Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới:

Bài 1: Những gam màu sáng - tối

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/5/2014 | 8:39:29 AM

YBĐT - Trải qua nhiều giai đoạn thịnh - suy nhưng sau gần 55 năm hình thành và phát triển, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã (HTX) ở Yên Bái đã có nhiều đóng góp trong quá trình, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Người dân mua phân bón tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Nghĩa An (thị xã nghĩa Lộ).
Người dân mua phân bón tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Nghĩa An (thị xã nghĩa Lộ).

Đặc biệt, trong công cuộc phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới như hiện nay thì vai trò của các HTX, nhất là các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp hết sức quan trọng, bởi các đơn vị này vừa trực tiếp tham gia hỗ trợ để hoàn thiện các tiêu chí vừa là công cụ phát huy nội lực rất hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể, bên cạnh những chuyển biến, những nét tích cực thì hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc...

Thăng trầm

So với nhiều nơi, mô hình kinh tế HTX ở Yên Bái hình thành muộn hơn. Mãi đến năm 1959, Yên Bái mới xuất hiện các tổ đổi công hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, rồi từ đó hình thành hàng trăm tổ đổi công ở các lĩnh vực khác nhau. Tiếp đó, những năm 1960 - 1961, trên địa bàn toàn tỉnh hình thành nhiều hợp tác xã qui mô cấp thôn. Đặc biệt, bước sang giai đoạn 1965-1966, khi đế quốc Mỹ thực hiện chiến tranh leo thang ra miền Bắc, các HTX qui mô thôn đã tiến hành liên kết, hợp nhất thành các HTX qui mô xã.

Có thể nói, đây chính là thời kỳ “hoàng kim” của kinh tế hợp tác. Chỉ trong một thời gian ngắn, các HTX, tổ hợp tác liên tục được xây dựng và đi vào hoạt động ở hầu hết các xã trên địa bàn (80-90% xã có HTX). Thời này, sự hưng thịnh của HTX gắn liền với âm thanh quen thuộc của những tiếng kẻng ở từng bản làng, ngõ xóm.

Có thể nói, sự phát triển nhanh chóng của HTX trong giai đoạn này đã có nhiều đóng góp cho công cuộc giải phóng dân tộc và sự phát triển của đất nước. Khu vực HTX đã huy động được các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ; cải thiện một bước đời sống, bộ mặt nông thôn và kết cấu hạ tầng của địa phương. Nổi bật trong số này phải kể đến các HTX như: HTX Nông nghiệp Báo Đáp (Trấn Yên), HTX Nông nghiệp Bảo Ái (Yên Bình), HTX Phù Nham (Văn Chấn)…

Tuy nhiên, bước sang những năm cuối thập kỷ 80, đầu 90 của thế kỷ trước hoạt động của các HTX dần suy giảm về chất lượng, sau đó thoái trào về số lượng. Đây là thời kỳ khó khăn nhất của hoạt động kinh tế HTX, số lượng HTX giảm nhanh. Bởi từ năm 1986, nước ta chuyển từ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc coi trọng, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ, kinh tế tư nhân đã làm giảm vai trò, lợi thế cũng như bộc lộ sự yếu kém của mô hình HTX kiểu cũ. Năm 1996, Luật HTX đầu tiên ra đời đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của HTX chuyển từ mô hình HTX  kiểu cũ (mang tính hành chính bao cấp) sang mô hình HTX kiểu mới (mang tính tự chủ, thị trường).

Mặc dù vậy, đa phần các HTX lại rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ” nên hoạt động cũng không có nhiều chuyển biến. Bước sang giai đoạn từ năm 2004 đến nay, đặc biệt là sau khi Luật HTX 2003 sửa đổi và Luật HTX 2012 được thông qua đã đánh dấu sự phục hồi và phát triển mạnh về số lượng và chất lượng của các HTX. Đến lúc này, các HTX mới chính thức hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm. Từ đó, các HTX tham gia ngày càng sâu rộng vào nhiều lĩnh vực. Đến nay, sau gần 55 năm, các HTX trên địa bàn tỉnh đã có những phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.

Những khoảng sáng

Tính đến đầu tháng 4/2014, toàn tỉnh có 331 HTX với trên 60 ngàn thành viên, người lao động. Các HTX phát triển rộng khắp ở 9 huyện, thị, thành phố ở cả vùng sâu, vùng xa, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và điều hòa các quan hệ về sở hữu và lợi ích kinh tế, đóng góp vào GDP và ngân sách ngày càng tăng.

Chỉ tính riêng năm 2013, doanh thu các HTX đạt 799,6 tỷ đồng (tăng gấp 6 lần so với năm 2004); nộp ngân sách trên 17,7 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với 10 năm trước. Khu vực kinh tế tập thể đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 6.500 lao động có thu nhập ổn định, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo trong nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn liền với quá trình hình thành và phát triển trên, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang tạo nên diện mạo mới cho nhiều vùng quê và đời sống của các xã viên, người lao động.

Theo ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên Minh HTX tỉnh, hiện toàn tỉnh có 132 HTX nông nghiệp với trên 462 tổ hợp tác và gần 2.000 thành viên cũng như khoảng 5.651 lao động. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do biến động của thị trường nhưng nhiều HTX vẫn duy trì và tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn được vốn. Đặc biệt, qua liên doanh, liên kết, nhiều HTX tìm được thị trường mới, tiếp thu khoa học, đầu tư công nghệ tiên tiến, tạo ra những sản phẩm có chất lượng như: phân nén dúi sâu của HTX Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), tinh dầu quế của HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm (Văn Yên), than sinh học của HTX Vương Giang (Văn Chấn)...

Nhìn chung, các HTX đã làm tốt các khâu dịch vụ đầu vào cho bà con nông dân như vật tư, giống, phân bón và bao tiêu một phần sản phẩm đầu ra, tạo việc làm và thu nhập cho hộ xã viên, người lao động, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo trong nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Chính điều này đã góp phần tạo nên những chuyển biến sâu sắc trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua.

Kết thúc năm 2013, toàn tỉnh xây dựng được 30 mô hình sản xuất, tạo sự chuyển biến tích cực về sản xuất hàng hóa, từng bước hình thành sự liên kết giữa người dân với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, số địa phương đạt từ 5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trở lên là 60 xã, trong đó từ 10 tiêu chí trở lên là 10 xã. Sản lượng vật nuôi, cây trồng, nhất là sản lượng lương thực có hạt  đạt 283.660 tấn, cao nhất từ trước đến nay.

...Và những gam màu tối

Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể, bức tranh HTX vẫn còn những gam màu tối. Đặc biệt là hiệu quả, vai trò của các HTX nông nghiệp đối với xã viên, địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí, nhiều HTX đến nay còn là “gánh nặng” của địa phương. Để “mục sở thị” vấn đề này, chúng tôi tìm đến HTX Dịch vụ nông nghiệp phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ) - một HTX được coi là yếu kém hiện nay. Qua tìm hiểu, HTX này đã dừng hoạt động gần 10 năm. Trụ sở của HTX nay đã xập xệ, xuống cấp.

Trao đổi về thực trạng này, ông Bùi Văn Luận-Chủ tịch UBND phường Pú Trạng chỉ biết thở dài: “Được thành lập từ năm 1997, với vốn điều lệ sau chuyển đổi là 77 triệu đồng, HTX Dịch vụ nông nghiệp Pú Trạng được sử dụng 482,2m2 đất để xây dựng trụ sở. Tuy nhiên, do hoạt động kém hiệu quả, đến tháng 3/2006 HTX đã dừng hoạt động”.

Theo báo cáo của Phòng Tài chính -Kế hoạch Nghĩa Lộ, hiện toàn thị xã có 7 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng chỉ có duy nhất HTX Nghĩa An là hoạt động hiệu quả, còn lại gần như đã dừng hoạt động. Được biết, thực trạng của các HTX tại thị xã Nghĩa Lộ cũng là đặc điểm chung của khá nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay. Cụ thể, theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có tới 32 HTX nông nghiệp yếu kém. Đây chủ yếu đều là các HTX hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, do vốn ít, bộ máy quản lý hạn chế, thiếu năng động... dẫn đến hiệu quả hoạt động của HTX thấp, rồi dừng hoạt động.

Vậy là sau hàng chục năm, nhiều địa phương danh nghĩa là có HTX nhưng thực tế mọi hoạt động dịch vụ vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật đều do UBND các xã, thị trấn đảm nhiệm. HTX chỉ tồn tại trên hình thức chứ không đóng góp một vai trò nào đối với địa phương. Còn người dân tuy vẫn mang danh là xã viên HTX nhưng thực tế không được hưởng một lợi ích gì. Thậm chí, đến nay, nhiều HTX mặc dù đã dừng hoạt động nhưng vẫn còn nợ đọng hàng trăm triệu đồng. Và cũng do còn nợ đọng về vốn, tài sản nên nhiều HTX ở nhiều địa phương chưa tiến hành giải thể được.

Đi sâu tìm hiểu, thực tế hoạt động và vai trò của các HTX nông nghiệp được phân loại trung bình (48) và hiệu quả (50) cũng không “rõ nét”. Đa phần các HTX này mới chỉ dừng lại ở việc cung ứng dịch vụ đầu vào cho xã viên, còn hoạt động bao tiêu sản phẩm tại chỗ gần như “bỏ ngỏ”.

Đơn cử như các HTX: An Sơn (Hạnh Sơn, Văn Chấn), Dịch vụ tổng hợp Tân Nguyên (Yên Bình), An Bình Minh (Văn Yên)… Thậm chí, ngay cả đến HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nghĩa An (xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ) - một HTX được coi là hoạt động hiệu quả hiện nay với lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm, đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh công tác phúc lợi, chăm lo đời sống cho xã viên nhưng thực tế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX mới chỉ dừng lại ở việc cung ứng các dịch vụ sản xuất nông nghiệp như: dịch vụ vật tư nông nghiệp, dịch vụ làm đất nông nghiệp, dịch vụ thú y… theo hình thức ứng trước trả sau chứ chưa thực hiện được việc bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con xã viên. Bên cạnh đó, hiện nay đa phần qui mô của các HTX nông nghiệp tương đối nhỏ, mỗi HTX chỉ có bình quân từ vài đến vài chục xã viên nên hiệu quả, vai trò đối với người dân chưa cao.

 

Trụ sở HTX Nông nghiệp Pú Trạng giờ đây đã được một người dân thuê lại để bán hàng tạp hóa.

Ông Hoàng Văn Toàn - Trưởng phòng Kinh tế tập thể, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Nhiều HTX nông nghiệp chỉ tập trung cung ứng các loại vật tư: giống, phân bón, thuốc trừ sâu... còn mọi hoạt động sản xuất từ cơ cấu giống, lịch thời vụ, chăm sóc đều do xã viên mạnh ai nấy làm. Điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất kém, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp. Vai trò của HTX nông nghiệp đối với xã viên, người lao động trở nên mờ nhạt”. Chính vì vậy, theo thống kê, đến nay, doanh thu bình quân của các HTX nông nghiệp mới chỉ đạt 125 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của xã viên HTX, tổ hợp tác nông nghiệp cũng thuộc dạng thấp, dao động trong khoảng 1,5-1,8 triệu đồng/người/tháng.

Đề cập chất lượng, vai trò của các HTX nông nghiệp, bà Tống Thị Phương Dung - nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ - Chính sách, Liên minh HTX tỉnh không ngần ngại chỉ ra nguyên nhân: Các HTX nông nghiệp đều có xuất phát điểm thấp, nội lực yếu, quy mô dịch vụ nhỏ, thiếu ổn định, năng lực cạnh tranh thấp. Thậm chí, nhiều nơi, HTX còn “trắng” từ vốn đến trụ sở, xưởng sản xuất. Trong khi đó, trình độ văn hóa, nhận thức của xã viên, thậm chí là ban giám đốc còn thấp, không năng động, thiếu phương án sản xuất, kinh doanh; công tác kế toán bị xem nhẹ… Chính điều này đã gây ra những “lỗ hổng” lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều HTX.

Thừa nhận thực tế này, theo ông Mai Mộng Tuân - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, trong nỗ lực hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã và đang xúc tiến củng cố các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp. Song, với tình hình hoạt động nhiều HTX đang bộc lộ nhiều yếu kém, khó khăn và chưa có giải pháp hữu hiệu, nông dân chưa mặn mà vào kinh tế hợp tác, tâm lý ngán ngại về kinh tế tập thể kiểu cũ vẫn còn thì việc hoàn thành tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất sẽ không đơn giản.

Hùng Cường

Các tin khác
Rác thải vứt bừa bãi ở khu chợ xã Minh Quân (Trấn Yên).

YBĐT - Những địa phương như thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Yên Bình nằm trong địa bàn quy hoạch thu gom rác thải của Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất phân vi sinh hữu cơ tại xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái) cần khai thác triệt để lợi thế của Nhà máy này.

Gạo cứu trợ đã về tới gia đình bà Đinh Thị Mong, thôn Khá Thượng 1, xã Thanh Lương.
(Ảnh: Ngọc Sơn)

YBĐT - Chẳng ai trong số những dân nghèo nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước cười lên được. Đúng là bà con có khó khăn mới nhận gạo cứu đói, hỗ trợ giáp hạt, không ai cố len vào nhận gạo làm gì cả. Còn có những người khác không nhận gạo, chúng tôi thấy họ cũng không cười, đó là những cán bộ địa phương.

Nhiều bạn trẻ ở phường Nguyễn Thái Học sau khi đăng ký kết hôn đã đến dâng hương tại Khu di tích Nguyễn Thái Học trong công viên Yên Hòa.

YBĐT - Nhà báo Ecetera Nguyễn bước vào công viên, anh gặp một cụ già và hỏi thăm về khu mộ Nguyễn Thái Học thì cụ già này chỉ đúng vị trí phía góc công viên. Ngược lại, đi thêm một đoạn nữa thì gặp một thanh niên và vẫn câu hỏi dành cho cụ già trước đó thì anh thanh niên chỉ tay sang quả gò bên kia hồ và nói rằng mộ của ông Nguyễn Thái Học ở phía bên đó chứ ở đây chỉ là tượng đài.

Xe tải trọng lớn đi qua đường Nguyễn Đức Cảnh để né trạm cân. (ảnh chụp lúc 23 giờ ngày 19/5).

YBĐT - Kể từ khi trạm cân kiểm tra tải trọng di động được đặt tại Km 33+100 quốc lộ 70, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố trở nên nhộn nhịp vì xe quá tải chạy “vòng” để lách trạm cân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục