Hướng mở cho xử lý rác thải nông thôn

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/5/2014 | 2:29:45 PM

YBĐT - Những địa phương như thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Yên Bình nằm trong địa bàn quy hoạch thu gom rác thải của Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất phân vi sinh hữu cơ tại xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái) cần khai thác triệt để lợi thế của Nhà máy này.

Rác thải vứt bừa bãi ở khu chợ xã Minh Quân (Trấn Yên).
Rác thải vứt bừa bãi ở khu chợ xã Minh Quân (Trấn Yên).

Chị Chiến - chủ quán nước ở thôn Gò Bông, xã Minh Quân (huyện Trấn Yên) ngán ngẩm: “Khổ lắm, rác thải sinh hoạt hàng ngày ở đây người dân tiện đâu vứt đó anh ạ! Dọc ven sông, ven đường, bên những bờ tre, chỗ nào cũng thấy rác. Có khi hàng trăm con gà bị chết dịch hộ chăn nuôi cho hết vào tải ném xuống sông”.

Xung quanh khu trung tâm xã, dọc bờ sông Hồng, ven quốc lộ 32C chỗ nào cũng thấy rác vứt bừa bãi, nhất là khu vực chợ Minh Quân với đủ thứ rác ngập ngụa khắp chợ. Đến trung tâm xã Báo Đáp - nơi có mật độ dân cư khá đông, có chợ, có ga tàu, có bến đò kết nối với một số xã bên kia sông thuộc huyện Văn Yên với nhịp sống khá sôi động và là một xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhưng vấn nạn rác thải sinh hoạt cũng đã đến hồi... bức xúc! Ngay đầu khu trung tâm xã, nhiều bà con chỉ cho chúng tôi xem những đống rác được vứt bừa bãi ngay tại điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ đi vào thôn 10.

Lên gần UBND xã, bác Phan Thị Lộc ở thôn 3 cũng không ngại ngần phản ánh việc nhiều người đã biến chân cầu ngòi Hóp thành hố rác công cộng - nơi chỉ cách trụ sở UBND xã Báo Đáp chừng 50 mét.

Tương tự như Minh Quân, Báo Đáp, nhiều người dân ở thị trấn Thác Bà (huyện Yên Bình) cũng vứt rác bừa bãi ra ven đường và nhiều nhất là ném xuống ven bờ và lòng sông Chảy. Tình trạng rác thải sinh hoạt được xả thải bừa bãi ở một số địa phương trên cũng là thực trạng của hầu hết những khu vực đông dân cư ở vùng nông thôn hiện nay.

Nguyên nhân nào khiến rác thải sinh hoạt xả thải một cách bừa bãi như vậy? Ông Lê Đức Bắc - Chủ tịch UBND xã Minh Quân thừa nhận, tình trạng xả rác bừa bãi ra môi trường là vấn đề tồn tại từ lâu của địa phương. Từ trước đến nay, xã cũng chưa có biện pháp xử lý triệt để vấn đề này ngoài vận động bà con đào hố thu gom và tự xử lý rác. Ngay cả bây giờ, khi xã đã quy hoạch bãi rác thì cũng chưa tìm được biện pháp thu gom.

Còn ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp cho biết, địa phương có điều kiện thuận lợi là liền kề với bãi rác của huyện, xã cũng tổ chức thu gom rác thải từ mấy năm nay nhưng đã phải dừng lại. Trong số những nguyên nhân phải dừng lại có nguyên nhân chính là tiền thu phí môi trường không đủ để thuê xe và nhân công thu gom rác đến nơi tập kết. Còn ở thị trấn Thác Bà, nguyên nhân chính là do thị trấn vẫn chưa quy hoạch được bãi rác.

Liệu có hạn chế được tình trạng rác xả thải bừa bãi ở vùng nông thôn? Thực tế, có nhiều giải pháp hạn chế tình trạng này. Vùng nông thôn phần lớn dân cư sống phân tán, đất rộng nên hầu hết các hộ vẫn có thể đào hố thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Tập quán sinh hoạt của bà con ở những nơi thưa dân vẫn phổ biến hình thức tự cung tự cấp về lương thực, thực phẩm nên các phế thải này phần lớn được chuyển làm thức ăn chăn nuôi.

Những rác thải còn lại chủ yếu là thực vật nên rất dễ phân hủy. Áp lực về rác thải sinh hoạt chủ yếu tập trung vào các khu vực đông dân cư như: thị trấn, thị tứ, trung tâm xã, đầu mối giao lưu giữa các địa phương... Ở những nơi này nhất thiết phải quy hoạch bãi rác và tổ chức thu gom rác. Nếu không làm được việc đó thì dù có tuyên truyền thế nào cũng rất khó xử lý triệt để vấn đề rác thải nông thôn.

Bên cạnh quy hoạch bãi rác, cần tiến hành thu phí môi trường ở những nơi đông dân cư. Đây là việc làm không mấy khó khăn bởi trước hết, đông đảo người dân rất sẵn sàng nộp phí để được thu gom rác thải.

Chân cầu Hóp, cách trụ sở UBND xã Báo Đáp khoảng 50m, đã trở thành hố rác công cộng. 

Theo ông Phan Thanh Nghị - Phó chủ tịch UBND xã Văn Phú (thành phố Yên Bái), tuy chưa thu phí môi trường và tổ chức thu gom rác thải nhưng dân cư trong xã ở khá tập trung, đường giao thông thuận lợi. Nếu thu phí môi trường ở mức từ 10 đến 15 nghìn đồng/tháng thì trên 300/500 hộ dân của xã sẽ đóng góp. Nguồn kinh phí này vừa bảo đảm để tự tổ chức thu gom rác thải, vừa giải quyết được việc làm cho một số lao động và khi đã thu phí, chắc chắn mọi người sẽ nâng cao ý thức, thu gom rác thải đúng nơi quy định.  

Ở những xã, phường vùng ven của thành phố Yên Bái đã thực hiện thu gom rác thải nên triển khai đồng bộ tới tất cả những nơi có điều kiện thu gom, tránh tình trạng như ở xã Tuy Lộc có những thôn như Bái Dương, mật độ dân cư khá đông, đường bê tông thuận tiện nhưng không tổ chức được việc thu gom rác nên nhiều người vẫn tùy tiện vứt rác ra ven đường, bờ đê.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Ninh Thuận, xã Nga Quán (huyện Trấn Yên), cùng trên tuyến đường Yên Bái - Khe Sang mà địa phận của xã Tuy Lộc được thu gom rác thải còn thôn mình thì không. Vẫn biết Nga Quán và Tuy Lộc thuộc hai địa phương khác nhau nhưng nếu đơn vị thu gom rác thải linh hoạt hơn trong thực hiện nhiệm vụ thì có thể khắc phục được những khó khăn trong thu gom rác thải cho Nga Quán. Bởi, đoạn đường từ thuộc thôn Ninh Thuận lên bãi tập kết rác của xã Nga Quán chỉ chưa đầy cây số. Nhiều người ở thôn Bái Dương, thôn Ninh Thuận… cũng cho rằng, ở nông thôn hiện rất cần được đầu tư những thùng đựng rác đặt tại những điểm thuận tiện trong khu dân cư. Rác thải ở địa bàn này cũng không nhất thiết phải thu gom theo từng ngày như ở thành phố để vừa tránh không lãng phí nhân lực vừa phù hợp với điều kiện đóng góp lệ phí.

Những địa phương như thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Yên Bình nằm trong địa bàn quy hoạch thu gom rác thải của Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất phân vi sinh hữu cơ tại xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái) cần khai thác triệt để lợi thế của Nhà máy này. Được biết, nhà máy có công suất xử lý 200 tấn rác/ngày nhưng lượng rác thu gom mỗi ngày mới chỉ đạt khoảng trên trăm tấn. Bán kính thu gom rác từ Nhà máy ra xung quanh đạt cự ly trên 30 km trở lại vì đường giao thông khó khăn. Nguồn kinh phí thu gom rác được Nhà máy huy động từ phí môi trường do nhân dân đóng góp.

Với cách làm này, tỉnh sẽ giảm chi phí trả lương cho công nhân, kinh phí đầu tư phương tiện, máy móc, hóa chất và các chi phí phát sinh khác trong thu gom và xử lý rác thải. Do đó, tỉnh nên phối hợp với Nhà máy xử lý rác thải tăng cường các giải pháp phối hợp hữu hiệu trong vấn đề này. Hình thành cơ chế hỗ trợ tài chính để đầu tư phương tiện thu gom rác, tạo nên tuyến và các điểm trung chuyển rác thải vùng nông thôn. Đầu tư cải tạo đường từ cảng Hương Lý đi Khu công nghiệp phía Nam để hoạt động sản xuất công nghiệp cũng như việc thu gom rác theo hướng từ thị trấn Yên Bình về Nhà máy xử lý rác thải được thuận tiện, không phải đi vòng ra Km 4 thành phố Yên Bái rồi xuống Văn Tiến khiến khoảng cách xa gấp nhiều lần, làm hạn chế đến năng lực thu gom rác.

Đồng thời, với những giải pháp nêu trên, công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường nông thôn cần được tăng cường theo hướng đa dạng, thiết thực; chú trọng tìm hiểu và đầu tư những mô hình, công nghệ xử lý rác thải hoặc sơ chế rác theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm như nhiều địa phương trong nước đang áp dụng.

Ông Phan Thanh Nghị - Phó chủ tịch UBND xã Văn Phú (thành phố Yên Bái):

“Theo tôi, việc thu phí môi trường và thu gom rác thải ở những nơi đông dân cư có thể tiến hành được. Tuy nhiên, ở cơ sở vẫn rất cần sự đầu tư, hướng dẫn của cấp trên để rác thải được thu gom thuận tiện khi đưa về cơ sở chế biến”.

 

 

 

 

 

 

 

Ông Nguyễn Văn Yên - thôn Bái Dương, xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái):

“Chúng tôi sẵn sàng đóng góp phí môi trường để được thu gom rác thải. Bởi vì, môi trường sạch người dân chúng tôi trực tiếp được hưởng lợi”.

Hữu Hà

Các tin khác
Gạo cứu trợ đã về tới gia đình bà Đinh Thị Mong, thôn Khá Thượng 1, xã Thanh Lương.
(Ảnh: Ngọc Sơn)

YBĐT - Chẳng ai trong số những dân nghèo nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước cười lên được. Đúng là bà con có khó khăn mới nhận gạo cứu đói, hỗ trợ giáp hạt, không ai cố len vào nhận gạo làm gì cả. Còn có những người khác không nhận gạo, chúng tôi thấy họ cũng không cười, đó là những cán bộ địa phương.

Nhiều bạn trẻ ở phường Nguyễn Thái Học sau khi đăng ký kết hôn đã đến dâng hương tại Khu di tích Nguyễn Thái Học trong công viên Yên Hòa.

YBĐT - Nhà báo Ecetera Nguyễn bước vào công viên, anh gặp một cụ già và hỏi thăm về khu mộ Nguyễn Thái Học thì cụ già này chỉ đúng vị trí phía góc công viên. Ngược lại, đi thêm một đoạn nữa thì gặp một thanh niên và vẫn câu hỏi dành cho cụ già trước đó thì anh thanh niên chỉ tay sang quả gò bên kia hồ và nói rằng mộ của ông Nguyễn Thái Học ở phía bên đó chứ ở đây chỉ là tượng đài.

Xe tải trọng lớn đi qua đường Nguyễn Đức Cảnh để né trạm cân. (ảnh chụp lúc 23 giờ ngày 19/5).

YBĐT - Kể từ khi trạm cân kiểm tra tải trọng di động được đặt tại Km 33+100 quốc lộ 70, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố trở nên nhộn nhịp vì xe quá tải chạy “vòng” để lách trạm cân.

Nhiều hộ dân dựng nhà lấy tiền hỗ trợ.

YBĐT - Qua điều tra, khảo sát, quy hoạch đến năm 2015, toàn tỉnh Yên Bái phải di dời 3.181 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi ở mới. Đây là biện pháp tốt nhất để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của các hộ dân ở vùng thường xuyên bị thiên tai đe dọa, nhất là vùng phụ lưu 4 ngòi lớn là ngòi Thia, ngòi Hóp, ngòi Lâu và ngòi Lao. Đến nay, đã có 1.385 hộ (đạt 61% so với kế hoạch giai đoạn 2006 - 2013) trong vùng thiên tai đe dọa được bố trí.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục