Gạo hỗ trợ: Những người “không cười”
- Cập nhật: Thứ hai, 26/5/2014 | 2:37:36 PM
YBĐT - Chẳng ai trong số những dân nghèo nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước cười lên được. Đúng là bà con có khó khăn mới nhận gạo cứu đói, hỗ trợ giáp hạt, không ai cố len vào nhận gạo làm gì cả. Còn có những người khác không nhận gạo, chúng tôi thấy họ cũng không cười, đó là những cán bộ địa phương.
Gạo cứu trợ đã về tới gia đình bà Đinh Thị Mong, thôn Khá Thượng 1, xã Thanh Lương.
(Ảnh: Ngọc Sơn)
|
Thời điểm này, gạo hỗ trợ giáp hạt của Nhà nước cho hộ khó khăn ở Văn Chấn đã tới tay người dân. Không xảy ra sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện, gạo về cấp hết ngay trong ngày, đúng đối tượng, phẩm cấp, đủ trọng lượng quy định. Văn Chấn tiếp tục là địa phương tổ chức, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người dân khi khó khăn. Tuy nhiên, nhìn lại mấy năm nay, Văn Chấn vẫn cứ đứng đầu danh sách xin hỗ trợ cứu đói, hỗ trợ gạo thời điểm giáp hạt của Yên Bái.
Hộ nghèo nhận gạo
Chúng tôi đến nhà chị Hoàng Thị Sớm ở thôn Nà Trạng, xã Đồng Khê. Ngôi nhà tuềnh toàng, đúng dáng, đúng diện hộ nghèo. Hỏi gia cảnh, chị Sớm cho biết: tuổi đã 45, con gái lớn đi lấy chồng, con trai đang đi làm thuê, chồng đi cai nghiện. Phó chủ tịch UBND xã Đồng Khê Hoàng Tiến Đầy cùng chúng tôi xuống gian bếp. Gạo hỗ trợ đã về để trong góc và những hạt gạo hỗ trợ đầu tiên trong số 45 kg cho 3 nhân khẩu của gia đình đã được nấu thành cơm trên mâm.
“Nhiều năm nay, nghèo thì nghèo gia đình không xin hỗ trợ gạo” - chủ nhà nói vậy. Cái nguyên do mà đợt giáp hạt này chị Sớm được bà con trong thôn “bầu” vào diện cần hỗ trợ đơn giản vì thiếu ăn quá. Vì sao thiếu ăn? 1.000 m2 ruộng cấy kia chưa cho gặt, làm thuê vụ này tiền công kiếm được ít, có gặt thì cũng trả nợ hết vì đã vay để ăn trước mùa. Không ngồi mà đứng nói chuyện, chủ nhà bày tỏ: “1.000 m2 ruộng vụ mùa năm ngoái em chỉ thu được ... hai bao thóc. Sâu bệnh, giống có vấn đề hay sao ấy mà mất mùa, cả làng này, xã này thế!”.
Trò chuyện một hồi, xem vườn, xem chuồng, chúng tôi thấy nhà chị chẳng nuôi trồng thêm cây, con gì. Đất vườn toen hoen, bạc phếch, chuồng lợn trống không. Chủ nhà nói về chuyện cấp nhận gạo: “Thôn bình xét em lên, xã duyệt đưa lên huyện. Nhà em 3 khẩu, bình quân 15.000 kg, tổng số gạo nhận là 45 kg. Gạo về sáng 12/5/2014, thôn báo về, bà con lên nhận đủ, em đem gạo về ngay trong chiều”.
Chị Hoàng Thị Sớm - Thôn Nà Trạng, xã Đồng Khê nhận gạo hỗ trợ giáp hạt của Nhà nước ngay trong ngày 12/5/2014.
Phó chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Đồng Khê có 556 khẩu nhận gạo hỗ trợ giáp hạt năm 2014, tổng số 8,3 tấn. Xã có 393 hộ nghèo. Cũng như dạo cấp gạo cứu đói tết Nguyên đán 2014, kỳ giáp hạt này gạo hỗ trợ về đủ 14 thôn. Thôn ít nhất có hai hộ là thôn Phố 2, thôn nhiều là Thác Vác có 10 hộ, 38 khẩu, nhận 570 kg”.
Lý do chủ yếu, vẫn là thiếu ăn do năm ngoái mất mùa. Theo ông Đầy, cả vùng này mất mùa chứ chẳng riêng Đồng Khê. Còn về hỗ trợ gạo, ông cho biết đã làm thành quen, đúng nguyên tắc, quy định, Đồng Khê kiên quyết không để sai sót, tiêu cực xảy ra. “Không thể làm ẩu, làm sai quy định chính sách được. Chỉ khó là cứ mất mùa là lại đói!”.
Khi về xã Thanh Lương, Phó chủ tịch UBND xã Hà Văn Đoàn cũng xác nhận thông tin vụ mùa năm 2013 mất to. Thanh Lương mất mùa do thiên tai, cụ thể là mưa lớn đêm 30/4/2013, xã hỏng 40/168 ha lúa, cộng sâu bệnh, giống má không ổn định mất 10 ha nữa, tổng cộng mất 50 ha/năm. 50 ha này, rơi vào hộ nào thì hộ đó chỉ có đói và đúng là đói ăn thật. Cả xã Thanh Lương, vụ cứu đói tết Nguyên đán 2014 có 144 khẩu xin cứu đói và đã nhận 2.100 kg gạo của Nhà nước. Kỳ giáp hạt này, có 226 hộ, 65 hộ xin hỗ trợ gạo, tổng số 3.390 kg.
Trong số 7.328 nhân khẩu nhận gạo hỗ trợ giáp hạt của Văn Chấn vừa qua, có những hộ nghèo bởi hoàn cảnh quá éo le, nếu không có sự quan tâm của Nhà nước, tỉnh, huyện thì khó có thể duy trì cuộc sống chứ chưa nói đến thoát nghèo. Chúng tôi đến nhà chị Đinh Thị Mong ở bản Khá Thượng 1, xã Thanh Lương. Chị Mong sinh năm 1968 nhưng nhìn như bà lão. Chị bị tàn tật, là chủ hộ của gia đình có 5 khẩu, trong đó có một mẹ già và hai con tàn tật (bị bệnh xương thủy tinh).
Khó có thể nói gì khi tận mắt chứng kiến gia cảnh chị.Tết Nguyên đán 2014, Nhà nước đã hỗ trợ cứu đói 5 khẩu nhà chị, tổng số 75 kg gạo, vụ giáp hạt này cũng số khẩu đó nhận hỗ trợ 75 kg nữa. Thanh Lương có nhiều hộ phải nhận gạo cứu đói tết và hỗ trợ giáp hạt. Hầu hết là hộ nghèo, độc thân và do ... mất mùa. Gạo hỗ trợ giáp hạt ở Thanh Lương về sáng ngày 12/5/2014, tới 10 giờ sáng đã phát đủ tới tay người dân. Không có trường hợp nào kêu ca, khiếu nại thiếu thừa, sai đối tượng.
Làm việc với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, chúng tôi ghi nhận Văn Chấn đã hoàn thành cấp gạo hỗ trợ giáp hạt của Nhà nước đúng kế hoạch. Gạo hỗ trợ đã về bếp của nông dân. 109.920 kg gạo đã tới tay 7.328 nhân khẩu ở 31 xã, thị trấn của huyện. Như xã Bình Thuận - một trong những xã vùng ngoài với thế mạnh cây chè, rừng kinh tế và chăn nuôi, kỳ giáp hạt này cũng có 285 nhân khẩu ở 93 hộ xin hỗ trợ với tổng số 4.425 kg.
Những người không cười
Chẳng ai trong số những dân nghèo nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước cười lên được. Đúng là bà con có khó khăn mới nhận gạo cứu đói, hỗ trợ giáp hạt, không ai cố len vào nhận gạo làm gì cả. Còn có những người khác không nhận gạo, chúng tôi thấy họ cũng không cười, đó là những cán bộ địa phương.
Trên gương mặt anh em đầy trăn trở. Chủ tịch UBND xã Thanh Lương đang bận đi học, Phó chủ tịch UBND Hà Văn Đoàn tiếp chúng tôi trong băn khoăn khôn tả: “Mang tiếng nằm trong vựa lúa Mường Lò nhưng nông dân Thanh Lương vẫn nghèo lắm, mùa gặt tạm no, ngơi ra là thiếu ăn ngay. Chòng chọc mấy trăm mét ruộng, làm hai vụ, cấy lúa chất lượng cao rồi nhưng chưa có nhiều người khá lên. Nuôi con này con nọ phải có vốn, phải tu chí làm ăn, cái này không phải bà con nào cũng có. Dân Thanh Lương đi làm thuê, kiếm tiền ngoài đồng rộng, vườn nhà khá nhiều. Chính quyền đã cố gắng nhưng cũng chưa làm cho dân no, xã thoát nghèo nhanh được”.
Văn Chấn đã hoàn thành cấp gạo hỗ trợ giáp hạt của Nhà nước đúng kế hoạch. Gạo hỗ trợ đã về bếp của nông dân. 109.920 kg gạo đã tới tay 7.328 nhân khẩu ở 31 xã, thị trấn của huyện. Như xã Bình Thuận - một trong những xã vùng ngoài với thế mạnh cây chè, rừng kinh tế và chăn nuôi, kỳ giáp hạt này có 285 nhân khẩu ở 93 hộ xin hỗ trợ với tổng số 4.425 kg. Rõ là từ chuyện gạo cứu đói, gạo hỗ trợ giáp hạt, đang đặt lên vai những cán bộ, từ thôn bản, xã, thị trấn đến cấp huyện trách nhiệm rất nặng nề. |
Ở Đồng Khê, Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Tiến Đầy cũng “đói” nụ cười khi nói chuyện về cái khó, cái nghèo. Anh cán bộ lao động - thương binh và xã hội sau chừng nửa giờ đồng hồ tổng hợp cho chúng tôi mấy con số so sánh sau: tết Nguyên đán năm 2012, xã có 114 khẩu phải hỗ trợ gạo cứu đói, năm 2013 là 131 khẩu, năm nay là 11 khẩu; giáp hạt năm 2012 không có khẩu nào xin hỗ trợ gạo thì năm 2013 có 226 khẩu, năm 2014 tăng lên 330 khẩu. Tổng số gạo hỗ trợ của Nhà nước trong ba năm qua cho Đồng Khê là 19 tấn. Đồng Khê tới nay vẫn là xã nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông nghiệp nông thôn bước đầu có kết quả nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Về tiềm năng, thế mạnh của xã là rừng, chè, chăn nuôi, nhưng vấn đề mà Đồng Khê gặp phải là thiếu “cú huých” cần thiết từ phía doanh nghiệp để đầu tư, liên kết làm ăn, tiêu thu sản phẩm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn sang làm ăn phi nông nghiệp. 14 thôn của xã chủ yếu là thuần nông, 1.000 ha rừng, 120 ha chè, cộng với chăn nuôi, dịch vụ đều mang tính nhỏ lẻ, thiếu liên kết, khó khăn khi tiêu thụ, lao động nhàn rỗi nhiều, một bộ phận người dân cứ giáp hạt là thiếu ăn.
Cần một "cú huých"
Lúc này, cánh đồng Mường Lò đang vào mùa gặt. Nhưng không phải nông dân nào gặt lúa về cũng được ăn cả, nhiều người trong số đó phải bán trả nợ. Rõ là từ chuyện gạo cứu đói, gạo hỗ trợ giáp hạt, đang đặt lên vai những cán bộ, từ thôn, bản, xã, thị trấn đến cấp huyện trách nhiệm rất nặng nề.
Mấy năm qua, nhiều kế sách làm ăn đã và đang được triển khai, bước đầu có kết quả, hiệu quả ở Văn Chấn. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từng năm, báo cáo về thành tích giảm nghèo, phát triển kinh tế mỗi năm một dày thêm nhưng nguy cơ tái nghèo ở một bộ phận nhân dân, giảm nghèo không bền vững đang hiện hữu rất rõ trong từng ngôi nhà, bản làng của Văn Chấn.
Trong nhiều kế sách xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lao động nông thôn, dường như cái Văn Chấn đang rất thiếu và còn loay hoay là làm sao kéo được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Chúng tôi cho rằng, đây là vấn đề cấp ủy, chính quyền địa phương nên tập trung tìm biện pháp tháo gỡ, để xoay chuyển nhanh hơn tình hình.
Nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Sơ kết 3 năm xây dựng nông thôn mới, chỉ có đưa doanh nghiệp vào nông thôn, đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn mới thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập phi nông nghiệp cho nông dân.
Quốc Khánh
Các tin khác
YBĐT - Nhà báo Ecetera Nguyễn bước vào công viên, anh gặp một cụ già và hỏi thăm về khu mộ Nguyễn Thái Học thì cụ già này chỉ đúng vị trí phía góc công viên. Ngược lại, đi thêm một đoạn nữa thì gặp một thanh niên và vẫn câu hỏi dành cho cụ già trước đó thì anh thanh niên chỉ tay sang quả gò bên kia hồ và nói rằng mộ của ông Nguyễn Thái Học ở phía bên đó chứ ở đây chỉ là tượng đài.
YBĐT - Kể từ khi trạm cân kiểm tra tải trọng di động được đặt tại Km 33+100 quốc lộ 70, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố trở nên nhộn nhịp vì xe quá tải chạy “vòng” để lách trạm cân.
YBĐT - Qua điều tra, khảo sát, quy hoạch đến năm 2015, toàn tỉnh Yên Bái phải di dời 3.181 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi ở mới. Đây là biện pháp tốt nhất để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của các hộ dân ở vùng thường xuyên bị thiên tai đe dọa, nhất là vùng phụ lưu 4 ngòi lớn là ngòi Thia, ngòi Hóp, ngòi Lâu và ngòi Lao. Đến nay, đã có 1.385 hộ (đạt 61% so với kế hoạch giai đoạn 2006 - 2013) trong vùng thiên tai đe dọa được bố trí.
YBĐT - Ở các xã thuộc huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) có một thứ cây dây leo, hoa rất đẹp mang tên Đoạn trường thảo (cây lá ngón). Không như sức sống mãnh liệt của nó, lá ngón khiến người dân trong vùng sợ hãi, khi nó chính là công cụ đắc lực để một số người tìm đến cái chết. Mỗi năm trên địa bàn huyện vùng cao này có hàng chục người dùng lá ngón tự vẫn…