sinh chán môn Lịch sử là tất yếu. Bên cạnh đó, cách thức đổi mới thi cử mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai đã đẩy môn Lịch sử ra khỏi ý thức học sinh.

Nhìn nhận lại vấn đề một cách tổng thể, phải khẳng định rằng Lịch sử thực sự là một môn học rất quan trọng. Chức năng của môn Lịch sử không phải chỉ trang bị một số kiến thức lịch sử cần thiết, chọn lọc mà cơ bản hơn là bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, trân trọng các giá trị lịch sử và văn minh nhân loại, rèn luyện tư duy sử học, giáo dục các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bồi dưỡng năng lực và phẩm chất con người.  Song việc khơi dậy lòng tự hào và ý thức dân tộc trong mỗi trang sử không phải chỉ bằng cách học thuộc lòng cái có sẵn.

Quan trọng hơn, cái học sinh có thể học được từ môn học này là làm sao có thể cảm nhận được những mất mát, hy sinh to lớn của những thế hệ đi trước, hiểu được những chuyển biến về nhiều lĩnh vực xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa... trong các giai đoạn lịch sử khác nhau để từ đó ý thức được việc giữ gìn và trân trọng những thành quả của cha ông trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là học sự biết ơn và tự hào về dân tộc mình, hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước, thêm yêu những trang sử hào hùng của dân tộc.

Tuy nhiên, những bất cập khiến Lịch sử này dần trở nên "thiếu quan trọng" cũng là một điều đáng phải bàn và rất đau lòng. Là cô giáo giảng dạy môn học Lịch sử và đã có tới 14 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Sử cấp tỉnh tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh, cô Nguyễn Thị Thanh Hòa chia sẻ: "Việc học sinh không còn coi trọng môn học Lịch sử được tác động thêm bởi giờ đây Lịch sử không còn là môn thi tốt nghiệp bắt buộc của các em. Bên cạnh đó, cách nhìn nhận của xã hội và gia đình của học sinh cũng hoàn toàn không ủng hộ với môn học này. Hầu hết hiện nay, từ xã hội đến gia đình đều định hướng nghề nghiệp cho học sinh chuyên sâu về các môn tự nhiên, khiến tâm lý học sinh ngày càng xa lánh với môn Lịch sử...".

Vì đâu nên nỗi?

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức quyết định Lịch sử trở thành môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì nhiều người đã "chua chát" nói rằng môn học phụ này chính thức bị "bỏ rơi". Nhiều học sinh cũng đã mang tư tưởng "bỏ Sử", "thoát Sử" để chỉ chuyên tâm học những môn "chính" để sau này có thể thi vào những trường dễ xin việc. Bên cạnh đó, mặt trái tác động của việc bùng nổ thông tin hiện nay cũng khiến học sinh ngày càng xa rời môn Lịch sử, không biết đến những vị anh hùng dân tộc, danh nhân của đất nước mà tôn thờ, sùng bái những thần tượng chưa một lần được gặp của mình. Lỗi không phải tại giáo viên, cũng không phải tại học sinh, đặc biệt cũng không phải tại lịch sử, vậy là tại ai?

Theo số liệu thống kê tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh thì số lượng học sinh đăng ký thi tốt nghiệp ở môn Lịch sử rất thấp so với mặt bằng các môn học khác. Trường THPT Nguyễn Huệ có tổng số 426 học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT thì số lượng học sinh đăng ký tham gia thi môn sử là 60 học sinh, Trường THPT Chu Văn An (huyện Văn Yên) có 29/423 học sinh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành có 1/200 học sinh... Chỉ qua một vài số liệu trên cũng đủ thấy được học sinh ngày càng tránh, thậm chí sợ môn học Lịch sử.

 

Cách học cô giáo đọc - học sinh chép khiến học sinh cảm thấy mệt mỏi và không có hứng thú học môn Lịch sử.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hòa thì không phải học sinh xa lánh môn học này vì khó mà kiến thức của chương trình chủ yếu dàn trải, bao quát, nhiều dấu mốc, sự kiện lịch sử đòi hỏi học sinh cần phải nhớ. Cô Hòa cũng cho biết một thực tế nữa : "45 phút giảng dạy trên lớp không bao giờ đủ để tôi có thể truyền tải tất cả số lượng kiến thức cho học sinh. Nếu giáo viên không có những phương pháp dạy đổi mới bằng sơ đồ tư duy, kèm theo đó là những câu chuyện lịch sử thì học sinh sẽ không bao giờ hứng thú với môn học này. Bên cạnh đó, trong quá trình giảm tải sách giáo khoa, việc phân chia nội dung ở một số bài giảng vừa thừa lại vừa thiếu, nhiều kiến thức mang tính chất hàn lâm khiến tôi là giáo viên còn thấy khó hiểu. Bản thân tôi dù có yêu thích Lịch sử, thậm chí hàng ngày giảng dạy môn học này cho học sinh còn cảm thấy nản nếu cứ đọc theo khối lượng kiến thức khổng lồ trong sách giáo khoa chứ đừng nói đến học sinh của mình".

Khi chia sẻ về vấn đề này, cô San cũng liệt kê nhiều bài học trong sách giáo khoa được viết với dung lượng kiến thức rất nặng, dàn trải, khô cứng, nhiều mốc thời gian, số liệu lịch sử và những diễn biến chi tiết thì cực kỳ phức tạp.

"Các em nhớ được từng ấy chi tiết thì quá giỏi, mà cũng chẳng để làm gì vì chắc chắn sau đó sẽ quên ngay. Nếu muốn nhớ, muốn hiểu thực sự thì ngoài việc học kiến thức phải cho học sinh được tận mắt nhìn thấy, nghe thấy. Việc cho các em tham quan những di tích lịch sử còn rất hạn chế. Ngoài ra, muốn học sinh nhớ được thì các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần tuyên truyền sâu rộng hơn, có nhiều chương trình liên quan đến môn Lịch sử hơn".

Đạt giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi Sử cấp quốc gia nhưng em Nguyễn Ngọc Ánh - học sinh lớp 12A Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh bảo rằng: "Mặc dù có kinh nghiệm trong việc học môn Lịch sử nhưng em vẫn thấy các bài viết trong sách giáo khoa chứa đựng rất nhiều sự kiện lịch sự, khối lượng kiến thức khổng lồ khiến em khó có thể học được. Đôi khi các con số, số liệu liên quan đến sự kiện lịch sử cũng khiến em cảm thấy mệt mỏi". Là học sinh theo học ban C, Trường THPT Nguyễn Huệ, em Trần Thị Mỹ Linh cũng thừa nhận: "Mặc dù em theo học ban C, một trong những môn học cần chú trọng là Lịch sử thế nhưng cách dạy Lịch sử truyền thống là giáo viên đọc - học sinh chép như hiện nay khiến em cảm thấy rất mệt và buồn ngủ...".

Quá mệt mỏi, khó nhớ chi tiết, nhiều mốc lịch sử, khô khan… là những nhận xét của rất nhiều học sinh đối với môn Lịch sử hiện nay.

Kết

"Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".

Truyền thống dân tộc cũng được bồi đắp từ đó, hiểu quá khứ để ứng xử với hiện tại và tương lai. Việc xóa dần chữ "phụ" ở môn học Lịch sử đang tồn tại trong lòng của phụ huynh, học sinh, các giáo viên chính là nhiệm vụ cần thiết của toàn xã hội.

Đất nước ta đang trên đà hội nhập, rất cần đến đội ngũ chuyên gia công nghệ hay những doanh nhân trẻ thành đạt để cùng xã hội phát triển. Thế nhưng, nếu thế hệ trẻ không biết tự hào về lịch sử, về nguồn cội, về văn hóa dân tộc của mình thì đất nước đó sẽ không bao giờ có thể phát triển bền vững được. Dù bạn có tài giỏi, thậm chí có khả năng phát triển ở tầm cao hơn và vươn ra quốc tế, thì bạn vẫn tự hào là người Việt Nam, nếu bạn thực sự hiểu biết về nguồn gốc, lịch sử hào hùng của dân tộc mình.

Thu Trang

Các tin khác
Kiểm tra công tác xử lý chất thải rắn tại Bệnh viện Giao thông Vận tải Yên Bái.

YBĐT - Gây ô nhiễm môi trường nhất hiện nay ở Yên Bái phải kể đến 8 nhà máy sản xuất giấy. Tại các nhà máy này, nguyên liệu sử dụng là tre, vầu, nứa với các loại hóa chất sử dụng gồm: NaOH, phèn, sắt Sulfat, Axit Sulfuric, PAM, PAC và lượng nước sử dụng tùy theo công suất thiết kế của từng nhà máy.

Các bệnh nhân chờ đến lượt uống Methadone ở cơ sở điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

YBĐT - Hơn 8 tháng qua, ngày nào cũng vậy, đúng 7 giờ 30 phút (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, tết…), các cán bộ y, bác sỹ của Cơ sở điều trị (CSĐT) nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh lại mở cửa đón hàng trăm bệnh nhân (BN) nghiện các chất dạng thuốc phiện đến điều trị thay thế bằng Methadone.

YBĐT - Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, cả nước hướng về Điện Biên, chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/52014), hòa chung trong niềm vui hân hoan ấy và những ký ức về chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu" vẫn còn in đậm trong ký ức của người lính Điện Biên năm xưa.

Trận địa Kế Khấu Ly xưa, giờ đã trở thành nuơng rẫy của đồng bào địa phương.

YBĐT - Kế Khấu Ly theo tiếng của đồng bào Mông có nghĩa là đường ngã tư. Di tích lịch sử Kế Khấu Ly thuộc địa phận thôn Khấu Ly, liên quan đến con dốc cùng tên có chiều dài khoảng 300m...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục