Ám ảnh "tử thần" lá ngón

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/5/2014 | 8:27:55 AM

YBĐT - Ở các xã thuộc huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) có một thứ cây dây leo, hoa rất đẹp mang tên Đoạn trường thảo (cây lá ngón). Không như sức sống mãnh liệt của nó, lá ngón khiến người dân trong vùng sợ hãi, khi nó chính là công cụ đắc lực để một số người tìm đến cái chết. Mỗi năm trên địa bàn huyện vùng cao này có hàng chục người dùng lá ngón tự vẫn…

Cây lá ngón trở thành công cụ đắc lực cho người ta tìm đến cái chết chỉ vì những mâu thuẫn không đáng có.
Cây lá ngón trở thành công cụ đắc lực cho người ta tìm đến cái chết chỉ vì những mâu thuẫn không đáng có.

Anh bạn đồng nghiệp thông tin, Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu vừa cứu sống một bệnh nhân ăn lá ngón. Bệnh nhân là Hảng Thị Lìa, 35 tuổi ở thôn Tà Sùa, xã Bản Công. Do xích mích với chồng, Lìa đã lên rừng hái lá ngón ăn tự vẫn. Đây là mọt trong hàng chục trường hợp ăn lá ngón tự tử được Bệnh viện Đa khoa huyện cứu sống. Bác sỹ Giàng A Dì - Phó giám đốc Bệnh viện cho biết: "Từ năm 2013 đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận và cứu sống 25 ca có tiền sử sử dụng lá ngón. Riêng năm 2014 đã tiếp nhận và cứu sống 4 trường hợp. Mới nhất là ngày 29/4, chúng tôi đã cứu sống bệnh nhân Sùng A Nủ xã Bản Mù".

Để tìm hiểu về loài cây dại này, chúng tôi tìm về xã Bản Công - nơi năm nào cũng có trường hợp tự tử bằng lá ngón. Trưởng công an xã Bản Công Giàng A Xà dẫn tôi đi xem những dải lá ngón mọc ngay sau UBND xã. Anh cho biết: "Lá ngón người Mông gọi là "tủa nỏ xua", cây này rất lạ, con dê, con trâu ăn vào thì sống nhưng với con người chỉ cần ăn 3 lá là tử vong. Ở đây, lá ngón mọc tốt hơn rau người dân trồng, rất khó phá bỏ vì chúng có sức sống mãnh liệt, chỉ cần một đoạn rễ là nó có thể phát triển". Theo Trưởng công an xã Bản Công, địa phương chưa thống kê được một năm có bao nhiêu vụ tự tử vì ăn lá ngón nhưng năm nào cũng có người ăn và đa số đều tử vong. Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn đã có 3 trường hợp. 

 

Trưởng Công an xã Bản Công Giàng A Xà chỉ cho phóng viên sự độc hại của lá ngón. 

Có hàng nghìn lý do để người ta tìm đến lá ngón nhưng khi nghe kể về những vụ ăn lá ngón tự tử khiến nhiều người phải giật mình bởi nhiều vụ có lý do hết sức đơn giản: yêu nhau mà bị ngăn cấm là tìm đến lá ngón, anh em xích mích hay vợ chồng giận nhau, bị bố mẹ mắng dùng đến lá ngón để giải quyết. Người dùng lá ngón đủ mọi lứa tuổi, già có, trẻ có, nhiều trường hợp chỉ đơn giản là quá tò mò muốn thử sự độc hại của thứ lá chết người này.

Năm trước, một nhóm học sinh của Trường phổ thông dân tộc bán trú xã Bản Công rủ nhau ăn thử lá ngón, rất may đã được các thầy cô giáo phát hiện kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Thật đau xót khi nghe kể về cái chết của Giàng Thị Dinh ở thôn Bản Công. Chỉ vì câu trách mắng của mẹ mà em đã tìm đến lá ngón để kết thúc cuộc đời. Cũng ở xã Bản Công cách đây 4 tháng, Hảng Thị Vế, học sinh lớp 9 nhà ở thôn Khấu Chu cũng chết vì ăn thứ lá độc này.

Tại huyện Trạm Tấu, lá ngón mọc ở hầu hết các xã nhưng nhiều phải kể đến các xã Bản Công, Bản Mù, Pá Lau… Ở những xã này, cây lá ngón mọc chủ yếu trên rừng, trên nương, thậm chí quanh nhà. Ở đây, khi 7 - 8 tuổi người ta đã biết tác hại của loài cây cực độc này. Lá ngón trở thành lá tử thần dẫn lối cho những người thiếu hiểu biết, ích kỷ và vô trách nhiệm với cuộc sống, với những người xung quanh. Thật đáng thương và cũng thật đáng trách! Khi được nghe kể về những cái chết đau đớn vì lá ngón, tôi tự hỏi nếu ở các vùng núi cao này không có lá ngón người ta sẽ dùng đến cái gì để giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống? Vấn đề cốt lõi là nâng cao nhận thức cho đồng bào vùng cao.

Ông Trần Văn Cường - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Bản Công cho biết: "Ở đây lá ngón mọc rất nhiều. Lá ngón trở thành nỗi lo và gánh nặng của các thầy cô giáo. Năm nào, nhà trường cũng tuyên truyền về cách nhận biết, tác hại của lá ngón, đặc biệt là vào các buổi sáng chào cờ, chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức giáo dục kỹ năng sống cho các em, không vì xích mích nhỏ mà ăn lá ngón tự tử".

Chính quyền xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng lá ngón. Bà Hảng Thị Dông - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Công cho biết: "Hàng năm chúng tôi tuyên truyền, khuyên nhủ chị em không ăn lá ngón. Nhưng nhiều người nhận thức hạn chế nên cứ có mâu thuẫn gia đình là lại tìm đến chúng".

Đã có nhiều cái chết vì ăn lá ngón nhưng để xóa bỏ tình trạng này là bài toán nan giải. Trên địa bàn huyện chưa có biện pháp cụ thể, hữu hiệu để ngăn chặn người dân sử dụng lá ngón, tất cả chỉ mới dừng lại ở mức độ tuyên truyền. Anh Hảng A Cheo - chuyên viên Phòng Dân tộc huyện Trạm Tấu cho biết: "Lá ngón có sức sống rất mãnh liệt, đất nào cũng mọc được. Đã đến lúc cần xây dựng chương trình tuyên truyền thật sâu để người dân hiểu về tác hại của loài cây này và phải có chiến dịch phá bỏ may ra mới giảm tình trạng người dân ăn lá ngón tự tử".

Rời Trạm Tấu, chúng tôi bị ám ảnh về những cái chết thương tâm do ăn lá ngón. Đã đến lúc, các cấp chính quyền địa phương cần tích cực vào cuộc hơn nữa để ngăn chặn triệt để những vụ việc đau lòng không đáng có từ loài cây độc này. Ngoài mở chiến dịch nhổ bỏ lá ngón, cần tập trung tuyên truyên nâng cao nhận thức của người dân. Bởi lá ngón chỉ là công cụ còn ý thức, nhận thức của người dân mới là điều cốt lõi và chỉ có ý thức của con người mới chiến thắng được những cái chết không đáng có.

 Văn Thông

Các tin khác
Cán bộ thú y huyện Văn Chấn tiêm phòng dại cho đàn chó nuôi ở các hộ gia đình.
(Ảnh: Tiến Lập)

YBĐT - Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Yên Bái có 1.642 trường hợp phơi nhiễm do chó nghi dại cắn. Trong đó: thành phố Yên Bái 102 ca, thị xã Nghĩa Lộ 112 ca, huyện Trấn Yên 108 ca, Văn Yên 232 ca, Lục Yên 335 ca, Yên Bình 122 ca, Văn Chấn 419 ca, Trạm Tấu 43 và Mù Cang Chải 113 ca. Có 2 ca tử vong do chó dại cắn không đi tiêm phòng ở Văn Chấn (1 trường hợp), Văn Yên (1 trường hợp).

Cần có thêm nhiều triển lãm như thế này để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc. Trong ảnh: Các chiến sĩ Điện Biên cùng các cháu thiếu nhi xem Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến thắng Điện Biên Phủ” tại thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Thanh Chi)

YBĐT - Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố Lịch sử không có trong danh sách các môn thi bắt buộc của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm nay thì nhiều người đã chua xót nói rằng lịch sử chính thức bị bỏ rơi. Thực tế, con số đăng kí thi môn này của học sinh rất thấp đã cho thấy phần nào nhận định ấy.

Kiểm tra công tác xử lý chất thải rắn tại Bệnh viện Giao thông Vận tải Yên Bái.

YBĐT - Gây ô nhiễm môi trường nhất hiện nay ở Yên Bái phải kể đến 8 nhà máy sản xuất giấy. Tại các nhà máy này, nguyên liệu sử dụng là tre, vầu, nứa với các loại hóa chất sử dụng gồm: NaOH, phèn, sắt Sulfat, Axit Sulfuric, PAM, PAC và lượng nước sử dụng tùy theo công suất thiết kế của từng nhà máy.

Các bệnh nhân chờ đến lượt uống Methadone ở cơ sở điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

YBĐT - Hơn 8 tháng qua, ngày nào cũng vậy, đúng 7 giờ 30 phút (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, tết…), các cán bộ y, bác sỹ của Cơ sở điều trị (CSĐT) nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh lại mở cửa đón hàng trăm bệnh nhân (BN) nghiện các chất dạng thuốc phiện đến điều trị thay thế bằng Methadone.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục