Khó di dời dân vùng có nguy cơ sạt lở
- Cập nhật: Thứ tư, 21/5/2014 | 9:07:25 AM
YBĐT - Qua điều tra, khảo sát, quy hoạch đến năm 2015, toàn tỉnh Yên Bái phải di dời 3.181 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi ở mới. Đây là biện pháp tốt nhất để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của các hộ dân ở vùng thường xuyên bị thiên tai đe dọa, nhất là vùng phụ lưu 4 ngòi lớn là ngòi Thia, ngòi Hóp, ngòi Lâu và ngòi Lao. Đến nay, đã có 1.385 hộ (đạt 61% so với kế hoạch giai đoạn 2006 - 2013) trong vùng thiên tai đe dọa được bố trí.
Nhiều hộ dân dựng nhà lấy tiền hỗ trợ.
|
Yên Bái hiện có hàng nghìn hộ dân sống trong vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở cần được di dời đến nơi ở mới để đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài. Tuy đã có nhiều dự án di dời người dân vùng sạt lở, ngập lụt được triển khai khá bài bản nhưng do quá xa nơi ở cũ nên nhiều hộ dân không “mặn mà” với nơi ở mới. Có dự án xây dựng cách xa nơi ở cũ từ 3- 4 km với cơ sở hạ tầng yếu kém đã làm ảnh hưởng tới công tác di dời chỗ ở của người dân.
Yên Bái là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có lượng mưa tương đối lớn. Bên cạnh đó, tỉnh có địa hình phức tạp và hệ thống sông ngòi dày đặc, với độ dốc cao nên vào mùa mưa lũ gây ảnh hưởng tới tài sản và tính mạng của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn. Trước thực trạng đó, tỉnh đã xây dựng Đề án tái định cư cho người dân vùng sạt lở, ngập lụt.
Qua điều tra, khảo sát, quy hoạch đến năm 2015, toàn tỉnh phải di dời 3.181 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi ở mới. Đây là biện pháp tốt nhất để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của các hộ dân ở vùng thường xuyên bị thiên tai đe dọa, nhất là vùng phụ lưu 4 ngòi lớn là ngòi Thia, ngòi Hóp, ngòi Lâu và ngòi Lao. Đến nay, đã có 1.385 hộ (đạt 61% so với kế hoạch giai đoạn 2006 - 2013) trong vùng thiên tai đe dọa được bố trí. Trong đó: bố trí sắp xếp tập trung là 1.162 hộ, đạt 58,3%; xen ghép 163 hộ, đạt 71%. Có thể nói, việc sắp xếp hết các hộ theo các vùng, đặc biệt là ở vùng có nguy cơ thiên tai đe dọa là rất lớn.
Theo kế hoạch, trong năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đầu tư xây dựng 6 khu tái định cư với tổng số vốn gần 20 tỷ đồng để di dời khẩn cấp 122 hộ dân sống ở vùng thường xuyên bị thiên tai đe dọa là Dự án di dân thôn Yên Ninh, xã Hưng Thịnh, Dự án di dân thôn Bình Minh, xã Y Can (huyện Trấn Yên), Dự án di dân xã Bạch Hà, Dự án di dân thị trấn Thác Bà, Dự án di dân xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình và Dự án di dân xã Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải.
Tuy đã cơ bản thi công xong cơ sở hạ tầng nhưng người dân vẫn không “mặn mà” đến nơi tái định cư. Đơn cử Dự án di dân thôn Bình Minh bố trí cho 27 hộ đến định cư nhưng vận động mãi mới chỉ có 12 hộ ra ở. Hay Dự án di dân thôn Hồng Sơn, xã Sơn Thịnh bố trí cho 34 hộ đến định cư nhưng nay chỉ có 25 hộ; khu tái định cư thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình bố trí cho 8 hộ dân tái định cư nhưng đến nay chỉ có 4 hộ đến ở…
Nguyên nhân chính là do các khu tái định cư còn nhiều bất cập trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Hầu hết các dự án này chủ yếu mới đầu tư san lấp mặt bằng, làm đường nội bộ, điện lưới, nước sinh hoạt, còn lại người dân đến ở phải tự lực toàn bộ. Nhiều dự án nước sạch, đường đi mới bàn giao đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng. Người dân đến nơi ở mới gặp rất nhiều khó khăn, có người phải quay về để sản xuất, chấp nhận cảnh sống “hai quê”.
Nhiều hộ trong diện di dời nhưng vẫn không đến nhận đất cấp để làm nhà ở. Nhiều người cho rằng, để xây dựng được ngôi nhà ít nhất phải mất gần 100 triệu đồng, trong khi mức hỗ trợ của Nhà nước chỉ có 10 triệu đồng/nhà. Hơn nữa chỗ ở cũ của họ đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh và kiên cố.
Đến nay, Yên Bái mới hoàn thành di chuyển 61% số hộ, còn trên 800 hộ dân vẫn nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai phải di dời trước mùa mưa bão năm 2014. Tuy nhiên, do nhu cầu sắp xếp ổn định dân cư lớn nên việc bố trí vốn cho một số dự án còn dàn trải, dẫn đến một số dự án bị kéo dài, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Việc bố trí dân cư theo hình thức xen ghép khó thực hiện do thiếu quỹ đất. Nhiều hộ di dân tái định cư thôn Tặc Tè, xã Nậm Lành không đến ở. |
Năm 2010, tiếp tục triển khai giai đoạn II với diện tích 4 ha do Ban quản lý dự án xây dựng và đầu tư huyện Văn Chấn làm chủ đầu tư với 105 hộ gia đình được bố trí. Tuy nhiên, đến nay, khu vực này chỉ có 61 hộ gia đình đến ở. Một số hộ đã chuyển đến ở nhưng do không có đất sản xuất đã chuyển về nơi ở cũ. Còn một số gia đình dựng bốn cái cột, mua vài tấm phibrô ximăng lợp lên để lấy tiền hỗ trợ di chuyển.
Anh Lý Văn Phúc - Trưởng thôn Tặc Tè cho biết: “Dự án di dân đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình vùng thiên tai phòng tránh hiểm họa khi mùa mưa bão, đảm bảo cho nhân dân có cuộc sống an toàn, thuận tiện trong đi lại, tạo điều kiện tiếp cận cuộc sống tốt hơn... Tuy nhiên, khu tái định cư không có nước sạch cung cấp cho người dân sinh hoạt. Ngoài ra, hệ thống thoát nước được thi công quá bất cập, rãnh nước thiết kế quá bằng, do vậy, dòng chảy không thông. Một số vị trí mương thoát nước đã bị hỏng, gây ứ đọng mất vệ sinh môi trường”.
Nhiều hộ dân tái định cư thôn Tặc Tè, xã Nậm Lành không đến ở.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Mai Mộng Tuân – Phó giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: “Mục tiêu của tỉnh là tập trung di dời hết số hộ đang sống trong vùng nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến các điểm tái định cư trước mùa mưa lũ, nhưng ngành đã không thể hoàn thành bởi nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân tác động trực tiếp đến quá trình triển khai xây dựng dự án và công tác di dời dân. Đó là nguồn vốn thấp so với nhu cầu đề ra. Với tỉnh Yên Bái, việc huy động nguồn vốn đầu tư từ tỉnh, từ người dân tham gia gặp rất nhiều hạn chế; ở một số địa phương, việc bố trí quỹ đất ở và đất sản xuất cho các hộ dân gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến tiến độ di dân và quy hoạch bố trí dân cư. Để hoàn thành sớm các dự án án di dời dân ở vùng có nguy cơ sạt lở, Chi cục Phát triển nông thôn đã tăng cường cán bộ xuống các địa phương kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhà thầu thi công và tham mưu với chính quyền địa phương chọn các hộ di dời đến nơi ở mới đúng đối tượng, bảo đảm thời gian đề ra”.
Các dự án tái định cư triển khai xây dựng chậm tiến độ, chưa đạt yêu cầu và xa nơi ở cũ đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong diện di dời. Trong năm 2013, tỉnh Yên Bái đã gánh chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản do bão lũ gây ra. Bài học về phòng chống thiên tai vẫn còn nguyên giá trị đối với các ngành, các cấp chính quyền. Thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng dự án tái định cư và di dời người dân ở vùng ngập lụt, sạt lở kịp thời, chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Ở các xã thuộc huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) có một thứ cây dây leo, hoa rất đẹp mang tên Đoạn trường thảo (cây lá ngón). Không như sức sống mãnh liệt của nó, lá ngón khiến người dân trong vùng sợ hãi, khi nó chính là công cụ đắc lực để một số người tìm đến cái chết. Mỗi năm trên địa bàn huyện vùng cao này có hàng chục người dùng lá ngón tự vẫn…
YBĐT - Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Yên Bái có 1.642 trường hợp phơi nhiễm do chó nghi dại cắn. Trong đó: thành phố Yên Bái 102 ca, thị xã Nghĩa Lộ 112 ca, huyện Trấn Yên 108 ca, Văn Yên 232 ca, Lục Yên 335 ca, Yên Bình 122 ca, Văn Chấn 419 ca, Trạm Tấu 43 và Mù Cang Chải 113 ca. Có 2 ca tử vong do chó dại cắn không đi tiêm phòng ở Văn Chấn (1 trường hợp), Văn Yên (1 trường hợp).
YBĐT - Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố Lịch sử không có trong danh sách các môn thi bắt buộc của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm nay thì nhiều người đã chua xót nói rằng lịch sử chính thức bị bỏ rơi. Thực tế, con số đăng kí thi môn này của học sinh rất thấp đã cho thấy phần nào nhận định ấy.
YBĐT - Gây ô nhiễm môi trường nhất hiện nay ở Yên Bái phải kể đến 8 nhà máy sản xuất giấy. Tại các nhà máy này, nguyên liệu sử dụng là tre, vầu, nứa với các loại hóa chất sử dụng gồm: NaOH, phèn, sắt Sulfat, Axit Sulfuric, PAM, PAC và lượng nước sử dụng tùy theo công suất thiết kế của từng nhà máy.