Bảo Tồn di tích và Giáo dục lịch sử địa phương: Cần người "thắp lửa"
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/5/2014 | 1:20:46 PM
YBĐT - Nhà báo Ecetera Nguyễn bước vào công viên, anh gặp một cụ già và hỏi thăm về khu mộ Nguyễn Thái Học thì cụ già này chỉ đúng vị trí phía góc công viên. Ngược lại, đi thêm một đoạn nữa thì gặp một thanh niên và vẫn câu hỏi dành cho cụ già trước đó thì anh thanh niên chỉ tay sang quả gò bên kia hồ và nói rằng mộ của ông Nguyễn Thái Học ở phía bên đó chứ ở đây chỉ là tượng đài.
Nhiều bạn trẻ ở phường Nguyễn Thái Học sau khi đăng ký kết hôn đã đến dâng hương tại Khu di tích Nguyễn Thái Học trong công viên Yên Hòa.
|
Có những công dân Mỹ khi đến Việt Nam đã bày tỏ, nước Mỹ có thể tự hào là một cường quốc kinh tế, quân sự nhưng về lịch sử thì không sánh bằng Việt Nam vì lịch sử nước Mỹ chỉ mới hơn 300 năm, còn Việt Nam thì đã có bề dày hơn 4.000 năm. Cũng vì sự trân trọng lịch sử mà nhà báo Ecetera Nguyễn-người Mỹ gốc Việt khi về Việt Nam làm báo theo chương trình hợp tác với Bộ Ngoại giao khi đến Yên Bái đã làm những phóng sự về các di tích lịch sử tiêu biểu tại thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ để giới thiệu với đồng bào trong và ngoài nước. Nhưng khi xem những clip của anh, thật buồn vì nó cho thấy quá nhiều khoảng trống trong việc bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử cũng như tuyên truyền giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống của chúng ta.
Điểm đầu tiên tại thành phố Yên Bái mà nhà báo Ecetera Nguyễn tìm đến là Khu di tích Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái). Những nhân vật đầu tiên mà anh tiếp xúc đó là hai vợ chồng cụ già bán giải khát ở cổng công viên Yên Hòa. Ông bà chủ quán cho biết, họ bán quán ở đây vừa phục vụ khách qua đường vừa phục vụ những người đến viếng Khu di tích Nguyễn Thái Học. Vậy mà, ngót 40 năm định cư ở Yên Bái cả hai ông bà hầu như hiểu biết quá ít về nhà yêu nước Nguyễn Thái Học.
Đặc biệt, ngồi hàng ngày bên di tích mà cụ ông không biết Khu di tích chính là nơi Pháp đã tử hình Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông. Tiếp đó, nhà báo Ecetera Nguyễn bước vào công viên, anh gặp một cụ già và hỏi thăm về khu mộ Nguyễn Thái Học thì cụ già này chỉ đúng vị trí phía góc công viên. Ngược lại, đi thêm một đoạn nữa thì gặp một thanh niên và vẫn câu hỏi dành cho cụ già trước đó thì anh thanh niên chỉ tay sang quả gò bên kia hồ và nói rằng mộ của ông Nguyễn Thái Học ở phía bên đó chứ ở đây chỉ là tượng đài. Chỉ đến khi đi vào Khu di tích, đọc chữ trên những tấm bia thì nhà báo Mỹ này mới định hình được trong tâm tưởng về nhà chí sĩ yêu nước này.
Điểm tiếp theo mà nhà báo Ecetera Nguyễn tìm đến là di tích Cổng Đục, Đồn Cao vừa được xếp hạng di tích cấp tỉnh cuối năm 2013. Từ đường lớn gần ngã ba bến Âu Lâu lên di tích không hề có một tấm biển chỉ dẫn khiến Ecetera Nguyễn phải hỏi mãi mới lên được di tích. Khi lên đến nơi anh thất vọng vô cùng bởi di tích um tùm cỏ và rác.
Rời di tích này, Ecetera Nguyễn lại đi xuống bến Âu Lâu. Đường xuống bến là một bãi khai thác cát khiến anh không nhận ra đây là Âu Lâu bến cũ nên anh cứ chĩa máy quay vào hai chiếc ca nô ở phía dưới chừng hơn trăm mét sát bờ sông dựng đứng và giới thiệu đây là bến Âu Lâu lịch sử.
Thêm một câu chuyện nữa cũng thật đáng buồn. Đó là khi xem chương trình "Ai là triệu phú" phát sóng sau tết Giáp Ngọ, người dẫn chương trình đưa ra câu hỏi với người chơi: Người Thái ở Tây Bắc thường nói "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc", vậy Mường Lò là địa danh thuộc tỉnh nào trong các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu? Người chơi không trả lời được, phải sử dụng phương án gọi điện cho người thân và câu trả lời ở đầu dây bên kia là thuộc tỉnh Tây Ninh. Không tin tưởng ở phương án trợ giúp này, người chơi sử dụng tiếp phương án trợ giúp của khán giả nhưng cả 3 khán giả đều không chọn đáp án Yên Bái.
Thật đáng tiếc khi đồng bằng Mường Lò lớn thứ nhì Tây Bắc thuộc tỉnh Yên Bái vốn là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp; là vùng văn hóa lâu đời của nhiều tộc người; là điểm nhấn trong chiến dịch giải phóng Tây Bắc 1952; là nơi giàu tiềm năng du lịch lại nằm trên tuyến huyết mạch từ Hà Nội lên Di tích danh thắng cấp quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải rồi lên tỉnh Lai Châu và khu du lịch Sa Pa… mà hiện vẫn chưa thành địa chỉ ấn tượng của vùng Tây Bắc!
Người ở xa chưa hiểu nhiều về địa danh, lịch sử ở Yên Bái thì có thể coi là việc dễ thông cảm nhưng người trong tỉnh, nhất là lớp trẻ không hiểu hoặc không biết nhiều về các di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh nhà thì là điều rất đáng để suy ngẫm. Khi hỏi nhiều học sinh THCS ở địa bàn các phường gần khu trung tâm tỉnh lỵ thuộc thành phố Yên Bái về một số địa danh như Khu di tích Nguyễn Thái Học, bến Âu Lâu, Khu di tích Bác Hồ lên thăm Yên Bái… thì khá nhiều em không biết hoặc chỉ biết lờ mờ. Những di tích khác như Chiến khu Vần - Dọc, đèo Lũng Lô, Di tích khảo cổ học Hắc Y-Đại Cại ở đâu... thì rất nhiều học sinh THPT không trả lời được.
Có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta chưa thực sự quan tâm đến việc giáo dục lịch sử địa phương cho mọi đối tượng công chúng. Thậm chí, các cấp, ngành chuyên môn ứng xử chưa đúng mức với nhiều di tích lịch sử.
Thực tế, chúng ta cũng đã có những làm việc này từ lâu như triển khai Đề án biên soạn và giảng dạy lịch sử địa phương trong trường học và đầu tư nghiên cứu xếp hạng và tu bổ, tôn tạo di tích; tập trung thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; nhiều bạn trẻ ở phường Nguyễn Thái Học, khi đăng ký kết hôn đã đến thắp hương tưởng niệm tại Khu di tích Nguyễn Thái Học; tổ chức du hành đến các địa chỉ đỏ và mới đây nhất, tại đèo Lũng Lô đã tổ chức Ngày hội "Đèo Lũng Lô - Con đường lịch sử" nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và bắt đầu từ dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hoạt động khai thác cát tại bến Âu Lâu cũng đã bị dừng hẳn…
Còn việc chúng ta đã ứng xử đúng mực với nhiều di tích lịch sử hay không quả là một vấn đề cần được nhìn lại. Chẳng hạn, khi xây dựng công viên Yên Hòa, tại sao không chọn một cái tên mang tầm vóc lịch sử hơn như công viên Nguyễn Thái Học. Nếu đặt một cái tên như vậy chắc chắn nó sẽ mang ý nghĩa giáo dục truyền thống hơn nhiều, nhất là ở đây đã có một di tích Nguyễn Thái Học được đầu tư bề thế và cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo năm 1930 không chỉ là mốc son trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc mà nó còn tạo được tiếng vang trên thế giới như nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon đã viết tháng 6 năm 1930: "Yên Bái! Đây là điều nhắc nhở ta rằng, không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ".
Trong chương trình chỉnh trang đô thị của thành phố Yên Bái, công viên Yên Hòa đang được tôn tạo với nhiều thiết chế văn hóa, trong đó có một công trình chứng tích chiến tranh chống Mỹ đã được tỉnh phê duyệt. Bởi vậy, cái tên công viên Nguyễn Thái Học như sự gợi ý của công chúng rất đáng để các cấp, ngành chức năng cùng xem xét.
Bến Âu Lâu lịch sử, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đây là di tích cấp quốc gia mà sao bấy lâu nay vẫn là một một bến khai thác cát để nhiều người không còn nhận ra một bến Âu Lâu kiêu hùng trong kháng chiến? Tại sao lại đặt hàng loạt xe tập kết rác ở đây? Tại sao không dựng một tấm áp phích ghi rõ về lịch sử bến Âu Lâu thay cho tấm biển tuyên truyền bảo vệ rừng vốn không phải là một lĩnh vực quá thiết yếu trên địa bàn thành phố? Sao không đầu tư xây dựng ở đây một khuôn viên sinh thái để dân nghỉ ngơi, vui chơi hóng mát mà nhớ về lịch sử...?
Đồng chí Ngô Thị Chinh-ủy viên Ban Thường vụ, Phó chủ tịch UBND tỉnh trong ngày bến Âu Lâu đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia đã nêu ý kiến yêu cầu các ngành chức năng của thành phố Yên Bái cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục ý nghĩa lịch sử của di tích đối với các tầng lớp nhân dân; tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy toàn diện các giá trị của di tích, quy hoạch tôn tạo khu di tích bảo đảm đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và xứng đáng là nơi giáo dục, rèn luyện và bồi đắp truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Ý kiến của đồng chí Ngô Thị Chinh có thể coi như sự chỉ đạo chung cho các cấp, ngành, địa phương cùng xem lại việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của tất cả các di tích khác trong địa bàn tỉnh để di tích thực sự là điểm đến của công chúng mãi sau này. Bởi vì di tích lịch sử cùng với việc giáo dục truyền thống văn hóa luôn được nhân loại tiến bộ coi là một trong những yếu tố căn bản tạo nên niềm tự hào và hình thành nhân cách, ý chí vươn lên của mỗi quốc gia dân tộc.
Chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong bảo tồn di tích và giáo dục lịch sử địa phương nhưng những gì còn bất cập nói trên vẫn là sự nhắc nhở mỗi cấp, ngành thực sự phải là người 'thắp lửa", tức là phải có nhiều giải pháp hữu hiệu, đồng bộ hơn nữa thì mới tương xứng yêu cầu nhiệm vụ "tiếp lửa" truyền thống cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong tương lai.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Kể từ khi trạm cân kiểm tra tải trọng di động được đặt tại Km 33+100 quốc lộ 70, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố trở nên nhộn nhịp vì xe quá tải chạy “vòng” để lách trạm cân.
YBĐT - Qua điều tra, khảo sát, quy hoạch đến năm 2015, toàn tỉnh Yên Bái phải di dời 3.181 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi ở mới. Đây là biện pháp tốt nhất để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của các hộ dân ở vùng thường xuyên bị thiên tai đe dọa, nhất là vùng phụ lưu 4 ngòi lớn là ngòi Thia, ngòi Hóp, ngòi Lâu và ngòi Lao. Đến nay, đã có 1.385 hộ (đạt 61% so với kế hoạch giai đoạn 2006 - 2013) trong vùng thiên tai đe dọa được bố trí.
YBĐT - Ở các xã thuộc huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) có một thứ cây dây leo, hoa rất đẹp mang tên Đoạn trường thảo (cây lá ngón). Không như sức sống mãnh liệt của nó, lá ngón khiến người dân trong vùng sợ hãi, khi nó chính là công cụ đắc lực để một số người tìm đến cái chết. Mỗi năm trên địa bàn huyện vùng cao này có hàng chục người dùng lá ngón tự vẫn…
YBĐT - Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Yên Bái có 1.642 trường hợp phơi nhiễm do chó nghi dại cắn. Trong đó: thành phố Yên Bái 102 ca, thị xã Nghĩa Lộ 112 ca, huyện Trấn Yên 108 ca, Văn Yên 232 ca, Lục Yên 335 ca, Yên Bình 122 ca, Văn Chấn 419 ca, Trạm Tấu 43 và Mù Cang Chải 113 ca. Có 2 ca tử vong do chó dại cắn không đi tiêm phòng ở Văn Chấn (1 trường hợp), Văn Yên (1 trường hợp).