Ở đầu nguồn Nậm Đông
- Cập nhật: Thứ tư, 4/6/2014 | 8:40:57 AM
YBĐT - Người ta thường nói, nước Nậm Đông chính bắt nguồn ở xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu. Người thì bảo, dòng Nậm Đông có nước chảy xuống từ Ngọc Chiến, tỉnh Sơn La. Nhưng dẫu sao, sự thẩm thấu, gom góp từng giọt vào mạch nhỏ đến nhánh lớn chắc hẳn lâu lắm. Tất thảy đã tụ dòng ở Pá Khoang thành nguồn "than trắng" cho hai nhà máy thủy điện trên dòng Nậm Đông hung dữ xưa kia.
Cây ngô đồi đang được đưa vào trồng thay thế diện tích lúa nương.
|
Con đường từ thị xã Nghĩa Lộ ngược lên Túc Đán lổng chổng đá. Dọc bên đường qua bản Nậm Đông của xã Nghĩa An lúa đang rộ chín. Bàn tay chăm chỉ của đồng bào Thái ở đây đang thu hái một vụ lúa bội thu. Thành quả ấy đang tỏa hương tràn xuống phía dòng Nậm Đông. Thời điểm này ít mưa, nhà máy thủy điện hoạt động cầm chừng tích nước nên dòng chảy hiền hòa đưa nước mát cho cánh đồng Mường Lò. Ngược dốc qua vài khúc cua nhỏ, toàn bộ Nhà máy Thủy điện Nậm Đông IV đã nằm trong tầm mắt. Phía trên nhà máy, dòng Nậm Đông cạn nước, ngổn ngang những tảng đá trong lòng suối.
Phía dưới trụ sở Ủy ban nhân dân xã Túc Đán không xa là cửa lấy nước vào đường ống áp lực của Nhà máy Thủy điện Nậm Đông IV. Nhưng từ đây, phải mất thêm 4 - 5 cây số nữa người ta mới có thể đến đập ngăn dòng ở thôn Làng Linh. Con đường gồ ghề, nắng bụi dẫn tôi dọc theo con kênh lên đập dâng nước ở Làng Linh. Nhà máy Thủy điện Nậm Đông III lấy nước từ đầu nguồn ở thôn Pá Khoang có ống áp lực dài trên 1.300 mét, chiều dài kênh cũng gần 4 cây số. Nước qua các tổ máy lại được chặn dòng cách đó vài trăm mét, dẫn vào kênh chạy qua trung tâm xã. Nói là nhà máy nhưng vắng vẻ, chỉ thấy như ồn ào hơn khi chúng tôi đến gần. Có 3 tổ máy thì chỉ thấy một hoạt động, 2 tuốc-bin còn lại đứng im như để chờ nước.
Đập thủy điện Nậm Đông mùa này luôn chờ tích nước cho chạy máy giờ cao điểm.
Ba giờ chiều, không một chút gió, cái nắng hè chang chang như đổ lửa xuống từng quả đồi trọc. Những vạt keo trồng để "giữ" nhà máy cũng thưa thớt, xiêu vẹo chưa thể thành rừng. Không một bóng cây, một cụm dân cư trải dọc trên kênh dẫn nước đành phơi mình, kèm theo đó phải chịu sức nóng bốc lên từ khối đá lớn nhỏ dưới dòng suối khô khốc. Những hộ này ở nơi thấp nhất của thôn, số hộ còn lại phân tán ở các khu vực phía trên nhà máy.
Là 1 trong 12 xã, thị trấn của huyện Trạm Tấu khó khăn nhất cả nước, Túc Đán có 525 hộ với gần 3.000 người. Xã có 7 thôn, bản, trong đó 6 thôn, bản là đồng bào Mông (chiếm 90% dân số), 1 thôn là người Khơ Mú và người Thái sinh sống. Gần thị xã Nghĩa Lộ, có tiềm năng đất đai, lại là đầu nguồn nước của 3 nhà máy thủy điện nhưng tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn chiếm tới 80,5%. |
Nhà Trưởng thôn Làng Linh Sùng A Giàng to đẹp nhất trong tám ngôi nhà ở đây. Gần 4 giờ chiều đã sắp sửa cơm nước cho mấy anh em giúp tra lúa nương nên bếp lửa giữa nhà được nhóm lên sớm. Cái nóng bức làm cho mấy đứa bé cứ bám mình quanh vòi nước. Không khí ngột ngạt dường như làm cho người mới đến đây như thấy cái nghèo càng nghèo hơn. Mà nghèo thật! Cả thôn có 65 hộ thì chưa đầy chục hộ không nằm trong diện nghèo. Cả 5 đảng viên của Chi bộ thôn Làng Linh vẫn chưa hết nghèo, hộ Trưởng thôn Sùng A Giàng cũng vừa thoát nghèo năm ngoái.
"Dễ đi thôi, đường vào nhà máy thủy điện mà! Nhà báo phải đến tận nơi mới biết đồng bào khó khăn thế nào..." - Bí thư Đảng ủy xã Thào A Ly nói với tôi lúc còn ở trụ sở xã. Quả dễ đi thật, đường có thể đi ô tô dễ dàng như vậy mà sao lại nghèo? Tôi tự hỏi vậy rồi nhìn cái quạt điện nhà Trưởng thôn mệt mỏi quay chẳng bớt được cái nóng rát hất vào từ quả đồi cao ngất bên kia suối. Té ra họ vẫn dùng điện nước, cái "củ điện" lúc có nước thì sáng, lúc không đủ thì tối nhưng khi thừa nước, lũ về có khi còn cuốn trôi cả máy. Trưởng thôn Giàng vừa bấm tay tính nhẩm vài hộ có nhà gỗ khang trang, những hộ có xe máy loại tàm tạm vừa ca cẩm: "Dân không đủ ăn đâu, vẫn phải lên rừng thôi, kiếm gỗ bán được trăm ngàn hay 2, 3 cân gạo ăn đấy!". Rồi Trưởng thôn cùng Bí thư Chi bộ Thào A Giàng kể về những khó khăn trong sản xuất của đồng bào. Nào là toàn núi đá, đất sản xuất ít; nào là thời tiết khắc nghiệt, không hợp để chăn nuôi nên có hộ được nhận trâu của dự án nuôi một thời gian trâu gầy nên đã bán; rồi chuyện dùng đất chung để làm lúa nương, vài ba năm đất bạc lại chuyển sang trồng mảnh khác... Đồng bào Mông ở đây cũng được tuyên truyền việc trồng ngô vào diện tích lúa nương, diện tích sắn, chỗ bằng thì khai hoang ruộng nước nhưng xem ra cũng chưa thay đổi được ngay.
- Thế Chi bộ và thôn đã làm gì để dân đỡ khổ không? - tôi hỏi.
- Có chứ! Tuyên truyền phát triển kinh tế để đỡ khổ đấy nhưng ở đây, trồng cái gì cũng khó lắm, ruộng ít mà chỉ làm được một vụ vì không có nước đâu - Bí thư Giàng đáp luôn.
Nhưng tại sao ở bên cạnh nhà máy thủy điện lại không có nước làm ruộng? Nghĩ rồi tôi lại tự đi tìm câu trả lời. Đơn giản là thủy điện còn chẳng có nước thì lấy gì để tưới cho lúa. Nước mà thiếu thì câu chuyện làm nhà máy Nậm Đông I, Nậm Đông II chắc mãi cũng chỉ là ý tưởng. Chả thế họ bán cái nhà làm việc, để lâu sợ mục nát.
- Thế thôn có đề ra mục tiêu xóa hộ nghèo không?
- Bây giờ chẳng biết được đâu, năm nay hết nghèo có khi sang năm lại nghèo thôi. Có những hộ có thể thoát nghèo, có những hộ chẳng thể thoát nghèo được đâu!
- Lười quá, phải làm thì mới xóa được nghèo chứ! - Trưởng thôn Giàng thêm vào để giải thích.
Ra vậy đấy! Những hộ chẳng thể thoát nghèo là những hộ không chịu làm ăn. Nguyên nhân nghèo ở thôn Làng Linh cũng là nguyên nhân điển hình ở tất cả thôn, bản của xã. Trong câu chuyện với chúng tôi, khuyến nông viên cơ sở Đèo Tiến Cương - người Nghĩa Lộ nhưng đã có 10 năm gắn bó với mảnh đất và con người Túc Đán nói nhiều về cung cách làm ăn của người dân trong xã. "Xã có tiềm năng đất đai nhưng đồng bào phần quen trông chờ ỷ lại, phần còn lười lắm. Trước đây, cứ vào đầu vụ là chúng tôi phải đi tận thôn, xuống ruộng làm cùng bà con. Nhận thức trong chuyển đổi sản xuất được nâng lên nhưng có những nơi vẫn khó nhà báo ạ. Đồng bào vẫn quen kiểu trồng xong bỏ đấy, chăm sóc kém rồi cứ bảo do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt".
Trong câu chuyện, không so sánh nhưng anh khuyến nông viên tỏ ra muốn nói về trình độ canh tác cũng như sự chăm chỉ lao động hơn hẳn của người Thái ở bản Nậm Đông (xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ), người Thái và người Khơ Mú ở thôn Pá Te, người Mông ở Háng Tàu và Tống Chông cũng khá hơn so với các thôn khác. Ngay như chủ trương chuyển diện tích lúa nương sang trồng ngô là hiệu quả và bền vững, nhiều xã khác đã làm thành phong trào nhưng ở đây còn phải vận động nhiều.
Thôn Tà Chử có khoảng 40 hộ nhưng vận động tới sáu, bảy lần mới trồng được gần chục héc-ta. Mãi đến năm 2013 mà xã còn phải giao chỉ tiêu mỗi cán bộ xã, trưởng thôn, bản phải trồng cho được 5.000 mét vuông ngô đồi. Phần lớn giống ngô cho diện tích chuyển đổi vẫn do huyện và tỉnh cấp phát không.
"Người dân ở đây thế song hai, ba năm gần đây nhận thức cũng đã khá hơn rồi. Phải dần dần từng bước mới có thể thay đổi suy nghĩ, cách làm của đồng bào" - anh Cương nói với tôi như để tự an ủi, động viên bản thân. Phải có niềm vui để làm việc, để cống hiến được ngần ấy năm chứ. Vui bởi những nỗ lực ấy đã tạo ra những chuyển động nhất định, vụ xuân năm nay, cả xã vẫn duy trì cấy 75,4ha lúa, trồng trên 156ha ngô; tổng đàn gia súc gia cầm tăng so với cùng kỳ...
Tôi cũng biết vậy nhưng phải nhận thấy là đồng bào đã thay đổi nhiều so với trước rồi. Đã có những điển hình để bà con lấy đó làm gương học tập. Hộ anh Hảng A Của ở thôn Tống Ngoài đã bớt khó khăn nhờ chịu khó chăm sóc lúa để mỗi vụ chở về nhà hơn tấn thóc, trồng 5 cân giống để thu hoạch hàng tạ ngô. Gần đây, anh còn trồng cây thảo quả thu được cả chục triệu đồng.
Ở thôn Háng Tàu có nhà Lý A Sàng biết tính toán làm ăn bằng cách tận dụng những bãi hoang để nuôi trâu, bò, tận dụng ruộng cấy để nuôi cá và trồng ngô đồi nên chẳng những đủ ăn mà còn hướng dẫn người khác cùng làm. Rồi như việc canh tác trên cánh đồng mới (trước gọi là "cánh đồng ma") ở thôn Tống Trong là một dẫn chứng. Sau khi khai hoang, khoảng 5ha đất chia cho mỗi hộ 2 thửa ruộng cấy, nước rừng ít dần đi chẳng cấy được vụ lúa xuân, mấy năm gần đây đồng bào đã chuyển sang trồng ngô và một số cây màu khác.
Đồng bào Mông thôn Tống Ngoài, xã Túc Đán làm cỏ sắn.
Sau gần 2 tiếng cùng chiếc xe máy vật lộn, tôi đến được thôn Tống Trong. Sau quãng đường chưa đầy chục cây số từ trung tâm xã đến đây, tôi thầm thán phục những "tay lái của bản". Cứ chân dép trên những chiếc xe - chủ yếu là xe Win Trung Quốc - mà phóng rồi lượn lên, lượn xuống quanh co qua những cua chữ Z, cua tay áo với độ dốc hàng mấy chục phần trăm. Những con đường rộng trên dưới 1 mét ấy chỉ cần có mưa là đi bộ cũng đã khó khăn, đi lại bằng bất kỳ phương tiện gì khác là không thể. Vậy mà trên những con đường ấy, đồng bào đã chở tấm lợp để che chắn nhà cửa, chở cát sỏi, xi măng ngược núi làm thủy lợi hay mua phân về bón cho cây trồng. Trên đường ra cánh đồng mới, tôi gặp thanh niên Vàng A Vư chở bao phân xuống phía tràn ruộng gần suối.
- Ruộng nhà mình kia, gần suối Nậm Tục ấy, bên kia là "cánh đồng ma" đấy - thấy tôi chụp ảnh, Vư chỉ tay khoe khéo.
- Nậm Tục đấy à, có phải nước ở đây chảy về nhà máy thủy điện ở xã Nghĩa Sơn không?
- Đúng mà, đầu nguồn nó ở trong cánh rừng già kia kìa, xa lắm!
Ồ! Thì ra Túc Đán là xã có tới 2 nguồn nước cung cấp nước cho những ba nhà máy thủy điện. Chắc hẳn người dân ở đầu nguồn được quan tâm tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng lắm. Như nhiều hộ dân khác, nhà Vư cũng tham gia bảo vệ rừng, khai hoang ruộng và cấy hết 10 cân giống, thu được gần 3 tấn lúa. Gia đình còn trồng 1,5 cân ngô giống và đã trồng được khoảng 2.000 cây sơn tra nữa.
- Thế thì giàu rồi còn gì? - tôi nói.
- Chưa đâu, nhà đông lắm, 11 người đấy. Mình phải đi từ 5 giờ sáng xuống thị xã Nghĩa Lộ mua phân giờ về mới kịp bón lúa đấy. Phải bón phân lúa mới cho năng suất cao - Vư vừa nói vừa đưa tay quệt mồ hôi.
Rõ là đã thay đổi nhé, đồng bào đã biết mua phân về bón cho cây trồng còn gì! Mừng là thế nhưng tôi hiểu, đồng bào mới chỉ biết bón phân của nhà máy thôi! Trâu, bò, con lợn còn thả rông khắp bản, khắp rừng, thải ra bừa bãi thế kia thì đồng bào làm sao có đủ phân bón cho sản xuất. Rồi con đường từ đây xuống thị xã gian nan chẳng kém đường về trung tâm xã. Sợ cả con đường, có khi đi rồi không muốn quay về.
Đi dưới những con đường nắng như thiêu như đốt ở thôn Làng Linh, thôn Pá Khoang mới sợ. Nhìn lên thấy đồi trọc, nhìn xuống thấy ruộng nương như mảnh vá, đồi núi khoang vện. Dọc đường qua thôn Háng Tàu, lên Tống Trong, ra Tống Ngoài, tụt xuống Nghĩa Sơn (Văn Chấn), không ít lần tôi rơi vào cái cảm giác trống trải đến ghê người. Không thấy màu xanh của rừng là vắng những khoảnh ruộng bậc thang lóng lánh nước của mùa gieo cấy, thiếu đi sự trù phú của bản làng. Rừng có vẻ đã hết. Chả trách khi mưa xuống, lũ quét, lũ ống ào ào rửa trôi đồi núi, đâu còn ngấm đất, còn tích tụ được bao nhiêu để có nước làm vụ lúa xuân. Ngay hai Nhà máy Thủy điện Nậm Đông III, Nậm Đông IV còn chẳng đủ nước vận hành thường xuyên mà phải tích nước dành cho giờ cao điểm.
Bên chén rượu tiễn khách ở nhà Trưởng thôn Tống Ngoài - Giàng A Dê, tôi hỏi một câu tưởng như "biết rồi, khổ lắm, nói mãi": "Để người dân ở đây bớt đói nghèo cần phải có những gì?".
Nhưng rồi tôi cũng được nghe những câu trả lời mà tôi đã từng nghe: đầu tiên là đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia, tiếp đến là nỗ lực, phấn đấu của người dân. Đúng là kết cấu hạ tầng, cụ thể là con đường có một ý nghĩa đặc biệt - một yếu tố quan trọng để người dân vùng cao bớt khó khăn trong đi lại. Nhưng con đường làm ăn, tính toán làm sao, vận động thế nào để đồng bào thay đổi, nâng cao nhận thức, biết chăm chỉ làm cho đủ ăn, cho thừa lúa, thừa ngô bán làm hàng hóa, nuôi nhiều trâu, bò, ngựa, dê để người miền xuôi lên mua mới là vấn đề phải trăn trở, phải nghĩ và phải làm cho được mới là điều khó khăn đối với Túc Đán. Làm sao để yếu tố thứ hai kia được đưa lên hàng thứ nhất mới làm cho mảnh đất nơi đầu nguồn của dòng Nậm Đông có thêm mảng màu xanh mới.
Quang Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Trong cuộc sống, ai cũng muốn chọn cho mình một công việc, nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường và không quá vất vả. Tuy nhiên, ước mơ chính đáng này không dễ gì thực hiện được với nhiều người bởi việc làm đang là vấn đề bức thiết trong xã hội hiện nay. Để duy trì cuộc sống và hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, không ít lao động tự do đã chấp nhận làm những công việc thật vất vả, nguy hiểm mà vẫn chịu nhiều thiệt thòi.
YBĐT - Trong những tháng đầu năm 2014, tình hình an ninh trật tự (ANTT) và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn 9 phường, 8 xã của thành phố Yên Bái khá ổn định, không xảy ra án đặc biệt nghiêm trọng, không có điểm nóng về ANTT hay tội phạm sử dụng vũ khí.
YBĐT - Khi ngành nông nghiệp đang từng bước tiến tới xây dựng nền sản xuất hàng hóa thì nhu cầu liên kết các "mắt xích" trong chuỗi sản xuất này đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác nông nghiệp phải "vững tay chèo, chắc tay lái" vượt qua sóng gió trong bối cảnh hiện nay.
YBĐT - Nhằm đưa chăn nuôi trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Đặc biệt, từ năm 2009, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa với số tiền hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện, ngành chăn nuôi vẫn chưa tạo được bước đột phá mạnh mẽ và bộc lộ những điểm yếu cần khắc phục.